Dualta Roughneen, trên Catholic Herald, ngày 10 tháng 4 năm 2024 viết như sau: Dignitas Infinita, tiếng Latinh có nghĩa là “Phẩm giá vô hạn”. Tuyên bố mới về Nhân phẩm của Bộ Giáo lý Đức tin xuất hiện vào một thời điểm trong lịch sử mà ý tưởng về nhân quyền đang bắt đầu ăn mòn chính nó.



Một trong những thông điệp cốt lõi của Tuyên bố là Giáo hội nhận thấy nhân quyền đang bị chiếm hữu bởi các thế lực chống đối sự hiểu biết đầy đủ về phẩm giá con người và đặc biệt là những gì nó mô tả như “phẩm giá hữu thể học”.

Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh việc cái hiểu cắt xén về phẩm giá con người – thường được coi là phẩm giá bản thân – đang bị sử dụng ra sao để phủ nhận nhân quyền đối với những người ở ngoại vi và bên lề xã hội và cuộc sống. Nó cũng nhấn mạnh việc không đánh giá cao phẩm giá con người được tạo ra bởi Thiên Chúa, theo hình ảnh và họa ảnh Người, đã dẫn đến một sự hiểu biết sai lầm trong việc “gia tăng tùy tiện các quyền mới, nhiều quyền trong số đó mâu thuẫn với những quyền đã được định nghĩa lúc ban đầu và thường được đặt ra để đối lập với quyền căn bản là quyền sống”.

Giáo hội nhìn thấy điều đó và muốn những người theo mình nhìn thấy điều đó – và vì vậy Vatican đã lên tiếng với Dignitas Infinita.

Nhưng còn điều gì khác quan trọng trong Tuyên bố? Nó đưa ra một cái nhìn sâu sắc và chân thực hơn về phẩm giá con người so với phiên bản duy giản lược được đưa ra bởi một nghị trình nhân quyền thế tục, khác xa với mục đích ban đầu của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948, mà dịp kỷ niệm 75 năm vào năm ngoái được Tuyên bố này nhắc đến nhiều lần.

Bộ Giáo lý Đức tin hiểu phẩm giá con người bao gồm bốn loại khác nhau: phẩm giá hữu thể học, phẩm giá đạo đức, phẩm giá xã hội và phẩm giá hiện sinh, trong đó quan trọng nhất là phẩm giá hữu thể học thuộc về con người đơn giản vì họ hiện hữu và được mong muốn, được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương.

Mỗi con người đều có phẩm giá, bất kể khả năng lý trí của họ, bao gồm tất cả những con người ở bên lề của chu kỳ sống và xã hội.

Phẩm giá đạo đức đề cập đến cách con người thực thi quyền tự do do Thiên Chúa ban cho, hành động ủng hộ hoặc chống lại lương tâm đã được đào tạo đúng đắn. Khi hành động chống lại phẩm giá đạo đức, điều này có thể bị coi là “không xứng đáng”, theo đó một người mất đi phẩm giá đạo đức, nhưng, bất kể tội ác đã thực hiện, cá nhân đó không bao giờ có thể đánh mất phẩm giá hữu thể học của mình.

Phẩm giá xã hội đề cập đến phẩm chất của điều kiện sống của một người, thường là do những hoàn cảnh ép buộc trái ngược với phẩm giá bất khả nhượng của họ - chẳng hạn như tình trạng nghèo cùng cực. Phẩm giá hiện sinh cung cấp sự khác biệt cho các tình huống thường được trích dẫn dưới tiêu đề về một cuộc sống “có phẩm giá” - thường được sử dụng để lên khuôn các cuộc thảo luận tìm cách làm xói mòn hoặc làm suy yếu phẩm giá hữu thể học ở mọi người - chẳng hạn như các cuộc thảo luận về quyền được hỗ trợ tự tử.

Tuyên bố hiểu rằng phẩm giá con người, cả trong phiên bản mở rộng của nó, đều phụ thuộc vào phẩm giá hữu thể học. Chúng ta đánh mất phẩm giá đạo đức khi không hành động như chúng ta phải hành động dựa trên việc được hình thành bởi Thiên Chúa, chúng ta xứng đáng có phẩm giá hiện sinh và xã hội vì chúng ta có phẩm giá hữu thể học - được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa.

Tuyên bố nói lên điều đó - nhưng nó thực hiện điều đó một cách mặc nhiên hơn là minh nhiên. Vì vậy, nguy cơ là nó sẽ bị xuyên tạc bởi những kẻ đối lập đang tìm cách tạo ấn tượng rằng mọi phẩm giá đều bình đẳng, hoặc tìm cách phớt lờ bản chất cơ bản của phẩm giá hữu thể học của chúng ta.

Phần sau của tài liệu đề cập đến những vi phạm nghiêm trọng về phẩm giá đang gây đau khổ cho thế giới hiện đại, đưa ra một câu chuyện dài đáng buồn: bi kịch về nghèo đói, chiến tranh, nỗi khổ cực của người di cư, nạn buôn người, lạm dụng tình dục, bạo lực đối với phụ nữ, phá thai, mang thai hộ, an tử hoặc hỗ trợ tự tử, gạt ra ngoài lề xã hội người khuyết tật, bạo lực kỹ thuật số và các lĩnh vực phân rẽ văn hóa gần đây nhất, chẳng hạn như lý thuyết phái tính và chuyển đổi giới tính. Và đây chính là lúc mà những ý định tốt đẹp và cao quý của tuyên bố có thể dẫn đến một số hậu quả không lường trước được.

Chắc chắn, trước những cuộc chiến văn hóa đang tấn công các giá trị cơ bản của đức tin, một số trong số này sẽ được chú ý nhiều hơn những giá trị khác. Nghèo đói, chiến tranh, buôn người, lạm dụng tình dục, bạo lực đối với phụ nữ - không có cuộc chiến văn hóa nào về những vấn đề này. Có thể có những bất đồng nhưng cả thủ phạm của những vi phạm này cũng như những người bảo vệ chúng đều không có khả tín tính cũng như không có chỗ đứng trong các cuộc thảo luận về nhân quyền. Không có người có tư tưởng đúng đắn nào ủng hộ những điều này mặc dù họ có thể khác nhau về cách loại bỏ chúng.

Nhưng phá thai, mang thai hộ, hỗ trợ tự tử, lý thuyết phái tính và chuyển đổi giới tính - đây là những chỗ mà ranh giới được vạch ra giữa Tả và Hữu, giữa Cấp tiến và Bảo thủ. Việc bãi bỏ án tử hình cũng nằm ở đâu đó trong số đó. Vấn đề di dân lật quân cờ trên chiến tuyến.

Bộ Giáo lý Đức tin đặt phẩm giá con người vào trung tâm của các cuộc tranh luận này – đặt phẩm giá hữu thể học chống lại phẩm giá bản thân và việc trăm hoa đua nở của các nhân quyền hiện đại. Giống như nhiều cách giải thích thế tục về nhân quyền, các quyền chống mang thai hộ, phá thai, quyền tự tử được hỗ trợ là tuyệt đối, chúng nêu rõ những gì có thể và không thể làm được. Chúng bị cấm. Phẩm giá hữu thể học đòi hỏi người ta không thực hiện việc thay đổi giới tính.

Người ta chưa rõ Tuyên bố yêu cầu gì liên quan đến lý thuyết phái tính ngoại trừ việc này, như nó thường được hiểu – hãy tưởng nghĩ về một xã hội không có sự khác biệt về giới tính – nó phải bị bác bỏ.

Một vi phạm nghiêm trọng khác được đề cập đến là sự khổ cực của những người di cư - mang đến một số nhầm lẫn – nhiều sức nóng hơn ánh sáng - vì nó không đưa ra yêu cầu rõ ràng nào đối với tín hữu hoặc bất cứ con người nào ngoài lời khuyến khích chung là đối xử với họ như bất cứ con người nào. Trong một đoạn ngắn, Bộ Giáo lý Đức tin không thừa nhận rằng những người di cư có đủ mọi hình dạng và kích cỡ - nhưng chỉ suy diễn rằng người di cư là những người nghèo đặc biệt, dễ bị tổn thương, muốn thoát khỏi khó khăn hoặc chạy trốn sự đàn áp. Quan điểm hạn hẹp này kéo dài sự nhầm lẫn giữa những người tầm trú và người tị nạn, làm lu mờ một cuộc thảo luận rõ ràng trong khi bỏ qua sự kiện nhiều người di cư chỉ muốn tối ưu hóa các cơ hội việc làm. Sẽ chẳng ích lợi chi khi giảm bớt sức nóng của một cuộc tranh luận phân cực nhằm tránh giải quyết bối cảnh và sự khác biệt.

Các hệ luận chính sách của việc cấm những điều tuyệt đối là rõ ràng. Những quyền đó là những con bài chủ [trumps] (nói theo lý thuyết về quyền). Để trả lời các vấn đề xã hội, có nguy cơ là Bộ Giáo lý Đức tin đặt các phẩm giá ngẫu nhiên ngang hàng với phẩm giá hữu thể học, mặc dù bối cảnh có liên quan đến phẩm giá trước, trong khi không liên quan đến phẩm giá sau.

Khi hình thành chính sách xã hội, những cảnh báo thường được lồng vào các hiệp ước và công ước về nhân quyền để phù hợp với bối cảnh và các tình huống bất ngờ. Các quyền xã hội phụ thuộc vào lợi ích chung, các nguồn lực sẵn có, sự ổn định xã hội và một loạt các vấn đề cạnh tranh khác quyết định đâu là phản ứng thích đáng để bảo vệ các quyền hiện sinh và xã hội của tất cả mọi người, kể cả những người di cư.

Rủi ro trong Dignitas Infinita là các phẩm giá và quyền lợi ngẫu nhiên bắt nguồn từ chúng được coi là ngang bằng với các quyền (và những điều cấm) bắt nguồn từ phẩm giá hữu thể học. Những người Công Giáo phản đối và bác bỏ chính sách và luật pháp tấn công phẩm giá hữu thể học sẽ phải đối đầu với lời buộc tội nhàm chán cho rằng họ không dành năng lực ngang bằng cho chính sách được khẳng định là làm suy yếu phẩm giá ngẫu nhiên. Một ví dụ về điều này là dòng chữ đưa ra chống lại những người vận động ủng hộ sự sống rằng “bạn chỉ quan tâm đến trẻ sơ sinh trước khi chúng được sinh ra”.

Bất chấp sự không trung thực của lời cáo buộc này, Dignitas Infinita có thể làm mờ đi sự khác biệt giữa các hành vi vi phạm rõ ràng và sai về bản chất với các quan điểm chính sách xã hội có thể gây tranh cãi và phụ thuộc vào bối cảnh. Tuyên bố kêu gọi tất cả mọi người hãy chào đón và tôn trọng phẩm giá của cả người lân cận và người lạ, nhưng nó không phân biệt rõ ràng giữa hành động cá nhân và chính sách xã hội hay vai trò của Nhà nước.

Tuy thế, tuyên bố này xuất hiện vào thời điểm khi Giáo hội nên chấn chỉnh lại nhiều quan niệm sai lầm đang thống trị diễn ngôn hiện đại. Người ta thường xuyên và cố tình bỏ qua điều này là các tín hữu dấn thân quảng đại hơn những người không có đức tin khi nói đến việc từ thiện, và các cơ quan Công Giáo và các tổ chức dựa trên đức tin khác đã và đang là những nhà cung cấp hàng đầu về y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác trên khắp thế giới ở những nơi mà chính phủ yếu hoặc vắng mặt.

Khi nói đến việc thực hiện hành động cụ thể để bảo vệ phẩm giá con người, Giáo hội thường không bị coi là thiếu sót, dù hiếm khi nhận được bất cứ sự công nhận nào. Giờ đây, với Dignitas Infinita, Vatican đã bắt đầu đề cập đến lĩnh vực lý thuyết và sự hiểu biết mở rộng về phẩm giá con người vốn đã xuất hiện kể từ bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và là nền tảng cho diễn ngôn nhân quyền thế tục vốn thường đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội và thực sự làm tổn hại đến những người dễ bị tổn thương và yếu đuối nhất trong xã hội.