Đức Mẹ Maria có đội khăn xếp như Nam Phương hoàng hậu không?
(Mừng năm Cảm Tạ Hồng Ân 2008, kỷ niệm 10 năm thành lập Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam, Tổng Giáo phận Atlanta)
Thánh Kinh nhiều lần ghi lại Thiên Chúa cho các tiên tri thuộc Cựu ước và các môn đồ Đức Chúa Giêsu thuộc Tân Ước được chiêm ngưỡng những cảnh trí giác quan bình thường không cảm nhận nổi. Đó là trường hợp tổ phụ Ápraham được mời đón Thiên Chúa vi hành ngự vào mái bạt của mình, Ông Mai-sen được nghe tiếng Thiên Chúa kêu gọi từ một bụi găng, ba Ông Phêrô, Giacôbê tiền và Gioan được chứng kiến Đức Giêsu biến cải dung nhan rực rỡ mà cùng với hai tiên tri Maisen và Êlia đàm đạo trên núi cao, các tông đồ và mấy bà được Thầy của họ hiện ra giữa đám sau khi Người phục hoạt…
Không kể những lần hiển linh được ghi vào Thánh kinh như vậy, lại còn có những lần cá nhân được chiêm ngưỡng mấy cảnh trí vượt qua sức cảm nhận của ngũ quan bình thường, mà lạ thay trong thị kiến, nhân vật từ thế giới linh thiêng trở về với nhân loại nhiều lần nhất lại là chính Đức Bà Maria mẫu thân Đức Giêsu. Hơn nữa Bà tìm về cõi trần không phải là để gặp gỡ mấy ông vua bà chúa: Bà không đòi hội kiến với Henri đệ bát nước Anh một con người đầy quyền lực lúc bấy giờ, hoặc giáo chủ Luther một học giả tự phụ mình hiểu biết hơn người. Nhưng Bà ưa thích chia sẻ nỗi lòng với ba đứa trẻ nhỏ ở Fatima trong nước Bồ, một anh nông dân người làng Guadalupê trong nước Mễ, hoặc một số dân nghèo chui rúc trong rừng sâu La Vang trong nước Việt Nam…
Có nhiều cá nhân quả quyết mình thấy cảnh thiên đường, nhưng nghe họ nói cũng chớ vội tin. Muốn nắm vững sự thật, Giáo Hội đòi từng vụ phải có giám mục địa phương và tốt hơn nữa phải được chính Toà Thánh Rôma thừa nhận bằng giấy tờ, mà minh xác rằng thị kiến không phải do bệnh hoạn, không phải là giả mạo, thị kiến đã được chứng thực bằng những phép lạ vượt quá quy luật thiên nhiên.
Thuộc loại này có vụ Đức Bà hiển linh ở Paris trước mắt thánh nữ Catherine Labouré ngày 18 tháng 7 năm 1830 và 27 tháng 11 cũng năm ấy. Kế đó từng triệu ảnh vảy mang hình Đức Bà - bình dân quen gọi là “Mẹ hay làm phép lạ” - đã được lưu hành khắp thế giới giúp trời cao đổ muôn ơn phần hồn phần xác xuống cho những ai thành tâm dâng lời cầu nguyện lên Đức Bà, lại giúp cho chính Catherine trở thành một chứng nhân hùng hồn bằng một đời sống vị tha và thánh thiện khác thường. Sau cùng tới năm 1894 thị kiến đã được Toà Thánh Roma chính thức công nhận.
Sau Catherine, có hai em bé cũng là người Pháp: Mélanie Mathieu Calvet 15 tuổi và Maximin Géraud 11 tuổi người làng La Salette gần thành phố Grenoble thuộc đông bộ Pháp quốc đã được thấy một trang nữ lưu hiện ra vào năm 1846 tháng 9 ngày 19. Bà vừa khóc vừa bảo hai em phải kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, kẻo bó buộc con Bà là Đức Giêsu sẽ xuống tay trừng trị loài người. Lời nhắn bảo thoạt tiên không có ai chịu nghe, nhưng sau đó dân chúng đã được chứng kiến rất nhiều phép lạ, khiến cho giám mục địa phương đã thừa nhận cuộc hiển linh là có thực, và tới năm 1942, chính toà thánh đã lập lễ kính Đức Mẹ La Salette.
Nhưng địa điểm hành hương nổi tiếng nhất ở Pháp quốc là Lourdes (Lộ Đức) trong dẫy núi Pyrénées giáp giới với Tây ban nha. Tại đây vào năm 1858 từ ngày 11 tháng 2 cho tới ngày 16 tháng Bảy có một bà đã hiển linh cho cô bé 14 tuổi Bernadette Soubirous được chiêm ngưỡng trước sau 18 lần. Bị gạn hỏi tính danh, thì Bà xưng mình là “vị không vương tội ngay từ lúc thành thai trong lòng mẹ” (Immaculée Conception). Bernadette không hiểu Bà muốn nói gì. Phải chờ cho tới khi nàng kể lại thị kiến cho linh mục bản xứ nghe, mọi người bấy giờ mới vỡ lẽ Bà là mẫu thân Chúa Giêsu và câu Bà xưng danh đã trùng hợp khít khao với tín điều mới được Đức Giáo hoàng Piô thứ IX xác định bốn năm trước trúng vào ngày mùng 8 tháng 12 năm 1854. Bà dạy Bernadette phải hô hào mọi người câu nguyện nhất là lần hạt Môi khôi.
Từ ngày ấy cho tới nay rất nhiều phép lạ đã xảy ra ở Lourdes, nhất là cho những ai tin vào quyền phép Đức Mẹ mà uống nước từ đất vọt lên không xa địa điểm Đức Mẹ hiển linh. Lớn lên, Bernadette đã trở thành một dì phước sống một đời rất đạo hạnh và khiêm nhượng. Người tu nữ mất năm 1879 khi mới lên 35 tuổi. Hiện nay di hài của Sơ nằm trong một lồng kính vẫn hồng hào xinh tốt như hồi sinh tiền.
Sau vụ Đức Maria hiển linh ở Lourdes tại Pháp quốc, lại tới vụ Bà hiển linh ở Fatima trong nước Bồ đào nha năm 1917 cho ba đứa trẻ nhỏ tuổi từ 10 cho tới 13 tên là Francisco, Jacinta và Lucia. Lần này Đức Bà vẫn hô hào con cái Bà lần hạt Môi khôi, nhưng lần này cầu cho thế giới thoát nạn cộng sản vô thần và hứa sẽ cho khách hành hương được chứng kiến một phép lạ sẽ xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật. Quả nhiên tới ngày xác định, hơn 50 ngàn người ngước mắt nhìn lên không trung đã được thấy mặt trời đảo lộn giữa trời xanh một hồi lâu. Francisco và Jacinta mất ba năm sau khi thấy thị kiến, còn Lucia thì gia nhập một đoàn tu nữ và sống cho tới gần đây mới qua đời, sau khi cống hiến cả một đời người để cổ võ lòng tôn sùng Trái tim không nhiễm tội của Đức Bà Maria.
Bên Mỹ châu, Đức Bà hiển linh ngay từ thế kỷ 16, nghĩa là trúng vào năm 1531 trước mắt ngỡ ngàng của một người thổ dân tên là Juan Diego tại Tepeyac gần thủ đô nước Mễ tây cơ. Khi người nông dân chất phác này tìm đến vị giám mục địa phương tên là Zumárraga để bá cáo sự vụ, thì lại có phép lạ xảy ra nhãn tiền: tấm ponko (khăn choàng vai) vừa rời khỏi lưng chàng thì hoa hồng từ tấm khăn tuôn rơi chan hoà xuống sàn nhà. Hơn nữa, mọi người lại thấy trên tấm khăn dệt bằng sợi dứa dại, hiện lên hình dung một trang nữ lưu xinh đẹp tuyệt trần, vẽ lại y chang chân dung Đức Maria khi Bà hiển thị cho Juan chiêm ngưỡng. Trải qua ngoài năm thế kỷ, hiện nay bức chân dung vẫn giữ nguyên màu sắc tươi mát ban đầu.
Rất nhiều ơn lạ đã xảy ra cho khách hành hương tới cầu nguyện ở đền thánh ngày nay gọi là Trung tâm Đức Bà Guadalupe. Do đó năm 1754 Đức Giáo hoàng Bênêđictô thứ 14 đã thành lập lễ Đức Mẹ Guadalupe mừng vào ngày 12 tháng 12, và sang năm 1910 Đức Giáo hoàng Piô thứ 10 đã tôn vinh Đức Bà Guadalupe là Mẹ bảo trợ các tín đồ Công giáo ở cả Bắc Mỹ châu và Nam Mỹ châu. Một đặc điểm nơi dung nhan Đức Bà Guadalupe, là Bà có nước da hơi ngăm ngăm và tóc Bà dài mượt và đen tuyền. Phải chăng Đức Maria muốn mượn cốt cách và y phục phụ nữ địa phương để tuyên xưng mình là mẹ dân Công giáo bất luận họ thuộc xứ nước nào, mang màu da nào?
Tại Việt Nam, Đức Bà hiển linh ở La Vang trong tỉnh Quảng Trị cũng rất sớm, nghĩa là dưới triều vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn (1782-1802). Cố nhiên linh mục địa phương đã gửi bài điều trần ghi đầy đủ các chi tiết về hiện tượng lạ lên Toà Giám mục. Tiếc thay gặp thời buổi nhiễu nhương, vua chúa bách hại Thiên Chúa giáo, Toà Giám mục phải thay đổi địa chỉ luôn luôn, mỗi lần di dịch lại tiến thêm một độ về hướng Nam, cho đến khi định vị ở Phú Xuân. Kết cục là các tài liệu bị thất tán hết cả, mặc dù mỗi khi dừng lại nơi nào, thì “nhà chung” (nhân viên Toà Giám mục) vẫn cẩn thận bảo trì các văn khố trong những cái chum đậy nắp chôn sâu dưới lòng đất.
Thành ra ngày nay không ai biết được Đức Mẹ La Vang mang xiêm y như thế nào. Chỉ biết rằng: khi Người hiển linh thì dân theo đạo Giatô (Chúa Giêsu) nhận ra ngay Người là mẫu thân Đức Giêsu, nhưng dân Phật giáo có kẻ lại tin lầm Người là Phật Bà Quan âm! Như vậy có thể ngờ được Đức Maria đã hiển linh tại La Vang trong bộ xiêm y phụ nữ Á đông? Biết đâu lần ấy Bà mặc áo tứ thân, thắt lưng nhiễu tím, chít khăn vuông mỏ quạ, tương tự như lần hiển thị ở Mỹ châu Bà đã trang phục nhang nhác giống như phụ nữ Da đỏ.
Ngày nay có phong trào đòi hỏi nghệ nhân phải tôn trọng lịch sử, cho nên mới có hiện tượng một bộ phim diễn tả cuộc Đức Giêsu thụ nạn, trong đó lính La mã mang vũ trang giống y hệt binh sĩ của hoàng đế Tibêriô vào thế kỷ thứ nhất. Nhà đạo diễn lại dặn kịch sĩ đóng vai nhân dân ở Giêrusalem phải trao đổi tư tưởng bằng tiếng Aramaích…
Người ta mạnh dạn phê bình các bức tranh phác hoạ Bà Maria Mácđala là một tội nhân trọn đời ăn năn sám hối, vì sự thực nàng đâu có phải là một phụ nữ trụy lạc, trái lại nàng là một mệnh phụ giầu lòng từ thiện, đứng đầu phái đoàn các mệnh phụ bỏ tiền riêng trợ cấp cho Đức Giêsu và các môn đồ…
Người khác lại thắc mắc tại sao các nhà họa sĩ trăm người như một, ai ai cũng vẽ Ông Phaolô ngã ngựa trước thành Damas: thời bấy giờ chỉ có chiến sĩ ra trận mới cưỡi ngựa, còn dân thường di chuyển trên bộ chỉ cưỡi lừa hay lạc đà. Vả lại Thánh Kinh không nói Phaolô ngồi trên lưng tải súc khi ông tiến vào thủ đô xứ Siri thì vẽ vời lừa với ngựa làm gì. Thậm chí cả bức tranh lẫy lừng của Leonardo da Vinci minh hoạ Chúa Giêsu và môn đồ mừng lễ Vượt qua, cũng bị đem ra mổ xẻ. Sự thực các ngài đã nằm thoải mái trên những trường kỷ mà ăn bữa tối hôm ấy, chứ đâu có ngồi chung quanh một tấm bàn dài…
Tuy nhiên để mặc cho thiên hạ bình luận cho ra lẽ, chứ mọi người ai cũng vui lòng cho phép nghệ nhân và văn nhân được tự do sáng tác (...)! Thế thì đầu tượng Đức Mẹ Việt Nam có hơi nhỏ hơn đầu người thật, Đức Mẹ là dân Do thái mà lại đội khăn xếp nếp như Nam Phương hoàng hậu ngày nàng thành hôn với hoàng đế Bảo Đại, thì đã sao? Trước sau chỉ là licence artistique, không nên chấp nhất làm gì.
Riêng cá nhân kẻ này: trí óc thì được đào tạo trong môi trường khảo cứu và khoa học nhưng con tim lại có máu nghệ thuật, cho nên có những cảm xúc khá phức tạp. Có lúc người viết ngây ngất trước địa vị cao xa của Đức Bà Maria, thì bao nhiêu hoa thơm cỏ lạ cũng muốn lượm đủ mà dâng lên cho Đức Bà. Xá chi một nếp khăn xếp: bao nhiêu kim cương hồng ngọc cũng muốn đem nạm tất cả vào chiếc mũ miện làm bằng quý kim mà đem đội lên đầu Bà.
Nhạc trong bài Ave Maria của Frank Schubert và nhạc trong bài Ave Maria của Charles Gounod cùng là lời thơ thiết tha trong bài Ave Maria của thi sĩ Hàn Mặc Tử: không thứ nào đủ du dương để làm thoả mãn tấm lòng đứa con hèn mọn này muốn ca tụng Đức Bà Maria!
Lúc khác người viết lại đòi trở về thực tế. “Mẫu thân tôi là người Do thái, là một người nội trợ sinh sống ở Nadarét thì Bà đâu có đóng khăn xếp, đâu có đội mũ miện?” Xiêm áo Bà mặc hàng ngày là y phục thông thường dân Do thái. Bên ngoài là bộ ngoại bào cắt thành một tấm vải có hình gần như vuông, khi mang mặc thì vắt ngang qua vai. Bên trong sát với da thịt là bộ nội bào, che kín thân thể từ vai xuống tới gót chân. Nó thẳng đuột như cái ống “mà thủng hai đầu”, đầu bên trên chỉ rộng vừa đủ để đầu người chui lọt. Đàn bà phải nuôi con dại thì lỗ hổng bên trên được khoét rộng hơn, làm lối cho bê bi bú sữa. Hai bên hông nội bào người ta mở thêm hai khe khác để xỏ tay. Chỉ có những bộ áo dài đắt tiền – như tấm áo Đức Giêsu mặc khi thụ hình hay là tấm áo Ông Giacóp may cho con cưng của bố là Giuse – mới may đầy đủ hai cánh tay.
Ngang eo người Do thái thắt lưng, và nếu muốn gọn ghẽ hơn nữa - như khi phải lao công nặng nhọc chẳng hạn - họ có thể chun áo trong lên phía trên dây thắt lưng, thế là người ta có ngay một cái túi lớn vòng chung quanh thân thể làm cái bọc chứa đựng vật dụng cần mang theo người. Đàn ông đàn bà Do thái đều ăn vận giống nhau như thế cả, chỉ khác một điểm là phụ nữ cần thêm tấm mạng che tóc tai. Tông đồ Phaolô căn dặn các bà các cô chớ bao giờ quên tấm mạng che tóc này, theo như ông quan niệm, phụ nữ không che tóc là phần nào ở dạng loã thể.
So sánh với y phục Do thái mới biết bộ áo dài Việt Nam do nhà may Tường tung ra vào các năm 1940, là một sáng chế có một không hai. Nó tha thướt như mây bay. Nó bó sát lưng ong người đàn bà như một bài ca tuyên dương các nét cong trên thân thể của con cái Bà Evà!
Phụ nữ Afghanistan ăn vận khác hẳn. Bên trong họ mang lụa là tế nhuyễn thứ gì nào ai rõ, chỉ biết rằng khi bước ra khỏi nhà thì người đàn bà trở thành những bóng ma núp kín mít từ đầu xuống tới chân trong một tấm mền giầy cộm, chỉ chừa ra hai lỗ cho con mắt nhìn ra ngoài. Dân các nước tân tiến hơn như Ai cập, Jordan, Syri, Liban cũng là Ả rập nhưng họ không nỡ lòng nào hành hạ phụ nữ của mình tàn tệ như vậy.
Còn nhớ tháng 10 năm 1954 người viết có dịp đặt chân lên Cairô, thủ đô Ai cập. Trời vừa sáng, hai vai xốc hai chiếc máy ảnh Leica và Rolleyflex, người du khách Việt Nam này đương giơ chân bước lên một chiếc Buick trên đường đi thăm kim tự tháp, thì thấy trước mặt lù lù một đoàn các nàng Kiều người Afghanistan đi tới, mỗi người trùm một tấm chăn chụp kín từ chân lên tới đầu, chỉ khoét có hai lỗ nhỏ để con mắt có thể nhìn ra bên ngoài mà thôi.
Đối tượng không thể bỏ qua được! Kẻ này bèn lúi húi mở các ống kính máy ảnh. Nào ngờ đám phụ nữ kia có cha hay chồng đi theo làm thành như một lực lượng bảo tiêu món hàng. Thấy có kẻ hèn người da vàng nào đó dám cả gan chụp hình harem (nội cung) của mình, một đoàn các đại hán hùng hổ xông tới. Vừa nghe tiếng chân giậm sầm sập như trời đổ mưa, nhà nhiếp ảnh thất kinh vội vàng rút lui vào lobby của khách sạn; và may sao số mệnh còn dài: kẻ này đã được ban an ninh khách sạn ra tay bảo vệ, Thế là kẻ này có kinh nghiệm cá nhân về sức phản ứng của nhóm Hồi giáo quá khích ngay từ năm 1954, tức là 47 năm trước ngày 911 là thời điểm Toà Tháp đôi ở Nữu ước bị phá sập..
Dù sao y phục Do thái xét ra cũng khá thuận tiện đối với những bà nội trợ năng động trong số có Đức Bà Maria. Năm 1986 nhân dịp vãng cảnh Thánh Địa, tôi có dịp ngồi bên giếng nước Nadarét nằm ngay trên đỉnh một ngọn đồi trong xứ Galilê mà suy tư rất lâu. Tôi thầm nghĩ: anh chàng người Palestine hướng dẫn đoàn du lịch chúng tôi là tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng hiểu biết về Thánh Kinh không có bao nhiêu. Ảnh nói dinh thự Caipha nằm dưới chân đồi là sai, Đức Giêsu cải biến dung mạo trên núi Taborê cũng sai nốt, và cây cải có hoa vàng hột nhỏ là một loại đại thọ không phải là rau cải… lại lạc điệu hoàn toàn. Thế nhưng khi bảo rằng thớt giếng nằm giữa thị trấn Nadarét này là nơi Đức Bà tìm đến hàng ngày để kín nước nấu ăn và giặt giũ thì đúng quá đi, không thể lầm lẫn vào đâu được.
Mà lạ thay: Đức Giêsu từ trời xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, nấn ná ở trần gian không quá 34 năm, mà tại sao Người lại bỏ ra gần 30 năm để sống ẩn dật bên cạnh mẫu thân? Có thể là nhiều lần hồi còn nhỏ Người đã theo mẫu thân lui tới thớt giếng này! Té ra làm người trên thế giới, chúng ta không cần phải là một Nữ Oa đội đá vá trời, hoặc chọc trời khuấy nước như Thành Cát Tư Hãn... Chỉ cần sống hạnh phúc như một người con ngoan của Thiên Chúa, mà ca tụng đấng Chí cao, tha thứ thương yêu kẻ đồng loại,và sẻ áo chia cơm với đám bần cùng. Thánh Phanchicô đã làm như vậy, Đức Bà Maria đã làm như vậy, và chính Đức Giêsu cũng đã làm như vậy.
Tới đây, tôi sực nhận ra Đức Bà Maria đã sống một đời rất cam go. Bà phải một mình nuôi con, vì trượng phu Giuse mất sớm, khiến cho thân nhân và láng giềng quen gọi Đức Giêsu là “con Bà Maria”. Bà lại hay giúp đỡ mọi người chung quanh. Khi thân nhân mở đám cưới, Bà được mời, Đức Giêsu và các môn đồ cũng được mời. Nhưng đương khi khách ăn uống ở nhà trên, thì Đức Bà lặng lẽ lui xuống nhà bếp phục vụ với gia nhân. Chẳng vậy mà khi thiếu rượu uống, Đức Bà nhận thức được ngay, và không cần có lời gia chủ yêu cầu, Đức Bà đã xin Đức Giêsu ra tay giúp nhà đám.
Suốt thời kỳ Đức Giêsu giảng đạo - có lẽ là từ năm 30 tới năm 33 - Con Bà đi tới đâu, Bà cũng tìm đến thăm nuôi, lại mang theo thân nhân cho trọn nghĩa họ hàng. Lần nọ, dân chúng quấy nhiễu Đức Giêsu quá độ, tới mức Người và các môn đồ không còn thời giờ ăn uống nghỉ ngơi, thân nhân được tin, đã vội vàng tìm đến để can thiệp. Thánh Kinh không nói rõ lần ấy Đức Bà có hiện diện hay không, nhưng các lần khác Bà đã quen dẫn theo thân nhân cùng đi để thăm nuôi, thì lần này nhất định chính Bà phải có mặt trong phái đoàn.
Cũng vậy, khi con Bà bị án chết, và bị treo trên thập giá, Đức Bà Maria không đi một mình. Bà đem theo hai người em gái: Salome phu nhân Ông Dêbêđê và Maria “khác” phu nhân Ông Clopas còn gọi là Alphaeus, lại gọi thêm một nữ thí chủ là Bà Maria Mácđala: cả đoàn tìm đến tận pháp trường mà yên ủi Đức Giêsu. Khi Con Bà tắt thở các đồ đệ tẩu tán hết, Bà kêu gọi hai Ông Giuse và Nicôđêm tới giúp, và đã mai táng di hài Đức Giêsu kịp bước sang ngày Sabát là lúc phải ngừng nghỉ…
Bà nghỉ không lâu, vì vừa hết ngày Sabát Bà lại phải thực hành sứ mệnh Con Bà đã trao sang cho Bà. Sứ mệnh nằm trong câu: “Hỡi người Đàn Bà! Gioan là con Bà”. Trối trăng như thế Đức Giêsu không muốn bảo mẹ mình nhận Gioan làm con nuôi thay thế cho mình sắp phải chết. Ý Người muốn nói rằng Giáo Hội của Người mà Gioan là đại biểu, lúc này rã rũa mất rồi, nhưng đã có Mẹ Người mà Cựu ước gọi là “Người Đàn Bà thứ hai” đối lập với Evà là “người Đàn Bà thứ nhất. “Người Đàn Bà thứ hai” này sẽ có tay chèo vững đủ, để xây cất lại Giáo Hội cho hoàn tất!
Một phụ nữ đảm đang như vậy sẽ không có thời giờ nghĩ tới phấn son, đi giầy cao gót, trau chuốt móng tay. Có thể tưởng tượng hai bàn tay của Bà có lẽ không mềm mại nuột nà, mà chắc là chai cứng. Cứ xem vào cốt cách Đức Giêsu in vào tấm khăn liệm lưu trữ ở Turino, thì con Bà bình sinh là một trang nam tử cao lớn và khoẻ mạnh, cho nên mẫu thân của Người nhất định không phải là một phụ nữ liễu yếu đào tơ. Vì suy diễn như vậy, máu nghệ sĩ của tôi chìm xuống, và óc thực tiễn của tôi trỗi dậy: Không! Đức Bà Maria của tôi bình sinh đã không bao giờ đóng khăn xếp giống như Nam Phương hoàng hậu!
Có người phản kháng: Đó là lối sống của Đức Maria vào buổi sinh thời. Còn bây giờ ở trên thiên đàng thì sao? Lần hạt Môi khôi tới mầu nhiệm thứ năm trong chuỗi các “Sự Mừng” chúng ta ca tụng Đức Bà Maria hiện nay được Thiên Chúa tôn vinh cực độ trên thiên đàng!
Sự thực về phía Thiên Chúa, Đức Chúa Cha đã không đợi rước Đức Bà Maria về trời rồi mới tôn vinh Bà, nhưng đã tôn vinh Bà ngay từ thuở mới thành thai trong dạ con của mẫu thân Anna. Chính vì muốn cảm tạ Thiên Chúa đặc biệt sủng ái mình như thế, cho nên khi hiển linh ở Lourdes, Đức Maria đã tự xưng là “Immaculée Conception”. Còn về phía Đức Maria, thì Bà không thích ngồi lên ngai báu để thần dân khấu bái mình.
Hiện nay trên thiên đàng Bà vẫn tích cực hoạt động như thuở còn sống trên dương gian. Như một nữ tướng Bà phất cờ nương tử, lãnh đạo tất cả các lực lượng trên thiên đàng và dưới trần thế, đấu tranh với sức mạnh của Satan và bè lũ. Bà không ngừng kêu gọi từng cá nhân tiếp sức với Bà, vì cuộc chiến tranh giữa Thiện và Ác chỉ chấm dứt vào ngay thế giới này bị diệt vong...
Nhưng muôn tâu Lệnh Bà, Bà đã giúp Con Bà phục hưng Giáo Hội, cho nên Bà cũng là mẹ sinh ra từng người tín hữu chúng con. Đoàn kết lại thành Giáo hội Việt Nam, hôm nay chúng con dám xin Bà ngừng tay hoạt động trong giây phút, để chúng con dâng bó hoa hồng lên Bà và đội lên đầu Bà nếp khăn xếp làm bằng lụa vàng từng được Nam Phương hoàng hậu đội ngày nào, để tôn vinh Bà là Nữ Vương Giáo hội Việt Nam chúng con.
Sau nghi thức này, chúng con nguyện sẽ đoàn tụ chặt chẽ sau lưng Bà và sẽ cùng Bà bắt tay vào việc tiễu trừ các lực lượng Gian tà, và thiết lập Công lý và Hoà bình trên khắp thế giới bắt đầu từ giang sơn Việt Nam, rồi cứ tiếp tục hoạt động mãi mãi như vậy cho tới ngày thế giới đón Con Bà giáng lâm phán xử nhân loại... Đến ngày này, công việc hoàn tất rồi, con cái Lệnh Bà thuộc khắp mọi nơi mọi đời sẽ hoan hỉ ca hát bài Ave Maria để tôn vinh Lệnh Bà, và đồng thanh xưng tụng kinh Sáng Danh để tôn vinh Thiên Chúa Ba ngôi per omnia saecula saeculorum!!!
(Mừng năm Cảm Tạ Hồng Ân 2008, kỷ niệm 10 năm thành lập Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam, Tổng Giáo phận Atlanta)
Thánh Kinh nhiều lần ghi lại Thiên Chúa cho các tiên tri thuộc Cựu ước và các môn đồ Đức Chúa Giêsu thuộc Tân Ước được chiêm ngưỡng những cảnh trí giác quan bình thường không cảm nhận nổi. Đó là trường hợp tổ phụ Ápraham được mời đón Thiên Chúa vi hành ngự vào mái bạt của mình, Ông Mai-sen được nghe tiếng Thiên Chúa kêu gọi từ một bụi găng, ba Ông Phêrô, Giacôbê tiền và Gioan được chứng kiến Đức Giêsu biến cải dung nhan rực rỡ mà cùng với hai tiên tri Maisen và Êlia đàm đạo trên núi cao, các tông đồ và mấy bà được Thầy của họ hiện ra giữa đám sau khi Người phục hoạt…
Không kể những lần hiển linh được ghi vào Thánh kinh như vậy, lại còn có những lần cá nhân được chiêm ngưỡng mấy cảnh trí vượt qua sức cảm nhận của ngũ quan bình thường, mà lạ thay trong thị kiến, nhân vật từ thế giới linh thiêng trở về với nhân loại nhiều lần nhất lại là chính Đức Bà Maria mẫu thân Đức Giêsu. Hơn nữa Bà tìm về cõi trần không phải là để gặp gỡ mấy ông vua bà chúa: Bà không đòi hội kiến với Henri đệ bát nước Anh một con người đầy quyền lực lúc bấy giờ, hoặc giáo chủ Luther một học giả tự phụ mình hiểu biết hơn người. Nhưng Bà ưa thích chia sẻ nỗi lòng với ba đứa trẻ nhỏ ở Fatima trong nước Bồ, một anh nông dân người làng Guadalupê trong nước Mễ, hoặc một số dân nghèo chui rúc trong rừng sâu La Vang trong nước Việt Nam…
Có nhiều cá nhân quả quyết mình thấy cảnh thiên đường, nhưng nghe họ nói cũng chớ vội tin. Muốn nắm vững sự thật, Giáo Hội đòi từng vụ phải có giám mục địa phương và tốt hơn nữa phải được chính Toà Thánh Rôma thừa nhận bằng giấy tờ, mà minh xác rằng thị kiến không phải do bệnh hoạn, không phải là giả mạo, thị kiến đã được chứng thực bằng những phép lạ vượt quá quy luật thiên nhiên.
Thuộc loại này có vụ Đức Bà hiển linh ở Paris trước mắt thánh nữ Catherine Labouré ngày 18 tháng 7 năm 1830 và 27 tháng 11 cũng năm ấy. Kế đó từng triệu ảnh vảy mang hình Đức Bà - bình dân quen gọi là “Mẹ hay làm phép lạ” - đã được lưu hành khắp thế giới giúp trời cao đổ muôn ơn phần hồn phần xác xuống cho những ai thành tâm dâng lời cầu nguyện lên Đức Bà, lại giúp cho chính Catherine trở thành một chứng nhân hùng hồn bằng một đời sống vị tha và thánh thiện khác thường. Sau cùng tới năm 1894 thị kiến đã được Toà Thánh Roma chính thức công nhận.
Sau Catherine, có hai em bé cũng là người Pháp: Mélanie Mathieu Calvet 15 tuổi và Maximin Géraud 11 tuổi người làng La Salette gần thành phố Grenoble thuộc đông bộ Pháp quốc đã được thấy một trang nữ lưu hiện ra vào năm 1846 tháng 9 ngày 19. Bà vừa khóc vừa bảo hai em phải kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, kẻo bó buộc con Bà là Đức Giêsu sẽ xuống tay trừng trị loài người. Lời nhắn bảo thoạt tiên không có ai chịu nghe, nhưng sau đó dân chúng đã được chứng kiến rất nhiều phép lạ, khiến cho giám mục địa phương đã thừa nhận cuộc hiển linh là có thực, và tới năm 1942, chính toà thánh đã lập lễ kính Đức Mẹ La Salette.
Nhưng địa điểm hành hương nổi tiếng nhất ở Pháp quốc là Lourdes (Lộ Đức) trong dẫy núi Pyrénées giáp giới với Tây ban nha. Tại đây vào năm 1858 từ ngày 11 tháng 2 cho tới ngày 16 tháng Bảy có một bà đã hiển linh cho cô bé 14 tuổi Bernadette Soubirous được chiêm ngưỡng trước sau 18 lần. Bị gạn hỏi tính danh, thì Bà xưng mình là “vị không vương tội ngay từ lúc thành thai trong lòng mẹ” (Immaculée Conception). Bernadette không hiểu Bà muốn nói gì. Phải chờ cho tới khi nàng kể lại thị kiến cho linh mục bản xứ nghe, mọi người bấy giờ mới vỡ lẽ Bà là mẫu thân Chúa Giêsu và câu Bà xưng danh đã trùng hợp khít khao với tín điều mới được Đức Giáo hoàng Piô thứ IX xác định bốn năm trước trúng vào ngày mùng 8 tháng 12 năm 1854. Bà dạy Bernadette phải hô hào mọi người câu nguyện nhất là lần hạt Môi khôi.
Từ ngày ấy cho tới nay rất nhiều phép lạ đã xảy ra ở Lourdes, nhất là cho những ai tin vào quyền phép Đức Mẹ mà uống nước từ đất vọt lên không xa địa điểm Đức Mẹ hiển linh. Lớn lên, Bernadette đã trở thành một dì phước sống một đời rất đạo hạnh và khiêm nhượng. Người tu nữ mất năm 1879 khi mới lên 35 tuổi. Hiện nay di hài của Sơ nằm trong một lồng kính vẫn hồng hào xinh tốt như hồi sinh tiền.
Sau vụ Đức Maria hiển linh ở Lourdes tại Pháp quốc, lại tới vụ Bà hiển linh ở Fatima trong nước Bồ đào nha năm 1917 cho ba đứa trẻ nhỏ tuổi từ 10 cho tới 13 tên là Francisco, Jacinta và Lucia. Lần này Đức Bà vẫn hô hào con cái Bà lần hạt Môi khôi, nhưng lần này cầu cho thế giới thoát nạn cộng sản vô thần và hứa sẽ cho khách hành hương được chứng kiến một phép lạ sẽ xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật. Quả nhiên tới ngày xác định, hơn 50 ngàn người ngước mắt nhìn lên không trung đã được thấy mặt trời đảo lộn giữa trời xanh một hồi lâu. Francisco và Jacinta mất ba năm sau khi thấy thị kiến, còn Lucia thì gia nhập một đoàn tu nữ và sống cho tới gần đây mới qua đời, sau khi cống hiến cả một đời người để cổ võ lòng tôn sùng Trái tim không nhiễm tội của Đức Bà Maria.
Bên Mỹ châu, Đức Bà hiển linh ngay từ thế kỷ 16, nghĩa là trúng vào năm 1531 trước mắt ngỡ ngàng của một người thổ dân tên là Juan Diego tại Tepeyac gần thủ đô nước Mễ tây cơ. Khi người nông dân chất phác này tìm đến vị giám mục địa phương tên là Zumárraga để bá cáo sự vụ, thì lại có phép lạ xảy ra nhãn tiền: tấm ponko (khăn choàng vai) vừa rời khỏi lưng chàng thì hoa hồng từ tấm khăn tuôn rơi chan hoà xuống sàn nhà. Hơn nữa, mọi người lại thấy trên tấm khăn dệt bằng sợi dứa dại, hiện lên hình dung một trang nữ lưu xinh đẹp tuyệt trần, vẽ lại y chang chân dung Đức Maria khi Bà hiển thị cho Juan chiêm ngưỡng. Trải qua ngoài năm thế kỷ, hiện nay bức chân dung vẫn giữ nguyên màu sắc tươi mát ban đầu.
Rất nhiều ơn lạ đã xảy ra cho khách hành hương tới cầu nguyện ở đền thánh ngày nay gọi là Trung tâm Đức Bà Guadalupe. Do đó năm 1754 Đức Giáo hoàng Bênêđictô thứ 14 đã thành lập lễ Đức Mẹ Guadalupe mừng vào ngày 12 tháng 12, và sang năm 1910 Đức Giáo hoàng Piô thứ 10 đã tôn vinh Đức Bà Guadalupe là Mẹ bảo trợ các tín đồ Công giáo ở cả Bắc Mỹ châu và Nam Mỹ châu. Một đặc điểm nơi dung nhan Đức Bà Guadalupe, là Bà có nước da hơi ngăm ngăm và tóc Bà dài mượt và đen tuyền. Phải chăng Đức Maria muốn mượn cốt cách và y phục phụ nữ địa phương để tuyên xưng mình là mẹ dân Công giáo bất luận họ thuộc xứ nước nào, mang màu da nào?
Tại Việt Nam, Đức Bà hiển linh ở La Vang trong tỉnh Quảng Trị cũng rất sớm, nghĩa là dưới triều vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn (1782-1802). Cố nhiên linh mục địa phương đã gửi bài điều trần ghi đầy đủ các chi tiết về hiện tượng lạ lên Toà Giám mục. Tiếc thay gặp thời buổi nhiễu nhương, vua chúa bách hại Thiên Chúa giáo, Toà Giám mục phải thay đổi địa chỉ luôn luôn, mỗi lần di dịch lại tiến thêm một độ về hướng Nam, cho đến khi định vị ở Phú Xuân. Kết cục là các tài liệu bị thất tán hết cả, mặc dù mỗi khi dừng lại nơi nào, thì “nhà chung” (nhân viên Toà Giám mục) vẫn cẩn thận bảo trì các văn khố trong những cái chum đậy nắp chôn sâu dưới lòng đất.
Thành ra ngày nay không ai biết được Đức Mẹ La Vang mang xiêm y như thế nào. Chỉ biết rằng: khi Người hiển linh thì dân theo đạo Giatô (Chúa Giêsu) nhận ra ngay Người là mẫu thân Đức Giêsu, nhưng dân Phật giáo có kẻ lại tin lầm Người là Phật Bà Quan âm! Như vậy có thể ngờ được Đức Maria đã hiển linh tại La Vang trong bộ xiêm y phụ nữ Á đông? Biết đâu lần ấy Bà mặc áo tứ thân, thắt lưng nhiễu tím, chít khăn vuông mỏ quạ, tương tự như lần hiển thị ở Mỹ châu Bà đã trang phục nhang nhác giống như phụ nữ Da đỏ.
Ngày nay có phong trào đòi hỏi nghệ nhân phải tôn trọng lịch sử, cho nên mới có hiện tượng một bộ phim diễn tả cuộc Đức Giêsu thụ nạn, trong đó lính La mã mang vũ trang giống y hệt binh sĩ của hoàng đế Tibêriô vào thế kỷ thứ nhất. Nhà đạo diễn lại dặn kịch sĩ đóng vai nhân dân ở Giêrusalem phải trao đổi tư tưởng bằng tiếng Aramaích…
Người ta mạnh dạn phê bình các bức tranh phác hoạ Bà Maria Mácđala là một tội nhân trọn đời ăn năn sám hối, vì sự thực nàng đâu có phải là một phụ nữ trụy lạc, trái lại nàng là một mệnh phụ giầu lòng từ thiện, đứng đầu phái đoàn các mệnh phụ bỏ tiền riêng trợ cấp cho Đức Giêsu và các môn đồ…
Người khác lại thắc mắc tại sao các nhà họa sĩ trăm người như một, ai ai cũng vẽ Ông Phaolô ngã ngựa trước thành Damas: thời bấy giờ chỉ có chiến sĩ ra trận mới cưỡi ngựa, còn dân thường di chuyển trên bộ chỉ cưỡi lừa hay lạc đà. Vả lại Thánh Kinh không nói Phaolô ngồi trên lưng tải súc khi ông tiến vào thủ đô xứ Siri thì vẽ vời lừa với ngựa làm gì. Thậm chí cả bức tranh lẫy lừng của Leonardo da Vinci minh hoạ Chúa Giêsu và môn đồ mừng lễ Vượt qua, cũng bị đem ra mổ xẻ. Sự thực các ngài đã nằm thoải mái trên những trường kỷ mà ăn bữa tối hôm ấy, chứ đâu có ngồi chung quanh một tấm bàn dài…
Tuy nhiên để mặc cho thiên hạ bình luận cho ra lẽ, chứ mọi người ai cũng vui lòng cho phép nghệ nhân và văn nhân được tự do sáng tác (...)! Thế thì đầu tượng Đức Mẹ Việt Nam có hơi nhỏ hơn đầu người thật, Đức Mẹ là dân Do thái mà lại đội khăn xếp nếp như Nam Phương hoàng hậu ngày nàng thành hôn với hoàng đế Bảo Đại, thì đã sao? Trước sau chỉ là licence artistique, không nên chấp nhất làm gì.
Riêng cá nhân kẻ này: trí óc thì được đào tạo trong môi trường khảo cứu và khoa học nhưng con tim lại có máu nghệ thuật, cho nên có những cảm xúc khá phức tạp. Có lúc người viết ngây ngất trước địa vị cao xa của Đức Bà Maria, thì bao nhiêu hoa thơm cỏ lạ cũng muốn lượm đủ mà dâng lên cho Đức Bà. Xá chi một nếp khăn xếp: bao nhiêu kim cương hồng ngọc cũng muốn đem nạm tất cả vào chiếc mũ miện làm bằng quý kim mà đem đội lên đầu Bà.
Nhạc trong bài Ave Maria của Frank Schubert và nhạc trong bài Ave Maria của Charles Gounod cùng là lời thơ thiết tha trong bài Ave Maria của thi sĩ Hàn Mặc Tử: không thứ nào đủ du dương để làm thoả mãn tấm lòng đứa con hèn mọn này muốn ca tụng Đức Bà Maria!
Lúc khác người viết lại đòi trở về thực tế. “Mẫu thân tôi là người Do thái, là một người nội trợ sinh sống ở Nadarét thì Bà đâu có đóng khăn xếp, đâu có đội mũ miện?” Xiêm áo Bà mặc hàng ngày là y phục thông thường dân Do thái. Bên ngoài là bộ ngoại bào cắt thành một tấm vải có hình gần như vuông, khi mang mặc thì vắt ngang qua vai. Bên trong sát với da thịt là bộ nội bào, che kín thân thể từ vai xuống tới gót chân. Nó thẳng đuột như cái ống “mà thủng hai đầu”, đầu bên trên chỉ rộng vừa đủ để đầu người chui lọt. Đàn bà phải nuôi con dại thì lỗ hổng bên trên được khoét rộng hơn, làm lối cho bê bi bú sữa. Hai bên hông nội bào người ta mở thêm hai khe khác để xỏ tay. Chỉ có những bộ áo dài đắt tiền – như tấm áo Đức Giêsu mặc khi thụ hình hay là tấm áo Ông Giacóp may cho con cưng của bố là Giuse – mới may đầy đủ hai cánh tay.
Ngang eo người Do thái thắt lưng, và nếu muốn gọn ghẽ hơn nữa - như khi phải lao công nặng nhọc chẳng hạn - họ có thể chun áo trong lên phía trên dây thắt lưng, thế là người ta có ngay một cái túi lớn vòng chung quanh thân thể làm cái bọc chứa đựng vật dụng cần mang theo người. Đàn ông đàn bà Do thái đều ăn vận giống nhau như thế cả, chỉ khác một điểm là phụ nữ cần thêm tấm mạng che tóc tai. Tông đồ Phaolô căn dặn các bà các cô chớ bao giờ quên tấm mạng che tóc này, theo như ông quan niệm, phụ nữ không che tóc là phần nào ở dạng loã thể.
So sánh với y phục Do thái mới biết bộ áo dài Việt Nam do nhà may Tường tung ra vào các năm 1940, là một sáng chế có một không hai. Nó tha thướt như mây bay. Nó bó sát lưng ong người đàn bà như một bài ca tuyên dương các nét cong trên thân thể của con cái Bà Evà!
Phụ nữ Afghanistan ăn vận khác hẳn. Bên trong họ mang lụa là tế nhuyễn thứ gì nào ai rõ, chỉ biết rằng khi bước ra khỏi nhà thì người đàn bà trở thành những bóng ma núp kín mít từ đầu xuống tới chân trong một tấm mền giầy cộm, chỉ chừa ra hai lỗ cho con mắt nhìn ra ngoài. Dân các nước tân tiến hơn như Ai cập, Jordan, Syri, Liban cũng là Ả rập nhưng họ không nỡ lòng nào hành hạ phụ nữ của mình tàn tệ như vậy.
Còn nhớ tháng 10 năm 1954 người viết có dịp đặt chân lên Cairô, thủ đô Ai cập. Trời vừa sáng, hai vai xốc hai chiếc máy ảnh Leica và Rolleyflex, người du khách Việt Nam này đương giơ chân bước lên một chiếc Buick trên đường đi thăm kim tự tháp, thì thấy trước mặt lù lù một đoàn các nàng Kiều người Afghanistan đi tới, mỗi người trùm một tấm chăn chụp kín từ chân lên tới đầu, chỉ khoét có hai lỗ nhỏ để con mắt có thể nhìn ra bên ngoài mà thôi.
Đối tượng không thể bỏ qua được! Kẻ này bèn lúi húi mở các ống kính máy ảnh. Nào ngờ đám phụ nữ kia có cha hay chồng đi theo làm thành như một lực lượng bảo tiêu món hàng. Thấy có kẻ hèn người da vàng nào đó dám cả gan chụp hình harem (nội cung) của mình, một đoàn các đại hán hùng hổ xông tới. Vừa nghe tiếng chân giậm sầm sập như trời đổ mưa, nhà nhiếp ảnh thất kinh vội vàng rút lui vào lobby của khách sạn; và may sao số mệnh còn dài: kẻ này đã được ban an ninh khách sạn ra tay bảo vệ, Thế là kẻ này có kinh nghiệm cá nhân về sức phản ứng của nhóm Hồi giáo quá khích ngay từ năm 1954, tức là 47 năm trước ngày 911 là thời điểm Toà Tháp đôi ở Nữu ước bị phá sập..
Dù sao y phục Do thái xét ra cũng khá thuận tiện đối với những bà nội trợ năng động trong số có Đức Bà Maria. Năm 1986 nhân dịp vãng cảnh Thánh Địa, tôi có dịp ngồi bên giếng nước Nadarét nằm ngay trên đỉnh một ngọn đồi trong xứ Galilê mà suy tư rất lâu. Tôi thầm nghĩ: anh chàng người Palestine hướng dẫn đoàn du lịch chúng tôi là tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng hiểu biết về Thánh Kinh không có bao nhiêu. Ảnh nói dinh thự Caipha nằm dưới chân đồi là sai, Đức Giêsu cải biến dung mạo trên núi Taborê cũng sai nốt, và cây cải có hoa vàng hột nhỏ là một loại đại thọ không phải là rau cải… lại lạc điệu hoàn toàn. Thế nhưng khi bảo rằng thớt giếng nằm giữa thị trấn Nadarét này là nơi Đức Bà tìm đến hàng ngày để kín nước nấu ăn và giặt giũ thì đúng quá đi, không thể lầm lẫn vào đâu được.
Mà lạ thay: Đức Giêsu từ trời xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, nấn ná ở trần gian không quá 34 năm, mà tại sao Người lại bỏ ra gần 30 năm để sống ẩn dật bên cạnh mẫu thân? Có thể là nhiều lần hồi còn nhỏ Người đã theo mẫu thân lui tới thớt giếng này! Té ra làm người trên thế giới, chúng ta không cần phải là một Nữ Oa đội đá vá trời, hoặc chọc trời khuấy nước như Thành Cát Tư Hãn... Chỉ cần sống hạnh phúc như một người con ngoan của Thiên Chúa, mà ca tụng đấng Chí cao, tha thứ thương yêu kẻ đồng loại,và sẻ áo chia cơm với đám bần cùng. Thánh Phanchicô đã làm như vậy, Đức Bà Maria đã làm như vậy, và chính Đức Giêsu cũng đã làm như vậy.
Tới đây, tôi sực nhận ra Đức Bà Maria đã sống một đời rất cam go. Bà phải một mình nuôi con, vì trượng phu Giuse mất sớm, khiến cho thân nhân và láng giềng quen gọi Đức Giêsu là “con Bà Maria”. Bà lại hay giúp đỡ mọi người chung quanh. Khi thân nhân mở đám cưới, Bà được mời, Đức Giêsu và các môn đồ cũng được mời. Nhưng đương khi khách ăn uống ở nhà trên, thì Đức Bà lặng lẽ lui xuống nhà bếp phục vụ với gia nhân. Chẳng vậy mà khi thiếu rượu uống, Đức Bà nhận thức được ngay, và không cần có lời gia chủ yêu cầu, Đức Bà đã xin Đức Giêsu ra tay giúp nhà đám.
Suốt thời kỳ Đức Giêsu giảng đạo - có lẽ là từ năm 30 tới năm 33 - Con Bà đi tới đâu, Bà cũng tìm đến thăm nuôi, lại mang theo thân nhân cho trọn nghĩa họ hàng. Lần nọ, dân chúng quấy nhiễu Đức Giêsu quá độ, tới mức Người và các môn đồ không còn thời giờ ăn uống nghỉ ngơi, thân nhân được tin, đã vội vàng tìm đến để can thiệp. Thánh Kinh không nói rõ lần ấy Đức Bà có hiện diện hay không, nhưng các lần khác Bà đã quen dẫn theo thân nhân cùng đi để thăm nuôi, thì lần này nhất định chính Bà phải có mặt trong phái đoàn.
Cũng vậy, khi con Bà bị án chết, và bị treo trên thập giá, Đức Bà Maria không đi một mình. Bà đem theo hai người em gái: Salome phu nhân Ông Dêbêđê và Maria “khác” phu nhân Ông Clopas còn gọi là Alphaeus, lại gọi thêm một nữ thí chủ là Bà Maria Mácđala: cả đoàn tìm đến tận pháp trường mà yên ủi Đức Giêsu. Khi Con Bà tắt thở các đồ đệ tẩu tán hết, Bà kêu gọi hai Ông Giuse và Nicôđêm tới giúp, và đã mai táng di hài Đức Giêsu kịp bước sang ngày Sabát là lúc phải ngừng nghỉ…
Bà nghỉ không lâu, vì vừa hết ngày Sabát Bà lại phải thực hành sứ mệnh Con Bà đã trao sang cho Bà. Sứ mệnh nằm trong câu: “Hỡi người Đàn Bà! Gioan là con Bà”. Trối trăng như thế Đức Giêsu không muốn bảo mẹ mình nhận Gioan làm con nuôi thay thế cho mình sắp phải chết. Ý Người muốn nói rằng Giáo Hội của Người mà Gioan là đại biểu, lúc này rã rũa mất rồi, nhưng đã có Mẹ Người mà Cựu ước gọi là “Người Đàn Bà thứ hai” đối lập với Evà là “người Đàn Bà thứ nhất. “Người Đàn Bà thứ hai” này sẽ có tay chèo vững đủ, để xây cất lại Giáo Hội cho hoàn tất!
Một phụ nữ đảm đang như vậy sẽ không có thời giờ nghĩ tới phấn son, đi giầy cao gót, trau chuốt móng tay. Có thể tưởng tượng hai bàn tay của Bà có lẽ không mềm mại nuột nà, mà chắc là chai cứng. Cứ xem vào cốt cách Đức Giêsu in vào tấm khăn liệm lưu trữ ở Turino, thì con Bà bình sinh là một trang nam tử cao lớn và khoẻ mạnh, cho nên mẫu thân của Người nhất định không phải là một phụ nữ liễu yếu đào tơ. Vì suy diễn như vậy, máu nghệ sĩ của tôi chìm xuống, và óc thực tiễn của tôi trỗi dậy: Không! Đức Bà Maria của tôi bình sinh đã không bao giờ đóng khăn xếp giống như Nam Phương hoàng hậu!
Có người phản kháng: Đó là lối sống của Đức Maria vào buổi sinh thời. Còn bây giờ ở trên thiên đàng thì sao? Lần hạt Môi khôi tới mầu nhiệm thứ năm trong chuỗi các “Sự Mừng” chúng ta ca tụng Đức Bà Maria hiện nay được Thiên Chúa tôn vinh cực độ trên thiên đàng!
Sự thực về phía Thiên Chúa, Đức Chúa Cha đã không đợi rước Đức Bà Maria về trời rồi mới tôn vinh Bà, nhưng đã tôn vinh Bà ngay từ thuở mới thành thai trong dạ con của mẫu thân Anna. Chính vì muốn cảm tạ Thiên Chúa đặc biệt sủng ái mình như thế, cho nên khi hiển linh ở Lourdes, Đức Maria đã tự xưng là “Immaculée Conception”. Còn về phía Đức Maria, thì Bà không thích ngồi lên ngai báu để thần dân khấu bái mình.
Hiện nay trên thiên đàng Bà vẫn tích cực hoạt động như thuở còn sống trên dương gian. Như một nữ tướng Bà phất cờ nương tử, lãnh đạo tất cả các lực lượng trên thiên đàng và dưới trần thế, đấu tranh với sức mạnh của Satan và bè lũ. Bà không ngừng kêu gọi từng cá nhân tiếp sức với Bà, vì cuộc chiến tranh giữa Thiện và Ác chỉ chấm dứt vào ngay thế giới này bị diệt vong...
Nhưng muôn tâu Lệnh Bà, Bà đã giúp Con Bà phục hưng Giáo Hội, cho nên Bà cũng là mẹ sinh ra từng người tín hữu chúng con. Đoàn kết lại thành Giáo hội Việt Nam, hôm nay chúng con dám xin Bà ngừng tay hoạt động trong giây phút, để chúng con dâng bó hoa hồng lên Bà và đội lên đầu Bà nếp khăn xếp làm bằng lụa vàng từng được Nam Phương hoàng hậu đội ngày nào, để tôn vinh Bà là Nữ Vương Giáo hội Việt Nam chúng con.
Sau nghi thức này, chúng con nguyện sẽ đoàn tụ chặt chẽ sau lưng Bà và sẽ cùng Bà bắt tay vào việc tiễu trừ các lực lượng Gian tà, và thiết lập Công lý và Hoà bình trên khắp thế giới bắt đầu từ giang sơn Việt Nam, rồi cứ tiếp tục hoạt động mãi mãi như vậy cho tới ngày thế giới đón Con Bà giáng lâm phán xử nhân loại... Đến ngày này, công việc hoàn tất rồi, con cái Lệnh Bà thuộc khắp mọi nơi mọi đời sẽ hoan hỉ ca hát bài Ave Maria để tôn vinh Lệnh Bà, và đồng thanh xưng tụng kinh Sáng Danh để tôn vinh Thiên Chúa Ba ngôi per omnia saecula saeculorum!!!