Linh mục Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium của Canada có bài nhận định sau được đăng trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình EWTN của Hoa Kỳ. Nguyên ngữ tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ:
Có chút công lý nào không trong bản án chống lại Đức Hồng Y Pell hay chỉ toàn là băng hoại?

Linh mục Raymond J. de Souza


Liên quan đến vụ án của Hồng Y Pell, Vatican đã nhiều lần bày tỏ “sự tôn trọng tối đa” đối với các nhà chức trách Úc. Tại sao lại phải như thế?

Các nhà bình luận trên một quang phổ chính trị và giáo hội rộng lớn - bao gồm cả tác giả bài này [Cha Raymond J. de Souza] - đã thấy việc truy tố Đức Hồng Y Pell là một sự bất công hiển nhiên.

Điều này đã được biết đến từ lâu, và bây giờ có thể được báo cáo công khai, rằng cảnh sát ở Victoria (tiểu bang quê quán của Đức Hồng Y Pell) đã săn lùng các chứng cớ để bắt Đức Hồng Y Pell từ lâu trước khi có bất kỳ khiếu nại nào về ngài. Họ đã thành lập một đội đặc nhiệm, trong một chiến dịch gọi là Tethering, vào năm 2013 để tìm kiếm các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y trước khi bất kỳ khiếu nại nào như vậy được trình báo với cảnh sát.

Họ đưa ra những quảng cáo gạ gẫm những câu chuyện về lạm dụng tình dục tại nhà thờ chính tòa Thánh Patrick trước khi nhận được bất kỳ khiếu nại nào. Cảnh sát Victoria đã có người của họ và chỉ cần tạo ra một nạn nhân và một khiếu nại.

Nhưng, bạn có thể nói, “sự tôn trọng tối đa” của Vatican chỉ là điều mọi người thường nói thôi mà. Không phải như thế.

Tờ The Economist ngày 2 tháng Ba đăng những hàng tít lớn “Cảnh sát Úc ma giáo”, “Bất công hình sự”, “Cảnh sát tham nhũng ở Úc”. Đó là những mô tả về bộ phận cảnh sát đã khởi tố vụ án chống lại Đức Hồng Y Pell.

“Cảnh sát ở bang Victoria đã chi ra hàng triệu đô la để cố gắng giữ bí mật những dàn xếp của họ với điềm chỉ viên 3838,” tờ The Economist giải thích. “[Nicola Gobbo] là một luật sư trẻ tuổi về các vụ án hình sự, đã cáo mật cho cảnh sát những chi tiết về một số thân chủ của cô là các tay buôn ma túy khét tiếng nhất tại Úc trong khi chính cô ta đại diện cho họ trong những thập niên 1990 và 2000. Cô tuyên bố hành động của mình đã giúp kết án gần 400 tội phạm. Nhưng làm thế là cô vi phạm quyền bảo mật của họ và đánh mất đi cơ hội của họ có được một phiên tòa công bằng. Trò ma giáo này giờ đây bị phanh phui và hàng chục tên côn đồ có thể được trả tự do.”

Đây không chỉ là tin tức được tung ra bởi một tờ báo trong cơn tức giận trước sự chà đạp quyền công dân.

Chính tòa án tối cao Victoria đã truyền rằng cảnh sát Victoria đã làm băng hoại hệ thống tố tụng và “hạ thấp các nguyên tắc cơ bản của hệ thống tư pháp hình sự.” Thống đốc tiểu bang Victoria đã công bố thành lập một ủy ban hoàng gia, với quyền hạn khởi tố, để điều tra sự xuất hiện tham nhũng ở cấp cao nhất trong ngành cảnh sát Victoria và những nỗ lực sau đó nhằm che đậy tham nhũng.

Khi buộc phải tiết lộ công khai về Gobbo, cảnh sát Victoria cũng đã nhìn nhận rằng họ có sáu người cáo mật thông tin khác từ các văn phòng luật sư biện hộ cho các trường hợp hình sự, từ năm 1995 đến gần đây nhất là năm 2016.

Trong khi đó, các quan chức cảnh sát Victoria “cũng đã bị cáo buộc làm sai lệch lời khai của một nhân chứng và vùi dập những người vô tội,” tờ The Economist báo cáo.

Đó là một sự thật - một sự thật đáng lo ngại đến nỗi đã dẫn đến việc thành lập một ủy ban hoàng gia, tức là ủy ban điều tra công cộng ở cấp cao nhất ở một quốc gia trong khối Thịnh Vượng Chung - rằng cảnh sát Victoria, một khi nghĩ rằng ai đó có tội, thì nó sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc bảo đảm pháp lý cơ bản nhất, bao gồm đặc quyền có được một luật sư biện hộ cho mình [chứ không phải lại quay sang tố cáo mình].

Nếu các quan chức cấp cao trong ngành cảnh sát Victoria biết rõ như thế, thì điều đó có nghĩa là cơ quan cảnh sát đã trở nên quá ngạo mạn tự cho mình quyền xác định ai là người có tội trước khi xét xử và sau đó sử dụng bất kỳ phương tiện nào thấy cần thiết để có được bản án, kể cả việc lũng đoạn hệ thống tư pháp hình sự.

Nghe có vẻ quen hả? Có ai từng biết qua các tiêu chuẩn đạo đức quá thấp của cảnh sát Victoria lại ngạc nhiên khi thấy rằng trong nỗ lực hạ bệ Đức Hồng Y Pell, hàng chục thực hành đáng ngờ đã được sử dụng?

Hãy nhớ rằng sự lũng đoạn hệ thống tư pháp hình sự của cảnh sát Victoria đã diễn ra trong hơn 20 năm trước khi nó được phanh phui vào tháng 12 năm 2018. Hãy tưởng tượng những gì một ủy ban hoàng gia điều tra vụ truy tố Đức Hồng Y Pell rồi đây sẽ đưa ra ánh sáng.

Cảnh sát Victoria không phải là sở cảnh sát duy nhất lũng đoạn hệ thống tư pháp hình sự - những ví dụ như thế không thiếu ở Canada và Hoa Kỳ. Nhưng họ là cơ quan có liên quan đến việc khởi tố Đức Hồng Y, và uy tín của họ trong các vụ án lớn chỉ là một đống giẻ rách.

Cảnh sát Victoria đã không kiếm được “sự tôn trọng tối đa” ngay tại Victoria. Tại sao họ lại được hưởng cái “sự tôn trọng tối đa” đó ở Vatican?


Source:National Catholic Register