GIỚI THIỆU BỘ SÁCH MỚI « THÁNH KINH VÀ GIA ĐÌNH » CỦA BAN TU THƯ GXVN PARIS

Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris hân hạnh dần dần gửi đến mỗi Gia Đình bộ sách cẩm nang mang tên là ‘THÁNH KINH VÀ GIA ĐÌNH’, xin mỗi Gia Đình cố tìm đọc cho được. Ba cuốn đầu tiên sẽ ra mắt vào đầu tháng 6. 2016. Kính báo

Với chủ đề ‘THÁNH KINH VÀ GIA ĐÌNH’ chúng tôi muốn cố gắng khám phá, đào sâu và nêu bật những tương hợp tuyệt vời giữa những giá trị của gia đình truyền thống ở Việt Nam với giáo huấn ngàn đời của Thánh Kinh. Chúng tôi cũng muốn đưa ra ánh sáng những ảnh hưởng, mà một cách âm thầm, kín đáo, đôi khi phải hy sinh, giáo huấn Thánh Kinh đã thẩm thấu, bồi dưỡng và thăng hoa nền văn hóa gia đình cổ truyền tại Việt Nam.

Đọc cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử, chúng tôi gặp thấy một hình ảnh rất tâm đắc: Theo Lão Tử, ‘dưới trời, mềm yếu không gì bằng nước, thắng được vật cứng không gì bằng nước, không gì đảo lộn cảnh vật hơn nước. Nước tượng trưng cho sự ban phát mà không đòi đáp trả, làm lợi ích cho vạn vật mà không kể công, không tranh dành. Nước tìm đến chỗ trũng thấp, nơi mà người ta thường tránh. Nhưng chính vì thấp mà nước có nhiều ích lợi’ [1].

Những suy nghĩ của Lão Tử về nước, nếu đem so chiếu với những ảnh hưởng của Thánh Kinh trong nền Văn Hóa Gia Đình Việt Nam, chúng tôi thấy nhiều nét độc đáo, minh nhiên cả về phạm vi tự nhiên, phạm vi luân lý và phạm vi siêu nhiên.

• Phạm vi tự nhiên: Như nước mềm yếu, không cạnh tranh, không ép buộc… giáo huấn Thánh Kinh đến với gia đình Việt Nam một cách êm thấm, tự nhiên, vừa công nhận những điểm hay (một nam một nữ, vợ chồng tương kính nhau…) vừa mời gọi đổi mới những điểm không thích hợp (bỏ tục lệ ép gả, vợ lẽ, bỏ chế độ chồng chúa vợ tôi’,...). Nhờ đó cơ cấu và nếp sống gia đình Việt Nam thêm vững chắc theo luật đời, luật đạo.

• Phạm vi luân lý: Như nước mềm, ưa chỗ thấp… Có nước, đất sẽ nhuyễn, cây cối sẽ xinh tươi, trổ hoa sinh trái… Giáo huấn Thánh kinh củng cố sự chung thủy vợ chồng, đức hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ… thấm nhuần sâu xa vào đời sống luân lý của gia đình truyền thống Việt Nam.

• Phạm vi siêu nhiên: Suy nghĩ của Lão Tử về nước, chỉ nằm ở phạm vi tự nhiên và luân lý, chưa vươn lên tới phạm vi siêu nhiên : Ai dựng nên nước, ai phú bẩm cho nước những đặc tính cao đẹp, những sức mạnh vượt khả năng con người,… Cũng vậy, văn hóa Việt Nam về gia đình, truyền thống hay được pháp luật hóa theo tinh thần Nho Giáo, chủ yếu còn nằm trong phạm vị tự nhiên và luân lý mà chưa đạt tới nguồn gốc siêu nhiên và giá trị thần linh của gia đình. Phải đợi Thánh Kinh tới mới khẳng định và làm sáng lên : Chính Thiên Chúa đã thiết lập gia đình, khi tạo dựng con người có nam có nữ (St 1, 27 tt; 2, 24), chính Thiên Chúa đã truyền dạy con cái sống đức hiếu thảo, như một giới răn căn bản (Gv 19, 3; Đnl 5,16 tt), tình yêu phụ tử (mẫu tử) bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa (Is 43,1; Ep 3,15).

Như vậy chúng ta vui mừng nhận ra rằng trong văn hóa gia đình Việt Nam cũng như trong giáo huấn của Thánh Kinh về đời sống gia đình mang nhiều giá trị tương hợp. Mạc khải tình thương của Thiên Chúa không chỉ gói gọn trong Thánh Kinh, nhưng đã được tỏa sáng trong các nền văn hóa. Những giá trị tương hợp này thật phổ biến trong mọi nền văn hóa và trong mọi thế hệ. Mặc dầu chưa đi tới cội nguồn, hay đã đi tới mà chưa làm sáng tỏ, văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam, trên phạm vi tự nhiên và luân lý, có nhiều điểm đặc sắc, đáng được coi là những mảnh đất mầu cày bừa sẵn, để đón nhận giáo huấn Thánh Kinh. Nhờ Giáo huấn Thánh Kinh mà tình yêu vợ chồng vươn tới tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Đấng Tạo Thành, mà tình yêu giữa cha mẹ và con cái lấy tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa làm chuẩn mực.Vì yêu thương, vợ chồng sống cho nhau, cha mẹ dành cho con cái thấm thiết sâu đậm như nhà văn Khái Hưng muốn diễn tả trong câu chuyện ‘Anh Phải Sống’ [2], mà còn đến mức độ như Chúa Giêsu khẳng định: ‘Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống cho người mình yêu’ (Ga 15,13).

Để đạt tới mục tiêu của chủ đề nêu trên, chúng tôi đồng thuận theo phương pháp đối chiếu: trình bày những lời dạy múc ra từ văn hóa gia đình Việt Nam trong ca dao tục ngữ, truyện cổ dân gian, thơ văn xưa và nay, rồi đối chiếu với những giáo huấn của Thánh Kinh Cựu Uớc và Tân Ưóc, thư của các Tông Đồ, đặc biệt của thánh Phaolô, cũng như giáo huấn của Giáo Hội, của Công Đồng, và thi ca huấn giáo của nhiều tác giả. Dĩ nhiên mỗi người viết một đề tài đã tự chọn hay được đề nghị theo cung cách và sở trường của mình. Như vậy, vừa tự do, vừa phong phú hơn. Sau đây là những đề tài được đề nghị và danh tánh người đảm nhận:

1. Gia đình sống đạo – Lm Mai Đức Vinh

2. Người trẻ sống đức tin – Lm Mai Đức Vinh.

3. Con cái là hồng ân của Thiên Chúa – Pt Phạm Bá Nha

4. Giáo Dục con cái – Gs. Trần Văn Cảnh.

5. Ông bà nội ngoại - Bà Trần Kim Chi

6. Gia đình dưới những góc cạnh dân luật và Giáo Luật. – Ls Lê Đình Thông.

7. Tình nghĩa vợ chồng - Ô. Phạm Hòa Hiệp.

8. Vai trò của người cha - Ô. Giang Minh Đức.

9. Vai trò của người mẹ - ÔB. Long - Hằng.

10. Những ngày lễ hội trong gia đình - Bà Đoàn Thị

11. Những vấn đề thực tế lớn trong gia đình - Gs Tạ Thanh Minh Khánh.

12. Gia súc – Ô. Đoàn Quốc Khánh.

Như vậy, có 12 đề tài quảng diễn chủ đề. Trật tự các đề tài là như trên. Và theo sự đồng thuận của quý tác giả : mỗi đề tài có thể viết thành một tập sách nhỏ dài từ 100 đến 120 trang sách in khổ 14&20. Tuy nhiên, vì thời giờ và công việc của mỗi người, nên đề tài nào viết xong trước, sẽ phát hành trước. Đàng khác, nếu một đề tài không đủ chất lượng viết thành tập sách 100-120 trang, thì có thể gọp lại hai đề tài thành một tập sách. Giới hạn cuối cùng để hoàn thành bộ sách ‘THÁNH KINH VÀ GIA ĐÌNH’ dự tính là đầu tháng 9 năm 2016. Nhưng thực tế có lẽ thời gian sẽ kéo dài hơn. Cho đến lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, ngày 13.11.2016, chỉ mới ba cuốn đã được xuất bản. Cuốn thứ tư đang được in. Đó là 4 cuốn mới nhất trong tổng số 56 sách mà Giáo Xứ Việt Nam Paris đã ấn hành [3].

Đem tất cả thiện chí và khả năng thực hiện công việc văn hóa này, chúng tôi luôn ý thức rằng chúng tôi không phải là những nhà viết văn hay khảo cứu chuyên nghiệp. Chúng tôi mong được quý độc giả và các chuyên gia bỏ qua những thiếu sót, và xin đừng ngại cho chúng tôi những góp ý và tài liệu bổ túc. Chúng tôi chân thành ghi ơn trước.

Xin quý đọc giả đón nhận và cầm đọc những tập sách này như những món quà đơn sơ, bé nhỏ nhưng đầy thiện chí của chúng tôi.

Xin Thiên Chúa và Đức Mẹ chúc lành cho tất cả chúng ta.

Paris, Lễ Hiện Xuống, ngày 15.05.2016

Cập nhật lễ Ba Vua, 08 01 17

Thay mặt Ban Tu Thư của Giáo Xứ Việt Nam

Mai Đức Vinh

Trần Văn Cảnh

Phụ chú :

1. Thu Gang Nguyễn Duy Cần, ‘Lão Tử, Đạo Đức Kinh’, nxb Khai Trí, sàigòn, 1961, tr; 67-71.

2. Khái Hưng, ‘Anh Phải Sống’, nxb Saigòn: ‘Một gia đình nghèo, vợ chồng và 3 con nhỏ. Vợ chồng làm nghề vớt củi trên sông vào những ngày bão tố… Hôm đó trời còn mưa to gió lớn, trông thấy có nhiều gỗ, cây trôi trên sông. Chồng muốn để vợ ở nhà với con, anh đi vớt củi một mình, nhưng vợ không chịu muốn cùng lên thuyền đi với chồng… Chẳng may gió lớn, lật chiếc thuyền nhỏ. Củi, gỗ vớt được trôi đi hết, vợ chìm dưới nước, chồng cố cứu vợ, để có chết thì cả hai cùng chết… Nhưng vợ nghĩ đến ba đứa con nhỏ ở nhà, phều phào năn nỉ xin chồng cứ để mình chết, còn anh cố bơi vào bờ, vì ‘anh phải sống’ để nuôi ba đứa con… Thật đẹp, tình thương của vợ chồng dành cho nhau, của cha mẹ dành cho con cái!

3. Cho đến hôm nay, ngày 13 tháng 11 năm 2016, 56 cuốn sách đã được Ban Tu thư biên soạn và Giáo Xứ Việt Nam xuất bản, phát hành. Ðó là những cuốn sau đây :

1. Kỷ Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, 1947-1997 ; A4 ; 110 trang ; 1998

2. Giáo lý cho người trưởng thành ; 1998

3. Têrêxa vị thánh lớn của thời đại mới. 1998

4. Hành trang sống thế kỷ XXI; 1998

5. Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII, 2000 ; 540 tr ;

6. Fatima, hoà bình – tình thương, 2000

7. Đường vào tình yêu (chuẩn bị hôn nhân, đời sống gia đình Công Giáo), 2000 ; 336 tr.

8. Tâm tình tuổi xuân (Hỏi để biết sống), 2001 ; 456 tr.

9. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn I : Từ nguồn gốc cho đến thánh Grégoire Cả, 606, 2 tập, 2002 ; 852 tr.

10. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn II : Thời trung cổ, 600-1500, 2 tập, 2003 ; 850 tr.

11. Niên giám Liên Đới Nghề Nghiệp ; 2003 ; 78 tr.

12. Hội ngộ Niềm Tin ; 2003

13. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn III : Cải cách và chống cải cách, 2 tập, 2004 ; 918 tr. ;

14. Văn hoá và Đức tin, 2004 ; 640 tr.

15. Kỷ niệm 20 năm tái bản báo Giáo Xứ Việt Nam 1984-2004, Báo Giáo xứ Việt Nam, N° 200, số đặc biệt,; 01.02.2004 ; 128 tr.

16. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn IV : Kỷ nguyên ánh sáng, các cuộc cách mạng và canh tân, 2 tập, 2005 ; 840 tr.

17. Kỷ yếu Curia Maria Nữ Vương nước Việt Nam, 40 năm thành lập 1965-2005 tại GXVN Paris, 2006 ; 138 tr. ;

18. Tặng cho nhau (Kỷ niệm 60 năm Hội LTS/VN/P), 2006 ; 270 tr. ,

19. Văn hoá gia đình ; 2006 ; 552 tr.

20. Suy niệm Tin Mừng, Bộ I (A,B,C) ; 2006

21. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn V,Giáo Hội trong thế giới hiện đại, 1848 đến ngày nay, 2 tập, 2007, 1202 tr.

22. Trần Văn Cảnh và các vị khác ; Đức Hồng Y Jean–Marie Lustiger với Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, 2007 ; 106 tr.

23. Tọa Đàm : Kỷ niệm thành lập : 25 năm Hội Đồng Mục Vụ, 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, Báo GXVN, số đặc biệt, n°239 ; 2008 ; 96 tr.

24. Hội Đồng Quý Chức, 2008 ; 444 tr.

25. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn VI : Đời sống các Đức Giáo Hoàng qua 2000 năm lịch sử, 2009 ; 308 tr.

26. Suy niệm Tin Mừng, Bộ II (A,B,C), 2009.

27. 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1947-2007, 2 tập, 2010 ; 1190 tr.

28. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn VII, Lịch sử các Công Đồng, 2010 ;

29. Thơ Vân Uyên, 2011

30. Điểm nóng gia đình, 2011 ; 464 tr. ,

31. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 1 : 60 năm xây dựng nền mục vụ, 1947-2007 ; Paris : 2011 ; A4 ; 336 tr. ;

32. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 2 : Những sinh hoạt mục vụ cụ thể ; Paris : 2011 ; A4 ; 322 tr.

33. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 3 : Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam ; Paris : 2011 ; A4 ; 176 tr.

34. Công Giáo Việt Nam tại Pháp 226 năm hành trình Đức Tin, 1784-2010 », 2011 ; A4, 363 tr.

35. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ; 2012

36. Lưu niệm Đại Hội Lộ Đức 2013 của Các Cộng Đoàn Công Giáo VN tại Pháp ; 2013 ; A4 ; 133 tr.

37. Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam, 2013

38. Thánh Gioan Maria Viannê, 2013

39. Lịch sử biên niên Giáo xứ Việt Nam Paris 1787-2013, 2014

40. Linh đạo hôn phối theo thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, 2014

41. Tuyển thơ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 2014

42. Triết học nhân bản theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 2014

43. Kính trọng tuổi già 1 : Giáo Hội quan tâm đến tuổi già, 2014 ; 82 tr.

44. Kính trọng tuổi già 2 : Suy niệm và cầu nguyện của người cao niên, 2014 ; 136 tr.

45. Kính trọng tuổi già 3 : Lời hay ý đẹp về người trọng tuổi, 2014 ; 38 tr

46. Kính trọng tuổi già 4 : Những bài viết về tuổi thọ, 2014 ; 174 tr.

47. Kính trọng tuổi già 5 : Tuyển thơ bô lão, 2014 ; 136 tr.

48. Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI, 2015.

49. Tuyển tập Hoàng Anh Tài, 2015, 530 trang.

50. Chứng nhân của Thầy, Kim Khánh Linh mục của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, 1965-2015, 2015 ; 302 trang.

51. Phó tế vĩnh viễn, thầy là ai ? 2015 ; 558 tr.

52. Cây văn hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris, 2016 ; 302 tr.

53. Gia đình sống đạo; 2016; 146 tr.

54. Người trẻ sống đức tin ; 2016 ; 152 tr.

55. Con cái là hồng ân của Thiên Chúa ; 2016 ; 122 tr.

56. Giáo dục con cái ; 2016 ; 188 tr.