Ngày 2 tháng 2 là Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới lần thứ 22. Đây là ngày kỷ niệm đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết định vào năm 1997.

Trong thông điệp Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới lần thứ nhất, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích rằng ngày này có ba mục đích:

Trước hết, đó là cơ hội để chúng ta ngợi khen Chúa một cách trang trọng và cám tạ Ngài vì hồng ân lớn lao của cuộc sống thánh hiến đã và đang làm phong phú cũng như linh hoạt các cộng đoàn Kitô với vô số đặc sủng và các hoa trái của rất nhiều cuộc sống hoàn toàn được tận hiến cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Thứ hai, ngày này nhằm mục đích quảng bá các kiến thức về đời sống tận hiến và lòng yêu mến cuộc sống thánh hiến trong toàn thể dân Chúa.

Lý do thứ ba liên quan trực tiếp đến những người tận hiến. Các vị được mời gọi cử hành cùng nhau một cách long trọng những điều kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện trong họ, khám phá ra những tia sáng từ tôn nhan Thiên Chúa đang dõi chiếu đường đời của họ và có một ý thức sinh động hơn về sứ mệnh không thể thay thế của họ trong Giáo Hội và trên thế giới. Trong một thế giới thường bị kích động và mất tập trung, những người tận hiến cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến để trở lại nguồn mạch ơn gọi của họ, và để tái khẳng định cam kết hiến dâng cuộc sống cho Chúa.

Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong năm Phụng Vụ, không có ngày lễ nào thích hợp hơn để cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới cho bằng ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh. Ngài nhận xét rằng “Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh là một biểu tượng hùng hồn cho sự hiến dâng trọn vẹn cuộc sống của tất cả những ai được kêu gọi để trình bày trong Giáo Hội và trước thế giới các nét đặc trưng của Chúa Giêsu – đó là trong sạch, khó nghèo và vâng phục.”

Trong bối cảnh đó, lúc 5 giờ 30 chiều thứ Sáu 2 tháng 2, Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ, có Đức Hồng Y João Aviz de Braz, người Ba Tây, Tổng Trưởng Bộ các Dòng Tu, Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các linh mục dòng, trước sự hiện diện của 9000 tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép nến và một cuộc rước tiến lên bàn thờ do 50 tu sĩ nam nữ đại diện cho các hình thái đời sống Thánh Hiến khác nhau.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Bốn mươi ngày sau lễ Giáng Sinh, chúng ta cử hành lễ Chúa, là Đấng đến viếng thăm dân Người, được Đức Mẹ dâng vào Đền Thánh. Kitô Giáo Đông phương gọi lễ này “Lễ Gặp Gỡ”: đó là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa, Đấng đã trở nên một hài nhi để mang lại sự mới mẻ cho thế giới của chúng ta, và cho một nhân loại đầy kỳ vọng ở tương lai, được đại diện bởi một người nam và một người nữ cao niên trong Đền Thờ.

Trong Đền thờ này, cũng có một cuộc gặp gỡ khác giữa cặp vợ chồng trẻ là Đức Mẹ và Thánh Giuse, với hai người già là ông Simeon và bà Anna. Người già đón nhận người trẻ, trong khi người trẻ kín múc [sự khôn ngoan] từ người già. Trong Đền thờ, Mẹ Maria và Thánh Giuse tìm thấy căn cội dân tộc của các ngài. Điều này rất quan trọng, bởi vì lời hứa của Thiên Chúa không chỉ đơn thuần hoàn thành nơi những cá nhân, một lần duy nhất, nhưng được hoàn thành trong một cộng đồng và xuyên suốt lịch sử. Nơi Đền Thờ này, Đức Maria và Thánh Giuse cũng tìm thấy căn cội đức tin của mình, vì đức tin không phải là điều học hỏi từ sách vở, nhưng từ nghệ thuật sống với Thiên Chúa, và từ kinh nghiệm của những người đã đi trước chúng ta. Hai người trẻ tuổi, gặp gỡ hai người lớn tuổi, qua đó tìm thấy chính mình. Và hai người lớn tuổi, gần đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình, được đón nhận Chúa Giêsu, Đấng là ý nghĩa cuộc sống của họ. Sự kiện này ứng nghiệm lời tiên báo của tiên tri Giôen: “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.” (Go 2:28). Trong cuộc gặp gỡ này, những người trẻ nhận ra sứ mệnh của họ và những người cao niên thấy được ước mơ của họ. Tất cả bởi vì, ở trung tâm cuộc gặp gỡ, là Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống của chúng ta, anh chị em sống đời thánh hiến thân mến. Mọi thứ bắt đầu với cuộc gặp gỡ với Chúa. Cuộc hành trình thánh hiến của chúng ta được sinh ra từ một cuộc gặp gỡ và một lời mời gọi. Chúng ta cần ghi khắc trong trí nhớ điều này. Và nếu chúng ta nhớ rõ, chúng ta sẽ nhận ra rằng trong cuộc gặp gỡ đó, chúng ta không chỉ một mình với Chúa Giêsu; nhưng còn có dân Chúa, là Giáo Hội, những người già và những người trẻ, như trong Tin Mừng hôm nay. Một điều đáng chú ý khác là Tin Mừng nói với chúng ta đến bốn lần rằng hai vợ chồng trẻ Maria và Thánh Giuse trung thành tuân theo Luật dạy, trong khi hai người là ông Simeon và bà Anna chạy đến nói tiên tri. Có vẻ như điều ngược lại mới là đúng. Thông thường những người trẻ nhiệt tình nói về tương lai, trong khi người già lo bảo vệ quá khứ. Trong Tin Mừng, điều ngược lại xảy ra, bởi vì khi chúng ta gặp nhau trong Chúa, những bất ngờ của Thiên Chúa ngay lập tức diễn ra.

Để điều này xảy ra trong cuộc sống thánh hiến, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không thể nào làm mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa mà không có người khác; chúng ta không bao giờ có thể để lại những người khác phía sau, không bao giờ bỏ qua các thế hệ, nhưng phải đi cùng nhau hàng ngày, giữ Chúa luôn ở vị trí trung tâm. Vì nếu người trẻ được kêu gọi mở ra những cửa mới, thì những người già là những người giữ các chìa khóa. Một cơ chế vẫn còn giữ được sự trẻ trung của mình khi quay lại nguồn gốc, bằng cách lắng nghe các thành viên lớn tuổi của mình. Không có tương lai nếu không có sự gặp gỡ này giữa người già và người trẻ. Không có sự phát triển nếu không có gốc rễ và sẽ chẳng có hoa nếu không có những chồi non. Không có lời tiên tri nếu không có ký ức, và cũng chẳng có ký ức nếu không có những lời tiên tri và sự gặp gỡ liên tục.

Tốc độ điên cuồng ngày nay dẫn chúng ta đến việc đóng lại nhiều cánh cửa gặp gỡ, thường là vì lo sợ người khác. Chỉ có các trung tâm mua sắm và các kết nối internet là luôn rộng mở. Tuy nhiên, đó không phải là cách sống cuộc đời thánh hiến: những anh chị em mà Chúa đã ban cho tôi là một phần của lịch sử đời tôi, là những món quà đáng được trân trọng. Cầu xin cho chúng ta đừng bao giờ nhìn vào màn hình điện thoại di động của chúng ta nhiều hơn là nhìn vào mắt của anh chị em mình, xin cho chúng ta tập trung vào Chúa chứ đừng quá tập trung vào các nhu liệu điện toán của mình. Vì bất cứ khi nào chúng ta đặt các dự án, phương pháp và tổ chức của mình vào vị trí trung tâm, đời sống tận hiến không còn hấp dẫn nữa; không còn những cuộc nói chuyện với người khác nữa; không còn triển nở nữa vì nó đã quên đi nền tảng, và căn cội của nó.

Cuộc sống thánh hiến được sinh ra và được tái sinh bởi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu như Ngài là: nghèo khó, thanh sạch và vâng phục. Chúng ta đi dọc theo một con đường hai lối: một bên là sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa, từ đó tất cả mọi thứ bắt đầu và đó là nơi chúng ta phải luôn luôn quay trở lại; một bên là phản ứng của chính chúng ta, thật sự có lòng yêu thương khi nó không đi kèm theo những tiếng “nếu như” và những tiếng “nhưng mà”, nhưng bắt chước Chúa Giêsu khó nghèo, thanh sạch và vâng phục. Trong khi cuộc sống của thế giới này cố gắng nắm bắt chúng ta, cuộc sống thánh hiến hướng chúng ta quay lưng lại với những sa hoa trần thế ngõ hầu chiếm được Đấng tồn tại mãi mãi. Cuộc sống của thế giới này theo đuổi những lạc thú và những ham muốn ích kỷ; còn cuộc sống thánh hiến giải phóng tình cảm của chúng ta khỏi mọi ham muốn chiếm đoạt để yêu Chúa và yêu người. Cuộc sống thế gian hướng đến ham muốn làm bất cứ điều gì chúng ta thích; còn cuộc sống thánh hiến chọn việc tuân phục khiêm tốn như là một sự tự do lớn hơn. Và trong khi đời sống thế gian sớm làm chúng ta trắng tay và làm con tim chúng ta trống rỗng, cuộc sống trong Chúa Giêsu tràn ngập chúng ta với một sự an bình đến tận cùng, như trong Tin Mừng, khi ông Simeon và bà Anna an vui trong buổi hoàng hôn đời mình với Chúa trong tay và niềm vui trong trái tim của họ.

Thật là tốt biết bao nếu chúng ta có thể giữ được Chúa “trong tay chúng ta” (Lc 2,28), như ông Simeon. Không chỉ trong đầu chúng ta và trong trái tim của chúng ta, mà còn “trong tay chúng ta”, trong tất cả những gì chúng ta làm: trong lời cầu nguyện, nơi làm việc, ở bàn ăn, trên đường điện thoại, nơi trường học, với người nghèo, ở mọi nơi. Có Chúa trong tay chúng ta là một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa huyền bí ẩn dật và chủ nghĩa hoạt động điên cuồng, vì một cuộc gặp gỡ chân chính với Chúa Giêsu sửa lại cả lòng đạo đức ủy mị lẫn sự hiếu động thái quá. Trải nghiệm cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cũng là phương thuốc cho sự tê liệt của thói quen, vì nó mở ra cho chúng ta “sự thiêu đốt” hàng ngày của ân sủng. Bí quyết để làm bùng phát ngọn lửa nhiệt thành trong đời sống tinh thần của chúng ta là thái độ sẵn sàng cho phép chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu và mong muốn được gặp Ngài; nếu không chúng ta rơi vào một cuộc sống tê liệt, trong đó sự bất mãn, cay đắng và những thất vọng không thể tránh khỏi sẽ thắng thế. Bí quyết ấy giúp chúng ta gặp nhau trong Chúa Giêsu như anh chị em với nhau, như những người già trẻ, và từ đó thoát khỏi những luận điệu vô ích về “những ngày xưa tốt lành” - là một nỗi hoài cổ giết chết linh hồn – cũng như làm câm nín những người nghĩ rằng “mọi thứ đang tan rã”. Nếu chúng ta gặp Chúa Giêsu và anh chị em của chúng ta trong những biến cố hằng ngày của cuộc đời chúng ta, trái tim chúng ta sẽ không còn bị đặt vào quá khứ hay tương lai, nhưng sẽ trải nghiệm “ngày hôm nay của Thiên Chúa” trong bình an với mọi người.

Vào cuối những sách Phúc Âm, có một cuộc gặp gỡ khác với Chúa Giêsu có thể gây cảm hứng cho đời sống tận hiến. Đó là cuộc gặp gỡ của những phụ nữ trước ngôi mộ. Họ đã đi để gặp người chết; cuộc hành trình của họ dường như vô nghĩa. Anh chị em cũng đang hành trình ngược dòng: cuộc sống thế gian dễ dàng khước từ nghèo đói, thanh khiết và vâng phục. Nhưng giống như những phụ nữ đó, chúng ta hãy tiếp tục tiến bước, mà không phải lo lắng về những tảng đá nặng nề cần được loại bỏ (xem Mc 16: 3). Và như những người phụ nữ đó, chúng ta hãy là những người đầu tiên gặp Chúa, Đấng đã sống lại và đang sống. Hãy bám lấy Người (xem Mt 28: 9) và đi ra ngay lập tức để nói với các anh chị em của mình, với ánh mắt tràn đầy niềm vui (xem câu 8). Như thế, anh chị em sẽ là bình minh không bao giờ tắt của Giáo hội.

Anh chị em những người thánh hiến của Giáo Hội thân mến! Tôi xin anh chị em làm mới lại vào chính ngày hôm nay đây cuộc gặp gỡ của anh chị em với Chúa Giêsu, để chúng ta cùng đồng hành hướng về Người. Và điều này sẽ mang lại ánh sáng cho đôi mắt và sức mạnh cho các bước chân của anh chị em.

Source: Libreria Editrice Vaticana FEAST OF THE PRESENTATION OF THE LORD 22nd WORLD DAY FOR CONSECRATED LIFE EUCHARISTIC CONCELEBRATION HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Vatican Basilica Friday, 2 February 2018