LTS: Bài giảng dưới đây của ĐGM Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Giám Mục Phụ Tá GP Hưng Hoá, được trình bày trong dịp lễ tạ ơn - mở tay của hai tân LM. Bài giảng có nội dung quan trọng: Chức Linh mục là một ơn cao trọng nhưng đồng thời cũng có nguy cơ. Nhận thấy nội dung bài giảng có giá trị giáo huấn sâu sắc nên Vietcatholic đã xin phép ĐGM cho đăng lại bài nảy để cả linh mục lẫn giáo dân cùng soi chiếu.
Bài giảng lễ Tạ Ơn-Mở Tay của hai tân linh mục Đaminh Hoàng Thế Bằng và Đaminh Nguyễn Văn Lưu
Tân Quang, ngày 03.10.2014.-“Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên, chúng tôi vui mừng, sung sướng triền miên” (Tv. 118, 24). Đúng vậy, tôi thấy niềm vui tỏa rạng trên mọi khuôn mặt. Giáo xứ Tân Quang vui mừng và hãnh diện, vì một lúc có hai người con được phong chức linh mục về dâng lễ tạ ơn tại quê hương. Người ta ví von: “Đất có vàng không bằng làng có cha ” ! Vâng, có vàng thì quí, nhưng không quí bằng có cha, mà ở đây những hai cha. Niềm vui nhân gấp đôi. Tôi biết có người vượt đường xa từ Bùi Chu, Nam Định lên, từ Điện Biên, Lào Cai xuống, để hiện diện chung vui với hai tân chức.
Tôi cũng vui khi hiện diện trong thánh lễ này và được mời giảng lễ, vậy xin chia sẻ một vài suy nghĩ về nghịch lý của hồng ân linh mục.
1/ Chức linh mục là một ơn cao trọng. Ai dự lễ truyền chức linh mục hẳn đều xúc động và cảm thấy ấn tượng khi các tiến chức, chỗi dậy sau khi phủ phục trước cung thánh, được Đức Giám Mục đặt tay, đọc lời nguyện phong chức, xức dầu thánh và mặc chiếc áo lễ. Giây phút ấy, tiến chức từ một con người tầm thường, có khi yếu hèn nữa, được ấn tích của bí tích Truyền chức thánh “biến đổi” thành linh mục. Ấn tích ấy ban cho linh mục một “quyền năng” lạ lùng, để khi đọc lời truyền phép: “Này là Mình Thầy…; Này là chén Máu Thầy…”, bánh rượu trở thành Thánh Thể Chúa. Hoặc khi giải tội, với lời “Cha tha tội cho con nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”, mọi tội lỗi được xóa bỏ.
Linh mục là người dâng trọn cuộc đời để phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội, lo cho phần rỗi của anh chị em giáo dân. Chức linh mục không phải là một nghề nghiệp trong xã hội, mà là một “bậc” sống, nó chi phối cả cuộc sống của linh mục, 24/24 giờ, 365 ngày/năm, cả đời, và đời đời nữa như lời thánh vịnh 110,4: “Con là Linh mục đời đời theo phẩm hàm Melkisêđê”. Nghịch lý ở chỗ linh mục là một con người tầm thường, yếu hèn, mà lại được trao ban một quyền năng cao cả không gì sánh được. Thánh Gioan Vianney nói thế này: “Nếu gặp thiên thần và linh mục, tôi sẽ chào linh mục trước” ! Nhưng không phải vì thế mà linh mục tự hào về mình, mà phải khiêm tốn nhìn nhận hồng ân đó do Chúa ban, và nỗ lực sống cho xứng với bậc sống này: “Ân sủng đó, chúng tôi mang trong những bình sành dễ vỡ” (2Cr 4,7). Vinh dự càng cao, càng đòi hỏi nhiều. Lý tưởng linh mục là “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” (Pl 3,10), trở nên hiện thân của Ngài, vị Mục Tử “không đến để được phục vụ mà là để phục vụ” đoàn chiên (Mt 20,18).
2/ Nguy cơ của linh mục là được giáo dân quý mến thái quá, coi linh mục như Chúa: “Cha nói là Chúa nói”, “Ai vâng lời cha là vâng lời Chúa”, muốn chào cha thì phải “xin phép lạy cha”!... Điều đó dễ khiến linh mục quên mất sự dòn mỏng, yếu đuối, bất xứng… của mình. Đó đây, thi thoảng, đã có những lời bình phẩm linh mục này hách dịch, cha kia ăn nói linh tinh, lối sống không phù hợp… Một phần lỗi, phải nhận rằng do giáo dân đã quá đề cao linh mục. Xin đừng nâng linh mục lên cao quá, để rồi thất vọng khi thấy linh mục không được như mình mong đợi.
Anh chị em muốn thương yêu linh mục đúng cách thì xin lưu ý mấy điểm sau đây:
- Hãy cầu nguyện cho các linh mục. Linh mục cần lời cầu nguyện lắm, vì sứ vụ và trách nhiệm của linh mục rất nặng nề. Nhiều khi anh chị em xin linh mục cầu nguyện cho mình, mà quên cầu nguyện cho linh mục.
- Hãy tôn kính linh mục vì là người thay mặt Chúa hướng dẫn giáo dân. Nhưng hãy tôn kính cách đúng mực, bình dị, thân tình, chứ đừng thần thánh hóa, khép nép, sợ hãi, tâng bốc. Linh mục là người của Chúa và của mọi người, chứ không phải của riêng ai.
- Hãy nâng đỡ tinh thần cho linh mục. Linh mục cần sự nâng đỡ, nhất là trong những lúc gánh nặng của sứ vụ đè trên đôi vai và trong tâm hồn. Tôi xin anh chị em quan tâm nâng đỡ tinh thần, chứ không phải vật chất, cho các linh mục. Chỉ chú trọng nâng đỡ vật chất sẽ có thể làm thoái hóa linh mục.
- Hãy cộng tác cách chân thành, tích cực và hữu hiệu, để linh mục chu toàn sứ vụ của mình. Linh mục chẳng thể làm được gì nếu không có giáo dân đồng tâm hiệp lực.
Tôi vui mừng khi cha Hợp (quản xứ Tân Quang) cho biết bà con giáo dân ở đây tích cực cộng tác với cha trong mọi công việc của giáo xứ, chia sẻ lo lắng với cha, yêu thương tôn kính cha…
Cuối cùng, tôi xin ngỏ lời với hai tân linh mục.
Những ngày này, bà con giáo dân khắp nơi xa gần tỏ lòng quí mến với cha hai, không gì khác vì hồng ân linh mục mà hai cha vừa lãnh nhận. Người ta chúc hai cha nhiều điều. Tôi mong và chúc hai cha trở nên những linh mục thánh thiện, đạo đức của Chúa và Giáo Hội. Thiết tưởng điều đó mới là cần nhất, còn những điều khác Chúa sẽ lo liệu cho hai cha. Chỉ với sự thánh thiện đạo đức mà đời sống và sứ vụ của hai cha mới có giá trị, đầy ý nghĩa, và đem lại hoa trái, như lời Chúa Giêsu: “Chính thầy đã chọn và cắt đặt các con ra đi, mang lại hoa trái, và hoa trái các con tồn tại” (Ga 15,16).
Hôm nay là thánh lễ đầu tiên hai cha dâng trong tư cách chủ tế. Tôi xin gửi tới các cha đồng tế và cách riêng hai cha mới, lời của Mẹ Têrêsa Calcutta, người rất quý mến linh mục. Mẹ khuyên thế này:
“XIN CHA DÂNG THÁNH LỄ NÀY
NHƯ THÁNH LỄ ĐẦU TIÊN,
NHƯ THÁNH LỄ CUỐI CÙNG,
VÀ NHƯ THÁNH LỄ DUY NHẤT
CHỈ CÓ MỘT LẦN TRONG ĐỜI”.
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám Mục Phụ Tá Hưng Hóa
Bài giảng lễ Tạ Ơn-Mở Tay của hai tân linh mục Đaminh Hoàng Thế Bằng và Đaminh Nguyễn Văn Lưu
Tôi cũng vui khi hiện diện trong thánh lễ này và được mời giảng lễ, vậy xin chia sẻ một vài suy nghĩ về nghịch lý của hồng ân linh mục.
1/ Chức linh mục là một ơn cao trọng. Ai dự lễ truyền chức linh mục hẳn đều xúc động và cảm thấy ấn tượng khi các tiến chức, chỗi dậy sau khi phủ phục trước cung thánh, được Đức Giám Mục đặt tay, đọc lời nguyện phong chức, xức dầu thánh và mặc chiếc áo lễ. Giây phút ấy, tiến chức từ một con người tầm thường, có khi yếu hèn nữa, được ấn tích của bí tích Truyền chức thánh “biến đổi” thành linh mục. Ấn tích ấy ban cho linh mục một “quyền năng” lạ lùng, để khi đọc lời truyền phép: “Này là Mình Thầy…; Này là chén Máu Thầy…”, bánh rượu trở thành Thánh Thể Chúa. Hoặc khi giải tội, với lời “Cha tha tội cho con nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”, mọi tội lỗi được xóa bỏ.
Linh mục là người dâng trọn cuộc đời để phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội, lo cho phần rỗi của anh chị em giáo dân. Chức linh mục không phải là một nghề nghiệp trong xã hội, mà là một “bậc” sống, nó chi phối cả cuộc sống của linh mục, 24/24 giờ, 365 ngày/năm, cả đời, và đời đời nữa như lời thánh vịnh 110,4: “Con là Linh mục đời đời theo phẩm hàm Melkisêđê”. Nghịch lý ở chỗ linh mục là một con người tầm thường, yếu hèn, mà lại được trao ban một quyền năng cao cả không gì sánh được. Thánh Gioan Vianney nói thế này: “Nếu gặp thiên thần và linh mục, tôi sẽ chào linh mục trước” ! Nhưng không phải vì thế mà linh mục tự hào về mình, mà phải khiêm tốn nhìn nhận hồng ân đó do Chúa ban, và nỗ lực sống cho xứng với bậc sống này: “Ân sủng đó, chúng tôi mang trong những bình sành dễ vỡ” (2Cr 4,7). Vinh dự càng cao, càng đòi hỏi nhiều. Lý tưởng linh mục là “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” (Pl 3,10), trở nên hiện thân của Ngài, vị Mục Tử “không đến để được phục vụ mà là để phục vụ” đoàn chiên (Mt 20,18).
2/ Nguy cơ của linh mục là được giáo dân quý mến thái quá, coi linh mục như Chúa: “Cha nói là Chúa nói”, “Ai vâng lời cha là vâng lời Chúa”, muốn chào cha thì phải “xin phép lạy cha”!... Điều đó dễ khiến linh mục quên mất sự dòn mỏng, yếu đuối, bất xứng… của mình. Đó đây, thi thoảng, đã có những lời bình phẩm linh mục này hách dịch, cha kia ăn nói linh tinh, lối sống không phù hợp… Một phần lỗi, phải nhận rằng do giáo dân đã quá đề cao linh mục. Xin đừng nâng linh mục lên cao quá, để rồi thất vọng khi thấy linh mục không được như mình mong đợi.
Anh chị em muốn thương yêu linh mục đúng cách thì xin lưu ý mấy điểm sau đây:
- Hãy cầu nguyện cho các linh mục. Linh mục cần lời cầu nguyện lắm, vì sứ vụ và trách nhiệm của linh mục rất nặng nề. Nhiều khi anh chị em xin linh mục cầu nguyện cho mình, mà quên cầu nguyện cho linh mục.
- Hãy tôn kính linh mục vì là người thay mặt Chúa hướng dẫn giáo dân. Nhưng hãy tôn kính cách đúng mực, bình dị, thân tình, chứ đừng thần thánh hóa, khép nép, sợ hãi, tâng bốc. Linh mục là người của Chúa và của mọi người, chứ không phải của riêng ai.
- Hãy nâng đỡ tinh thần cho linh mục. Linh mục cần sự nâng đỡ, nhất là trong những lúc gánh nặng của sứ vụ đè trên đôi vai và trong tâm hồn. Tôi xin anh chị em quan tâm nâng đỡ tinh thần, chứ không phải vật chất, cho các linh mục. Chỉ chú trọng nâng đỡ vật chất sẽ có thể làm thoái hóa linh mục.
- Hãy cộng tác cách chân thành, tích cực và hữu hiệu, để linh mục chu toàn sứ vụ của mình. Linh mục chẳng thể làm được gì nếu không có giáo dân đồng tâm hiệp lực.
Tôi vui mừng khi cha Hợp (quản xứ Tân Quang) cho biết bà con giáo dân ở đây tích cực cộng tác với cha trong mọi công việc của giáo xứ, chia sẻ lo lắng với cha, yêu thương tôn kính cha…
Cuối cùng, tôi xin ngỏ lời với hai tân linh mục.
Những ngày này, bà con giáo dân khắp nơi xa gần tỏ lòng quí mến với cha hai, không gì khác vì hồng ân linh mục mà hai cha vừa lãnh nhận. Người ta chúc hai cha nhiều điều. Tôi mong và chúc hai cha trở nên những linh mục thánh thiện, đạo đức của Chúa và Giáo Hội. Thiết tưởng điều đó mới là cần nhất, còn những điều khác Chúa sẽ lo liệu cho hai cha. Chỉ với sự thánh thiện đạo đức mà đời sống và sứ vụ của hai cha mới có giá trị, đầy ý nghĩa, và đem lại hoa trái, như lời Chúa Giêsu: “Chính thầy đã chọn và cắt đặt các con ra đi, mang lại hoa trái, và hoa trái các con tồn tại” (Ga 15,16).
Hôm nay là thánh lễ đầu tiên hai cha dâng trong tư cách chủ tế. Tôi xin gửi tới các cha đồng tế và cách riêng hai cha mới, lời của Mẹ Têrêsa Calcutta, người rất quý mến linh mục. Mẹ khuyên thế này:
“XIN CHA DÂNG THÁNH LỄ NÀY
NHƯ THÁNH LỄ ĐẦU TIÊN,
NHƯ THÁNH LỄ CUỐI CÙNG,
VÀ NHƯ THÁNH LỄ DUY NHẤT
CHỈ CÓ MỘT LẦN TRONG ĐỜI”.
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám Mục Phụ Tá Hưng Hóa