NHỮNG NĂNG ĐỘNG TRUYỀN GIÁO

Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, quan thầy các xứ truyền giáo và Đại Chủng Viện Vinh Thanh.

Toàn bộ sự cử hành này hướng chúng ta tới chủ đề trung tâm, đó là truyền giáo. Trong bối cảnh hiện nay, tôi xin gợi ý với chúng ta ba năng động truyền giáo được gợi hứng từ Lời Chúa hôm nay: đó là 1) Ra đi và lưu lại; 2) Nói và làm; 3) Dấn thân và ơn Chúa.

1- Năng động “ra đi và lưu lại”

Trước hết là năng động “ra đi và lưu lại.” Thánh Maccô tường thuật lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Trong La ngữ, truyền giáo được diễn tả bằng từ missio, có nghĩa là sứ mạng, là sai đi tới một nơi nào đó. Truyền giáo có nguồn gốc từ sứ mạng của Ba Ngôi: Chúa Cha đã sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần xuống để cứu độ và thánh hóa con người. Kinh Thánh luôn giữ ý tưởng đó. Thiên Chúa gọi ai thì sai người đó ra đi: Trong Cựu Ước, Chúa gọi và sai Môisê, Abraham, các tiên tri ra đi. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu chọn và sai các môn đệ đi: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,19). Vì thế, các môn đệ của Chúa được gọi là Apostolos –Tông Đồ, nghĩa là người được sai đi.

Để trở thành nhà truyền giáo, trước hết là người được sai đi và phải ra đi. Ra đi, từ bỏ quê hương, gia đình, bạn bè và nghề nghiệp để đến một nơi khác, sống với những con người khác. Như Phaolô “trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người... trở nên tất cả cho mọi người... vì Tin Mừng” (1 Cr 9,19-23).

Đây là lý do mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn một Giáo Hội luôn “ra đi,” đi ra ngoài để truyền giáo, dù phải bị thương tích và dơ bẩn, hơn là chấp nhận một Giáo Hội “bệnh tật vì đóng kín và an toàn bám víu vào những thứ bảo đảm cho mình” (NVTM 49); một Giáo Hội luôn ở trong năng động “lên đường truyền giáo.”

Tuy nhiên, nếu một Giáo Hội chỉ có biết “ra đi” mà thôi, thì có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa duy hoạt động. Cần phải duy trì sự “lưu lại với Chúa.” Thánh Maccô ghi lại chi tiết đáng quan tâm: “Các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông.”

Về điểm này, thánh Luca có những lời xem ra mâu thuẫn nhưng rất ý nghĩa: “Còn anh em, hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49). Điều này muốn nói rằng “hãy đi khắp thế gian nhưng đừng đi khi chưa đón nhận Chúa Thánh Thần và ơn trên.” Bởi thế, trước khi đi ra, các Tông Đồ đã lưu lại với Đấng Phục Sinh trong nhà Tiệc Ly cùng với Đức Maria. Nhờ đó, Chúa Thánh Thần xuống trên các ông trong ngày lễ Hiện Xuống, và họ hăng hái đi loan báo Tin Mừng (x. Cv 1,14).

Cũng thế, với chúng ta hôm nay, để có khả năng truyền giáo, phải có khả năng cầu nguyện. Để có khả năng ra đi, phải biết lưu lại với Chúa. Càng gia tăng hoạt động thì càng phải gia tăng cầu nguyện. Nếu thiếu cầu nguyện mà chỉ lo hoạt động, thì giống như những người lính cứu hỏa, xông lên chỗ đang cháy, nhưng tới nơi mới biết là trong thùng không có giọt nước nào.

Đó là lý do tại sao Mẹ Têrêsa Calcuta chủ trương cho các nữ tu của mình phải chầu thánh thể hàng giờ mỗi sáng trước khi lên đường thăm viếng và phục vụ người nghèo.

2- Năng động “nói và làm”

Chúng ta chuyển sang năng động thứ hai, đó là “giữa nói và làm.”

Sống trong một đất nước của các khẩu hiệu, đâu đâu cũng thấy các biểu ngữ lan tràn, chen chúc nhau, nhưng nhiều câu rất vô bổ, vô nghĩa và thậm chí là rất phản cảm nữa. Ví dụ: “Tất cả là của dân, do dân và vì dân.” “Cán bộ là đầy tớ của nhân nhân.” “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho những người ít học” v.v...

Người ta đã chán ngấy với những kiểu tuyên truyền như thế. Bởi lẽ, khoảng cách giữa môi miệng và bàn tay là biển cả! Xã Hội và cả Giáo Hội chúng ta hiện nay đang thừa những người nói nhiều làm ít, nhưng lại thiếu những người nói ít làm nhiều.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống năng động “nói và làm.” Nói gắn liền với làm. Rao giảng đi kèm với đời sống.

Thật vậy, sứ vụ truyền giáo bao gồm việc loan báo, nghĩa là nói, giảng dạy, rao giảng Lời Chúa. Bởi lẽ, “làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14). Tuy nhiên, nhà truyền giáo không phải là một người nói thao thao bất tuyệt, cũng không phải là những loa phóng thanh tuyên truyền. Bởi vì, truyền giáo không phải là tuyên truyền.

Chúa Giêsu rao giảng bằng lời nói, bằng hành động và nhất là bằng đời sống. Thánh Grêgôriô Cả nói rằng: “Chúa chúng ta dạy dỗ chúng ta vừa bằng Lời Người vừa bằng công trình Người.” Tôi có thể nói: Nơi Đức Giêsu, không có khoảng cách giữa nói và làm. Phương tiện là sứ điệp. Sứ giả và sứ điệp hoàn toàn đồng nhất.

Theo gương Thầy Chí Thánh, các Tông Đồng trừ được quỷ, làm những “dấu lạ,” đặt tay trên những người bệnh để xác nhận lời các ông nói.

Có một câu nói trong tiếng Anh rất ý nghĩa áp dụng cho việc Phúc Âm Hóa: “Actions speak louder than words – những hành động có âm vang hơn những lời nói. Điều này được Đức Phaolô VI quả quyết trong Evangelii Nuntiandi: “Con người ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn là thầy dạy và nếu con người lắng nghe các thầy dạy, bởi vì họ là những chứng nhân” (s. 41).

Như thế, điều kiện thứ hai mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta không chỉ truyền giáo bằng lời nói, nhưng bằng những việc làm và bằng chứng tá cuộc sống.

3- Năng động “dấn thân và ơn Chúa”

Cuối cùng, năng động “dấn thân kết hợp với ơn Chúa.” Sự cố gắng dấn thân để canh tân truyền giáo hiện nay cho thấy hai nguy hiểm: Một là sự ù lì, lười biếng, không làm gì và khoán cho người khác hay cho Thiên Chúa làm mọi sự. Hoặc chỉ dấn thân nữa vời 50%. Hai là nguy cơ coi công cuộc truyền giáo chỉ là những hoạt động thuần túy của con người mà lãng quên yếu tố ân sủng. Theo đó, các nhà truyền giáo tự biến mình thành những chuyên viên chỉ lo công tác bác ái xã hội. Hậu quả dần dần đánh mất nguồn mạch dồi dào của Lời Chúa cũng như những hiệu năng của ân sủng và việc cử hành phụng vụ.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy tích cực làm việc, nổ lực hết mình, dấn thân 100% cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thao thức truyền giáo, lòng nhiệt tâm tông đồ phải trở thành nhu cầu thiết yếu luôn canh cánh bên lòng như Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Nhưng đồng thời phải biết mở ra với chương trình của Thiên Chúa, biết trông cậy vào ơn Chúa giúp, và nhạy bén với tác động của Chúa Thánh Thần. Bởi lẽ, xét cho cùng, Chúa Thánh Thần là linh hồn của mọi công cuộc loan báo Tin Mừng. Người là tác nhân chính của việc Phúc Âm hóa. Vì vậy, để thi hành sứ vụ truyền giáo, chúng ta được mời gọi phải dấn thân 100% và phải biết cậy dựa vào ơn Chúa 100%.

Kết luận

Khi chọn thánh Phanxicô Xaviê làm quan thầy cho Đại Chủng Viện, một nhà truyền giáo vĩ đại, một người đã ra đi và luôn lưu lại với Chúa, một người biết kết hợp hài hòa giữa nói và làm, giữa cố gắng và ân sủng vì phần rỗi người khác, có lẽ Đức Cha Trị (1886) đã có dụng ý lấy thánh Phanxicô Xaviê làm mẫu gương về truyền giáo cho các ứng sinh linh mục. Dưới bóng ngài, mọi công cuộc đào tạo linh mục ở Chủng Viện phải hướng tới sứ vụ truyền giáo. Các chủng sinh phải được đào tạo không phải trở thành những nhà quản trị, những công chức, nhưng là những nhà truyền giáo, những Phanxicô Xaviê mới cho con người hôm nay.

Đẹp thay những bước chân đi rao giảng Tin Mừng cứu độ!

Nguyện xin thánh Quan Thầy bảo trợ và cầu bầu cho mỗi người chúng ta. Amen.