GIÁO PHẬN VINH CHẦU THÁNH THỂ SUỐT NGÀY ĐÊM
VINH, Việt Nam - “Chầu Thánh Thể suốt ngày đêm” là một cách biểu lộ lòng sùng kính Thánh Thể đặc biệt của các nhóm gia đình Công giáo tại một giáo phận đông giáo dân và linh mục nhất miền bắc, qua đó họ nhận ra lợi ích từ cách chầu này và dâng lời cầu nguỵên cho gia đình, quê hương đất nước, Giáo hội và hoà bình thế giới.
Cùng với Giáo hội Việt Nam và Giáo hội toàn cầu, giáo phận Vinh với số giáo dân và linh mục đông nhất của giáo tỉnh Hà Nội cũng kết thúc Năm Thánh Thể vào ngày Quốc tế Truyền giáo 23 tháng 10 vừa qua, nhưng điều đọng lại là các nhóm gia đình Công giáo tại đây đã thay nhau chầu Thánh Thể “cả ngày và đêm” trong suốt Năm Thánh Thể, đó là “một cách tôn sùng Thánh Thể độc đáo” của họ dâng lên Thiên Chúa và cầu nguyện cho mọi người, vị lãnh đạo Giáo hội và giáo dân địa phương cho biết như vậy.
Theo thống kê mới nhất của giáo phận Vinh, có 466.000 giáo dân trong tổng số 5.870.000 dân thuộc ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, 140 linh mục, 338 nữ tu, 60 chủng sinh, 21 tiền chủng viện, 150 ứng sinh, 7.042 giáo lý viên, 153 giáo xứ kể cả 9 giáo xứ mới đ¬ược thành lập năm 2005. Có Toà Giám mục mang tên Xã Đoài, thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An, cách Hà Nội 300 km về hướng nam.
Đức Giám mục Phaolô Cao Đình Thuyên của giáo phận Vinh, cho biết rằng đại đa số các giáo xứ trong giáo phận của Ngài đã thành công trong việc tổ chức duy trì chầu Thánh Thể “suốt đêm ngày” trong năm Thánh, ngoại trừ vài giáo xứ ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện chầu.
Đức Cha Thuyên, 79 tuổi, nói trong niềm tự hào: “Duy trì chầu Thánh Thể cả đêm lẫn ngày là một nét độc đáo mà giáo phận chúng tôi dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể, đặc biệt những giờ cầu chầu thanh vắng trong đêm đã giúp mọi người cảm thấy gần Chúa hơn, dễ tâm sự với Chúa hơn, qua đó dâng lời cầu nguyện cho gia đình bình an, đất nước ổn định bớt đi những tệ nạn xã hội và bất công, Giáo hội phát triển và hiệp nhất, thế giới được sống trong hoà bình.”
Đức Cha, cho biết thêm: “Để chia sẻ những giờ chầu cùng giáo dân, tôi đã hầu như thường trú trên đường, trên xe, rất ít khi ở Toà Giám mục trong năm Thánh vừa qua, nhằm tranh thủ hết thời gian dành cho việc viếng thăm, dâng lễ và cùng chầu Chúa với họ, trung bình mỗi tuần tôi vắng nhà 4 ngày để đi thăm từ 3 đến 4 giáo xứ, nơi xa nhất cách 200 km.”
Giải thích lý do tại sao Ngài lại đi nhiều và muốn tham dự ngày chầu càng nhiều nơi càng tốt thì Đức Cha trả lời: “muốn giáo dân sốt sáng tôn sùng Thánh Thể thì trước hết hàng ngũ giám mục và linh mục phải làm gương sáng cho họ trong việc trọng đại này.”
Một chủng sinh năm thứ 4 đại chủng viện Vinh Thanh cho biết: “Đức Cha Thuyên mặc dù đã cao niên nhưng có lòng yêu mến Thánh Thể, Ngài có thể quì chầu Thánh Thể lâu giờ vài ba tiếng liên tục cùng với giáo dân mỗi ngày, chính nhờ gương sáng đó mà giáo dân hưởng ứng tích cực lời mời gọi chầu Thánh Thể cả đêm lẫn ngày của Ngài ngay từ những ngày đầu khai mạc năm thánh.”
Chủng sinh này, nói tiếp: “Lúc đầu giáo dân không ai tin là có thể duy trì được liên tiếp 24 giờ chầu mỗi ngày như vậy, vì trước đây chầu một vài giờ trong tuần còn khó khăn, nhưng kết thúc Năm thánh chương trình lại được thực hiện một cách tốt đẹp tạI hầu hết các giáo xứ, giáo họ, nên ai cũng vui mừng tạ ơn Chúa.”
Theo thầy chủng viện, để duy trì được các giờ chầu, các gia đình Công giáo trong mỗi giáo xứ, giáo họ chia ra thành nhiều nhóm, trung bình mỗi nhóm từ 5 đến 10 gia đình, các nhóm thay phiên nhau chầu Thánh Thể, các giờ chầu được chia làm 24 giờ, mỗi nhóm đảm nhiệm một giờ. Nếu giáo xứ, giáo họ có đông giáo dân thì các nhóm lâu đến lượt, còn ít thì nhanh đến lượt quay vòng, thậm chí có những giáo họ ít người thì người ta chia nhau ra cứ hai người chầu một giờ, nhờ cách làm này mà chương trình chầu Thánh Thể Chúa cả ngày và đêm được duy trì cho đến hết năm thánh.
Thầy miêu tả: “CáI hay nữa là ai cũng có thể hướng dẫn được một giờ chầu thậm chí cả một em thiếu nhi cũng làm được. Thật là linh thiêng và thú vị khi nghe những lời cầu nguyện vang lên suốt cả đêm lẫn ngày xung quanh Thánh Thể Chúa được đặt trong Mặt nhật tại các nhà thánh tạm tạm của các giáo xứ giáo họ được bài trí hoa nến đơn giản nhưng trang nghiêm, tĩnh lặng, điều đó càng thúc đẩy mọi người thêm lòng mộ mến đến với Thánh Thể bất kỳ mưa nắng.”
Giờ chầu được các nhóm vận dụng đa dạng bằng các giờ chầu đền tạ Thánh Tâm, hát Thánh ca, cầu nguyện tự phát và lần hạt Mân CôI.
Têrêsa Nguyễn Thị ánh Tuyết, 20 tuổi, giáo dân giáo phận Vinh nói: “Lúc đầu chúng tôi chầu Chúa vào ban đêm cũng thấy buồn ngủ, nhưng lâu dần rồi quen không ai ngủ nữa và cảm thấy lòng mình sốt sáng hơn, tâm trí tập trung hơn để nói chuyện với Chúa được nhiều điều và cầu nguện cho mọi người nữa, điều này khác xa những ngày chầu lượt ầm ĩ đông người ban ngày đôi khi mang lại ít hiệu quả.”
Chị nói thêm: “Qua đó tôi khám phá ra rằng chính những giờ chầu tĩnh lặng và thánh thiêng vào ban đêm là những giây phút đem lại hiệu quả nhất, vì lúc mọi người đang say giấc nồng, không ai còn vướng bận công việc mưu sinh sẽ đặt hết tâm hồn và tâm tình của mình để nói chuyện với Chúa.”
Chị Tuyết nói rằng, chính những giờ chầu đã giúp chị suy niệm sâu xa về tình yêu thương vô bờ bến của Chúa Giêsu dành cho nhân loại, Ngài đã hy sinh mạng sống, dâng hiến máu thịt mình làm của nuôi linh hồn, qua đó chị cầu nguyện cho gia đình mình cùng các gia đình khác biết sống yêu thương, gìn giữ hạnh phúc cho nhau, bởi vì chỉ có những gia đình chung thuỷ, hạnh phúc mới nuôi dạy được con cái khôn lớn, trưởng thành không sa vào cờ bạc, ma tuý hay bị bỏ rơi.
Một giáo dân khác ở đây nói rằng, ông và gia đình ông chưa bao giờ bỏ một giờ chầu nào khi tới phiên mình, kể cả những lúc mưa bão ban đêm mọi người cũng mặc áo mưa để đến với Chúa, nhờ nhiều người cũng duy trì như vậy nên phòng Thánh Thể không vắng người khi nào và thường ban đêm đông hơn ban ngày.
Ông cho biết: “Trước mặt Thánh Thể, gia đình tôi thường cầu nguyện cho các gia đình Việt Nam biết tôn trọng sự sống, không được phá thai vì đó là tội ác, biết giáo dục con cái cả về đời sống đức tin và con đường kiếm sống chân chính bằng chính sức lao động của mình, không gian tham, lừa đảo, và quan trọng hơn cả là xin Chúa tha thứ cho tội lỗi loài người ngày càng chồng chất bằng những cuộc chiến tranh, xung đột chủng tộc phi lý xảy ra hàng ngày tại nhiều nơi trên thế giới, mà hậu quả lại là những người dân vô tội phải gánh chịu.
Ông cũng tỏ ra than phiền rằng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, có biết bao nhiêu gương mùa gương xấu và cách sống giả dối, tham nhũng, tội ác được phơi bày “đó là hậu quả của con người sống thiếu tình thương, thiếu sự chia sẻ, cùng lòng tham lam, ích kỷ, không quan tâm đến giáo dục con cái mà sinh ra vô vàn tội lỗi đó,” ông nhận xét như vậy.
Ông Phaolô Trần Xuân Sỹ, 50 tuổi, một giáo dân khác của giáo phận Vinh, phát biểu rằng, một điều không thể thiếu trong các giờ chầu là “cầu nguyện cho mọi người trên toàn thế giới biết sống trong yêu thương, hoà bình, chống lại chiến tranh, tội ác.”
Ông giải thích: “Vì chỉ có hoà bình mới mang đến ấm no, hạnh phúc, còn chiến tranh chỉ mang đến chết chóc, đau thương và hận thù, chính vì thế mà giáo phận chúng tôi liên lỉ cầu nguyện cho hoà bình thế giới.” Ông thêm rằng, hằng ngày ông cũng như nhiều người dân khác cảm thấy đau lòng và bị sốc khi qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy con người trên trái đất này giết hại lẫn nhau bằng chiến tranh, khủng bố xảy ra thường ngày, coi mạng người như cỏ rác.
Những giáo dân khác của giáo phận này, cũng cho biết rằng, chính nhờ có lòng sùng kính Thánh Thể, mà các gia đình Công giáo nơi đây biết sống yêu thương, rất ít li dị, con cái được dạy dỗ ít sa vào tệ nan xã hội như ma tuý, mại dâm và ít các bệnh HIV/AIDS.
Theo nhận xét của Đức Cha Thuyên, phần đông giáo dân của ngài mặc dù sinh sống ở vùng nông thôn, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng lòng nhiệt thành sốt sáng nhà Chúa luôn thu hút họ tham gia, họ có thể ăn khổ, ở khổ nhưng nhiệt thành sống đạo và không sao nhãng công việc nhà Chúa, thậm chí họ có thể “dỡ ngói nhà mình để lợp nhà thờ khi cần thiết.”
Theo thông tin từ giáo phận, mặc dù đã kết thúc Năm Thánh Thể, nhưng vì nhận ra được lợi ích của việc chầu Chúa ban đêm, nên nhiều nơi vẫn duy trì hình thức chầu này, đăc biệt là trong lớp người trẻ.