TIÊU CHÍ THỰC THI QUYỀN LỰC
(Chúa Nhật XXV TN B)

“Bạn đừng vất vả mất công đòi hỏi người nắm quyền thay đổi cơ chế hay luật lệ. Hãy cố sức chiếm lấy quyền lực thì bạn muốn đổi thay gì thì cứ đổi”. Câu nói này vốn được gán cho ông Karl Marx, người đề xướng chủ nghĩa cộng sản. Karl Marx cũng như Frederick Engel đã có nhận xét về thế lực nắm quyền như sau: “Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy trấn áp của một giai cấp này đối với giai cấp khác, điều đó trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ vậy” (x.C. Mác – Ph. Ăng-ghen: Tuyển tập, tập I, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, năm 1970, trang 584). Từ nhận định trên hai ông đã cổ suý việc đấu tranh giai cấp, sử dụng bạo lực cách mạng để cướp lấy “quyền lực”.

Ba năm cùng đi với Thầy chí thánh Giêsu một chủ đề thường xuyên gây tranh cãi giữa tập thể 12 tông đồ đó là quyền lực. “Sau đó Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphacnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường các ông đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.”(Mc 9,33-34). Xưa lẫn nay, chữ quyền thường phát sinh chữ lợi. Các lợi lộc vật chất và một đôi khi là lợi lộc tinh thần đã trở thành mồi nhử khiến con người tìm mọi cách thế để chiếm hữu quyền lực. Và thế là sự đấu đá, tranh chấp diễn ra dưới nhiều hình thức, hợp pháp có, phi pháp cũng có, công khai có, bí mật cũng có... Thánh Giacôbê nói rằng: “Ở đâu có ganh tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (Gc 3,16).

Con người vốn có tính xã hội, chính vì thế các tập thể lớn bé hình thành trên các tiêu chí nền tảng như ngôn ngữ, màu da, sắc tộc, quốc tich, tôn giáo... Đã là tập thể thì cần có người đứng đầu, người lãnh đạo và kéo theo là quyền lực, cơ chế, luật lệ... Sự thường những người đứng đầu, trong vai vị lãnh đạo làm ra luật lệ cơ chế để điều hành, cai quản tập thể. Nguyên tắc chung người lãnh đạo được trao quyền lực là nhằm để phục vụ tập thể. Ngay trong thời quân chủ chuyên chế thì lý tưởng luôn là “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Thế mà khi đã có quyền lực trong tay thì người ta dễ bị cám dỗ hành quyền thiên về lợi ích của mình. Và để bảo vệ quyền lực của mình thì người ta sẵn sàng sử dụng nhiều hình thức bạo lực để trấn áp hoặc tuyên truyền, gieo rắc sự thần phục mang dáng dấp đạo đức như “quân xử thần tử, thấn bất tử, thần bất trung” hoặc những lời cam kết, những lời thề hứa tuân phục cách vô điều kiện hoặc có một vài điều kiện nào đó. Và dĩ nhiên là có hình thức, biện pháp chế tài nếu đã tuyên thệ mà bất tuân phục.

Tin mừng tường thuật tiếp như sau: Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc, 9,35). Theo quan niệm của nhiều nền văn hoá xưa và theo cách diễn ta của Thánh Kinh thì tư thế ngồi xuống là tư thế của vị tôn sư chính danh chính phận. Cụm từ “phải làm người rốt hết” đòi hỏi người đứng đầu, người lãnh đạo, người nắm quyền lực phải có thái độ khiêm nhu chân thành. Khi hành quyền, người lãnh đạo phải đặt vị thế của mình vào hàng những người nghèo hèn, thấp cổ, bé phận. Quyền lực có ra không chỉ bảo vệ sự công bình, duy trì sự ổn định và làm phát triển xã hội...mà còn để che chở kẻ bất hạnh, người cô thế, cô thân. Và phạm vi mà người nắm quyền lực phải phục vụ được Chúa Giêsu nói rõ là “mọi người”, chứ không phải một nhóm người hay là một tập thể thiểu số hay đa số nào đó.

“Làm người rốt hết và phục vụ mọi người” chính là hai tiêu chí nền tảng để những ai đang trong vai vị lãnh đạo, đang nắm quyền lực không chỉ dựa vào đó để thực thi quyền bính cách đúng nghĩa và tốt đẹp mà còn là cơ sở để người lãnh đạo thường xuyên kiểm điểm bản thân. Thiết nghĩ rằng nếu hai tiêu chí này được đón nhận và tuân giữ thì việc cạnh tranh quyền lực và vai trò lãnh đạo cách thiếu ngay chính sẽ giảm thiểu rất nhiều. Và hiệu quả là đám đông dân chúng sẽ được hưởng nhờ sự phục vụ tận tuỵ của những người làm đầu.

Ban Mê Thuột