Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đời sống Kitô không tương hợp với não trạng thế gian

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 29 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư về ngày thế mạt và nói rằng đời sống Kitô không thể tương hợp với tâm thức thế gian.

Suy tư của Đức Thánh Cha về ngày thế mạt được dựa trên những ý chính trong bài đọc Một trích từ Sách Khải Huyền, mô tả sự tàn phá của thành Babylon, là một biểu tượng cho tinh thần thế gian; và từ bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm Thánh Luca (21: 20-28), trong đó Chúa Giêsu nói về sự tàn phá của thành thánh Giêrusalem.

Vào ngày phán xét, Babylon sẽ bị phá hủy cùng với một tiếng hô to chiến thắng, Đức Thánh Cha nói. Con điếm đầu đàn sẽ ngã quỵ, và khi bị Chúa lên án, nó sẽ cho thấy bộ mặt thật của mình là “sào huyệt của ma quỷ, hang ổ của mọi thần ô uế.”

Đức Thánh Cha nói rằng sự thối nát đằng sau vẻ đẹp lộng lẫy của nó sẽ được phơi bày và những hoan lạc của nó sẽ hiện nguyên hình là thứ hạnh phúc giả tạo.

“Trong thành Babylon, người ta sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng nhạc du dương của các nhạc sĩ, tiếng hạc cầm, tiếng sáo, tiếng kèn - chẳng còn những tiệc tùng tráng lệ. Trong thành sẽ chẳng bao giờ còn thấy những thợ thủ công thuộc mọi ngành nghề bởi vì ngươi không phải là một thành của dựng xây, mà là một thành của thối nát. Trong thành sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cối xay bột nữa, cũng chẳng còn ánh đèn đêm. Thành này có thể được chiếu sáng nhưng lại không tỏa ra ánh sáng. Xã hội trong cái thành này là một xã hội thối nát. Trong thành người ta sẽ chẳng bao giờ còn được nghe tiếng tân nương và tân lang. Có rất nhiều cặp tình nhân, có rất nhiều người, nhưng lại chẳng hề có tình yêu. Sự tàn phá bắt đầu từ bên trong và sẽ kết thúc khi Chúa nói: “Đủ rồi”. Và sẽ đến ngày Chúa nói: “Đủ rồi đối với vẻ bề ngoài của thế gian này”. Đó sẽ là cuộc khủng hoảng của một xã hội trong đó người ta vẫn coi chính nó là một niềm tự hào, sung túc, độc tài. Và nó kết thúc như thế.”

Quay sang phần số của thành Giêrusalem, Đức Thánh Cha nói rằng thành này sẽ nhìn thấy sự sụp đổ của mình vì một loại sa đoạ khác, đó là “sự mục nát do sự bất trung trong tình yêu, nó đã không có khả năng nhận biết tình yêu Thiên Chúa nơi Người Con của Chúa Cha”.

Thành Thánh sẽ “bị giày xéo dưới chân các dân ngoại” vì nó đã mở tung lòng mình ra cho những kẻ không có lòng kính sợ Chúa.

“Hiện tượng tha hoá đời sống có thể xảy ra đối với chúng ta là các Kitô hữu. Liệu chúng ta có đang sống như những Kitô hữu không? Dường như là thế. Nhưng sự thật chúng ta sống không khác gì dân ngoại khi những điều này xảy ra: đó là khi chúng ta bị quyến rũ bởi Babylon và rồi Giêrusalem sống như Babylon. Cả hai thành tìm kiếm một sự tổng hợp không thể được. Và cả hai cùng bị lên án. Anh chị em có phải là Kitô hữu không? Hãy sống như một Kitô hữu. Nước với dầu không hòa tan được với nhau. Chúng luôn tách biệt. Một xã hội mâu thuẫn vừa tuyên xưng niềm tin Kitô vừa sống như một dân ngoại sẽ diệt vong.

Trở lại với hai bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, sau lời lên án hai thành phố, tiếng nói của Chúa sẽ rền vang: Ơn cứu rỗi sẽ tiếp nối sự hủy diệt. “Thiên thần bảo tôi: ‘Hãy viết: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!’” (Kh 19:9) “Bữa tiệc lớn; bữa tiệc thật sự,” ngài nói.

“Đối diện với những bi kịch của cuộc đời, chúng ta được mời gọi để nhìn về hướng chân trời, bởi vì chúng ta đã được cứu chuộc và Chúa sẽ đến cứu chúng ta. Điều này dạy chúng ta làm sao sống với những thử thách của thế gian, không thỏa hiệp với tinh thần thế gian hay ngoại giáo là những thứ chỉ mang đến sự hủy diệt chúng ta, nhưng sống trong hy vọng, tách mình ra khỏi những quyến rũ trần thế bằng cách hướng nhìn về chân trời và hy vọng nơi Chúa Kitô. Hy vọng là sức mạnh của chúng ta để tiến lên phía trước. Nhưng chúng ta phải cầu xin đức cậy nơi Chúa Thánh Thần.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta hãy nghĩ đến những người dân thành Babylon trong thời đại của chúng ta và nghĩ đến nhiều đế quốc hùng mạnh trong thế kỷ qua mà nay đã tan tành.

Ngài nói: “Các thành phố lớn ngày hôm nay cũng sẽ kết thúc và cuộc sống của chúng ta cũng thế, nếu chúng ta tiếp tục đi dọc theo con đường hướng về ngoại giáo.”

Đức Thánh Cha nói rằng những người duy nhất vẫn đứng vững là những ai đặt hy vọng nơi Chúa.

Ngài kết luận rằng:

“Chúng ta hãy mở lòng mình ra với hy vọng và dứt khoát đừng sống như dân ngoại”


2. Hai phép lạ của Đức Hồng Y John Henry Newman

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Diễn biến quan trọng trong tuần qua là Tổng Giáo Phận Chicago và Bộ Tuyên Thánh đã công nhận định một phép lạ do lời cầu bầu của Chân Phước Hồng Y John Henry Newman. Biến cố này dọn đường cho việc tuyên thánh dành cho ngài trong năm tới 2019.

Phép lạ vừa được công nhận liên quan đến một phụ nữ trẻ vừa tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa tại Chicago và vừa kết hôn trong một cuộc hôn nhân thật mỹ mãn với người mà cô rất thương mến. Trước viễn ảnh của một sự nghiệp tươi sáng, và một mái gia đình hạnh phúc, năm 2015, cô rơi vào một tình cảnh đáng âu lo khi bác sĩ báo cho cô biết cái thai của cô có vấn đề rất nghiêm trọng đến tính mạng.

Cô và gia đình chạy đến kêu cầu cùng Chân Phước Hồng Y Newman. Sau những lời cầu xin thật sốt sắng của cô và gia đình, các bác sĩ đang điều trị cho cô nhận thấy cô hoàn toàn hồi phục và báo cáo rằng họ không có lời giải thích nào về mặt y khoa trước sự phục hồi đột ngột và kỳ diệu của cô.

Đức Cha Philip Egan, Giám Mục Portsmouth hân hoan loan báo tin này và bày tỏ niềm tin của ngài rằng “Chân Phước Newman sẽ được tuyên thánh chậm lắm là vào cuối năm tới vì tất cả mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp.”

Cha Ignatius Harrison, Cáo Thỉnh Viên án tuyên thánh cho Đức Hồng Y Newman, đã xác nhận với tờ Herald Catholic rằng bây giờ chỉ còn “hai vòng nữa” phải trải qua trước khi Chân Phước Newman được tuyên thánh – đó là sự chấp thuận của một ủy ban các giám mục và một lời tuyên bố đồng thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngài cho biết thêm:

“Tôi đang cầu nguyện để việc tuyên thánh diễn ra trong năm tới, nhưng ngay lúc này không có cách nào để biết chính xác”.

Chân Phước John Henry Newman là một trong những người cải đạo từ Anh Giáo sang Công Giáo rất nổi bật vào thế kỷ 19.

Ngài đã là một nhà thần học Anh giáo nổi tiếng và có thế giá trước khi quyết định thành lập Phong trào Oxford để đưa Anh Giáo về với nguồn gốc Công Giáo của mình. Chính ngài cũng đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 1845 ở tuổi 44. Việc cải đạo từ Anh Giáo sang Công Giáo của ngài làm nhiều người bàng hoàng. Ngài mất đi rất nhiều bạn và người chị gái của ngài từ đó cho đến chết đã không nhìn mặt ngài nữa.

Ngài nổi tiếng là một nhà tư tưởng xuất sắc và đã được Đức Thánh Cha Leo XIII tấn phong Hồng Y.

Đức Hồng Y Newman qua đời ở Birmingham vào năm 1890, ở tuổi 89, sau khi thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giảng Birmingham.

Các tác phẩm phong phú của ngài đã khiến nhiều người kêu gọi các vị Giáo Hoàng tuyên bố ngài là một Tiến sĩ Hội Thánh.

Năm 2010, sau khi Bộ Tuyên Thánh công nhận phép lạ thứ nhất của ngài chữa lành cho phó tế Jack Sullivan, một người Mỹ, bị liệt cột sống, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tuyên phong Chân Phước cho Đức Hồng Y Newman ở Birmingham.

3. Tôi muốn trình diện trước mặt Chúa như thế nào?

Thật là khôn ngoan để tự vấn lương tâm xem chúng ta muốn trình diện trước mặt Chúa như thế nào tại thời điểm chúng ta phải ra trước tòa phán xét. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 27 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài giảng thánh lễ của Đức Thánh Cha được lấy ý từ bài đọc trích từ sách Khải Huyền. Tính đến một thực tế là một ngày nào đó chúng ta rồi cũng phải ra trước mặt Chúa, thật là khôn ngoan nếu chúng ta biết xét mình xem chúng ta muốn trình diện trước mặt Chúa như thế nào khi giờ khắc đến. Điều đó giúp chúng ta đạt được những tiến bộ để cuộc gặp gỡ với Chúa là những giây phút “hân hoan”.

Trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ này, theo Đức Thánh Cha, thật là một ân sủng nếu chúng ta biết suy ngẫm về ngày thế mạt và giờ phút cuối cùng của chính mỗi người chúng ta.

Bài đọc Một, trích từ sách Khải Huyền, nói điều này với “hình ảnh mùa gặt”.

Vào mùa gặt này, mỗi người chúng ta sẽ phải trình diện trước mặt Chúa, và mỗi người chúng ta sẽ phải thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, đây là đời con, đây là phẩm chất cuộc sống con.”

Tất cả chúng ta sẽ phải nhìn nhận những lỗi lầm của mình, bởi tất cả chúng ta đều lầm lỗi, và cả những việc lành phúc đức vì tất cả chúng ta đều đã từng làm những việc thiện.

“Nếu ngay ngày hôm nay Chúa gọi tôi thì sao? Tôi sẽ nói gì và sẽ làm gì?” Ý tưởng này, theo Đức Thánh Cha, sẽ giúp chúng ta đạt được những tiến bộ. Điều đó không chỉ giúp chúng ta có gì đó để nói về mình trước mặt Chúa, nhưng nó cũng làm cho giây phút này trở thành một thời khắc hân hoan, hạnh phúc khi ta được đong đầy với Lòng Thương Xót.

Nghĩ về sự kết thúc, về ngày thế mạt, về giờ phút cuối cùng trong cuộc đời riêng của mình, là khôn ngoan. Người khôn ngoan làm điều này.

Giáo hội mời gọi chúng ta tự hỏi bản thân trong tuần này là “kết thúc của tôi sẽ như thế nào?” Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng một cuộc tự vấn lương tâm sẽ là hữu ích cho chúng ta đánh giá đúng bản thân mình.

Tôi muốn khắc phục điều gì vì điều đó không đúng? Tôi muốn duy trì hoặc phát triển điều gì vì điều đó thật tốt.

Để kết luận, Đức Thánh Cha khích lệ cộng đoàn cầu xin ơn khôn ngoan nơi Chúa Thánh Thần.

Tuần này, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn khôn ngoan biết lo liệu, ơn hiểu biết về sự kết thúc, ơn hiểu biết về sự phục sinh, ơn hiểu biết về cuộc gặp gỡ đời đời với Chúa Giêsu sao cho đó sẽ là một ngày hân hoan và vui mừng. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa có thể chuẩn bị cho chúng ta.

4. Kitô hữu phải đưa ra chứng tá khả tín qua cuộc sống hàng ngày

Ngày 30 tháng 11 hàng năm Giáo Hội cử hành lễ kính thánh Anrê Tông Đồ, bổn mạng Giáo Hội Constantinople, chúng ta hãy gần gũi và nhớ đến anh chị em Chính Thống Giáo trong lời cầu nguyện, và cầu xin ơn sủng hiệp nhất. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 30 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Ngài mời gọi các tín hữu “bỏ lại mọi thứ phía sau để tiến lên trong việc công bố và làm chứng, theo gương hai thánh Phêrô và Anrê Tông Đồ”.

Tập trung những suy tư của ngài vào việc công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã thúc giục các tín hữu phải gạt sang một bên những “thái độ, tội lỗi, và tật xấu” mà mỗi người chúng ta có “bên trong” để trở nên “mạch lạc hơn” và khả tín hơn trong việc loan báo Chúa Giêsu qua chính chứng tá của chúng ta.

Lấy ý từ bài đọc Một, trong đó Thánh Phaolô giải thích đức tin đến từ những gì được loan báo, và những gì được loan báo liên hệ với lời Chúa Kitô ra sao, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công bố Tin Mừng, trong đó chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã chết và đã phục sinh để cứu độ chúng ta.

Công bố Chúa Giêsu Kitô không chỉ là mang đến một “tin tức giản đơn” nhưng là “tin vui trọng đại duy nhất”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự kiện rằng công bố Chúa Giêsu Kitô không liên quan gì đến việc quảng cáo về một người tốt đã làm bao nhiêu những việc thiện, đã chữa lành nhiều người và đã dạy chúng ta những điều cao đẹp: “Không, đó không phải là quảng cáo, không phải là chiêu dụ tín đồ, đó không phải là điều mà một nhà giảng thuyết thực hiện theo luận lý tiếp thị.”

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng công bố Chúa Kitô, không phải là chiêu dụ tín đồ cũng chẳng phải là quảng cáo hay tiếp thị: việc công bố Chúa Kitô vượt rất xa những điều này.

Từ đó, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về sứ vụ của người tông đồ là người dám xả thân liều mình, và ngài nhớ lại một ngạn ngữ Á Căn Đình sử dụng hình ảnh “đặt chính thân xác mình lên bàn nướng” nghĩa là, thực sự đặt mình vào tình trạng bị đe dọa đến tính mạng.

Ngài nói rằng “hành trình loan báo Tin Mừng bằng cách xả thân liều mình” là một hành trình một chiều: “Không có vé khứ hồi”. Đức Thánh Cha nói: “quay trở lại sẽ là bội giáo” trong khi đó làm chứng có nghĩa là “đặt cược chính mạng sống mình” “và thực thi những gì mình rao giảng”

Đức Thánh Cha lặp lại rằng để có thể công bố Lời Chúa, chúng ta phải là những chứng nhân và ngài than phiền về “tai tiếng” gây ra bởi những người tuyên bố mình là Kitô hữu nhưng sống “như dân ngoại, như những người vô thần”, như thể họ không có “đức tin”.

Ngài kêu gọi sự mạch lạc trong cuộc sống, là điều mang lại cho chúng ta sự khả tín; và mô tả những người “xả thân liều mình đến cùng cho sứ vụ” là những vị tử đạo.

Ngài nhắc lại rằng Chúa Cha đã “mạc khải Ngài” cho chúng ta khi sai “Con Một của Ngài mặc lấy xác phàm hy sinh mạng sống” vì chúng ta. Theo Đức Thánh Cha, thực tế này “tiếp tục gây bối rối” vì Thiên Chúa trở thành “một người giữa chúng ta trong một cuộc hành trình không nghĩ đến chuyện quay lại”.

Ngài chỉ ra rằng ma quỷ đã cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu đi theo một con đường khác, nhưng Ngài đã sống theo thánh ý của Chúa Cha cho đến cùng.

Lời công bố về Chúa Giêsu, do đó, cũng phải đi theo cùng một lộ trình như thế: đó là lộ trình của chứng tá như Chúa Giêsu là chứng nhân tình yêu nhập thể của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã đề cao chứng tá của các vị tử đạo, là những người cho thấy lời công bố này là sự thật.

Ngài nói về những người nam nữ đã trao ban cuộc sống mình. Đó là các tông đồ đã dâng hiến cuộc sống của họ và cơ man những người nam nữ vô danh trong xã hội chúng ta và trong gia đình chúng ta, những người làm chứng mỗi ngày, trong lặng lẽ, bằng cuộc sống của họ và sự gắn bó của họ với Chúa Giêsu Kitô.

Đức Thánh Cha kết luận rằng, khi chịu phép Rửa Tội, tất cả chúng ta tiếp nhận “sứ vụ công bố Chúa Kitô” và sống như Chúa Giêsu “dạy chúng ta sống hài hòa với những gì chúng ta rao giảng”. Bằng ngược lại, kết cục thật là tai tiếng và “gây rất nhiều tổn hại cho dân Chúa”.

5. Lòng quảng đại làm tâm hồn ta lớn lên

Kitô hữu cần phải hào phóng đối với người nghèo, và phải cảnh giác chống lại “căn bệnh của chủ nghĩa tiêu thụ”, Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 26 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Các Kitô hữu cần phải hào phóng với người nghèo, vì một thái độ bác ái như thế làm tâm hồn ta lớn lên và giúp chúng ta sống tử tế hơn. Trong khi đó, kẻ thù của lòng hảo tâm là chủ nghĩa tiêu thụ, trong đó chúng ta mua sắm nhiều hơn mức cần thiết.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng có nhiều chỗ trong các sách Tin Mừng cho thấy cách Chúa Giêsu đặt tương phản người giàu với người nghèo. Đức Thánh Cha nói chúng ta nên nghĩ đến lời bình luận của Chúa Giêsu dành cho anh thanh niên giàu có: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19:23).

Có thể có một số người sẽ gọi Chúa Kitô là “một người cộng sản”, nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Khi Chúa nói những điều này, Ngài biết rõ đằng sau sự giàu có luôn luôn tiềm tàng một tinh thần tà ác, đó là tinh thần thế gian”. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu cũng từng nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mt 6:24).

Trong bài Tin Mừng trong ngày (Lc 21: 1-4), người giàu có “đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền” được đặt tương phản với người góa phụ nghèo “đang bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm”.

Người giàu trong câu chuyện này “không phải là người xấu” nhưng “là những người tốt, những người đi đến đền thờ và bỏ tiền ra dâng cúng.”

“Góa phụ, trẻ mồ côi, người di cư và ngoại kiều là những người nghèo nhất ở Israel”. Người góa phụ “đã dâng cúng toàn bộ sinh kế của mình”, bởi vì bà tin cậy vào Chúa. “Bà ấy trao ban mọi thứ, bởi vì Chúa vĩ đại hơn hết. Thông điệp của đoạn Tin Mừng này là lời mời gọi lòng quảng đại.”

Chuyển sang những thống kê về tình trạng nghèo đói trên thế giới ngày nay, Đức Thánh Cha nói rằng nhiều trẻ em chết vì đói hoặc thiếu thuốc men là lời mời gọi chúng ta hãy tự hỏi mình: “Nhưng làm sao tôi có thể giúp giải quyết tình trạng này?” Câu hỏi này, đến từ mong muốn làm tốt.

“Đó là một lời kêu gọi hướng đến lòng quảng đại. Sự hào phóng thuộc về cuộc sống hàng ngày; đó là điều chúng ta nên nghĩ đến: 'Làm sao tôi có thể hào phóng hơn, với người nghèo, với người quẫn bách ... Làm sao tôi có thể giúp được nhiều hơn?' 'Nhưng cha ơi, cha có biết rằng chúng con chật vật lắm mới qua được một tháng không', có thể là như thế, nhưng ít nhất chúng ta vẫn còn một vài xu sót lại phải không? Hãy suy nghĩ về điều đó: anh chị em có thể hào phóng với những đồng xu cuối cùng đó… 'Hãy nghĩ đến những điều nhỏ nhặt. Ví dụ, nhìn qua một lượt căn phòng của anh chị em, hay tủ quần áo của anh chị em đi. Tôi có bao nhiêu đôi giày? Một, hai, ba, bốn, mười lăm, hai mươi đôi... Mỗi người chúng ta đều biết. Có lẽ quá nhiều ... Tôi biết một Đức Ông kia có tới 40 đôi giầy... Nếu anh chị em có nhiều giày quá, hãy cho đi một nửa. Có bao nhiêu quần áo cả năm tôi không dùng đến hay chỉ sử dụng mỗi năm một lần? Hãy cho chúng đi. Đây là một cách để hào phóng, để cho những gì chúng ta có, và chia sẻ.”

Đức Thánh Cha sau đó kể một câu chuyện về một người phụ nữ ngài đã từng gặp, khi cô đi mua sắm, cô bao giờ cũng dành 10% để mua thức ăn cho người nghèo. Ngài nói cô ấy đã trao “số tiền thập phân” cho người nghèo.

“Chúng ta có thể làm những phép lạ thông qua lòng quảng đại. Quảng đại ngay trong những điều nhỏ nhặt. Có lẽ chúng ta không làm điều đó bởi vì chúng ta không nghĩ về nó. Sứ điệp Tin Mừng làm cho chúng ta phải suy tư: Làm sao tôi có thể hào phóng hơn? Chỉ một chút nữa thôi, không nhiều ... 'Đúng vậy, cha nói đúng lắm nhưng mà ... Con không biết tại sao, nhưng con e rằng vân vân và vân vân…' Nhưng ngày nay có một căn bệnh khác, có tác dụng chống lại lòng quảng đại, đó là chủ nghĩa tiêu thụ.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng chủ nghĩa tiêu thụ thể hiện nơi việc mua sắm hết thứ này đến thứ khác. Ngài nhớ lại rằng, khi còn ở Buenos Aires, “mỗi cuối tuần có một chương trình truyền hình nói về du lịch mua sắm”. Người ta nhảy lên một chiếc máy bay vào tối thứ Sáu, bay đến một đất nước khác cách đó khoảng 10 giờ bay, và sau đó dành tất cả ngày thứ Bẩy để mua sắm trước khi trở về nhà vào ngày Chúa Nhật.

“Chủ nghĩa tiêu thụ thật là một căn bệnh khủng khiếp ngày nay. Tôi không nói tất cả chúng ta đều làm như thế, không. Nhưng chủ nghĩa tiêu dùng - chi tiêu quá nhiều để mua nhiều hơn nhu cầu của chúng ta – đánh mất trong ta tinh thần thắt lưng buộc bụng trong cuộc sống. Đây là kẻ thù của lòng hảo tâm. Ngược lại lòng quảng đại biết nghĩ đến người nghèo: ‘Tôi có thể cho những thứ này cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới ăn mặc’ - có một kết quả kín đáo: Nó làm tâm hồn ta lớn lên và giúp chúng ta trở nên hào hiệp.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải có một trái tim hào hiệp, nơi tất cả mọi người có thể vào. Ngài nói: “Những người giàu có dâng cúng vào thùng tiền trong đền thờ là những người tốt; nhưng bà goá nghèo đó là một vị thánh”.

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta quảng đại và bắt đầu bằng cách kiểm tra nhà cửa của chúng ta để khám phá “những gì chúng ta không cần và có thể hữu ích cho người khác.” Chúng ta nên cầu xin Chúa “giải phóng chúng ta” khỏi căn bệnh nguy hiểm của chủ nghĩa tiêu dùng, khiến chúng ta nô lệ và tạo ra sự lệ thuộc vào việc chi tiêu tiền của. “Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng biết hào phóng, để tâm hồn chúng ta có thể lớn lên và chúng ta có thể trở nên tử tế hơn.”