CHIẾC TRÂM CÀI TÓC VÀ TIẾNG CHUÔNG TRỪ TÀ
Chúa Nhật VI THƯỜNG NIÊN (C 2019)

Nếu Chúa Nhật trước, Lời Chúa mời gọi chúng ta lên đường thực thi sứ mệnh tông đồ với lời mòi gọi của chính Chúa Giêsu : “Anh em sẽ là những tay chài lưới người”. Thì hôm nay, Lời Chúa muốn đưa chúng ta đi vào “trường huấn luyện” của Tin Mừng để những người tông đồ nắm bắt bài học cơ bản đầu tiên : SỐNG TỰA NƯƠNG VÀO CHÚA – SỐNG KHÓ NGHÈO, như lời hiệu triệu lúc khởi đầu của Ca Nhập Lễ : “Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, trở thành chiến lũy kiên cố để cứu độ con.”(Tv 30, 3-4)
Mà đâu phải chỉ Chúa Nhật hôm nay chúng ta mới tìm thấy sứ điệp Lời Chúa mang nội dung “Khó Nghèo” ! Người ta bảo rằng : Nội dung xuyên suốt của Kinh Thánh, cuốn sách ghi lại lịch sử thánh, lịch sử của "Dân Giao ước", chủ yếu được trình bày như "cuốn nhật ký" ghi chép những kinh nghiệm và bài ca của “những người nghèo” của Gia-vê, những người chọn Chúa làm điểm tựa, làm gia nghiệp cho cuộc đời; mà đó lại là những kẻ được Chúa chọn gọi để trao cho những sứ mệnh cao cả, vĩ đại…và thường phải đối mặt để rồi “hạ gục” những kẻ quyền lực, giàu sang, uy thế…

Ngay từ những trang Cựu Ước, chúng ta đã tìm thấy những khuôn mặt “nghèo điển hình” như thế :
- Mô-sê, một “đứa con hoang” bị săn đuổi, tên “chăn cừu bất đắc dĩ” trong hoang mạc Ma-đi-an, đã ngẫng cao đầu trước Pha-ra-ô, hoàng đế uy quyền lẫm liệt Ai Cập và đã trở thành “Nhà Giải Phóng” vĩ đại của mọi thời ! (Xh 12, 29-32).
- Đa-vít, "đứa em út chăn chiên nhỏ con", chỉ với chiếc ná và vài viên đá cuội, đã hạ gục tên dũng sĩ Go-li-át to lớn “trang bị tận răng” và rồi trở thành “Tổ Phụ của Đấng Mêsia”. (1Sm 17, 32-51).
- Ê-li-a, nhà ngôn sứ cô độc, cả một đời lao đao lận đận trước sự truy đuổi đầy thủ đoạn và quyền uy của hoàng hậu I-dê-ven và vua A-kháp, đã trở thành “tấm khiên che bất bại” trong cuộc chiến bảo vệ niềm tin cho dân Chúa. (1V 19, 1-8).
- Giu-đi-tha, người goá phụ "liểu yếu đào tơ", vì sự sống còn của dân Chúa, đã chém đầu viên đại tướng Ho-lô-phec-nê oai hùng bách chiến bách thắng. (Gđt 13, 1-10).
- Hoàng hậu Ét-te với người cậu ruột Móoc-đô-khai, những người mang thân phận lưu đầy và đang chuẩn bị bước tới đoạn đầu đài, chỉ còn lại thứ vũ khí duy nhất là niềm tin yêu phó thác, chay tịnh, nguyện cầu… đã hạ gục tên đại thần ác độc Ha-man. (Et 5-7)…

Trong khi đó, nếu lật lại từng trang Tân ước chúng ta sẽ gặp thấy :
- Giu-se, Ma-ri-a, Hài nhi Giê-su, một gia đình nghèo nàn chân chất, đã từng phải trốn chạy trước chủ trương tàn độc của bạo vương Hê-rô-đê, kẻ giàu có quyền uy nhưng lại run sợ trước một hài nhi bé bỏng, đến độ đã ra tay tàn sát các trẻ em ở Bê-lem…!
- Gioan Tẩy giả, vị ngôn sứ "bản lề" của "hai Giao ước", đã chấp nhận mất đầu để bảo vệ cương thường đạo lý khi can đảm đối đầu với những kẻ băng hoại đầy thế lực, uy quyền như Hê-rô-đi-a-đê, Hê-rô-đê.
- Nhóm Mười Hai Tông đồ, phần đông dốt nát, dân giả, qui tụ với nhau chung quanh một người nghèo kiết xác đến đổi "không có viên đá gối đầu", và luôn bị dè bỉu, khinh khi bởi giai cấp tư tế, biệt phái ...
- Và nhất là Đấng Cứu Thế Giê-su : Một em bé sinh trong hang lừa, máng cỏ, lớn lên trong xưởng thợ, thường xuất hiện giữa những người tội lỗi, bị xem thường là “con bác phó mộc”, bị gán cho là kẻ phá hoại… và cuối cùng bị kết án tử hình giữa những tội nhân…

Riêng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nội dung và những cách diễn đạt thâm thuý về “cái nghèo đáng trân trọng”, là dáng đứng của niềm tin yêu phó thác đó ngay trong trích đoạn sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a vừa được công bố :
“Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối,…mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi…”
Hình ảnh “người nghèo như cây lá xanh tươi”, thanh thản tự tại vươn lên giữa trời và đất làm chúng ta liên tưởng đến cái phong cách “Hàn nho phong vị phú” của người quân tử phương đông trong ngôn ngữ của nhà thơ Nguyễn Công Trứ :
“Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ…”
Đó cũng là quan niệm về cái nghèo, cái khổ đầy thi vị qua hình ảnh “những đường tơ của mạng nhện” hay “những ánh lập loè của đom đóm” nơi “Tài tử đa cùng phú” của thi gia một thuở lừng danh Ca Bá Quát :
“Túi thanh bạch ngược xuôi miền khách địa, trăm nghìn đường chỉ nhện dệt thưa mau;
Đèn toan hàn thức nhắp mái nam song, dăm ba ngọn lửa huỳnh khêu nho nhỏ…”
Đó cũng là “cái nghèo” đượm một chút “sang chảnh đầy thanh cao” của một Nguyễn Bĩnh Khiêm, có mẹ thiên nhiên bao bọc, đủ đầy để sẵn sàng xem “công danh phú quý” chỉ là “giấc chiêm bao” :
“…Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao.”
Trong khi đó, nhà “thi sĩ vĩ đại của người nghèo”, tác giả của bài kinh bất hủ “KINH HOÀ BÌNH”, đã sống mãi với thời gian qua hơn tám thập kỷ, Thánh Phanxicô Assisi (1181-1226), không những là chứng nhân tiêu biểu của Đức Khó Nghèo Kitô giáo, của Tin Mừng Bát Phúc, mà còn là người đã trân trọng “đính hôn cuộc đời với cô Khó Nghèo”, một ý tưởng, một nhân đức, một quan niệm sống… được ngài nhân cách hoá như một ngôi vị : CÔ NGHÈO (LADY POVERTY)
Tuy nhiên, để cảm nhận thật sự “chân lý của nghèo khó”, và đón nhận như một sự khôn ngoan, một hạnh phúc, một chọn lựa cho cuộc đời, thì chúng ta phải trở lại những lời dạy độc đáo của Tin Mừng, phải tìm đến chính “người nghèo vĩ đại nhất của nhân loại” đó chính là Đức Giêsu-Kitô, là Đấng đã tự đồng hoá mình với muôn vạn người “bé mọn” khác trong nhân loại được Thiên Chúa nhìn đến, đoái thương, mạc khải :
"Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn".(Mt 11, 25).
Đặc biệt, với ngòi bút của một “thầy thuốc và nhà văn”, Thánh Luca quả đã cho chúng ta cảm nhận được một “Thiên Chúa của người nghèo”, một Thượng Đế hoá thân kẻ nghèo, một Đấng Cứu Thế thuộc hàng dân giả để giải thoát và bênh vực những “kẻ nghèo” qua chính ngôi vị Giêsu Na-da-rét, như nhận xét của nhà chú giải Kinh Thánh Noel Quesson :
“Đức Giêsu là Đấng "Mêsia của người nghèo". Chính Người đã sống khó nghèo ; nhiều lần Người đã cho thấy Người thích hướng về phía nào". Dĩ nhiên, Người đã hiệp thông trong thân xác và trong cảm thức con người với điều kiện khắc nghiệt của những ai thiếu thốn. Khi chia sẻ thân phận của họ từ lúc nằm trong máng cỏ cho đến lúc bị đóng đinh, "không có một viên đá để kê đầu!", Người đã cảm thấy một trái tim huynh đệ đang đập vì họ. Là Đấng Mêsia của người nghèo bị Do Thái giáo của giới trí thức Giêrusalem khinh bỉ, Đức Giêsu đã đau khổ như những "người phận nhỏ" và "cùng với họ" bị những "người có của" lăng nhục, khinh khi. Ôi ! sự khinh miệt đáng sợ ấy thường là vô thức đối với sự nghèo khó từ phía những kẻ no nê và cười ngạo nghễ. Vậy Đức Giêsu hứa hẹn gì với những người nghèo ấy ?
Nước Thiên Chúa là của anh em... Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng... anh em sẽ được vui cười…”
Cách riêng trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, một đoạn văn quan trọng của thánh sử Luca, “đoạn mở đầu” trong loạt “BÀI GIẢNG TRÊN CÁNH ĐỒNG” với 4 mối phúc và 4 mối hoạ, cũng nhằm quy chiếu vào “trọng tâm của đức khó nghèo Tin Mừng” theo nghĩa : chọn khó nghèo, tin tưởng vào Chúa luôn là một bảo đảm cho hạnh phúc hiện tại và vĩnh hằng. Trái lại, nếu chọn sự giàu có thế gian, đặt niềm tin vào chính mình, khước từ Thiên Chúa, sẽ tự giam hảm mình trong nỗi bất hạnh triền miên. (Xem thêm bài chú giải của Noel Quesson)
Thánh sử Luca đã lặp đi lặp lại nội dung ý nghĩa nầy trong Tin Mừng của Ngài, như chúng ta thấy nơi dụ ngôn người ngheo Ladarô (Lc 16,19-31), nhất là nơi bài ca Magnificat :
“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng…” (Lc 1,51-53).
Đứng trước một trào lưu xã hội “thượng tôn vật chất”, thực dụng và hưởng thụ tiện nghi, những lời công báo “Phúc-Hoạ” hôm nay quả thật cần thiết. Bởi chưng, con người muôn nơi muôn thuở vẫn còn đó nguyên cơn cám dỗ “trái cấm” nơi vườn địa đàng, hay cơn cám dỗ “bánh mì, sự giàu có thế gian và vinh quang trần tục” nơi hoang mạc !
Trong lãnh vực đức tin, mục vụ, Giáo Hội, được mệnh danh là “Đoàn chiên nhỏ”, đâu đã thoát hẳn những cơn bệnh “thế tục hoá” của những “ông phú hộ”, của “chàng trai giàu có”: muốn nhà thờ mình, cộng đoàn mình, Hội Dòng mình, gia đình mình…phải to lớn khang trang, phải huy hoàng hoành tráng, phải hiện đại hợp thời…và bao nhiêu cái phải để “chẳng khác gì thế gian”.
Dĩ nhiên, khi chọn cái “PHÚC” của Tin Mừng cũng có nghĩa chọn “Con đường thập giá”, chọn phương án “tự huỷ” để chiếm hữu “NƯỚC THIÊN CHÚA”, để đạt được niềm hạnh phúc “PHỤC SINH”. Sự phục sinh của Đức Kitô chính là đích điểm của sự chọn lựa “khó nghèo thập giá”; đó chính là chân lý đã được Thánh Phaolô cùng với cộng đoàn tín hữu Côrintô xác tín và tuyên xưng ngay từ những buổi đầu khai sinh Giáo Hội mà chúng ta vừa nghe lại trong Bài đọc 2 : “Đức Kitô từ cõi chết sống lại là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc”.

Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 6 thường niên hôm nay gọi mời cộng đoàn tín hữu chúng ta một lần nữa quy tụ xung quanh Đức Kitô để lắng nghe Lời dạy quan trọng của Ngài về con đường Phúc Thật của Tin Mừng. Mà không chỉ lắng nghe, điều quan trọng hơn đó là dấn thân chọn lựa và sống hết mình con đường khó nghèo của Phúc âm, con đường quyết chọn đứng về phía Thiên Chúa, tin tưởng và phó thác cho Ngài toàn thể vận mệnh và nhịp bước trong đời ; một sự tin tưởng-phó thác của những “bước chân Đa-vít” khi đối diện với gã khổng lồ “Go-li-át” (1 Sm 17,40-51), của tấm lòng “Bà Goá” sẵn sàng cho đi những “đồng xu cuối cùng” (Mc 12,41-44).
Trong cuộc chiến đấu với những thần tượng Mammon của thời đại hôm nay, với những tên khổng lồ Go-li-át của “sự giàu có thế tục”, tấm áo da cừu và những viên đá sỏi của Đa-vít vẫn còn nguyên giá trị; đặc biệt hơn, đó là những con đường mà “Vị Hậu Duệ của Đa-vít” đã chỉ ra hôm nay : những con đường Phúc Thật của Tin Mừng.
Con đường đó, mối phúc thật đó, nếu được diễn tả lại bằng ngôn ngữ của Nhà Phật, thì đó chính “CHIẾC TRÂM CÀI TÓC CỦA LỘC NƯƠNG” đã làm nên “TIẾNG CHUÔNG TRỪ TÀ CỦA CHÙA TẾ VŨ”

LM Giuse Trương Đình Hiền