Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong chương trình này chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị và anh chị em cuộc phỏng vấn với Đức Cha Terry Brady.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đức Cha Terry Brady tên đầy đủ là Terence John Gerard Brady sinh ngày 19 tháng 4 năm 1947 tại bệnh viện St Margaret ở Darlinghurst, một vùng ngoại ô Sydney. Ngài chào đời bảy tuần sớm hơn bình thường nhưng vẫn sống sót, là điều rất hiếm với khả năng y khoa vào thời gian đó. Một người anh trai và một em trai của ngài đã qua đời trong thời thơ ấu. Đức Cha Terry có một người em gái, là Frances, trẻ hơn ngài 8 tuổi, và ngài có bốn người cháu.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại De La Salle Cronulla, ngài đã trải qua một thời gian làm việc ngắn trước khi là một sư huynh trong 8 năm tại dòng Truyền giáo Thánh Tâm. Ngài đã từng làm việc như một nhân viên xã hội trong Hội đồng Nam Sydney trước khi bắt đầu được đào tạo thành một linh mục tại chủng viện St Patrick. Ngài được Đức Tổng Giám Mục (sau này là Hồng Y) Edward Clancy phong chức linh mục cho Tổng Giáo Phận Sydney vào ngày 20 tháng 8 năm 1983.
Đức Cha Terry Brady đã duy trì một sự dấn thân mạnh mẽ đối với công bằng xã hội thông qua mối liên hệ lâu dài với Hội St. Vincent de Paul, đặc biệt qua việc phục vụ người vô gia cư tại Matthew Talbot Hostel, và trong bảy năm qua, ngài là Giám đốc Catholic Mission của Tổng Giáo Phận.
Ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Sydney và được tấn phong ngày 16 tháng 11 năm 2007.
Tháng 5 năm 2012, Hội đồng Giám mục Úc đã bầu ngài làm Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Đời sống Mục vụ vừa được các Giám Mục Úc tái cấu trúc. Ủy ban có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ quyền của người di cư và người tị nạn, chăm sóc mục vụ cho các tù nhân, các nhà tù và cho người khuyết tật.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn ngài dành cho hai phóng viên VietCatholic là Thúy Nga và Phương Thảo qua lời dịch của Như Ý và Kim Thúy.
1. Thưa Đức Cha, trong khi chúng ta đang tổ chức lễ hội Đức Mẹ ở đây, tại một góc của Sydney này, Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, Đức tin và sự phân định ơn gọi đang được tổ chức tại Rôma. Chúng con muốn hỏi Đức Cha rằng theo quan điểm của ngài, những vấn đề chính mà những người trẻ tuổi ở Úc đang phải đối mặt ngày nay là gì?
Trong bối cảnh của Úc, chúng ta là một quốc gia rất thế tục, một quốc gia rất giàu có và rất đa văn hóa và những điều đó mang đến những thách đố, và tôi nghĩ rằng thách đố chính chúng ta hiện có là những cộng đồng với một cách tiếp cận thụ động, đó có thể là yếu điểm của nhiều giáo xứ. Các cộng đồng theo một nghĩa nào đó đang trở nên khá yếu. Chúng ta đã xây dựng một hệ thống giáo dục rất tuyệt vời, một hệ thống tuyệt vời của các trường đại học, các trường đại học – danh tiếng, và đó thường là nơi những người trẻ tuổi và gia đình của họ kết nối với Giáo Hội. Nhưng thách đố là khi người ta rời nhà trường thì họ không có được một nơi để thuộc về. Bây giờ, có một số giáo xứ giàu tài nguyên và họ chú ý chăm sóc cho con cái các gia đình bất kể chúng học nơi đâu ngay từ trong nôi đến khi trưởng thành. Và họ có một sự tiếp cận lớn lao, một cảm giác tuyệt vời về phúc âm hóa, chào đón và vân vân. Nhưng thường thì các giáo xứ của chúng ta thiếu những tài nguyên như thế. Chúng ta sẽ rất tốt nếu các giáo xứ của chúng ta có một số chương trình nào đó. Thật tốt khi có những cuộc tụ họp tuyệt vời như cuộc tụ tập kính Đức Maria này của cộng đồng người Việt, là cộng đoàn đã tham gia vào các sinh hoạt tốt nhất trong một thời gian dài ở đây, tại Sydney này, có lẽ trong suốt 40 năm qua, và tôi cũng muốn nói thêm là cộng đoàn người Việt với tôi là rất trưởng thành. Họ đã ở đây một thời gian dài. Họ là một phần của Giáo Hội Úc. Họ là một phần của xã hội Úc.
Nhưng tôi cũng có thể thấy rằng làn sóng thế tục hóa đang chạm vào mọi cộng đồng cũng đang chạm vào cộng đồng người Việt. Tôi thấy rất nhiều người trẻ Việt cũng cũng bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thế tục như những người trẻ với nhiều nguồn gốc khác. Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất tôi nghĩ là một sự ngạc nhiên lớn đối với tôi là khả năng của cộng đoàn nâng đỡ họ, để bảo đảm rằng những nhóm đặc biệt mà họ có trong tay như các nhóm giáo lý viên thực sự đang tìm kiếm và chăm sóc cho những người trẻ tuổi. Nếu những người trẻ có thể được nâng đỡ và trưởng thành, và toàn bộ giáo lý được truyền đạt nguyên vẹn thì đó sẽ là một đóng góp rất lớn trong việc giữ cho những người trẻ tuổi kết nối với Giáo Hội.
Một thách đố khác mà chúng ta thường quên, đó là ở Úc, cộng đồng Công Giáo chỉ là một thiểu số rất nhỏ trong xã hội Úc. Chúng ta không phải là một quốc gia Công Giáo, chúng ta nghĩ rằng chúng ta là, nhưng không phải như thế. Đất nước này được coi là một quốc gia Tin Lành và bây giờ nó là một đất nước đóng kín trong chủ nghĩa thế tục. Chúng ta chỉ là một cộng đồng rất nhỏ với khoảng 5 triệu người, không phải là lớn. Nhưng chúng ta có các nguồn lực để có thể tiếp cận với nhiều người nếu chúng ta thực sự muốn, bởi vì tôi thấy khi tôi di chuyển quanh tổng giáo phận trong các lãnh vực khác nhau của Giáo Hội Úc, tôi thấy rất nhiều điều tích cực. Tôi thực sự thấy nhiều điều tích cực có thể giữ những người trẻ và các gia đình kết nối với Giáo Hội và rất nhiều điều đang bắt đầu. Làm thế nào chúng ta kết nối với những người già bởi vì khi chúng ta chăm sóc những người già thì điều đó cũng đóng góp rất nhiều trong việc kết nối với những người trẻ, bao gồm họ và qua đó củng cố cộng đồng. Thật tuyệt vời vì tôi nghĩ chúng ta có những cơ hội. Dân chúng cởi mở, nhưng chúng ta có những thách thức đặc biệt. Thách thức mà chúng ta đang phải đương đầu ở Úc là dư âm cuả cuộc điều tra lạm dụng tình dục do Ủy Ban Hoàng Gia tiến hành đang có ảnh hưởng lớn đến người Úc cũng như nhiều phần khác của Giáo Hội phương Tây. Chúng ta không thể giữ nguyên như hiện nay như thể đó không phải là một thách đố. Trước thách đố này, chúng ta phải thực hiện nhiều thay đổi và chúng ta phải chịu trách nhiệm về nó. Chúng ta có một công đồng toàn thể sắp tới cho Giáo Hội Úc. Đây là lần đầu tiên kể từ Vatican 2 một công đồng toàn thể như thế được tổ chức trong một Giáo Hội phương Tây và chúng ta có cơ hội tuyệt vời nếu chúng ta thực sự nắm bắt để đổi mới Giáo Hội Úc và vì thế mọi nhóm, tất cả các nhóm khác nhau đều phải xem cơ hội này thực sự là một phước lành tuyệt vời mà chúng ta có nếu chúng ta muốn canh tân. Tôi luôn nói với mọi người rằng có rất nhiều việc phải làm. Những gì chúng ta đã từng cần phải có trong quá khứ, chúng ta cũng cần phải có trong tương lai bởi vì cơ bản là làm sao chúng ta mang được Tin Mừng đến cho mọi người trong các tình huống đáng thất vọng. Bên cạnh đó vấn đề còn là cách chúng ta làm điều đó ra sao. Và một phần của vấn đề là chúng ta phải thực sự cẩn thận để không trở thành một doanh nghiệp thương mại bởi vì chúng ta là Giáo Hội và chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng chúng ta là một Giáo Hội của những người theo Chúa Giêsu và mọi người cho dù họ giàu hay nghèo không quan trọng, ai cũng sẽ có một vị trí dành cho họ trong Giáo Hội, đặc biệt là những người trẻ tuổi và gia đình. Nếu Giáo Hội có được các gia đình, Giáo Hội cũng sẽ có được những người trẻ tuổi.
2. Thưa Đức Cha, xin Đức Cha cho chúng con biết ấn tượng đầu tiên của Đức Cha khi đến tham dự và cử hành thánh lễ trong lễ hội Đức Mẹ với người Công Giáo Việt Nam chúng con?
Tôi nghĩ trong lễ hội Đức Mẹ năm nay và trong các buổi lễ tuyệt vời khác ở đây mà tôi đã tham dự trong nhiều năm, tôi luôn cảm thấy một cảm thức cộng đồng tuyệt vời cùng với đức tin, một cộng đồng tuyệt đẹp, là những gì tôi có thể cảm thấy ở đây. Tôi biết nhiều người Việt Nam hiện diện ở đây và nhiều người Việt Nam khác trong một thời gian dài và tôi có một cảm giác tuyệt vời ở đây, đó là họ rất nhiệt tình. Nhiệt tình tuyệt đẹp trên khuôn mặt người dân, khuôn mặt của mọi người ở mọi lứa tuổi bao gồm những người trẻ tuổi, và các gia đình. Ở đây bạn cũng thấy những người lớn tuổi hơn, cùng với đức tin và một cảm thức đoàn kết. Không chỉ ở đây nhưng tôi cũng thấy như thế nơi các cộng đoàn khác trong toàn miền rộng lớn News South Wales.
3. Theo quan điểm mục vụ của Đức Cha, Đức Cha nghĩ cộng đoàn Công Giáo Việt Nam nên tập trung vào những vấn đề gì để xây dựng cộng đoàn và gia đình của chúng con trên các giá trị Tin Mừng?
Một lần nữa, như tôi đã nói có những thách đố, lần này bao trùm toàn thể Giáo Hội. Và đối với Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội rất năng động, có tầm cỡ, chúng ta phải chắc chắn rằng mọi người phải trưởng thành trong cuộc chiến tâm linh. Tôi nghĩ rằng có những thách thức lớn bao trùm khắp Giáo Hội nhưng tôi muốn nói cách riêng đến những thách đố ở đất nước này. Như tôi đã nói, đó là những thách đố liên quan đến việc lãnh đạo Giáo Hội, đến tình cảm của hàng giáo sĩ, cũng như khả năng lãnh đạo của anh chị em giáo dân. Chúng ta chưa có được những người vững mạnh như chúng ta cần phải có. Vì thế, đây là thời gian cho những suy tư – là thời gian cho những lời cầu nguyện. Tôi thường nhắc đến linh đạo Y nhã. Tôi nghĩ rằng với linh đạo Y nhã, bạn có thể đạt được những khác biệt tốt nhất bằng cách đưa ra những quyết định đúng đắn được hướng dẫn bởi một nhận thức sâu sắc tập trung vào Chúa Giêsu và dựa trên sự phục vụ mọi người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho chúng ta một ví dụ tuyệt vời về đề tài này mà tôi nghĩ khá là khác biệt với những người khác. Linh đạo là điều khá quan trọng.
4. Tính đến những khác biệt văn hóa và rào cản ngôn ngữ, Đức Cha nghĩ cộng đoàn Việt Nam có thể đóng góp những gì cho Giáo Hội tại Úc?
Cộng đồng người Việt đã và đang đóng góp những điều lớn lao cho Giáo Hội tại Úc kể từ khi họ đặt chân đến đây. Chắc khó mà có được những người Công Giáo của bất kỳ nền văn hóa nào khác có thể đóng góp lớn hơn như vậy. Giáo Hội sẽ có nhiều vấn đề hơn nếu không có các linh mục gốc Việt, những người quan tâm không chỉ cho người Việt mà còn cho cả Hội thánh rộng lớn hơn. Tôi nghĩ người Việt Nam đã thành công trong việc thích nghi với tình hình hơn bất kỳ nhóm nào khác. Họ thích nghi rất nhanh chóng với tình hình. Người Việt Nam mang đến cho nước Úc đa văn hóa nhiều điều. Cha tôi ngưỡng mộ một linh mục người Việt là người có thể xử lý và dàn xếp mọi chuyện cách nhanh chóng trong giáo xứ của ngài cách đây 15 năm. Một điều nữa là Giáo Hội Úc chắc chắn sẽ còn màu mỡ hơn với thế hệ thứ hai của người Việt Nam. Bản thân tôi thuộc thế hệ thứ hai của người Ái Nhĩ Lan.