1. Sau những ngày bị lụt lội, Lộ Đức trở lại bình thường

Sau những ngày bị lụt lội, Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức, ở miền nam nước Pháp đã trở lại bình thường.

Hôm thứ Sáu tuần qua, ngày 06 tháng Chín, một phần mưa lũ làm nước sông Gave de Pau dâng cao. Hang đá Đức Mẹ bị lụt nên phải đóng lại. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến thiên tai này, đồng thời trong thánh lễ tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Lộ Đức trở lại bình thường.

Trong những năm gần đây, nhiều lần Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức đã bị lụt, gây nhiều thiệt hại, nặng nhất là thiên tai cách đây bảy năm. Một số biện pháp đã được đề ra.

Trong những ngày này, nhiều đoàn tín hữu từ Ý đã và đang chuẩn bị đến hành hương tại Lộ Đức, đặc biệt là đoàn hành hương toàn quốc Ý, với 4.100 người sẽ khởi hành từ ngày 23 tháng Chín này, do tổ chức Unitalsi giúp chuẩn bị và hướng dẫn.

2. Đức Tổng Giám Mục Gänswein trình Ủy nhiệm thư lên Tổng thống Lithuania

Hôm mùng 09 tháng Chín vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, cựu thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã trình Ủy nhiệm thư lên Tổng thống Gitanas Nauseda của Lithuania, trong tư các là Sứ thần Tòa Thánh tại nước này.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người Đức, năm nay 68 tuổi, đã từng làm thư ký riêng của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger tại Bộ Giáo lý đức tin, rồi tiếp tục giữ nhiệm vụ này, khi Đức Hồng Y Ratzinger trở thành Giáo hoàng Bênêđíctô XVI và phục vụ cho đến khi ngài qua đời, hồi cuối tháng Mười Hai năm 2022. Hồi tháng Sáu năm nay, Đức Tổng Giám Mục được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại ba nước vùng Baltique.

Trang mạng của Phủ Tổng thống Lithuania cho biết Tổng thống Nauseda đã chúc mừng Đức tân Sứ thần Tòa Thánh, nhân dịp kỷ niệm 40 năm linh mục trong những ngày qua.

Lithuania có đa số dân là tín hữu Công Giáo. Đức Tổng Giám Mục Gänswein cũng được bổ nhiệm làm Sứ thần tại hai nước láng giềng của Lithuania, là Lettoni hay Latvia, và Estoni. Công Giáo chỉ là thiểu số tại hai nước này.

Trong thời kỳ Liên Xô xâm lược ba nước vùng Baltique, Tòa Thánh không bao giờ nhìn nhận việc làm của Liên Xô, cũng như chủ quyền tại các nước này. Tổng thống Neuseda đã nhắc đến điều đó, trong buổi tiếp kiến Đức Tổng Giám Mục Gänswein. Giáo Hội Công Giáo tại Lithuania, trong thời Liên Xô cũng như thời kỳ bị Nga Hoàng cai trị, vẫn luôn là những cột trụ sức mạnh nội tâm của đất nước. Sau khi Lithuania giành lại được nền độc lập, cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và khẩu hiệu của ngài: “Anh chị em đừng sợ!” đã mang lại can đảm cho Lithuania. Câu nói này, trong bối cảnh cuộc tấn công của Nga tại Ukraine có tính chất thời sự hơn bao giờ hết, theo nhận xét của Tổng thống Nauseda. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục mạnh mẽ giúp đỡ Ukraine, đồng thời đề cao những trợ giúp của Giáo Hội Công Giáo dành cho những người Ukraine tị nạn.

Tổng thống Lithuania nhấn mạnh rằng “Nền hòa bình tương lai phải được xây dựng trên sự hỗ trợ không giới hạn cho nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

3. Giáo Hội Công Giáo Ba Lan xúc tiến án phong chân phước cho 71 vị tử đạo

Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan đang xúc tiến án phong chân phước cho cha Henryk Szuman và 70 bạn tử đạo, bị quân Đức quốc xã sát hại trong thời thế chiến thứ II.

Cách đây 25 năm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã tôn phong chân phước cho một nhóm 108 vị tử đạo Ba Lan ở thủ đô Varsava.

Về án phong của cha Henryk Szuman và các bạn: cuộc điều tra ở cấp giáo phận đã được hoàn tất năm 2011 và hơn 100 tập hồ sơ về 71 vị tôi tớ Chúa đã được gửi về Bộ Phong thánh ở Roma để cứu xét. Bộ đã ban hành sắc lệnh nhìn nhận giá trị của cuộc điều tra ở địa phương và nay là giai đoạn soạn tập hồ sơ đúc kết, gọi là Positio, do vị tường trình viên, Relatore, thực hiện với sự cộng tác của cha Thỉnh nguyện viên. Hồ sơ này sau đó sẽ được chuyển cho 9 chuyên gia cố vấn của Bộ cứu xét.

Cha Darius Drazek, thỉnh nguyện viên, cho biết hồ sơ đúc kết, gồm một hay hai hoặc ba cuốn, sẽ được hoàn thành trong một thời gian không xa.

Cha cũng kể rằng đứng đầu án phong là linh mục Henryk Szu, cha sở ở Starogard Gdanski, cho đến ngày 01 tháng Chín năm 1939, là ngày quân Đức bắt đầu tấn công và xâm lăng Ba Lan, làm cho Thế chiến thứ II bùng nổ. Cha bị quân Đức buộc rời khỏi giáo xứ thánh Matthêu và Đức hành quyết công khai một tháng sau đó, tại tường nhà thờ Thánh Nicôla ở Bydgoszcz-Fordon.

Đa số số các vị Tôi tớ Chúa trong án này là linh mục, tu huynh, các linh mục dòng, nữ tu và tập sinh, nhưng cũng có một số giáo dân, như ông Ignacy Trenda, một nông dân không biết chữ ở Lelow, gần thành Czestochowa, bị quân Đức sát hại vì không chịu đốt cây thánh giá trước nhà thờ địa phương. Một giáo dân khác là Julia Buniowska đã bị lính Đức giết chết vì bảo vệ trinh tiết. Cha Drazek nói: “Mỗi vị tử đạo ấy đều ý thức về nguy cơ và bách hại, và nhận thấy nguy hiểm ấy không phải chỉ cho bản thân, nhưng còn cho toàn thể xã hội... Các vị ấy đã có tiếng tăm đời sống thánh thiện, và cuộc sống ấy đã kết thúc bằng cuộc tử đạo.