Tạp chí Aleteia, ngày 09/05/24, tường trình rằng kêu gọi hòa bình, chống lại tỷ lệ sinh giảm, hiệp nhất Kitô giáo... Đây là một số chủ đề được Đức Thánh Cha vạch ra cho Năm Thánh 2025 trong sắc chỉ công bố năm thánh 2025:



“Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5:5). Đây là lời hứa mà Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra dưới ánh sáng Năm Thánh 2025 trong “Sắc chỉ” được công bố ngày 9 tháng 5 năm 2024. Trong văn bản dài gần 10 trang này, Đức Thánh Cha đề ra lộ trình tâm linh cho “Năm Thánh” sắp tới,” sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 24 tháng 12, và dự kiến sẽ thúc đẩy hàng triệu người Công Giáo “lên đường” đến Rome trên hành trình đức tin và “tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống”.

Tiếp nối truyền thống vĩ đại của Năm Thánh đã đánh dấu lịch sử của Giáo hội kể từ năm 1300, Đức Thánh Cha đã nhân cơ hội này kêu gọi xóa bỏ các bản án và các khoản nợ trên thế giới, vì hòa bình và chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất.

Trong bối cảnh sự sụp đổ về nhân khẩu học ở phương Tây, ngài cũng mời gọi nhân loại đáp lại “sự mất đi ước muốn truyền sự sống” và tỷ lệ sinh giảm. Ở cấp độ tôn giáo, ngài hy vọng rằng năm 2025 có thể đánh dấu một bước đột phá trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô giáo, đặc biệt là về việc nhất trí về một ngày chung cho Lễ Phục sinh.

Vào lúc chiều tối, Đức Giáo Hoàng đến trước “cánh cửa thánh” của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, một cánh cửa bằng đồng hoành tráng thường chỉ được mở 25 năm một lần. Tại đó, Đức Phanxicô đã trao Sắc chỉ cho 10 nhà lãnh đạo Công Giáo trước khi nghe đọc các đoạn trích lớn từ tài liệu, trước sự chứng kiến của khoảng 200 Hồng Y, giám mục và giáo dân tập trung tại cửa của vương cung thánh đường Vatican.

Cuối năm nay, vào đêm Giáng sinh, Đức Thánh Cha sẽ là người mở cửa thánh và Năm Thánh 2025 sẽ kết thúc vào ngày 6 tháng 1 năm 2026.

“Mọi người đều biết hy vọng là gì. Trong tâm hồn mỗi người, niềm hy vọng ngự trị như sự khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao. Mặc dù vậy, sự không chắc chắn về tương lai đôi khi có thể gây ra những cảm xúc mâu thuẫn, từ tin tưởng tự tin đến e ngại, từ thanh thản đến lo lắng, từ xác tín chắc chắn đến lưỡng lự và nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, bi quan và hoài nghi về tương lai, như thể không gì có thể mang lại cho họ hạnh phúc. Đối với tất cả chúng ta, ước gì Năm Thánh là một cơ hội để đổi mới trong niềm hy vọng. Lời Chúa giúp chúng ta tìm ra lý do cho niềm hy vọng đó. Lấy nó làm kim chỉ nam, chúng ta hãy quay trở lại với thông điệp mà Thánh Phaolô muốn truyền đạt cho các Kitô hữu ở Rôma.”

Sau đây là tóm lược các thông điệp chính của Đức Thánh Cha trong Tông sắc ‘Spes non confundit’ – “Hy vọng không làm thất vọng”.

Tha nợ và tha thứ

Phù hợp với lời kêu gọi của vị tiền nhiệm là Thánh Gioan Phaolô II trong Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Phanxicô đang làm sống lại chủ đề xóa nợ cho các nước kém phát triển.

“Chúng ta hãy cam kết khắc phục những nguyên nhân sâu xa của sự bất công, giải quyết những khoản nợ bất công và không thể trả được, và nuôi sống những người đói”, vị giáo hoàng đầu tiên từ Nam bán cầu kêu gọi.

Ngài đã đưa ra “lời kêu gọi chân thành” tới các quốc gia giàu có, yêu cầu họ “thừa nhận tầm quan trọng của rất nhiều quyết định trong quá khứ của họ và quyết tâm tha thứ cho những khoản nợ của những quốc gia sẽ không bao giờ có khả năng trả được”.

Trích dẫn khái niệm “nợ sinh thái” được đề cập trong thông điệp Laudato si' của mình, Đức Thánh Cha người Argentina đã tố cáo “việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không cân xứng” và kêu gọi tái cân bằng các mối quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam để có thể hy vọng vào một tương lai hòa bình.

Ngài kêu gọi tình liên đới với “hàng tỷ người nghèo, những người thường thiếu những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống” và với “những người di cư rời bỏ quê hương để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cho gia đình họ”.

Để phù hợp với truyền thống Năm Thánh, Đức Thánh Cha cũng đề nghị các chính phủ khôi phục lại niềm hy vọng cho các tù nhân bằng cách thực hiện “các hình thức ân xá hoặc tha án nhằm giúp các cá nhân lấy lại niềm tin vào bản thân và vào xã hội; và các chương trình tái hòa nhập cộng đồng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sắc lệnh rằng ngài mong muốn tự mình mở Cửa Thánh trong nhà tù.

Năm Thánh để giải trừ vũ khí một thế giới đau khổ

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Năm Thánh 2025 phải giúp chúng ta kết nối lại với các kế hoạch dài hạn và đoạn tuyệt với “thế giới phát triển nhanh chóng của chúng ta” nơi “chúng ta đã quen với việc mong muốn mọi sự ngay bây giờ”.

Kêu gọi sự kiên nhẫn, ngài yêu cầu chúng ta biến năm nay thành một dấu chỉ hy vọng trước nhiều đau khổ đang hành hạ nhân loại, đặc biệt là những đau khổ do chiến tranh gây ra.

Với tư cách là người ủng hộ những người đang phải chịu đựng những cuộc xung đột này, Đức Thánh Cha “mơ rằng vũ khí có thể im lặng” trong Năm Thánh này, và khuyến khích ngành ngoại giao “không mệt mỏi trong cam kết tìm kiếm, với lòng can đảm và tính sáng tạo, mọi cơ hội để thực hiện” đàm phán nhằm đạt được một nền hòa bình lâu dài.”

Như đã làm trước đây, ngài cũng kêu gọi thành lập một “quỹ hoàn cầu cuối cùng có thể chấm dứt nạn đói”, được tài trợ “bằng số tiền chi cho vũ khí và các chi tiêu quân sự khác”.

Tỷ lệ sinh giảm và tương lai cho giới trẻ

Đức Thánh Cha nhấn mạnh mối quan tâm ngày càng tăng của ngài về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở phương Tây, bằng cách bày tỏ trong lời chỉ trích này một lời mời gọi đáp lại “sự suy giảm đáng báo động về tỷ lệ sinh sản”.

Đức Thánh Cha tiếc nuối “sự mất đi ước muốn truyền sự sống” và “những chiếc nôi trống rỗng ở rất nhiều nơi trên thế giới của chúng ta”. Ngài cũng liệt kê nhiều nguyên nhân khác nhau như “tốc độ điên cuồng ngày nay, nỗi lo sợ về tương lai, tình trạng thiếu đảm bảo việc làm và các chính sách xã hội đầy đủ, cũng như các mô hình xã hội mà chương trình nghị sự của chúng được quyết định bởi việc tìm kiếm lợi nhuận”.

Sâu sắc hơn, ngài khẳng định rằng con người “không thể hài lòng với việc sống từng ngày một, ổn định ở đây và bây giờ và chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn trong thực tại vật chất”.

“Điều này dẫn tới một chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi và đánh mất niềm hy vọng; nó làm nảy sinh một nỗi buồn đọng lại trong tâm hồn và sinh ra những kết quả của sự bất mãn và không khoan dung,” ngài nói.

Như một lời cảnh cáo, Đức Thánh Cha nhắc nhở các chính phủ cũng như các tín hữu rằng “mong muốn sinh con trai và con gái mới của người trẻ như một dấu hiệu hoa trái của tình yêu của họ đảm bảo một tương lai cho mọi xã hội”.

Thực vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến giới trẻ nhiều lần trong suốt bản văn. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không được làm họ thất vọng, vì tương lai phụ thuộc vào sự nhiệt tình của họ”.

“Thật buồn khi thấy những người trẻ không có hy vọng, những người phải đối đầu với một tương lai không chắc chắn và không hứa hẹn, những người thiếu việc làm hoặc sự đảm bảo về công việc, hoặc những triển vọng thực tế sau khi học xong”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đồng thời tố cáo tác hại của việc “trốn chạy vào ma túy” hoặc nguyên nhân “theo đuổi niềm vui nhất thời”.

Đức Thánh Cha viết: “Với niềm đam mê được đổi mới, chúng ta hãy thể hiện sự quan tâm và chăm sóc đối với thanh thiếu niên, sinh viên và các cặp vợ chồng trẻ, thế hệ đang vươn lên”.

Một năm đặc biệt cho sự hiệp nhất Kitô giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng sự hiệp nhất và đối thoại giữa các Kitô hữu sẽ là chủ đề trọng tâm của Năm Thánh sắp tới, cũng sẽ đánh dấu kỷ niệm 1,700 năm Công đồng Ni-xê-a năm 325. Ngài kêu gọi “một biểu hiện cụ thể cho hình thức đồng nghị này, ” được các Kitô hữu tiên khởi sống, nhằm đáp ứng “nhu cầu cấp bách về việc truyền giảng Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha coi lễ kỷ niệm Ni-xê-a như một “lời kêu gọi” gửi đến tất cả các Giáo hội hãy “kiên trì trên con đường hướng tới sự hiệp nhất hữu hình”, đặc biệt bằng việc đồng ý về một ngày chung cho lễ Phục sinh, mà người Công Giáo và Chính thống giáo sẽ trùng hợp cử hành vào cùng một ngày 20 tháng Tư, năm 2025.

Vị Giám mục Rôma cũng mong muốn tổ chức một lễ kỷ niệm đại kết vào năm 2025 để gợi lên “sự phong phú trong chứng từ” của các vị tử đạo thuộc các tôn giáo Kitô giáo khác nhau, những người mà ngài định nghĩa là “hạt giống của sự hiệp nhất, biểu hiện của chủ nghĩa đại kết bằng máu”. Một biến cố tương tự đã diễn ra trong Năm Thánh 2000 với Đức Gioan Phaolô II, và một ủy ban đã được thành lập vào năm 2023 để nghiên cứu chủ đề này.

Đức Phanxicô cũng khuyến khích các tín hữu của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông với Rôma, nói rằng họ nên cảm thấy “đặc biệt được chào đón” và Giáo hội “không bỏ rơi họ”.

Ngài khẳng định rằng họ được chào đón ở Rome – cùng với “anh chị em Chính thống giáo” của họ – mặc dù “bạo lực và bất ổn” thường buộc họ “phải rời bỏ quê hương, thánh địa của mình để đến những nơi an toàn hơn”.

Người hành hương: Lên đường “tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống”

Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Một cuộc hành hương đi bộ là một sự trợ giúp tuyệt vời để khám phá lại giá trị của sự im lặng, nỗ lực và sự đơn giản của cuộc sống”, nhấn mạnh việc nó thể hiện “cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của con người chúng ta” ra sao.

Ngài hy vọng rằng các hành trình và cuộc hành hương được lên kế hoạch là “những ốc đảo tâm linh và là nơi nghỉ ngơi trên cuộc hành hương đức tin” và các đền thánh cũng có thể là nơi “cho sự tái sinh của niềm hy vọng”.

Tại Rome, ngoài các hành trình truyền thống đến hầm mộ và “Bảy Nhà thờ”, những người tổ chức Năm Thánh cũng đã thiết lập hai tuyến đường khác: Một tuyến dành riêng cho các Giáo hội đại diện cho các quốc gia Châu Âu và tuyến kia tập trung vào các nữ thánh quan trọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng giải thích ý nghĩa của “ân xá”. Theo truyền thống, trong Năm Thánh bằng cách đi qua “cửa thánh” ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô hoặc các vương cung thánh đường lớn khác (Thánh Gioan Latêranô, Đức Bà Cả và Thánh Phaolô Ngoại thành), người Công Giáo được tha có điều kiện các hình phạt vì tội lỗi của họ, gọi là ân xá. Đức Giáo Hoàng giải thích, ơn toàn xá này “là một cách khám phá bản chất vô hạn của lòng thương xót Chúa”. Nó nhấn mạnh đến “sự tha thứ trọn vẹn của Thiên Chúa”.

[Xem phần khai tâm của chúng tôi về ân xá, phần 1 và phần 2: https://aleteia.org/2016/01/14/a-primer-on-indulgences-part-1/2.]

Tại các giáo phận trên toàn thế giới, Năm Thánh sẽ bắt đầu vào ngày 29 tháng 12, và tất cả các giám mục được mời gọi tổ chức một cuộc hành hương, Thánh lễ và đọc các đoạn trong Sắc chỉ này vào ngày đó.