1. Náo loạn tại đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Atlanta

Hôm 22 tháng 12, 2 ngày trước lễ Giáng Sinh, náo loạn đã xảy ra tại đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở trung tâm thành phố Atlanta. Một kẻ bắn bừa bãi vào các nhân viên bác ái đang phát các phần quà Giáng Sinh cho người nghèo, làm một người đàn ông bị thương.

Cảnh sát Atlanta cho biết họ đã nhanh chóng chạy đến khu vực gần Đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vào khoảng 10:30 sáng. Tại hiện trường, họ phát hiện một người đàn ông bị một vết thương do đạn bắn. Anh ta đã được đưa đến bệnh viện, và được báo cáo là ổn định.

Cảnh sát đã được mô tả về kẻ tình nghi xả súng và bao vây khu vực. Ngay sau đó, họ phát hiện nghi phạm. Y được xác định là Jamarius Rogers, bị bắt gần đường Washington.

Trong khi các nhà điều tra chưa tiết lộ thêm chi tiết nào về hoàn cảnh xung quanh vụ xả súng, các nhân viên bác ái của đền thánh Đức Mẹ đã chứng kiến tận mắt mọi sự. Mỗi ngày, anh chị em giáo dân thiện nguyện cung cấp bữa sáng cho những người có nhu cầu, không cần hỏi câu nào, vào mỗi buổi sáng các ngày trong tuần từ 10 đến 10:30 sáng. Đền thánh Đức Mẹ nằm ở 48 Martin Luther King Drive, chỉ cách Tòa nhà Quốc Hội tiểu bang Georgia được bảo vệ bởi một lực lượng an ninh dày đặc.

Eli Smith, 22 tuổi, người thường xuyên làm tình nguyện viên phân phát thực phẩm, đã mô tả cảnh hỗn loạn sau tiếng súng. Năm hoặc sáu phát súng đã được bắn, anh ta nói với tờ The Atlanta Journal-Constitution.

Khi Smith dìu một người xuống bậc thềm của nhà thờ, anh ta cho biết mình đã bị kẻ tình nghi là tay súng xô té khi chạy qua. Smith nhìn thấy nghi phạm chạy vào bên trong tầng hầm của nhà thờ nên đã bám theo hắb ta. Khi Smith cố gắng nói chuyện với người đàn ông, nghi phạm lao vào anh ta, vì vậy anh ta bỏ đi và gọi 911.

Trong khi Smith đang nói chuyện với nhân viên điều phối 911, anh nhìn thấy người đàn ông rời khỏi tầng hầm của nhà thờ qua một cửa thoát hiểm bên hông. Smith đã theo dõi và đối đầu với hắn ta. Khi anh ta nói với người đàn ông rằng anh ta đang nói chuyện điện thoại với 911, nghi phạm “đã bỏ đi”.

Theo Smith, anh đã được cảnh sát phỏng vấn và đưa ra một loạt hình ảnh. Anh đã chỉ ra ngay nghi phạm, được xác định là Rogers.

Rogers đang phải đối mặt với cáo buộc tấn công gây thương tích nghiêm trọng và sở hữu trái phép một khẩu súng trong khi thực hiện trọng tội. Anh ta bị cáo buộc đã bắn nạn nhân, sau đó cố gắng vứt bỏ một số quần áo của mình để không bị nhận ra.
Source:AJC.com

2. Trung Quốc phổ biến tài liệu tôn giáo trên Internet

Theo một thông báo của Cục Tôn Giáo Vụ Trung Quốc, các tôn giáo không được dùng internet để phổ biến, tin tức, bài giảng và các nghi lễ tôn giáo

Vào ngày 3 tháng 12 năm 2021 Bộ An Ninh Nhà Nước và cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo họ đã phê duyệt “Các biện pháp hành chính đối với các dịch vụ thông tin tôn giáo trên internet”. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực ngày 1 tháng 3 năm 2022.

Cuộc đàn áp mới đối với tự do tôn giáo phản ánh chỉ thị của Chủ Tịch Tập Cận Bình. Trong các phiên họp của hội nghị tôn giáo toàn quốc được tổ chức vào đầu tháng 12 năm nay, chủ tịch kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố ý định tăng cường sự kiểm soát đối với các tôn giáo. Nói cách khác, y muốn gia tăng sự đàn áp tôn giáo.

Ông Tập nói rõ rằng các tôn giáo phải thích ứng với thực tế Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa. Theo ông Tập, quần chúng tín đồ phải đoàn kết xung quanh Đảng Cộng Sản Trung Quốc và chính phủ, đồng thời phải bác bỏ mọi ảnh hưởng của nước ngoài.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cung cấp thông tin tôn giáo trực tuyến phải làm đơn gửi Ban Tôn giáo cấp tỉnh. Các bài giảng, nghi lễ và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo, tu viện, nhà thờ và cá nhân chỉ có thể được phát trực tuyến sau khi đã có giấy phép đặc biệt. Đồng thời không một tổ chức hoặc cá nhân nào có thể gây quỹ “nhân danh tôn giáo” trên internet. Hoạt động tôn giáo trực tuyến cũng bị cấm đối với các tổ chức nước ngoài có mặt tại Trung Quốc.

Theo quy định mới, thông tin tôn giáo trên mạng không được “kích động lật đổ chính quyền, chống lại sự lãnh đạo của Đảng, phá hoại hệ thống xã hội chủ nghĩa, đoàn kết dân tộc và ổn định xã hội”. Cũng không được “thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai sắc tộc và sự cuồng tín tôn giáo”. Các sáng kiến nhằm vào giới trẻ qua trực tuyến cũng không được “lôi kéo giới trẻ hoặc ép buộc họ tham gia vào các hoạt động tôn giáo”.

Mục đích của chế độ là thúc đẩy hơn nữa việc “vô hiệu hóa” tôn giáo, một quá trình được chính thức khởi động vào năm 2015.

Tháng 2 năm nay, Cục Tôn Giáo Vụ Trung Quốc đã công bố tài liệu 'Các biện pháp hành chính đối với cán bộ tôn giáo'. Đây là một tài liệu về quản lý giáo sĩ, tu sĩ, linh mục, giám mục, v.v.

Vào tháng 2 năm 2018, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua “Quy định mới về hoạt động tôn giáo”, theo đó các nhân viên tôn giáo chỉ có thể thực hiện chức năng mục vụ của mình nếu họ tuân theo các cơ quan “chính thức nhà nước” và phục tùng Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Theo AsiaNews, chính quyền Quảng Tây đã cấm tổ chức lễ Giáng Sinh. Lý do vì lễ Giáng Sinh là lễ của phương Tây”. Giáng Sinh là một mối đe dọa đối với văn hóa Trung Quốc. Ngày Giáng Sinh được chế độ coi là một hành động xâm lược chống lại văn hóa Trung Quốc. Các giáo viên và Đảng viên được yêu cầu làm việc để duy trì truyền thống Trung Quốc, trong khi tất cả công dân được yêu cầu báo cáo các trường hợp tổ chức lễ Giáng Sinh cho cảnh sát.

3. Khai quật được hội đường Do Thái nơi Bà Maria Magdalena đến thờ phượng

Người ta đã tìm thấy một hội đường Do Thái 2,000 năm tuổi ở nơi được cho là quê hương của Bà Maria Magdalena.

Hội đường Do Thái này là hội đường thứ hai được tìm thấy trong khu vực Magdala cổ đại, sau giáo đường đầu tiên được tìm thấy vào năm 2009 trong quá trình xây dựng trung tâm du khách Công Giáo ở thị trấn - nay được gọi là Migdal - ngoài khơi Biển Galilê ở miền bắc Israel.

Có niên đại từ thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai, cả hai hội đường này có thể đã hoạt động khi Chúa Giêsu đến thăm thị trấn, như được ghi lại trong Phúc âm Thánh Matthêu.

Thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai trong lịch sử Do Thái kéo dài từ năm 516 trước Chúa Giáng Sinh đến năm 70 sau Chúa Giáng Sinh, khi Đền thờ thứ hai của Giêrusalem tồn tại. Các giáo phái Pharisêu, Sa đốc, Essenes, Zealot và Kitô Giáo sơ khai đã được hình thành trong thời kỳ này. Thời kỳ Đền thờ thứ hai kết thúc với Chiến tranh Do Thái-La Mã lần thứ nhất và Đền thờ Giêrusalem bị quân La Mã tàn phá.

“Thực tế là chúng tôi tìm thấy hai nhà hội cho thấy rằng người Do Thái trong thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai đã tìm kiếm một nơi để tụ họp tôn giáo và có lẽ cả về mặt xã hội. Việc chúng tôi tìm thấy một phiến đá khắc mô tả Đền Menorah trong giáo đường Do Thái khác làm nổi bật mối liên hệ giữa Giêrusalem và các cộng đồng cấp dưới,” Dina Avshalom-Gorni, giám đốc cuộc khai quật thay mặt cho Đại học Haifa, cho biết.

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu rao giảng và giảng dạy trong các hội đường ở miền Galilê, và việc khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài được Phúc âm Luca đánh dấu bằng việc Ngài đọc từ một cuộn sách tiên tri Isaia trong một hội đường ở Nagiarét.

Nhiều học giả tin rằng Magdala là thị trấn ven biển mà Chúa Giêsu đã đến thăm bằng thuyền sau khi cho 5,000 người ăn, được ghi lại trong các sách Phúc âm của Thánh Máccô và Thánh Matthêu. Tuy nhiên, trong các trình thuật, Chúa Giêsu bị những người Pharisêu và người Sađốc trong thị trấn chất vấn, và Ngài rời khỏi thị trấn bằng thuyền.
Source:Crux