Anh em thân mến,
Mười năm trước, chúng ta đã bắt đầu cải cách Giáo triều Rôma và thông qua Tông hiến Praedicate Evangelium, chúng ta đã thiết lập việc tổ chức mới của Tòa thánh, nêu rõ các nguyên tắc chỉ đạo và mục tiêu của tổ chức này. Ecclesia semper reformanda [Giáo hội luôn cần được cải tiến]: đây là tinh thần đã truyền cảm hứng cho cuộc cải cách, nhằm đảm bảo để Giáo triều Rôma hỗ trợ Người kế nhiệm Thánh Phêrô trong việc thực hiện chức vụ mục vụ tối cao của ngài vì lợi ích của và phục vụ Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương.
Nếu việc cập nhật này thể hiện một chứng tá về sức sống và ân sủng, thì chúng ta biết sự tận tụy và công sức của những người đàn bà và đàn ông vốn cam kết thích nghi với phong trào đổi mới này. Thưa anh em Hồng Y, trong chức năng hỗ trợ Giám mục Rôma trong việc quản lý Giáo hội hoàn vũ của anh em, anh em được trao phó việc đồng hành với tất cả những người can dự vào quá trình biến đổi này.
Bất chấp những khó khăn và đôi khi là sự cám dỗ bất động và cứng ngắc trước sự thay đổi, nhiều kết quả đã đạt được trong những năm qua. Tôi cảm ơn anh em vì sự giúp đỡ mà anh em đã và đang dành cho. Với những tiền đề này, giờ đây tôi muốn đặc biệt đề cập một lần nữa đến một trong những chủ đề đặc trưng nhất của các Tổng đại hội trước Mật nghị Bầu Giáo Hoàng: cải cách kinh tế của Tòa thánh. Những năm đã qua đã cho thấy rằng các yêu cầu cải cách được rất nhiều thành viên của Hồng Y đoàn thúc đẩy trong quá khứ là có tầm nhìn xa và dẫn đến nhận thức sâu sắc hơn về sự kiện các nguồn lực kinh tế phục vụ cho sứ mệnh là có hạn và phải được quản lý một cách chặt chẽ và nghiêm túc để những nỗ lực của những người đã đóng góp vào di sản của Tòa thánh không bị lãng phí.
Vì những lý do này, giờ đây, mọi người cần phải nỗ lực hơn nữa để "không thâm hụt" không chỉ là mục tiêu lý thuyết mà là mục tiêu thực sự có thể đạt được. Cuộc cải cách đã đặt nền tảng cho việc thực hiện các chính sách đạo đức nhằm cải thiện hiệu suất kinh tế của các tài sản hiện có. Đi kèm với điều này là nhu cầu mỗi tổ chức phải nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài cho sứ mệnh của mình, nêu gương về quản lý minh bạch và có trách nhiệm trong việc phục vụ Giáo hội.
Về việc cắt giảm chi phí, chúng ta cần nêu gương cụ thể để việc phục vụ của chúng ta được thực hiện theo tinh thần thiết yếu, tránh những thứ thừa thãi và lựa chọn ưu tiên tốt, ủng hộ sự hợp tác và hiệp lực lẫn nhau. Chúng ta phải nhận thức rằng ngày nay chúng ta phải đối mặt với những quyết định chiến lược cần được đưa ra với trách nhiệm lớn lao, vì chúng ta được kêu gọi đảm bảo tương lai của Sứ mệnh.
Các tổ chức của Tòa thánh có nhiều điều để học hỏi từ tình liên đới của những gia đình tốt. Cũng giống như trong những gia đình này, những người có hoàn cảnh kinh tế tốt sẽ giúp đỡ những thành viên đang cần nhất, các Cơ quan có thặng dư nên đóng góp để trang trải thâm hụt chung. Điều này có nghĩa là chăm sóc lợi ích của cộng đồng chúng ta, hành động với lòng quảng đại, theo nghĩa Tin mừng của từ ngữ này, như một điều kiện tiên quyết không thể thiếu để cũng có thể yêu cầu lòng quảng đại từ bên ngoài.
Cuối cùng, tôi yêu cầu anh em chào đón thông điệp này với lòng can đảm, tinh thần phục vụ và ủng hộ các cải cách đang diễn ra với sự tin tưởng, lòng trung thành và lòng quảng đại, đóng góp tích cực bằng kiến thức và kinh nghiệm của anh em về quá trình cải cách. Mỗi một trong những Cơ quan của Tòa thánh hình thành nên một cơ thể duy nhất với tất cả những cơ quan khác: do đó, sự hợp tác và cộng tác đích thực hướng tới mục tiêu duy nhất, lợi ích của Giáo hội, là điều kiện tiên quyết thiết yếu cho công việc phục vụ của chúng ta.
Với tinh thần và nhận thức này, tôi yêu cầu anh em đồng hành với công việc của chúng tôi với lòng trung thành và sự tin tưởng.
Từ Vatican, ngày 16 tháng 9 năm 2024
Phanxicô