Hiệp định tại thủ đô Thụy Sỹ Geneva 20 tháng 7 năm 1954 quyết định chia đôi lãnh thổ Việt Nam làm hai, lấy sông Bến Hải (với cầu Hiền Lương) thuộc vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Dân chúng được tự do chọn ở lại hay di cư ra bắc hay vào nam, có ủy hội quốc tế do Ấn Độ, Ba Lan và Canada giám sát. Vài cường quốc cùng thực dân Pháp (sau khi thua Cộng Sản tại Điện biên phủ) và chính phủ Việt Minh đã ký kết vào văn bản ‘đau thương’ này.

Chính phủ miền Nam, do thủ tướng Ngô đình Diệm lãnh đạo, đã phản đối chuyện chia cắt này. Rồi người Pháp phải ra đi vĩnh viễn khỏi Việt Nam sau gần 100 năm đô hộ. Để tỏ chút ‘tình xưa nghĩa cũ’, họ cũng tiếp tay với Hoa Kỳ để chuyển vận gần một triệu người muốn trốn chạy ách ‘Việt Cộng’ phương bắc để xuống miền nam tìm tự do. Tấm ảnh dân chúng gồng gánh và bồng bế nhau xuống tàu ‘há mồm’ trên đây cũng gợi lên trong ký ức bao kỷ niệm bi hùng khác của chuyến đổi đời lịch sử này. Và rồi, qua bài ca ‘Tiếng hò miền Nam’ của Phạm Duy, người ta hình dung ra đựơc thật nhiều diễn biến góp phần ‘làm lại cuộc đời tươi sáng’, trong vòng tay đón tiếp ân cần của dân chúng địa phương hiền hòa hiếu khách.

Từ bắc xuôi nam có 860,206 người, được phủ Tổng Ủy di cư phối hợp tìm nơi ăn chốn ở (không kể một số đông khác không công khai ghi danh). Có tất cả 315 trại định cư trên toàn miền nam. Chiều ngược từ nam ra bắc thì người ta chỉ thấy các ‘cán bộ nằm vùng’ được lệnh ra ‘tập kết’ để dựng xây ‘xã hội chủ nghĩa’, theo thuyết vô thần và độc tài đảng trị.

Thực tế là sau 21 năm xây dựng, xã hội miền bắc, tuy được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ, vẫn cứ lê lết trong nghèo đói cơ cực. ‘Nhà nước’ thì biện minh rằng dân chúng cần ‘thắt lưng buộc bụng’ để dành sức chiếm nốt miền nam, hầu đạt mục tiêu ‘thống nhất đất nước’ ! Để rồi miền nam phải ra tay tự vệ, có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và đồng minh. Chẳng may, vận nước xui xẻo, đồng minh thay lòng, miền nam bị ‘hụt hẫng’ khiến Cộng Sản đã tràn ngập quê hương từ 1975.

Chuyện chia ly dĩ nhiên vô tình tạo phân cách cho một số đông gia đình, cách riêng những cặp trai gái mới yêu nhau mà kẻ Bắc người Nam. Thành ra nhạc sĩ Lam Phương đã xuất thần sang tác ra bản ‘Chuyến đò vĩ tuyến’ (trên sông Bến Hải) gây xúc động lòng người qua mấy câu như sau : Giòng sông mơ màng và đẹp lắm. Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ để tình ta ngày tháng phải mong chờ. Hò... hớ .... hò .... hơ ... Em và cùng anh (mong) xây một nhịp cầu ….. Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi. Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy. Ai gieo chi khúc hát lâm ly; Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng !

Có một nhân sĩ lên tiếng thế này :Từ vết cắt 1954 biết bao gia đình có người thân phải đứng về hai chiến tuyến, biết bao gia đình không thể sum họp vì vợ, chồng đã có gia đình khác trong những năm dài không hẹn ngày gặp lại, biết bao nhiêu gia đình tiếp tục tan vỡ vào những ngày ngỡ đã bình yên… Vết cắt 1954 không chỉ dài đến 21 năm mà hình như kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa lành”

NGÓ LẠI NHỮNG LẦN PHÂN CHIA THỜI TRƯỚC



Chuyện phân chia (mang theo việc binh đao tranh hùng) đau lòng tiên khởi, kể từ khi Ngô Quyền chính thức dứt điểm ‘một ngàn năm đô hộ giặc Tàu’ sau chiến thắng Bạch Đằng giang oai hùng, là việc tranh giành quyền lực của 12 ‘sứ quân’ kéo dài ngót 20 năm. Rất tiếc nhà Ngô tồn tại không lâu, cũng như lòng người còn phân hóa khi mới được độc lập. May thay, Đinh bộ Lĩnh đã xuất sắc dẹp tan các phe nhóm này, để rồi khai sáng nhà Đinh với danh hiệu Đinh tiên Hoàng (năm 968, đặt tên nước là Đại cồ Việt).

Kỳ phân chia kế đó là thời ‘Nam Bắc triều’ giữa nhà Mạc và nhà ‘Lê trung hưng’, từ năm 1533 tới năm 1592 : nhà Mạc cai trị từ Ninh Bình trở ra, còn nhà Lê trung hưng thì từ Thanh Hóa trở vào. Sau đó tàn quân nhà Mạc chạ lên Cao Bằng chống trả kiểu du kích, mãi tới năm 1677 mới dứt điểm. Dĩ nhiên trong khoảng 60 năm chinh chiến tương tàn này làm daa6n chúng điêu đứng không ít. Cũng trong thời kỳ này các giáo sĩ Tây phương bắt đầu đặt chân tới nước ta để giảng đạo Thiên Chúa, kể từ năm 1533.

Tiếp theo là thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm ranh giới. Dĩ nhiên nhà Nguyễn với phần đất phương Nam nhỏ bé thật nhiều so với đất chúa trịnh phía Bắc, nhưng dần dà các Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi thêm tới tận vùng thủy Chân Lạp (đồng bằng sông Cửu Long ngày nay). ‘Tiên chúa’ Nguyễn Hoàng khéo léo xin xuống trấn nhậm vùng Nam đất nước bấy giờ là Thuận Hóa, rồi chờ cơ hội tuyên bố ‘tự trị’. Dĩ nhiên chúa Trịnh (át quyền vua Lê ‘ngồi làm vì’tại kinh đô Thăng Long) không thể dung thứ, bao lần xua quân xâm chiếm nhưng cứ thua chúa Nguyễn hoài. Cuộc phân chia 2 miền này kéo dài từ năm 1627 tới mãi năm 1672 mới chấm dứt : nửa thế kỷ.

BÂY GIỜ VẪN PHẢI XA LÌA ĐẤT MẸ



Có ai đó đã vu vơ lên tiếng rằng chỉ tại tổ tiên dân ta là Lạc long Quân và Âu Cơ đã có một quyết định ‘đau đớn’ khi chia nhau đem 50 con lên núi và 50 con xuống biển, để về sau con cháu mang cái ‘nghiệp’ xui xẻo phân ly. Hôm nay, bên quê nhà ‘hồ hởi’ vui chuyện thống nhất, thì hơn 3 triệu sinh linh đang phải xa lìa đất Mẹ Việt Nam yêu dấu, mà mong tìm lý tưởng chân chính nơi đất khách quê người.

Cũng có vị trưởng thượng phát biểu thế này : “Khi ra được nước ngoài, phản ứng đầu tiên của những người tị nạn này là làm sống lại chế độ tự do miền Nam mà họ đã mất. Phản ứng này là lẽ thường tình vì không gì sung sướng bằng được sống dưới chế độ mà mình ưa thích. Nhưng ước muốn này không dừng ở đó, cộng đồng người Việt tị nạn miền Nam thành thực muốn xây dựng lại chế độ miền Nam ngay tại nơi định cư, đặc biệt là tại Mỹ, nơi có đông người Việt tị nạn (đầu tiên là tại Cali, sau đó là Texas), tại những nơi này, khi vào khu phố Việt, người ta có cảm tưởng như sống lại không khí Sài Gòn ngày trước, với những tiệm ăn, cửa hàng, quán nước, âm nhạc và những con người của "một thời vàng son", với những vinh quang cùng thói hư tật xấu”.

“Cái đặc biệt ở đây là để duy trì chế độ ‘Việt Nam Cộng Hòa’ này tại hải ngoại, một khế ước bất thành văn được mọi người chấp nhân là trước khi bắt đầu một sinh hoạt nào, dù là văn hóa, xã hội hay từ thiện, mọi người phải đứng dậy hát quốc ca và chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Dân tỵ nạn là thế đó. Quên ngày cũ không được”.

Bà con ơi, phải chăng ‘cách mặt mà chẳng cách lòng’ ? Ai cũng canh cánh niềm ước mơ hồi hương làm lại tất cả. Xa quê là xé ruột nát lòng, nhưng bà con ta không tuyệt vọng. Dạy dỗ con cháu. Khích lệ chúng thẳng tiến tới tương lai, mong chờ dịp quay về dựng lại ‘ngọn cờ vàng’, như những lời xúc động của bài ca ‘Em vẫn mơ một ngày về’ của nữ ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh : “…Em vẫn mơ 1 ngày nào, anh với em chung tình bạc đầu.Trên quê hương nghèo, trong khu rừng già, trước mái nhà cờ vàng bay phất phơ. Bên mái hiên ta ngồi chuyện trò, khoai nướng thơm hương tình ruộng đồng.Con thơ ngoan hiền, ê a đánh vần, VN là Việt Nam kiêu hùng, VN là Việt Nam muôn năm”.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư