Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình đã do thánh Gioan Phaolô II thành lập ngày mùng 9 tháng 5 năm 1981. Đại hội này do Hội Đồng Toà Thánh về Gia Đình tổ chức ba năm một lần tại nhiều nơi trên thế giới: lần thứ nhất tại Roma năm 1994, lần thứ hai tại Rio de Janeiro năm 1997, lần thứ ba tại Roma năm 2000, lần thứ tư tại Manila năm 2003, lần thứ năm tại Valencia năm 2006, lần thứ sáu tại thành Phố Mêxicô năm 2009, lần thứ bẩy tại Milano năm 2012. Đã có 1 triệu người tham dự thánh lễ bế mạc đại hội tại Milano do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 chủ sự tại phi trường Brescia.
Đại hội quốc tế các gia đình lần thứ tám đã diễn ra tại Philadelphia trong các ngày từ 22 đến 25 tháng 9 năm 2015 và có khẩu hiệu là “Tình yêu là sứ vụ của chúng ta: gia đình sống động tràn đầy”. Mỗi ngày đều có thánh lễ, các buổi thuyết trình và các buổi học giáo lý do nhiều Hồng Y và Giám Mục cũng như các chuyên viên đảm trách. Đồng thời cũng có các chứng từ và nhiều sinh hoạt khác cho nhiều lứa tuổi khác nhau.
Đại hội quốc tế các gia đình lần này là lần thứ chín diễn ra tại thủ đô Dublin của Ái Nhĩ Lan từ ngày 21 đến 26 tháng Tám với chủ đề “Tin Mừng Gia Đình: Niềm Vui cho Thế Giới”.
Buổi canh thức đã là một lễ hội gia đình với ca nhạc, mầu sắc, vũ điệu và các chứng từ. Hơi ấm, tình yêu và niềm vui của các gia đình toàn thế giới đã được phản ánh trong sự xúc động và nụ cười của Đức Thánh Cha khi lắng nghe các chứng từ cuộc sống của nhiều người.
Trong nhiều dịp khác nhau Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ niềm tin của ngài rằng trong các thực tại phức tạp, rối rắm của đời sống gia đình hiện đại, ơn thánh và tình yêu của Chúa Giêsu Kitô luôn sống động trong thiên hà các hành vi hàng ngày của lòng nhân, lòng âu yếm, lòng quảng đại và trung thành, thường được sống một cách anh hùng giữa rất nhiều yếu đuối nhân bản và các áp lực áp đảo của xã hội.
Trong một thế giới dễ dàng đầu hàng bạo lực, bất nhân và vứt bỏ người khác, Đức Thánh Cha luôn xác tín rằng chính thực tại gia đình đầy rối rắm nhưng cũng đầy ơn thánh này đã duy trì đời sống chúng ta và thế giới và vẫn tiếp tục là động lực chính hình thành nên tương lai của nhân loại.
Trong diễn từ với các tham dự viên, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào buổi tối!
Tôi biết ơn tất cả anh chị em vì sự chào đón nồng nhiệt của anh chị em. Thật tốt khi được ở đây! Thật tốt để cử mừng, vì việc cử hành làm cho chúng ta thêm nhân bản và Kitô hơn. Nó cũng giúp chúng ta chia sẻ niềm vui khi biết rằng Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, Ngài đồng hành cùng chúng ta trên hành trình cuộc sống của chúng ta, và mỗi ngày Ngài thu hút chúng ta gần gũi hơn với chính Ngài.
Trong bất kỳ lễ kỷ niệm nào của gia đình, sự hiện diện của mọi người đều được cảm nhận: cha, mẹ, ông bà, cháu, chú bác, cậu mợ, anh em họ, những người không thể đến và những người sống quá xa. Hôm nay ở Dublin, chúng ta tập hợp lại với nhau cho một lễ kỷ niệm gia đình trong đó chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì chúng ta là ai: đó là một gia đình trong Chúa Kitô, trải rộng khắp thế giới. Giáo Hội là gia đình những con cái Chúa. Một gia đình, trong đó chúng ta vui mừng với những người ai đang hân hoan, và khóc lóc cùng với những ai đang buồn sầu hoặc cảm thấy bị đánh gục bởi cuộc sống. Một gia đình mà chúng ta quan tâm cho mọi người, vì Thiên Chúa, là Cha chúng ta, đã làm cho tất cả chúng ta nên con cái của Ngài trong Phép Rửa. Đó là một lý do tại sao tôi tiếp tục khuyến khích cha mẹ hãy làm phép rửa tội cho con cái mình càng sớm càng tốt để họ có thể trở thành một phần của gia đình vĩ đại của Thiên Chúa. Chúng ta cần mời tất cả mọi người đến dự tiệc!
Các gia đình thân mến,
Anh chị em là đại đa số trong dân Thiên Chúa. Giáo hội sẽ ra sao nếu không có anh chị em? Điều này giúp chúng ta nhận ra vẻ đẹp và tầm quan trọng của gia đình, với những ánh sáng và bóng tối của nó mà tôi đã viết trong Tông huấn Amoris Laetitia về niềm vui của tình yêu, và đã muốn chọn chủ đề của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới này là “Tin Mừng của Gia Đình, Niềm vui cho thế giới”. Thiên Chúa muốn mọi gia đình trở thành một ngọn hải đăng cho niềm vui của tình yêu Ngài trong thế giới chúng ta. Điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là chúng ta, những người đã gặp được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, hãy cố gắng diễn đạt tình yêu ấy thành lời hay qua những hành động tử tế trong thói quen hàng ngày của chúng ta và trong những khoảnh khắc kín đáo nhất trong cuộc sống thường nhật.
Toàn bộ sự thánh thiện là như thế. Tôi thích nói về các vị thánh ở sát “kế bên”, là tất cả những người bình thường phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống và lịch sử của thế giới chúng ta (xem Tông huấn Mừng Rỡ Hân Hoan, 6-7). Ơn gọi yêu thương và nên thánh không phải là một điều gì đó dành riêng cho một vài cá nhân ưu tuyển. Ngay cả lúc này đây, nếu chúng ta có đôi mắt để nhìn thấy, chúng ta có thể thấy ơn gọi ấy đang được sống xung quanh chúng ta. Nó âm thầm hiện diện trong trái tim của tất cả những gia đình trao ban tình yêu, sự tha thứ, và lòng thương xót khi họ nhìn thấy những người túng quẫn, và họ làm như vậy lặng lẽ, không phô trương ồn ào. Tin Mừng của gia đình thực sự là niềm vui cho thế giới, vì ở đó, trong gia đình của chúng ta, ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu, trong sự đơn sơ và thanh bần như Ngài đã làm trong mái ấm Thánh Gia Nazareth.
Hôn nhân Kitô giáo và đời sống gia đình chỉ được nhìn thấy trong tất cả vẻ đẹp và sức hấp dẫn của chúng nếu chúng được neo trong tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra chúng ta theo hình ảnh riêng của Người. Cha mẹ, ông bà, con cái cháu chắt: tất cả đều được mời gọi để tìm thấy, trong gia đình, sự viên mãn của chúng ta trong tình yêu. Ân sủng của Thiên Chúa giúp chúng ta hằng ngày sống đồng tâm nhất trí với nhau. Ngay cả giữa con dâu và mẹ chồng! Không ai nói điều này sẽ dễ dàng. Nó giống như pha trà: thật dễ dàng để đun sôi nước, nhưng một tách trà ngon rất cần thời gian và sự kiên nhẫn; nó cần phải được ươm! Vì thế, mỗi ngày Chúa Giêsu làm ấm chúng ta bằng tình yêu của Ngài và để tình yêu ấy thâm nhập toàn thể chúng ta. Từ kho tàng Thánh Tâm của Ngài, Chúa ban cho chúng ta ân sủng cần thiết để chữa lành những yếu đuối của chúng ta và mở lòng trí chúng ta ra để nghe, hiểu và tha thứ lẫn nhau.
Chúng ta vừa nghe các chứng từ của Felicité, Isaac, và Ghislain, là những người đến từ Burkina Faso. Họ kể cho chúng ta một câu chuyện cảm động về sự tha thứ trong gia đình. Một nhà thơ nói rằng “sai lầm là chuyện người ta thường tình, còn tha thứ là nghĩa cử thần thánh”. Và đó là sự thật: sự tha thứ là một ân sủng đặc biệt từ Thiên Chúa chữa lành sự mỏng dòn của chúng ta và lôi kéo chúng ta đến gần với nhau và với Ngài hơn. Những hành động tha thứ nhỏ và đơn giản, được đổi mới mỗi ngày, là nền tảng mà cuộc sống gia đình Kitô vững chắc được xây dựng nên. Chúng buộc chúng ta phải vượt qua niềm tự hào, sự xa cách, và xấu hổ của chúng ta, và kiến tạo nên hòa bình. Tôi thích nói rằng trong gia đình chúng ta, chúng ta cần phải học ba từ: “xin lỗi”, “làm ơn” và “cảm ơn”. Khi anh chị em cãi nhau trong nhà, hãy chắc chắn rằng trước khi đi ngủ hãy xin lỗi và nói rằng anh chị em thấy ân hận. Ngay cả khi tranh cãi khiến bạn ngủ trong một căn phòng khác, một mình và tách biệt, hãy gõ cửa và nói: “Xin cho tôi vào được không?” Tất cả những gì cần là một cái nhìn, một nụ hôn, một lời nói nhẹ nhàng … và mọi thứ được trở lại như cũ! Tôi nói điều này bởi vì khi gia đình làm điều này, họ tồn tại được. Không gia đình nào hoàn hảo đâu; nếu không có tha thứ, gia đình có thể bị bệnh và dần dần sụp đổ.
“Tha thứ” có nghĩa là “cho đi” một cái gì đó của chính mình. Chúa Giêsu luôn tha thứ cho chúng ta. Nhờ quyền năng tha thứ của Người, chúng ta cũng có thể tha thứ cho người khác, nếu chúng ta thực sự muốn thế. Đó chẳng phải là điều chúng ta vẫn cầu nguyện khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha đó sao? Trẻ em học cách tha thứ khi thấy cha mẹ tha thứ cho nhau. Nếu chúng ta hiểu điều này, chúng ta có thể đánh giá cao sự vĩ đại trong lời rao giảng của Chúa Giêsu về sự trung tín trong hôn nhân. Vượt xa một nghĩa vụ pháp lý lạnh lùng, trên tất cả, đó là một lời hứa mạnh mẽ về sự trung tín của chính Thiên Chúa đối với lời hứa của Ngài và ân sủng không bao giờ tàn lụi của Ngài. Chúa Kitô đã chết cho chúng ta để chúng ta, đến lượt mình, có thể tha thứ và hòa giải với nhau. Nhờ thế, trong tư cách cá nhân và gia đình, chúng ta có thể nhận biết sự thật trong những lời này của Thánh Phaolô, dù mọi thứ có qua đi, “tình yêu không bao giờ kết thúc” (1 Cor 13: 8).
Cảm ơn Nisha và Ted, vì chứng tá của các bạn từ Ấn Độ, nơi các bạn đang dạy con cái mình làm thế nào để trở thành một gia đình thực sự. Bạn đã giúp chúng ta hiểu rằng phương tiện truyền thông xã hội không nhất thiết phải là một vấn đề đối với gia đình, nhưng cũng có thể giúp xây dựng một “web” của tình bạn, tình liên đới và hỗ trợ lẫn nhau. Các gia đình có thể kết nối thông qua internet và kín múc chất dinh dưỡng từ internet. Phương tiện truyền thông xã hội có thể mang lại lợi ích nếu được sử dụng với sự kiểm duyệt và thận trọng. Ví dụ, tất cả các bạn đã tập hợp trong Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới này đã hình thành một mạng lưới tinh thần, một mạng lưới tình bạn; phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp các bạn duy trì kết nối này và mở rộng nó cho nhiều gia đình hơn nữa trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng là các phương tiện truyền thông này không bao giờ trở thành mối đe dọa đối với mạng lưới các quan hệ bằng xương bằng thịt bằng cách giam giữ chúng ta trong một thực tại ảo và cách ly chúng ta khỏi chính những mối quan hệ đang thách thức chúng ta phải phát triển hết tiềm năng của mình trong sự hiệp thông với người khác. Có lẽ câu chuyện của Ted và Nisha sẽ giúp tất cả các gia đình đặt câu hỏi liệu họ có cần cắt giảm thời gian họ dành cho công nghệ hay không, để dành nhiều thời gian hơn với nhau và với Chúa.
Chúng ta đã nghe từ Enass và Sarmaad về cách thế tình yêu gia đình và đức tin có thể là một nguồn sức mạnh và bình an ngay cả trong bối cảnh bạo lực và hủy diệt gây ra bởi chiến tranh và khủng bố. Câu chuyện của họ nhắc nhở chúng ta về những tình huống bi thảm phải chịu đựng hàng ngày bởi rất nhiều những gia đình buộc phải chạy trốn khỏi nhà cửa của mình để tìm kiếm an ninh và hòa bình. Nhưng họ cũng chỉ cho chúng ta cách thức, bắt đầu từ gia đình, và nhờ tình liên đới được thể hiện bởi nhiều gia đình khác, cuộc sống có thể được tái xây dựng và hy vọng lại nảy sinh một lần nữa. Chúng ta thấy sự hỗ trợ này trong video của Rammy và người anh trai Meelad của anh, nơi Rammy bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình về sự khích lệ và giúp đỡ mà gia đình họ nhận được từ rất nhiều gia đình Kitô khác trên toàn thế giới, những người đã giúp họ trở về làng cũ của mình. Trong mọi xã hội, các gia đình kiến tạo hòa bình, bởi vì họ dạy dỗ đức ái, sự chấp nhận và tha thứ là liều thuốc giải độc tốt nhất cho hận thù, thành kiến và trả thù trả oán là những thứ có thể đầu độc cuộc sống của các cá nhân và cộng đồng.
Một linh mục thánh thiện Ái Nhĩ Lan đã dạy chúng ta, “gia đình nào cầu nguyện cùng nhau, sẽ ở lại với nhau” và tỏa sáng ánh quang hòa bình. Một cách đặc biệt, một gia đình như vậy có thể là sự hỗ trợ cho các gia đình khác đang lục đục. Sau cái chết của Cha Ganni, Enass, Sarmaad, và gia đình họ đã chọn sự tha thứ và hòa giải thay vì lòng căm thù và oán giận. Họ đã thấy, trong ánh sáng của thập tự giá, cái ác đó chỉ có thể bị đánh bại bởi điều thiện, và hận thù chỉ có thể vượt qua bằng sự tha thứ. Hầu như không thể tin được, họ đã có thể tìm thấy an bình trong tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu canh tân tất cả mọi sự. Tối nay họ chia sẻ hòa bình đó với chúng ta.
Tình yêu của Chúa Kitô làm mới mọi sự, đó là điều làm khả thi hôn nhân và một tình yêu vợ chồng được đánh dấu bởi lòng chung thủy, không phai hòa, hiệp nhất, và cởi mở với cuộc sống. Đó là điều tôi muốn cử mừng trong chương thứ tư của Tông huấn Amoris Laetitia. Chúng ta thấy tình yêu này nơi Mary và Damian và gia đình mười đứa con của họ. Cảm ơn vì chứng từ của các bạn và chứng tá của các bạn cho tình yêu và đức tin! Các bạn đã trải nghiệm được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các bạn và chúc phúc cho các bạn với niềm vui của một gia đình xinh đẹp. Các bạn nói với chúng ta rằng chìa khóa cho cuộc sống gia đình của các bạn là sự trung thực. Từ câu chuyện của các bạn, chúng ta thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục trở lại với nguồn mạch của sự thật và tình yêu có khả năng thay đổi cuộc sống của chúng ta là Chúa Giêsu, Đấng đã bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài tại một bữa tiệc cưới. Ở Cana, Ngài đã biến nước thành một loại rượu mới và ngọt ngào để giữ cho tiệc cưới được tưng bừng. Tình yêu vợ chồng cũng thế. Rượu mới bắt đầu lên men trong thời gian hẹn hò, là thời gian cần thiết nhưng chóng qua, và trưởng thành trong suốt hôn nhân trong một sự tự trao ban lẫn cho nhau khiến vợ chồng từ hai trở thành “một xương một thịt”. Và, đến lượt mình, họ lại mở rộng con tim cho tất cả những người cần đến tình yêu, đặc biệt là những người cô đơn, bị bỏ rơi, yếu đuối và dễ bị tổn thương thường bị loại bỏ bởi nền văn hóa vứt bỏ của chúng ta.
Các gia đình ở khắp mọi nơi được thách thức để tiếp tục phát triển, để tiếp tục tiến lên, ngay cả giữa những khó khăn và hạn chế, như các thế hệ trước đã làm. Tất cả chúng ta là một phần của một chuỗi gia đình tuyệt vời trải dài từ thuở tạo thiên lập địa. Gia đình của chúng ta là một kho tàng của ký ức sống động, khi trẻ em lần lượt trở thành cha mẹ và ông bà. Từ nơi họ, chúng ta nhận được bản sắc, giá trị của chúng ta và niềm tin của chúng ta. Chúng ta thấy điều này nơi Aldo và Marissa, là hai người đã kết hôn được hơn 50 năm. Cuộc hôn nhân của họ là một tượng đài cho tình yêu và lòng trung tín! Con cháu của họ giữ cho họ trẻ trung; ngôi nhà của họ tràn ngập tiếng cười, hạnh phúc và nhảy múa. Tình yêu của họ dành cho nhau là một ân sủng từ Thiên Chúa, và đó là một món quà mà họ vui vẻ truyền lại cho con cái của họ.
Một xã hội không coi trọng các bậc ông bà là một xã hội không có tương lai. Một Giáo Hội không quan tâm đến giao ước giữa các thế hệ chung cuộc sẽ thiếu vắng điều thực sự quan trọng, đó là tình yêu. Ông bà của chúng ta dạy chúng ta về ý nghĩa của tình yêu vợ chồng, tình phụ tử và mẫu tử. Họ đã lớn lên trong một mái gia đình và trải nghiệm tình yêu của con cái, và anh chị em. Vì vậy, họ là một kho tàng kinh nghiệm và trí tuệ cho thế hệ mới. Thật là một sai lầm lớn khi không hỏi người cao niên về kinh nghiệm của họ, hoặc nghĩ rằng nói chuyện với họ chỉ là một sự lãng phí thời gian. Ở đây tôi muốn cảm ơn Missy vì những chứng tá của cô ấy. Cô ấy nói với chúng ta rằng, trong số những người phải bôn ba đây đó, gia đình luôn là nguồn sức mạnh và tình liên đới. Chứng tá của cô nhắc nhở chúng ta rằng, trong nhà của Thiên Chúa, có một chỗ ở bàn ăn cho mọi người. Không ai bị loại trừ; tình yêu và sự chăm sóc của chúng ta phải mở rộng cho tất cả mọi người.
Tôi biết đã muộn rồi và các bạn đã mệt rồi! Nhưng hãy để tôi nói điều cuối cùng này với tất cả các bạn. Là các gia đình, anh chị em là niềm hy vọng của Giáo Hội và của thế giới! Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đã tạo ra con người giống hình ảnh Ngài để chia sẻ trong tình yêu của Ngài, để trở thành một gia đình của các gia đình, và tận hưởng sự bình an mà chỉ mình Người có thể ban cho. Qua chứng tá cho Tin Mừng của mình, anh chị em có thể giúp giấc mơ của Thiên Chúa thành hiện thực. Anh chị em có thể giúp lôi kéo tất cả con cái Chúa lại gần với nhau hơn để họ có thể phát triển trong sự hiệp nhất và nhận ra những gì giúp cho toàn bộ thế giới được sống trong an bình như một gia đình vĩ đại. Vì lý do này, tôi muốn trao cho mỗi người trong anh chị em một bản sao của Tông huấn Amoris Laetitia, mà tôi đã viết như một loại lộ trình để hân hoan sống Phúc âm của gia đình. Xin Đức Maria Mẹ của chúng ta, Nữ vương các gia đình và Nữ vương Hòa bình, nâng đỡ tất cả anh chị em trong cuộc hành trình của cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc!
Và bây giờ, vào lúc kết thúc buổi tối của chúng ta với nhau, chúng ta sẽ đọc lời nguyện Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần này.