Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngày thứ Năm 8 tháng 11 vừa qua, đích thân Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ tọa một buổi họp báo về câu chuyện bộ xương người tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Ý. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu xa của Tòa Thánh sau một loạt các tin đồn rất bất lợi cho Giáo Hội.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Câu chuyện đã bắt đầu vào hôm thứ Hai 29 tháng 10 khi các công nhân ngành xây dựng phát hiện ra một bộ xương người trong khi trùng tu Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Ý. Biệt thự này thường được gọi là Villa Giorgina.
Trong chương trình này, chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em những chi tiết quan trọng liên quan đến một câu chuyện đang được một số phương tiện truyền thông thế tục khai thác nhằm bôi nhọ Giáo Hội.
2. Lịch sử biệt thự Villa Giorgina
Tòa nhà này, nằm trong khu vực quận Pinciano, đã được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 20, chính xác là vào năm 1929. Toàn bộ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh rộng đến 20,000m2. Tòa nhà chỉ chiếm một góc nhỏ trong toàn bộ diện tích mênh mông này.
Chủ nhân của ngôi biệt thự này là ông Isaia Levi, một người Do Thái, sinh trưởng tại thành phố Turinô, miền Bắc nước Ý. Ông là một kỹ nghệ gia và từng được bầu vào Thượng Viện Ý dưới thời Mussolini. Ông chỉ làm Thượng Nghị Sĩ được có 11 ngày từ 9 tháng 12, 1933 đến ngày 20 tháng 12 năm đó thì phải từ chức vì bị phát hiện là người Do Thái.
Trong thời kỳ Quốc Xã Đức chiếm đóng Rôma, ông được Tòa Thánh che chở. Cảm ơn này, ông đã cải đạo sang Công Giáo và năm 1949 đã tặng ngôi biệt thự này cho Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12. Mười năm sau đó, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã di chuyển Tòa Sứ Thần Tòa Thánh từ đường Nomentana, nay là Tòa Đại Sứ Libya, về biệt thự này.
3. Phát hiện bộ xương tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh
Các công nhân ngành xây dựng đã phát hiện ra một bộ xương người trong tầng hầm của ngôi nhà. Hiến binh Vatican lập tức được gọi đến hiện trường, và họ đã nhanh chóng báo cho các viên chức hữu quan của Tòa Thánh.
Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng biệt thự Villa Giorgina tuy nằm ngoài Vatican nhưng vẫn được hưởng quy chế “extra territorium” – nghĩa là coi như nằm ngoài lãnh thổ nước Ý. Do đó, toàn bộ câu chuyện này có thể được giải quyết hợp pháp bởi Vatican. Đây là một chi tiết các báo chí thế tục không có cảm tình với Giáo Hội không muốn đề cập đến.
Như đã nói ở trên toàn bộ câu chuyện này có thể được giải quyết hợp pháp bởi Vatican. Nhưng để cho mọi sự được minh bạch, các viên chức Tòa Thánh đã báo cho nhà chức trách Ý.
Chánh Công tố của Rôma, là ông Giuseppe Pignatone, đã ra lệnh cho các chuyên gia pháp y cảnh sát và một đội điều tra lưu động đến tại hiện trường. Tòa Thánh đã giao bộ xương người này cho chính quyền Ý. Những nỗ lực để xác định người chết là ai bằng cách so sánh sọ, răng và DNA đang được tiến hành.
4. Tuyên bố của Phòng Báo chí Tòa thánh ngày 30 tháng 10, 2018
Trong tiến trình trùng tu một căn phòng trong Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Ý, nằm ở Rôma, số 27 đường Po, một số mảnh xương người đã được tìm thấy.
Hiến binh Vatican lập tức được gọi đến hiện trường, và đã thông báo cho các cấp trên tại Tòa Thánh. Các vị này ngay lập tức thông báo cho các nhà chức trách hữu quan của Ý để mở các cuộc điều tra và yêu cầu những hợp tác cần thiết trong vấn đề này.
Hiện tại, Chánh Công tố của Roma, Tiến sĩ Giuseppe Pignatone, đã ra lệnh cho bộ phận pháp y và đội điều tra di động của bộ chỉ huy cảnh sát Rôma điều tra tuổi tác, giới tính và ngày tử vong.
5. Những lời đồn thổi
Bản báo cáo đầu tiên đến từ thông tấn xã ANSA của Ý. Báo cáo cho biết những mảnh xương người này đã được phát hiện vào chiều thứ Hai 29 tháng 10, và vẫn chưa chắc chắn rằng những mảnh xương người ấy thuộc về một người duy nhất hay nhiều người, và bao nhiêu tuổi. Báo cáo của ANSA cũng lưu ý rằng việc tìm thấy những mảnh xương người tương tự như thế tại Rôma đã xảy ra trong quá khứ; và nhắc nhở độc giả của họ rằng Quốc Xã Đức đã từng giết bao nhiêu người tại thành phố này.
Nhật báo La Repubblica của Ý có thể là tờ đầu tiên tung ra tin đồn theo đó người chết là một trong hai cô gái trẻ, là Emmanuela Orlandi và Mirella Gregori, đã biến mất cách đây ba mươi lăm năm trước.
Bạn có biết Eugenio Scalfari là ai không? Ông ta là một người vô thần, đồng sáng lập ra nhật báo La Repubblica và đã từng xuyên tạc những lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô vào hôm thứ Năm Tuần Thánh năm nay. Không cần điều tra pháp y, La Repubblica gán ngay lập tức những mảnh xương người này cho hai cô gái trẻ với dụng ý gì? Họ muốn nói rằng có ai đó ở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã lạm dụng tính dục rồi “giết người diệt khẩu” luôn. Đấy là thủ đoạn của tờ La Repubblica, đang được nhiều phương tiện truyền thông thế tục tung hứng.
Trường hợp mất tích của Orlandi đã thu hút sự chú ý của người Ý và đặc biệt của người dân Rôma trong nhiều năm qua. Cô Orlandi sống bên trong Thành Vatican, nơi cha cô làm việc tại Viện Giáo Vụ - IOR - thường được gọi là “Ngân hàng Vatican”. Lâu lâu báo chí tại Rôma lại cho rằng có người nhìn thấy cô Orlandi ở chỗ này, chỗ kia, nhưng các tin tức ấy chưa bao giờ được xác minh.
Cả hai trường hợp biến mất của Emmanuela Orlandi và Mirella Gregori chưa bao giờ được giải quyết thỏa đáng.
6. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói về vấn đề này
Hôm thứ Năm 8 tháng 11, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã mở cuộc họp báo để trả lời các câu hỏi của nhà báo liên quan đến các mảnh xương được tìm thấy tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Ý hôm 29 tháng 10 vừa qua.
Trước hết, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã mạnh mẽ bác bỏ tin giả nói rằng Tòa Thánh đã khẳng định những mảnh xương này là của Emanuela Orlandi. Ngài nói:
“Tòa Thánh chưa bao giờ kết nối vụ này với Emanuela Orlandi. Tôi không biết ai đã kết nối vụ này với Orlandi”.
Các nhà báo đại diện cho thông tấn xã SIR của Hội Đồng Giám Mục Ý, liền hỏi tại sao Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lại ngay lập tức tiếp xúc với chính quyền Ý.
Đức Hồng Y Parolin giải thích rằng điều đó đã được “thực hiện đơn giản là để mọi chuyện được minh bạch, ngõ hầu sau này không có bất kỳ lời buộc tội nào là Tòa Thánh muốn che giấu điều gì đó. Mọi thứ đang được thực hiện với sự cởi mở và minh bạch hơn. Những di hài con người được tìm thấy, và có mong muốn được biết đến cùng là chuyện gì đã xảy ra, xương đó là của những ai. Và vì thế chúng tôi xin sự giúp đỡ của nước Ý”.
7. Bộ Ngoại Giao Pakistan nói Asia Bibi vẫn còn trong nước
Tối thứ Tư 7 tháng 11, Asia Bibi đã được trả tự do và được đưa ra khỏi nhà tù phụ nữ ở Multan, phía Nam bang Punjab. Ngay trong đêm đó, cô được di chuyển bằng máy bay lên thủ đô Islamabad cư trú tại một địa điểm bí mật được bảo vệ chặt chẽ vì các thành phần Hồi giáo cực đoan biểu tình rầm rộ đòi treo cổ cô ngay lập tức.
Bộ trưởng Thông tin Fawad Chaudhry xác nhận vào hôm thứ Năm rằng Bibi vẫn còn ở Pakistan.
Trong ngày, những giáo sĩ Hồi giáo cực đoan đã hô hào treo cổ Bibi cùng với ba thẩm phán Tòa án tối cao đã tha bổng cô vào tuần trước.
Sau khi Tối Cao Pháp Viện tuyên bố tha bổng Asia Bibi, nhóm Hồi Giáo cực đoan Tehbai-e-Labbaik đã khiến đất nước rơi vào tình trạng tê liệt vì những người ủng hộ họ đã xuống đường phản đối việc tha bổng Bibi.
Hàng chục những người biểu tình đã bị bắt vì làm hư hại xe cộ và tài sản trong các cuộc biểu tình. Tài khoản ngân hàng của một số lãnh đạo nhóm Hồi Giáo cực đoan này được tin là đã bị khóa.
Các cuộc biểu tình có phần sút giảm sau khi chính phủ của Thủ tướng Imran Khan hứa rằng một tòa án sẽ tái xét phán quyết tha bổng Bibi và đưa Bibi vào danh sách cấm xuất cảnh.
Các nhà phê bình tại Pakistan đã lập tức cáo buộc Khan, là người vừa lên nắm quyền sau cuộc bầu cử mùa hè năm ngoái, đã cúi đầu nhượng bộ các thành phần Hồi Giáo cực đoan.
Việc trả tự do cho Bibi, việc bí mật chuyển cô đến Islamabad cho thấy có nhiều khả năng rằng “lời hứa” của Khan đối với những người Hồi giáo cực đoan có thể chỉ là một động thái để câu giờ.
Thật thế, khả năng Tối Cao Pháp Viện Pakistan tái xét lại vụ án là một điều khôi hài. Theo luật Pakistan, và có lẽ cũng là luật chung của các quốc gia trên thế giới, tòa án chỉ có thể tái xét một phán quyết đã được công bố nếu bên bị cáo kháng án, yêu cầu xét lại bản án.
Khả năng đưa Bibi vào danh sách cấm xuất cảnh cũng đã từng bị Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Shehryar Afridi bác bỏ vào hôm thứ Tư.
Ông nói “Trừ khi một người được tuyên bố có tội, không có cơ sở pháp lý nào để đưa vào danh sách cấm xuất cảnh”
“Trách nhiệm của nhà nước là phải bảo vệ mỗi người Pakistan, bất kể tín ngưỡng hay sắc tộc của người ấy. Không ai ở Pakistan có thể được cấp giấy phép muốn làm gì thì làm với cuộc sống hoặc tài sản của người khác và buộc nhà nước phải chấp nhận các đòi hỏi của họ.
Trong một lá thư, Chủ tịch Quốc hội Âu châu Antonio Tajani đã mời Bibi và gia đình cô đến châu Âu.
Các giáo sĩ Hồi Giáo Khadim Rizvi và Afzal Qadri là những kẻ tổ chức chính của các cuộc biểu tình bạo lực và cuộc biểu tình ngồi ở phía trước toà nhà Quốc Hội Punjab ở Lahore đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Họ khinh mạn tòa án và hô hào treo cổ Bibi cùng với ba thẩm phán Tòa án tối cao đã tha bổng cô vào tuần trước.
Táo bạo hơn, Afzal Qadri còn yêu cầu Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội, Tướng Qamar Javed Bajwa, phải từ chức và kêu gọi các sĩ quan quân đội nổi dậy chống lại Tướng Qamar.
Họ sẽ phải bị trừng trị vì những tội danh nghiêm trọng này nếu như Pakistan còn muốn tiếp tục làm ăn với thế giới.
8. Các giáo sĩ cực đoan Pakistan trình bày trước thế giới một gương mặt thảm hại của Hồi Giáo
Imad Zafar, một ký giả tự do của Pakistan có bài bình luận sau phản ảnh những âu lo của người dân về nền dân chủ tại quốc gia này đang bị chi phối trong tay các giáo sĩ Hồi Giáo quá khích.
Pakistan hầu như bị bao vây bởi những kẻ cuồng tín tôn giáo sau khi Tòa án Tối cao tha bổng cho Asia Bibi, một phụ nữ Công Giáo bị cáo buộc báng bổ tiên tri Mohammed. Ngay sau khi bản án được công bố, giáo sĩ Molvi Khadim Hussain Rizvi, chủ tịch sáng lập của Tehla-e-Labbaik Pakistan, gọi tắt là TLP, đã kêu gọi phản đối trên toàn quốc, và trong vòng vài giờ đất nước đã bị tê liệt bởi các các đám đông cuồng loạn.
Các xa lộ kinh mạch của đất nước và các điểm ra vào của hầu hết mọi thành phố đều bị những người biểu tình đóng lại. Từ ngày 31 tháng 10 đến nay, những người cuồng tín với gậy gộc, dao và mã tấu trong tay lang thang khắp các đường đường phố. Họ đốt xe hơi, phá phách tài sản công cộng và đánh đấm túi bụi các công dân bình thường, trong khi tụng kinh “Bàn giao ngay tên báng bổ Asia Bibi cho chúng tôi.”
Hai giáo sĩ Khadim Rizvi và Afzal Qadri là những kẻ tổ chức chính của các cuộc biểu tình bạo lực và cuộc biểu tình ngồi ở phía trước toà nhà Quốc Hội Punjab ở Lahore. Họ yêu cầu đình chỉ bản án ngay lập tức. Họ khinh mạn tòa án và yêu cầu cách chức các thẩm phán đã đưa ra quyết định ủng hộ Asia Bibi.
Afzal Qadri cũng yêu cầu Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội, Tướng Qamar Javed Bajwa, phải từ chức và kêu gọi các sĩ quan quân đội nổi dậy chống lại Tướng Qamar.
Hỗn loạn ở khắp mọi nơi, và sau ba ngày hai giáo sĩ này làm loạn, chính phủ Pakistan phải cúi đầu trước những yêu sách của những kẻ cuồng tín TLP bằng cách ký một thỏa thuận với chúng.
Bằng cách ký vào văn kiện đầu hàng này, nhà nước Pakistan đã chỉ ra rằng nếu bạn có khả năng tuyển mộ được vài nghìn tên đàn ông vũ trang để chơi lá bài tôn giáo, nhà nước sẽ cúi đầu chấp nhận mọi yêu cầu của bạn
Người ta tự hỏi phải chăng các luật liên quan đến chuyện khinh miệt tòa án và chống lại nhà nước chỉ dành cho các công dân tuân thủ pháp luật và những vị dân biểu bày tỏ sự bất đồng của họ thông qua lý luận và bằng các phương tiện hòa bình.
Cựu thủ tướng Nawaz Sharif chỉ đưa ra nhận xét về vụ tấn công Mumbai rằng đất nước chúng ta đã bị những tổ chức cực đoan sử dụng để thực hiện vụ tấn công này thì liền lập tức ông bị ghép tội phản quốc cùng với Cyril Almeida, là nhà báo phỏng vấn ông. Nhiều người ủng hộ Liên đoàn Hồi giáo Pakistan của Nawaz cũng rơi vào vòng tù tội vì cho là khinh miệt toà án khi họ chỉ trích Tòa án Tối cao đã kết án Sharif với những bằng chứng rất mong manh.
Tuy nhiên, khi giáo sĩ Rizvi và các trợ lý của ông ta công khai đe dọa sẽ giết chết các thẩm phán và yêu cầu họ ngay lập tức phải rời khỏi chức vụ sau khi Asia Bibi được tha bổng, Tòa án Tối cao đã giữ im lặng, không dám khởi tố Rizvi vì lo sợ các cuộc biểu tình của người cuồng tín.
Quân đội Pakistan, không ngần ngại tuyên bố Sharif và những chính trị gia bất đồng chính kiến khác là phản quốc, đã không dám thốt ra một lời nào khi Rizvi và tay chân công khai xúi giục những người lính nổi loạn chống lại nhà lãnh đạo của họ.
Thủ tướng Imran Khan, người đã nói với quốc dân đồng bào trước khi sang thăm Trung Quốc rằng ông sẽ không cúi đầu trước những kẻ cuồng tín và cảnh báo họ về những hậu quả nghiêm trọng, trong vòng vài giờ đã quay ngoắt 180 độ và gởi các bộ trưởng của mình tới đàm phán với lãnh đạo TLP.
Sau khi nhà nước đầu hàng những kẻ cuồng tín và luật sư của Asia Bibi là Saiful Malook đã phải rời khỏi đất nước ngay lập tức, vì lo sợ cho sự an toàn của mình, người ta có thể dễ dàng đoán được điều gì sẽ xảy ra với Asia Bibi ngay bây giờ, mặc dù cô đã được tòa án tha bổng.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nhà nước khi ký vào văn bản đầu hàng đã bảo đảm rằng những giáo sĩ cực đoan và những người cuồng tín là những người quyết định số phận của các tù nhân như Asia Bibi và cuối cùng họ mới chính là những người định hình nên tư tưởng và các diễn biến của đất nước này.
Đối với phần còn lại của các dân tộc và các tôn giáo thiểu số Pakistan, cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì nhà nước cũng đã đồng ý không can thiệp vào triệt 295 (c) của hiến pháp, trong đó đề cập đến các trường hợp phạm thượng. Những người cực đoan như Khadim Rizvi bây giờ có thể cáo buộc bất cứ ai là một kẻ báng bổ vào bất cứ lúc nào. Khi đó, đức tin của một cá nhân sẽ xác định xem người ấy xứng đáng là một sinh vật sống hay chỉ là một miếng thịt chết và liệu anh ta hay cô ta là công dân hạng nhất hay hạng ba cũng sẽ do niềm tin tôn giáo của người đó quyết định.
9. Chủ đề Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 52 cử hành ngày 1 tháng Giêng 2019
Hôm 6 tháng 11, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chủ đề của Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 52 được cử hành ngày 1 tháng Giêng 2019. Toàn văn thông báo như sau:
Dưới đây là chủ đề Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 52 được cử hành ngày 1 tháng Giêng 2019:
“Chính trị tốt là nhằm phục vụ hòa bình”
“Mỗi công dân đều phải gánh vác trách nhiệm chính trị, và đặc biệt là những người đã nhận lãnh sứ mạng bảo vệ và cai quản. Sứ mạng này bao gồm việc bảo vệ luật pháp và khuyến khích đối thoại giữa các thành phần trong xã hội, giữa các thế hệ và các nền văn hóa. Không có hòa bình nếu không có sự tín nhiệm lẫn nhau. Và lòng tín nhiệm này đòi hỏi điều kiện tiên quyết là tôn trọng lời hứa. Sự dấn thân chính trị - vốn là một trong những biểu hiện cao nhất của đức bác ái - bao gồm mối quan tâm đối với tương lai của cuộc sống và của trái đất, những người trẻ và những người bé nhỏ nhất, và lòng khao khát đạt đến sự viên mãn của họ.
Như thánh Gioan 23 đã lặp đi lặp lại trong thông điệp “Pacem in terris” - “Hòa bình dưới thế” vào năm 1963, khi quyền con người được tôn trọng, thì nơi con người cũng nảy sinh cảm thức về nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền của người khác. Các quyền lợi và nghĩa vụ của con người làm gia tăng ý thức mình thuộc về cùng một cộng đồng, với tha nhân và với Thiên Chúa (x. ivi, 45). Vì thế, chúng ta được kêu gọi mang đến và loan báo hòa bình như một tin vui về một tương lai trong đó mỗi cuộc sống con người được tôn trọng trong phẩm giá và các quyền lợi của người ấy.
10. Cảm tưởng của Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Úc, là một thành viên trong Ủy ban Thông tin của Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa 15 vừa qua. Ngài cũng vừa được bầu vào Ủy ban Thường trực của Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa tới.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Edward Pentin của hệ thống truyền hình Hoa Kỳ EWTN, vị Tổng Giám Mục dòng Đa Minh ca ngợi thiện ý của những vị tham gia trong Thượng Hội Đồng Giám Mục nhằm đưa người trẻ gần gũi hơn với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Đức Cha cũng ca ngợi bầu khí chung của cuộc họp, và sự đóng góp của các dự thính viên trẻ.
Tuy nhiên, ngài cũng nhấn mạnh đến một số điểm mà ngài gọi là điểm yếu, trong đó có một sự thiếu tự tin “đáng thất vọng” về giáo huấn luân lý của Giáo Hội, một sự miễn cưỡng cung cấp các bản dịch, và gần như tất cả các Nghị Phụ trong Thượng Hội Đồng phải “câm nín” không được bổ sung thêm sau khi đã được phát biểu lần đầu.
Nhìn chung, Đức Tổng Giám Mục có mối quan tâm đặc biệt đối với cách tổ chức như hiện nay của Thượng Hội Đồng Giám Mục: “Trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta đề ra những tín lý, nhưng một cách vội vã. Đây không phải là cách hình thành tín lý.”
“Một số nhà tổ chức dường như thất vọng vì ít nhất một nửa các Nghị Phụ và gần như tất cả các dự thính viên không người nào nói được tiếng Ý. Nhưng thực tế mà nói chưa tới 1% dân số thế giới này nói ngôn ngữ ấy”.
“Nếu Giáo hội muốn có các cuộc họp quốc tế thực sự, thì phải cải thiện cách thức hành động đối với vấn đề ngôn ngữ và phải bảo đảm rằng mọi người có được các văn bản bằng nhiều ngôn ngữ chính thức. Điều này đã không xảy ra tại Thượng Hội Đồng Giám Mục này.”
Mô tả tình hình cụ thể tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, Đức Tổng Giám Mục nói:
“Các thông dịch viên cố dịch cho nhanh, để theo cho kịp, và các Nghị Phụ không thể ghi chép bằng ngôn ngữ của chính họ. Vì vậy, chúng tôi không chắc chắn về những gì chúng tôi đã được yêu cầu bỏ phiếu Thuận hay Không.”
Ngài nhận xét thêm rằng:
“Bất kỳ cuộc họp quốc tế nghiêm túc nào ngày nay đều nhận được các bản văn trước mặt họ bằng các ngôn ngữ chính thức. Nếu Liên Hiệp Quốc và các tổ chức mậu dịch quốc tế có thể làm điều đó, Giáo Hội cũng phải làm được.
Dĩ nhiên, tôi nhìn nhận rằng Vatican có số nhân viên ít hơn so với nhiều tổ chức quốc tế khác. Nhưng nếu chúng ta đã phải đầu tư vào chi phí di chuyển, chỗ ở và thời gian của 300 người trở lên trong hàng tháng trời, chi phí cho việc phiên dịch chuyên nghiệp có đáng là bao.”
11. Tổng thống Ukraine và Đức Thượng Phụ Đại Kết ký hiệp định về quyền tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine
Hôm thứ Bẩy 3 tháng 11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã có cuộc gặp gỡ tại Istanbul và đã ký một thỏa thuận mở đường cho việc công nhận quyền tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine. Việc ký kết thỏa thuận này đã gây ra một làn sóng giận dữ mới tại Mạc Tư Khoa.
Thỏa thuận vừa được ký kết quy định các điều kiện cần thiết mà Chính Thống Giáo tại Ukraine phải đạt được trước khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô ban cấp Tomos, tức là quy chế của một Giáo Hội Chính Thống tự trị trong thế giới Chính Thống Giáo.
“Thay mặt người dân Ukraine, tôi rất biết ơn Đức Thượng Phụ Đại Kết và tất cả các giám mục của Tòa Thượng Phụ Constantinope về quyết định hết sức quan trọng và khôn ngoan này, mở ra con đường đến với Thiên Chúa cho đất nước và Giáo Hội Ukraine”, ông Poroshenko nói.
“Thỏa thuận mà chúng tôi ký hôm nay đặt ra các điều kiện để việc chuẩn bị cho việc ban cấp Tomos sẽ được thực hiện hoàn toàn đúng theo với các quy tắc giáo luật của Giáo hội Chính Thống.”
Poroshenko cũng đã tweet: “Hôm nay là một ngày lịch sử. Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về sự hợp tác giữa Ukraine và Tòa Thượng Phụ Đại Kết, mà chúng tôi vừa ký kết với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô.”
Vấn đề được ban cấp Tomos sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2019 tại Ukraine. Ông Poroshenko xem việc ban cấp Tomos là một vấn đề then chốt trong kế hoạch tái tranh cử một nhiệm kỳ nữa.
Tòa Thượng Phụ Đại Kết của Chính Thống Giáo được đặt tại Istanbul, trước đây gọi là Constantinople và từng là thủ đô của Đế quốc Byzantine trước khi bị Đế quốc Hồi giáo Ottoman chinh phục vào năm 1453.
Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch ủy ban quan hệ đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cho biết thỏa thuận mới là một trong những quyết định gần đây của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô “nằm ngoài thẩm quyền tài phán và vi phạm chủ quyền của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.”
Theo hãng tin TASS của Nga, Đức Tổng Giám Mục cáo buộc Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đang “đưa ra các chỉ thị từ nước ngoài nhằm làm suy yếu và chia rẽ sự hiệp nhất của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga”.
12. Chính quyền của tổng thống Trump mở rộng các trường hợp miễn trừ mua bảo hiểm tránh thai vì niềm tin tôn giáo
Các Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, gọi tắt là HHS, Bộ Ngân Khố và Bộ Lao động đã ban hành hai quy tắc cập nhật liên quan đến việc bảo vệ quyền lương tâm cho các tổ chức và cá nhân liên quan đến việc mua bảo hiểm tránh thai.
Theo các quy định mới, các tổ chức và cá nhân phản đối các quy định bắt buộc mua bảo hiểm tránh thai gây nhiều tranh cãi dưới thời tổng thống Obama trên cơ sở niềm tin tôn giáo hay luân lý sẽ được miễn.
Theo một thông cáo báo chí từ HHS, các quy định mới “cung cấp việc miễn trừ trách nhiệm mua bảo hiểm tránh thai cho các thực thể và cá nhân phản đối các dịch vụ này trên cơ sở niềm tin tôn giáo”.
“Vì vậy,” thông cáo cho biết thêm, “các thực thể thực sự có niềm tin tôn giáo chống lại việc cung cấp các dịch vụ tránh thai (hoặc các dịch vụ mà họ coi là phá thai bằng thuốc) sẽ được miễn trách nhiệm này và không còn cần phải cung cấp bảo hiểm đó nữa.”
Các quy định mới cũng miễn trừ việc mua bảo hiểm tránh thai cho các tổ chức phi lợi nhuận, các doanh nghiệp nhỏ và các cá nhân có “xác tín đạo đức” chống lại các dịch vụ này bất kể họ thuộc về một tôn giáo cụ thể nào hay không.
13. Hội Đồng Giám Mục Pháp thành lập ủy ban độc lập để giải quyết lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Pháp
Sau nhiều tháng thảo luận và suy tư, Hội đồng Giám mục Pháp đã quyết định thành lập một ủy ban độc lập và bên ngoài cơ cấu hiện nay của Hội Đồng Giám Mục Pháp nhằm giải quyết nạn lạm dụng tình dục, những che đậy và những trường hợp giải quyết không đến nơi đến chốn của các Giám Mục nước này về vấn đề lạm dụng kể từ những năm 2000 cho đến nay.
“Các giám mục của Pháp đã quyết định thiết lập một ủy ban độc lập để chiếu rọi ánh sáng vào tệ nạn tình dục lạm dụng trẻ vị thành niên trong Giáo hội Pháp kể từ năm 1950 đến nay. Chúng tôi muốn tìm hiểu các lý do, những cách thức các trường hợp này đã được giải quyết và đưa ra những khuyến nghị.” Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier của Marseille, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp cho biết như trên hôm 7 tháng 11.
Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Pontier đã được đưa ra vào lúc kết thúc cuộc họp khoáng đại của các Giám Mục Pháp tại Lộ Đức. Hôm 07 tháng 11, các Giám Mục Pháp đã thông qua quyết định thành lập ủy ban và hình thành một quỹ bồi thường cho các nạn nhân. Trong hội nghị khoáng đại, các giám mục Pháp cũng đã có những cuộc gặp gỡ với một số nạn nhân bị lạm dụng tình dục.
“Cuộc gặp gỡ giữa các nạn nhân và các giám mục đã củng cố tất cả chúng tôi, các nạn nhân cũng như các giám mục, về sự cần thiết phải hợp tác tốt hơn trong cuộc chiến này”, Đức Cha Pontier nói.
Ủy ban cũng hứa hẹn sẽ xem xét việc xử lý lạm dụng tình dục của các Giám Mục Pháp từ những năm 2000 và xem xét các trường hợp lịch sử trong đó nạn nhân hoặc thủ phạm có thể đã chết.
Đức Tổng Giám Mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp nói thêm rằng một báo cáo sẽ được công bố trong vòng 18 tháng hoặc hai năm. Tên của các thành viên và người đứng đầu ủy ban sẽ sớm được công bố.
14. Các nghị định nhìn nhận các phép lạ và các nhân đức anh hùng ngày 8 tháng 11, 2018
Hôm 7 tháng 11 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp phái đoàn của Bộ Tuyên Thánh do Đức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng, hướng dẫn. Trong buổi tiếp kiến này, Đức Thánh Cha đã truyền cho Bộ Tuyên Thánh ban hành các nghị định công nhận các nhân đức anh hùng và xác nhận là xứng hợp việc tôn kính đã có từ lâu của anh chị em giáo dân dành cho Tôi tớ Chúa Michele Giedrojć, là giáo dân của Dòng Thánh Augustinô; sinh tại Giedrojce, Lithuania vào khoảng năm 1420 và qua đời tại Krakow, Ba Lan vào ngày 4 tháng 5 năm 1485. Nói một cách khác là Đức Thánh Cha tuyên Chân Phước “tương đương” cho vị Tôi tớ Chúa Michele Giedrojć.
Cũng trong buổi tiếp kiến này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền cho Bộ Tuyên Thánh ban hành các nghị định liên quan đến:
- Phép lạ nhờ lời chuyển cầu của vị Tôi tớ Chúa Edvige Carboni, giáo dân, sinh tại Pozzomaggiore, Ý, vào ngày 2 tháng 5 năm 1880 và qua đời tại Rôma ngày 17 tháng 2 năm 1952.
- Phép lạ nhờ lời chuyển cầu của vị Tôi tớ Chúa Benedetta Bianchi Porro, giáo dân, sinh tại Dovadola, Ý, ngày 8 tháng 8 năm 1936 và qua đời ở Sirmione del Garda, Ý, ngày 23 tháng 1 năm 1964.
- Phúc tử đạo của vị Tôi tớ Chúa Angelo Cuartas Cristóbal và tám bạn tử đạo, là các chủng sinh tại Chủng viện Oviedo, đã bị giết trong lòng căm thù đức tin ở Oviedo, Tây Ban Nha, giữa năm 1934 và 1937.
- Phúc tử đạo của vị Tôi tớ Chúa Mariano Mullerat i Soldevila, là giáo dân và là một người cha, sinh tại Santa Coloma de Queralt, Tây Ban Nha ngày 24 tháng 3 năm 1897 và bị giết vì lòng thù ghét đức tin ở El Pla, gần Arbeca, Tây Ban Nha, ngày 13 tháng 8 năm 1936.
- Phúc tử đạo của vị Tôi tớ Chúa James Alfred Miller, là một sư huynh đã tuyên khấn của Dòng La San, sinh ra tại Stevens Point, Hoa Kỳ, ngày 21 tháng 9 năm 1944, và bị giết vì lòng thù ghét đức tin ở Huehuetenango, Guatemala, ngày 13 tháng 2 năm 1982.
Bên cạnh đó còn có 10 nghị định nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 10 vị Tôi tớ Chúa.
Tưởng cũng nên biết là từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh.
Như vậy, qua 10 nghị định nhìn nhận các nhân đức anh hùng này, Giáo Hội có thêm 10 Bậc Đáng Kính.
15. Công an Trung Quốc bắt 4 linh mục hầm trú
Bốn linh mục thuộc Giáo Hội Công Giáo hầm trú ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc đã bị công an Trung Quốc giam giữ đưa đi học tập cải tạo.
Bản tin của Asia News hôm 5 tháng 11 cho biết các ngài bị bắt để cán bộ “truyền bá chính sách tôn giáo của chính phủ Trung Quốc” vì cho đến nay các ngài vẫn tiếp tục từ chối ghi danh vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước.
Trong số 4 linh mục bị bắt có hai vị thuộc giáo phận Tuyên Hoá (Xuanhua 宣化) và hai vị còn lại thuộc giáo phận Tây Loan Tử (Xiwanzi 西彎子).
Trong khi đó, Asia News ghi nhận hàng loạt các nhà thờ Công Giáo tại các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Quý Châu, Thiểm Tây và Sơn Đông đã bị triệt hạ sau khi thỏa thuận Vatican - Trung Quốc được ký kết hôm 22 tháng 9.
Thỏa thuận trên đã được ký kết trong bối cảnh người Công Giáo Trung Quốc và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, đáng chú ý là những người Hồi giáo Tân Cương, đang phải chịu đựng một sự đàn áp gay gắt nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nghiêm trọng nhất là việc Trung Quốc giam giữ một triệu người Tân Cương trong các trại cải tạo tẩy não, một hành động có thể cấu thành các tội ác chống lại nhân loại.
Ký kết thỏa hiệp với một thế lực tàn bạo như thế, Tòa Thánh đã bị các nhóm nhân quyền trên thế giới phê phán mạnh mẽ. Một số nhà lãnh đạo Giáo Hội cũng lên tiếng chỉ trích, bao gồm cả Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng.
16. Công an Trung Quốc bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn
Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 9 tháng 11, công an Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, (Shao Zhu-min - 邵祝敏) Giám Mục Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, và nói với giáo dân họ mời ngài đi “làm việc” từ “10 đến 15 ngày”.
Lần nào công an Trung Quốc cũng nói như thế nhưng lần cuối cùng ngài bị bắt là vào là tháng 5 năm 2017, và chỉ được thả ra sau 7 tháng đưa đi biệt tích. “Làm việc” có nghĩa là thẩm vấn và ép buộc học tập ý thức hệ cộng sản.
Các tín hữu của giáo phận đã mời gọi tất cả các cộng đồng và Giáo Hội trên thế giới cầu nguyện cho vị Giám Mục của họ.
Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, 55 tuổi, thuộc về cộng đoàn thầm lặng, không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận, nhưng ngài được Tòa Thánh công nhận là Giám Mục Ôn Châu. Trong hai năm qua, ngài đã bị công an cộng sản bắt ít nhất 5 lần. Lần cuối cùng là vào hồi tháng 5 năm 2017.
Là một giám mục “thầm lặng”, trong thời gian bị bắt, ngài bị ép buộc phải gia nhập vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước. Nhưng Đức Cha Phêrô từ chối vì ngài khẳng định rằng trong thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thẳng thừng phê phán Hiệp hội là “hoàn toàn không phù hợp với tín lý Công Giáo”.
Chính vì thế, Đức Cha Phêrô cũng được sự kính trọng của cộng đoàn công khai ở Ôn Châu. Giáo phận Ôn Châu có khoảng 130 nghìn tín hữu, với hơn 80 nghìn là thành viên của cộng đoàn thầm lặng. Hiện nay, tòan giáo phận có linh mục 70, chia đều giữa hai cộng đoàn. Trong nhiều thập niên, Giáo hội tại Ôn Châu đã bị chia rẽ. Nhưng trong vài năm trở lại hai cộng đoàn vẫn thường làm việc cùng nhau.
Tại Ôn Châu, ngay cả các linh mục chính thức cũng bị hạn chế và kiểm soát. Trong tháng các linh hồn các linh mục chính thức bị cấm không được viếng thăm lăng mộ của một số linh mục và giám mục thầm lặng, là những vị được mọi tín hữu kính ngưỡng; đặc biệt là phần mộ của Đức Cha Vinh Sơn Chu Duy Phương (Zhu Weifang 朱維芳). Đức Cha Vinh Sơn qua đời năm 2016. Mộ phần của ngài thường xuyên bị phá phách.
Vào các ngày Chúa Nhật, công an cộng sản rảo quanh các nhà thờ cấm các trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi vào các thánh đường và cấm triệt để các lớp giáo lý ngày Chúa Nhật.
Sau khi thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục được ký kết hôm 22 tháng 9, cộng sản đã tăng cường kiểm soát và đàn áp các cộng đoàn thầm lặng, và nhắc lại trong các cuộc họp với các giáo sĩ chính thức rằng Giáo hội Trung Quốc vẫn “độc lập”, bất chấp thỏa thuận này.