Edgar Beltrán, trên the Pillar, ngày 20 tháng 2 năm có bài viết về Bác sĩ Jerome Lejeune, Đấng Đáng Kính của Giáo Hội Công Giáo:
Vào ngày 21 tháng 1 năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố Bác sĩ Jerome Lejeune là “Đấng Đáng kính”, một bước trong diễn trình phong thánh.
Lejeune được biết đến với nghiên cứu về nhiễm sắc thể bất thường, Trisomy 21, nguyên nhân gây ra hội chứng Down. Ông là một nhà khoa học nổi tiếng và cũng là một người Công Giáo đã cống hiến sự nghiệp của mình để bảo vệ sự sống.
Ngày nay, ông được các bác sĩ và chuyên gia y tế khác công nhận là người tiên phong ủng hộ sự sống.
Trong số đó có Bác sĩ María del Pilar Calva Mercado, người thời trẻ không ủng hộ sự sống cũng như không theo đạo Công Giáo. Nhưng sau khi học tám tháng với Lejeune ở Paris vào năm 1982, bà đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm hồn, dẫn đến một sự hoán cải sẽ định hình quỹ đạo cuộc đời bà.
Bác sĩ Calva đồng ý nói chuyện với The Pillar về cuộc đời và di sản của Bác sĩ Lejeune.
Cuộc phỏng vấn đã được chỉnh sửa để có độ dài và rõ ràng.
Bà gặp Bác sĩ Lejeune như thế nào và khi nào?
Tôi gặp trực tiếp Bác sĩ Lejeune lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1982.
Vài tháng trước đó – tôi không nhớ chính xác là khi nào – giáo sư di truyền học của tôi ở Mexico đã viết cho Lejeune một lá thư, yêu cầu tôi được phép làm luận án y khoa đại học với ông ấy.
Giáo sư của tôi khuyên tôi nên học với Lejeune vì ông ấy có địa vị khoa học cao. Vào thời điểm đó, ông được công nhận là nhà khoa học giỏi nhất thế giới.
Khi điều đó xảy ra, cả giáo sư và tôi đều không chia sẻ quan điểm của Bác sĩ Lejeune về việc bảo vệ sự thật, liên quan đến mạng sống con người và gia đình – tôi thậm chí còn không biết quan điểm của ông ấy về những vấn đề đó.
Tôi có lối suy nghĩ rất vật chất và thực dụng hơn. Và tôi quan tâm đến việc học với Lejeune vì ông ấy có trình độ khoa học cao.
Ông ấy chấp nhận cho tôi học với ông ấy trong tám tháng, và thế là tôi đến Paris.
Tôi gặp ông vào những ngày đầu tháng 7 năm 1982.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là ở bên một người đàn ông cực kỳ thông minh nhưng ánh mắt của ông lại toát lên vẻ khiêm tốn. Tôi phát hiện ra ông là một nhà thông thái – một người biết nhiều nhưng có thể khiến những người bình thường hiểu được những kiến thức đó. Sau này tôi đã thấy được điều đó trong thực tế khi làm việc với ông về phương diện chuyên nghiệp.
Lúc đầu, tôi rất hào hứng khi được đến đó vì tôi nghĩ mình sẽ học được nhiều điều. Tôi thực sự thất vọng khi công việc bắt đầu, vì ông ấy giao cho tôi công việc trong phòng thí nghiệm làm đề tài luận án, điều mà tôi chưa bao giờ thích. Tôi thích ở bên bệnh nhân, khám cho họ chứ không phải ngồi đó trước kính hiển vi.
Nhưng chúng tôi đã nhanh chóng đồng ý vì tôi thấy ông ấy thích tham vấn – tiếp xúc với mọi người.
Hôm nay, tôi sẽ dùng một chữ khác để mô tả điều đó – tôi sẽ nói với bạn rằng ông ấy là một vị thánh. Nhưng lúc đó tôi không có chữ đó trong vốn từ vựng của mình, nên tôi có thể nói ông ấy là một nhà thông thái.
Có vẻ như ông ấy đã thay đổi quan điểm của bà về nhiều thứ.
Tuyệt đối đúng!
Khi đến Paris, tôi nghĩ rằng mình sẽ viết một luận văn hay, rằng tôi sẽ học được nhiều điều từ một người có trình độ chuyên môn cao – nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có một sự hoán cải tâm trí.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ quyết tâm bảo vệ sự sống. Và tôi chắc chắn chưa bao giờ nghĩ đến việc hoán cải!
Và làm thế nào ông ấy đạt được điều này? Với chứng từ của ông ấy. Ông ấy là một người rất mạch lạc. Chưa bao giờ ông hỏi tôi sống thế nào, tôi có ở trong tình trạng ân sủng không, tôi có đi lễ Chúa nhật không. Chúng tôi chưa bao giờ đề cập đến những chủ đề đó.
Thay vào đó, chỉ đơn giản là nhìn thấy cuộc sống hàng ngày của ông ấy, là cái bóng của ông ấy, cả trong việc tham khảo ý kiến của những gia đình đang khá giả và với những gia đình khác đang không khấm khá gì.
Thật ấn tượng khi ông ấy giúp các gia đình yêu thương những đứa trẻ khuyết tật của họ trong bệnh viện ngay từ đầu, ngay cả khi họ nhìn thấy những đau khổ mà họ sắp phải trải qua.
Đây là những bài học đạo đức nhỏ mà ông ấy đã dạy cho tôi.
Tôi học tại một trường đại học Công Giáo, nhưng ở đó họ dạy tôi cách kê đơn các biện pháp tránh thai, họ dạy tôi não trạng của nền văn hóa sự chết.
Nhưng ông ấy nói với tôi rằng ông ấy không thể chẩn đoán tiền sinh [prenatal] được. Ông nói với tôi rằng ông sẽ không phá thai, nhưng ông cũng sẽ không hợp tác với việc đó [thông qua chẩn đoán tiền sinh], bởi vì từ một tài liệu ông ấy gửi cùng với báo cáo di truyền, người khác sẽ quyết định phá thai, và đó là hợp tác với cái ác.
Khi tiếp nhận những chủ trương đó, ông bắt đầu mất đi số tiền quyên góp.
Ông đã thực hiện nghiên cứu rất quan trọng mặc dù có ít nguồn lực, nhưng ông thích trung thành với lương tâm và sự thật hơn là có nhiều nguồn lực hơn.
Đúng là ông rất muốn có thêm nguồn lực để cộng tác trong việc chữa bệnh cho nhiều trẻ em, nhưng ông không nhượng bộ.
Cam kết đó đã khiến tôi cảm động, nó đã thay đổi tôi hoàn toàn.
Tôi nhớ ông đã nói với tôi rằng thật là hèn nhát về mặt khoa học khi nghĩ rằng y học là để loại bỏ người bệnh nếu chúng ta không thể loại bỏ được bệnh tật. Và bất cứ bác sĩ nào cũng biết điều này, dù có đức tin hay không có đức tin: y học là để chấm dứt bệnh tật chứ không phải người bệnh.
Khi tôi mới bắt đầu làm việc cho ông, ông đã có chuyến đi tới Rome, đặc biệt là đến Vatican.
Vào thời điểm đó... tôi đã tưởng tượng rằng Tòa thánh là quốc gia kỳ thị phụ nữ nhất trên thế giới, chỉ được cai trị bởi đàn ông.
Vì vậy, khi ông nói với tôi rằng ông sẽ tham gia những chuyến đi này, tôi chỉ nói, “Ồ, hy vọng mọi việc diễn ra tốt đẹp,” không có gì hơn thế.
Vào những buổi sáng thứ Hai, sau những chuyến đi đó, ông để lại trên bàn tôi những tài liệu ông đã trình lên Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học, và trong những chuyến đi đó ông thường gặp Đức Gioan Phaolô II.
Tôi nhớ rằng tài liệu thứ hai ông để lại cho tôi có tên là “Sinh học, Lương tâm và Đức tin”.
Sau khi đọc bản văn đó, tôi đã trải nghiệm một điều: Những dấu tích của Công Giáo và đức tin còn trong tôi, cùng với chút ít kính sợ Thiên Chúa, đã kết hợp với hoạt động chữa bệnh của tôi và tôi bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những thứ như đức tin và linh đạo, và quan sát phần đó nhiều hơn trong các tham vấn y khoa của chúng tôi.
Sau tám tháng đó, tôi nói với ông: “thưa Bác sĩ, ông đã thay đổi tôi. Tôi đến đây tưởng rằng ông mặc áo khóac trắng từ thứ Hai đến thứ Bảy, cởi bỏ cây thánh giá, rồi đến Chúa nhật ông mang tượng chịu nạn và cởi áo khoác trắng. Nhưng ông đã dạy tôi mặc áo khoác trắng và đeo tượng chịu nạn cùng một lúc.”
Tôi nói với ông rằng tôi rất sợ về nhà vì tôi ở trong một môi trường rất phóng khoáng, mọi thứ đã được sắp xếp rất tốt và tôi nghĩ rằng sẽ rất khó để tôi quay lại môi trường đó.
Lúc đó ông nói với tôi, “Một ngày nào đó em sẽ quay lại với tôi,” và ông nói với tôi rằng ông sẽ tiếp tục gửi cho tôi tất cả những gì ông viết, và tôi nghĩ rằng ngay cả điều cuối cùng ông viết trước khi chết cũng đã đến được với tôi, vì vậy tôi rất may mắn.
Bà đã quay lại làm việc với Lejeune lần nữa phải không? Đó là khi nào?
Tôi về Mexico, nghiên cứu di truyền học lâm sàng và vào năm 1985, một trận động đất đã xảy ra ở Mexico. Nhiều bệnh viện sụp đổ. Bệnh viện của tôi không bị sập, nhưng nó tệ đến mức chúng tôi không bao giờ có thể vào đó được.
Chính phủ Pháp đã giúp đỡ bằng cách cấp học bổng cho các bác sĩ nội trú gặp khó khăn trong quá trình học tập của chúng tôi.
Vì vậy, vào tháng 9 năm 1986, tôi quay lại làm việc với Bác sĩ Lejeune, cho đến năm 1988, chuyên ngành về di truyền học tế bào, vốn nghiên cứu về nhiễm sắc thể, thứ mà ngày nay sẽ được nghiên cứu trực tiếp trong genomics [gien học] – di truyền học tế bào giống như nhìn thấy bìa cuốn sách, gien học mới giống như đọc sách.
Tôi đã nghiên cứu về di truyền học tế bào và làm việc với ông ấy, chủ yếu là ở phòng khám. Lejeune là cha đẻ của di truyền học hiện đại. Và nhờ những khám phá của ông, những bệnh nhân mắc hội chứng Down được nhìn nhận một cách đàng hoàng.
Cách đây rất lâu, John Langdon Down đã mô tả một số đặc điểm của trẻ mắc chứng bệnh này: mắt xếch, bệnh tim, tay ngắn. Nhưng lý do cho tình trạng của họ không được biết.
Vì được cho là hậu quả của bệnh giang mai nên nhiều gia đình ngại đưa con đi chơi xa, vì coi đó là dấu hiệu cho thấy họ đã mắc bệnh giang mai. Các gia đình không cho con ra khỏi nhà, nếu có người nhìn thấy trên đường sẽ di chuyển sang bên kia vỉa hè.
Bạn biết đấy, công việc của Lejeune đã vượt ra ngoài điều kiện nhiễm sắc thể - ông còn có nhiều nghiên cứu quan trọng về nguyên nhân di truyền của bệnh ung thư.
Và ông cũng cộng tác với Đức Gioan Phaolô II, nhiều hơn những gì mọi người nhận ra. Nhiều tài liệu ông chia sẻ với tôi là tài liệu nguồn của thông điệp Fides et Ratio [đức tin và lý trí].
Những đức tính nào của ông ấy khiến bà có ấn tượng nhất?
Tôi luôn gặp khó khăn khi trả lời câu hỏi đó. Nếu tôi bắt đầu với các nhân đức đối thần, thì ông là một người có đức tin lớn lao và rất nhiều đức cậy.
Ông sống bác ái trong công việc, trong cách đối xử với bệnh nhân và tất cả những người xung quanh, từ người phụ nữ dọn dẹp phòng tắm trong văn phòng, đến những bác sĩ và nhà nghiên cứu phản đối ông – những người ủng hộ văn hóa sự chết. Ông luôn nói chuyện rất bình thản, hết sức tôn trọng nhưng không nhân nhượng sự thật.
Nhưng nơi bạn thấy lòng bác ái nhất là ở cách ông đối xử với “những người nhỏ nhất trong số này”, như ông ấy gọi họ. Ông thực sự đã sống câu nói đó trong Tin Mừng: “Bất cứ khi nào các ngươi đã làm điều đó cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm điều đó với chính Ta”.
Ông luôn nói rằng bệnh nhân của ông rất cao cả về tinh thần. Ông luôn thấy sự vĩ đại thực sự nằm ở sự nhỏ bé.
Tôi nhớ khi chăm sóc bệnh nhân mắc hội chứng Down, ông thường sử dụng kính hiển vi có hai cặp thấu kính. Ông sẽ ngồi với một bệnh nhân, ông với một cặp thấu kính và đứa trẻ với một cặp khác, và ông bắt đầu đếm các nhiễm sắc thể cùng họ và khi họ đếm đến 21, họ sẽ thấy rằng có ba nhiễm sắc thể.
Bác sĩ Lejeune sẽ giải thích mọi chuyện cho họ. Và bệnh nhân sẽ nói: “À, đó là lý do tại sao tôi đặc biệt đến vậy.”
Ông luôn tìm cách tôn trọng họ và thuyết phục các bậc cha mẹ yêu thương chấp nhận đứa con của họ, đứa con sinh ra với chứng rối loạn di truyền.
Vào những năm 80, việc phá thai đã được hợp pháp hóa và được cơ quan an sinh xã hội ở Pháp chi trả. Ngoài ra, nếu có sai sót trong sàng lọc trước khi sinh và đứa trẻ sinh ra với tình trạng di truyền, cha mẹ có một khoảng thời gian để họ có thể rời bỏ con ở lại bệnh viện phụ sản một cách hợp pháp.
Vì vậy, khi bác sĩ Lejeune thấy một trong những trường hợp đó đã xảy ra, ông luôn nói: “Tôi sẽ đích thân chuyển đưa kết quả”.
Sau nửa giờ nói chuyện với cha mẹ, họ thường yêu con mình và quyết tâm tiến về phía trước.
Sự cam kết đó – sống “những gì bạn đã làm cho những người anh em hèn mọn nhất của Ta…” là dấu ấn của cuộc đời ông.
Ông vô cùng đau buồn khi thấy khám phá khoa học của mình bị lạm dụng.
Ngày nay ở nhiều nước châu Âu, có rất nhiều người chưa từng thấy một đứa trẻ mắc hội chứng Down. Bác sĩ Lejeune nhìn thấy điều đó, và điều đó khiến ông đau lòng rất nhiều, vì ông không muốn phát hiện của mình bị coi là một bản án tử hình; ông đã nghiên cứu hội chứng Down để tìm cách làm nó ra xứng đáng, để giúp đỡ.
Ông thậm chí còn thành lập một tổ chức nhằm giúp đỡ những bà mẹ có con được chẩn đoán trước khi sinh, cho họ những lựa chọn để họ lựa chọn sự sống.
Bác sĩ Lejeune biết rằng lập trường của ông sẽ khiến ông phải trả giá, thậm chí có thể khiến ông phải mất giải Nobel.
Tổ chức Y tế Thế giới từng mời ông đến dự một hội nghị, trong đó ông được yêu cầu khẳng định rằng sự sống bắt đầu từ lúc cấy ghép, tức là 14 ngày sau khi thụ thai, đây là quan điểm y học phổ biến. Nhưng ông thấy rằng đã đến lúc phải nói sự thật nên ông bảo vệ sự thật khoa học rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai. Có lúc, ông nói thêm: “Đây trông giống như Tổ chức Tử vong Thế giới, không phải Tổ chức Y tế Thế giới” vì ông biết tại sao họ không muốn ông bảo vệ sự sống.
Nhưng ông đã kiên định cho đến cuối cùng. Ông không nói: “Ồ, tôi định nói dối một chút, nhưng bằng cách này tôi có thể tiếp tục gây ảnh hưởng và giúp đỡ.” Không, không. Ông luôn tin vào việc nói sự thật cho đến phút cuối cùng.
Đời sống thiêng liêng của ông như thế nào?
Có những điều lúc đó tôi chưa hiểu hoặc chưa thấy rõ lắm vì tôi vẫn đang trong diễn trình hoán cải.
Ông luôn rất tôn trọng, chúng tôi không nói về đức tin – hoặc có lẽ tôi đã không hiểu ý ông.
Nhưng bây giờ tôi nghĩ về việc tôi đã thường xuyên nhìn thấy ông trong văn phòng của ông, hoàn toàn im lặng, chắp tay và nhắm mắt. Lúc đó tôi không coi trọng điều đó lắm, bây giờ tôi thấy rõ ràng rằng ông đang cầu nguyện.
Điều mà tôi có thể nói với bạn rằng điều luôn gây ấn tượng với tôi rất nhiều đó là sự giản dị của ông.
Sau khi ông qua đời, tôi đến thăm mộ ông cùng với người vợ góa của ông và đó chỉ là một tấm bia mộ đơn giản.
Bình thường, ông không đi xe hơi mà sử dụng một chiếc xe đạp cũ. Nó trông giống thứ gì đó từ Thế chiến thứ hai... và ông luôn mang theo một chiếc áo poncho bằng nhựa phòng trường hợp trời bắt đầu mưa.
Ông đã sống nhân đức khó nghèo rất nhiều. Ông luôn ăn mặc rất tề chỉnh, nhưng sau một thời gian ở bên ông, bạn nhận ra rằng ông không thay quần áo nhiều, có thể ông chỉ có hai hoặc ba bộ quần áo.
Khiêm tốn là một đức tính khác mà ông đã sống và đó là đức tính mà một nhà khoa học giỏi cần có. Là một nhà khoa học, bạn luôn phải sẵn sàng thừa nhận rằng mình sai. Nếu không có sự khiêm tốn và bạn nói rằng bạn biết tất cả mọi thứ, rằng không còn gì để nghiên cứu nữa thì bạn không phải là một nhà khoa học giỏi.
Không phải là đáng sợ khi làm việc cùng với một trí tuệ như vậy hay sao?
Hãy nhìn xem, tôi đến từ một gia đình rất thông minh. Bố tôi là Bác sĩ hóa sinh đầu tiên ở Mexico; anh trai tôi, Bác sĩ đầu tiên về sinh học phân tử; mẹ tôi là nhà vật lý toán thứ ba tốt nghiệp đại học vào thời điểm mà phụ nữ thường không học hành.
Vì vậy, thực sự, bạn bè của bố mẹ tôi luôn là những người trí thức, những cuộc trò chuyện trong bữa ăn luôn xoay quanh những chủ đề thông minh. Tôi đã rất quen với những môi trường này, nhưng Bác sĩ Lejeune cũng rất khiêm tốn nên ông ấy không hề đe dọa bạn. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó theo cách đó.
Có những người, với cách nói của mình, giẫm đạp lên người khác hoặc giải thích mọi chuyện một cách phức tạp và không hiểu gì cả, nhưng ông thì ngược lại. Ông có thể giải thích những điều phức tạp nhất cho một đứa trẻ, ông sẽ ngồi trong văn phòng và trả lời mọi câu hỏi của chúng theo cách đơn giản nhất. Nếu có bệnh nhân người nước ngoài, ông cố gắng nói bằng ngôn ngữ của họ để họ cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với ông.
Ông luôn thân mật, yêu thương đến mức không thể nào cảm thấy bị đe dọa khi ở với ông.
Thánh Gioan Phaolô II từng nói rằng Bác sĩ Lejeune là người thông minh nhất mà ngài biết. Sự hợp tác giữa hai người họ như thế nào?
Khi ông thực hiện chuyến đi đến Rome trong giai đoạn đầu làm việc với ông vào đầu những năm 80, ông đã đến Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học. Tài liệu của hàn lâm viện này không phải là tài liệu huấn quyền, nó cần phải được làm cho sáng tỏ. Đây là phương tiện để các nhà khoa học vĩ đại từ nhiều lĩnh vực khác nhau trình bày luận án của họ và thảo luận về các chủ đề này cũng như cập nhật những khám phá và xu hướng trong khoa học.
Vì vậy, ông thường xuyên đến các cuộc họp của hàn lâm viện và ăn sáng hoặc gặp Đức Giáo Hoàng. Vào thời điểm đó, Hội đồng Giáo hoàng về Sức khỏe và Gia đình cũng đang hiện hữu và họ nhận ra rằng họ đang bắt đầu giải quyết các vấn đề về đạo đức sinh học, nhưng theo một cách rất chuyên môn và rất thực tế và chỉ trong chừng mực liên quan đến sức khỏe và gia đình.
Vì thế Đức Gioan Phaolô II đã giao phó cho ông nhiệm vụ thành lập Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống. Lejeune là người soạn thảo tuyên bố về niềm tin phò sinh mà người ta phải thực hiện để gia nhập hàn lâm viện - những lời hứa về ý nghĩa của việc trở thành thành viên của hàn lâm viện, trở thành tông đồ của sự thật và người phục vụ sự sống.
Vào tháng 12 năm 1993, ông nói với tôi rằng căn bệnh ung thư rất nguy hiểm này đã được phát hiện. Tháng 2 năm 1994, ông trở thành viện trưởng đầu tiên của Hàn lâm viện. Ông qua đời vào ngày 3 tháng 4 năm 1994, tức Chúa Nhật Phục Sinh.
Ông không chỉ cộng tác với Đức Gioan Phaolô II, mà với Đức Phaolô VI, ông còn là thành viên của ủy ban các nhà khoa học xem xét chủ đề Humanae Vitae và ông cũng là thành viên của phái đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị Dân số ở Bucharest năm 1974.
Sống trong sự gắn kết Kitô giáo đó đã khiến ông bị tẩy chay trong cộng đồng khoa học. Bà thấy ông ấy giải quyết chuyện đó như thế nào?
Tôi chưa bao giờ nghe ông phàn nàn. Tôi chưa bao giờ nghe ông nói rằng ông không có thuốc thử này hay thuốc thử kia do thiếu nguồn lực. Ông điều hành văn phòng của mình với mức tối thiểu. Văn phòng của ông trông gần giống như một nhà bếp vì nó có những bức tranh khảm, nó có một chiếc bàn rất đơn giản.
Ông rất nhất quán. Ông không chẩn đoán tiền sinh và không nghiên cứu các kỹ thuật chẩn đoán tốt hơn rồi chặt đầu. Ông cống hiến hết mình để tìm hiểu những gì đang xảy ra trong quá trình chuyển hóa [metabolically] với trẻ em và tận dụng tối đa mọi điều ông nhận được.
Tôi chưa bao giờ thấy ông phàn nàn và ông luôn tha thứ. Tôi chưa bao giờ nghe ông nói: “Người này đã làm điều này với tôi”. Ông luôn rất cứng rắn trong nguyên tắc của mình nhưng lại rất mềm mỏng trong cách làm. Ông luôn nói chuyện rất ngọt ngào nhưng rất mạch lạc. Đúng như Đức Bênêđíctô XVI đã nói trong Caritas in veritate: ai yêu thì không thể yêu mà không có sự thật, nhưng sự thật phải được trình bày một cách bác ái.
Ông luôn có một sự bình yên rất sâu sắc. Bây giờ tôi có thể thấy rằng đó là sự bình yên về mặt thiêng liêng. Ông biết cách ứng phó với những cuộc tấn công và khó khăn này một cách hòa bình bất chấp nghịch cảnh.
Con gái của ông, Clara đã viết tiểu sử về ông và nói rằng họ sống gần Sorbonne và đôi khi các nhà hoạt động sinh viên sử dụng loa đã chúc ông chết và nói: "Hãy để tất cả những con quái vật của Bác sĩ Lejeune chết đi."
Ngay vào ngày ông mất, họ vẫn vẽ graffiti kỷ niệm cái chết của ông…Và ông luôn bình yên chấp nhận tất cả những điều này.
Bà nghĩ di sản lớn nhất của Bác sĩ Lejeune là gì?
Đối với cha mẹ, việc có người hiểu mình sẽ thay đổi cách họ nhìn nhận con mình, phải không? Cam kết của ông là giúp đỡ các bậc cha mẹ yêu thương con cái mình bằng tình yêu thương vô điều kiện.
Nếu ai đó bảo vệ những kẻ bé mọn, Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta, nhưng Người cũng chúc lành cho chúng ta bằng cách trở thành một dấu hiệu mâu thuẫn. Chúa Giêsu Kitô đã không lừa dối chúng ta, Người nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ bị bách hại nhân danh Người.
Vì vậy, tôi nghĩ đó là di sản của ông - việc ông bảo vệ sự thật, cho thấy đức tin và lý trí không xung đột và người ta có thể mặc áo khoác trắng và đeo thánh giá.