**Điểm XUÂN trong THƠ**
Xuân là hoa, là nhạc, là thơ, là bức họa muôn màu. Xuân là tuổi trẻ đời người, là khí thiêng sông núi, là tinh hoa dân tộc.
Mùa Xuân Việt nam trải dài qua bốn ngàn năm lịch sử thăng trầm.
Nói về Xuân không thể cạn ý hết lời. Đông Tây kim cổ, con người đã tốn bao giấy mực ca ngợi vẻ đẹp của nàng Xuân.Trong thi ca Việt nam củng bàng bạc tình ý dáng Xuân.
Nghe nói nhiều nhà văn nước ngoài đã nhận xét về dân tộc ta như sau :
‘Dân tộc Việt nam có một lịch sử trên 4000 năm hào hùng với nền văn hoá rất phong phú và đặc biệt mỗi người dân Việt là một nhà thơ tài tình….’
Điều nhận xét trên không phải là quá đáng và cũng là niềm tự hào của dân tộc
Nói về văn chương Việt nam không thể bỏ qua ‘cái nôi’ là nền văn chương bình dân như ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ tích, câu hò, câu đối…mà cả những người dù không có học cũng ‘xuất khẩu thành thi’.
Từ một cụ già trong lúc trà dư tửu hậu, từ đôi trai gái trong công việc mùa màng, từ giọng ca bà mẹ ru con hay mục đồng nghêu ngao trên mình trâu cũng cất lên những lời thơ thanh thoát hồn nhiên.
Nắng Xuân mời gọi, gíó Xuân mơn man với những lớp mưa bụi nao nao tình tứ:
Tháng giêng là tiết mưa Xuân,
Tháng hai mưa nụ ái ân ngọt ngào.
Ta hãy nghe người con gái đương độ xuân thì ưu tư lo lắng về cuộc sống hôn nhân giữa chợ đời chờ mong :
Tuổi em đương độ thanh xuân,
Chợ đời giữa chốn ba quân tìm chồng.
Lại còn khéo ví von thân phận mình trong xã hội :
Vườn Xuân hoa nở đầy giàn
Ngàn con bướm lượn cho tàn nhị hoa.
Khi đã lên xe hoa theo chồng, ngày Xuân đến ra vườn hái hoa, vẫn còn nuối tiếc những mùa Xuân quá khứ chưa thoả lòng:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm Xuân,
Nụ tầm Xuân nở ra xanh biếc,
Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay,
Ngại gì một miếng trầu cay,
Sao ạnh chẳng hỏi những ngày còn thơ …
Cũng tiếc thay chàng trai dù đã hy sinh cho ngừơi mình yêu lại không đạt được mùa Xuân mong đợi:
Mưa Xuân lác đác vườn đào,
Công anh đắp đất, ngăn rào trồng hoa,
Ai làm gíó táp mưa sa,
Cho cây anh đổ, cho hoa anh tàn
Nếu gọi Xuân là Tuổi trẻ cuộc đời thì đây là bức tranh tả người thôn nữ tuy đơn sơ mộc mạc nhưng không kém vẻ duyên dáng và lôi cuốn trong tuổi
Xuân thì :
Một thương tóc để đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má núm đồng tiên,
Bốn thương răng trắng hạt huyền kém thua,
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng,
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh,
Chín thương cô ở một mình,
Mười thương con mắt có tình với ai.
Vậy hãy tận dụng những ngày Xuân trời cho còn đó kẻo mai kia hối tiếc :
Chơi Xuân kẻo lỡ quá thì,
Xuân qua ngoảnh lại còn gì là Xuân?
Ôi ! Có hối tiếc đã quá muộn rồi :
Tám mươi ngả gậy ra ngồi,
Hỏi rằng Xuân có tái hồi nữa thôi?
Xuân rằng Xuân chẳng tái hồi,
Bốn dài hai ngắn mà lôi Xuân vào.
Chính vì nhận thức trong ‘nhân sinh quan’ cuộc sống, cha ông ta đã mở ngỏ để giải toả phần nào sự ẩn ức cho phụ nữ ngày xưa qua những lễ hội vui Xuân thanh thoát đầy tình tứ như hội Chùa Hương Tích :
Ngày Xuân con én xôn xao,
Nam thanh nữ tú ra vào Chùa Hương,
Chim đưa lối, vượn đưa đường,
Nam Mô Di Phật! bốn phương chùa này.
Hay mở hội thi hát Quan họ Bắc Ninh – để nam nữ trao tình qua bao lời thơ ứng khẩu mượt mà duyên dáng :
Hôm nay là buổi hội Lim,
Nhớ em nên phải đi tìm em đây,
Nhất niên, nhất lệ một ngày,
Đôi ta tỏ nỗi niềm tây tự tình.
Đó chỉ là vài nét phác họa trong văn chương bình dân. Còn Mùa Xuân với lớp người theo nghiệp bút nghiên lại càng phong phú hơn nhiều. Xuân là mùa trảy hội, gặp gỡ, hẹn hò, chờ đợi….Vì thế một nho sinh Tú Uyên có cơ duyên gặp gỡ nàng tiên Giáng Kiều nơi chốn đế đô ngàn năm văn vật thật thơ mộng gợi tình qua truyện Bích Câu Kỳ Ngộ :
Thành Tây có cảnh Bích câu,
Cỏ hoa góp lại một màu xinh sao
Đua chen Thu cúc, Xuân đào,
Lựu phun lửa Hạ, Mai chào gíó Đông,
Xanh xanh dẫy liễu ngàn thông,
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều,
Một vùng non nước đìu hiu,
Phất phơ gíó trúc, dặt dìu mưa hoa…..
Xuân đến người người trảy hội, viếng chùa đền, thăm lăng miếu, đặt hương hoa trên mộ tổ tiên… là một tập tục lưu truyền, một thú vui tao nhã, xin phúc cầu may, tao nhân mặc khách hội ngộ, trai thanh gái lịch trùng phùng như Nguyễn nhược Pháp phác họa qua cảnh Đi chùa Hương :
Hôm nay đi chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương,
Cùng thày me em dậy,
Em vấn đầu soi gương,
Khăn nhỏ đuôi gà cao,
Em đeo giải yến đào,
Quần lĩnh áo the mới,
Tay cầm nón quai thao…
Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở,
Chàng ơi! Chàng có hay….
Hay Thú Hương Sơn của Chu mạnh Trinh :
Bầu trời cảnh Bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay,
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh,
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong cõi mộng….
Người dân quê vất vả cần cù quanh năm suốt tháng với ruộng vườn nhưng cũng bíết hưởng nhàn trong những ngày Xuân.Thư sinh nho sĩ thưởng thức ‘Cầm, thi, họa, phong hoa, tuyết, nguyệt’. Người bình dân thì hưởng thú du Xuân, trảy hội mà thi hào Nguyễn Du đã ghi lại cảnh tuyệt vời qua đại thi phẩm Kim-Vân-Kiều :
Ngày Xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chin chục đã ngoài sáu mươi,
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa,
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh,
Gần xa nô nức yến oanh,
Chị em sắm sửa bộ hành du Xuân
Khung cảnh thật trữ tình lãng mạn cho tuổi trẻ gặp gỡ trao duyên rất hồn nhiên và trong sáng. Nhiều trò chơi được tổ chức tao nhã và hào hùng diễn lại những trang sử dân tộc như đô vật, đánh cờ người, đu Xuân, chọi trâu…Nữ sĩ Hồ xuân Hương diễn tả bài Đánh đu thật dễ thương mà không trơ trẽn :
Trai co gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng,
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song…
Thú Xuân đâu của riêng ai, trời Xuân vô tận đâu riêng một mình.Vui Xuân không phân biệt sang hèn, nên nhà thơ trào phúng Trần tế Xương đã thi vị hoá cảnh đón Xuân đạm bạc của mình :
Anh em đừng tưởng Tết tôi nghèo,
Tiền ở trong kho chửa lĩnh tiêu…
Và gửi lời chúc Tết đến những kẻ khoe khoang lắm tiền nhiều bạc :
Lẳng lặng mà nghe họ chúc nhau,
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu,
Phen này ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng đồng rơi nọ phải cầu…
Hay nghênh ngang như Tản Đà khi bắt gặp bóng dáng nàng Xuân :
Gặp Xuân ta giữ Xuân chơi,
Câu thơ chén rượu là nơi đi về,
Hết Xuân, cạn chén Xuân thề,
Nghìn thu nét mực Xuân đề vẫn Xuân.
Và nhà thơ Đinh Hùng trong bài Bướm Xuân đầy kỷ niệm tiếc nuối :
Em trở về đây với bướm Xuân,
Cho tôi mơ ước một đôi lần,
Em là người của ngày xa lắm,
Lòng cũ hai ta cũng chẳng gần..
Nhưng cũng có những người lơ đãng lạnh nhạt với Xuân sang như người con gái trong thơ Đông Hồ :
Trong xóm làng trên cô gái thơ,
Tuổi Xuân mơn mởn tuổi đào tơ,
Giờ đây mơn trớn bông hoa nở,
Lòng gái Xuân kia vẫn hững hờ….
Hay Huy Cận với Ý Xuân :
Khuya nay trong những mạch đời,
Mùa Xuân dậy thức lòng người héo hon,
Ngón tay tưởng búp Xuân tròn,
Có người ra dạo vườn non thẫn thờ….
Đôi khi lưu lại những bâng khuâng nuối tiếc, âm thầm xót xa như cô lái đò lặng lẽ bỏ bến Xuân mang theo kỷ niệm ngày nào trong thơ Nguyễn Bính :
Xuân đã đem mong nhớ trở về,
Lòng cô gái ở bến Xuân kia,
Cô hồi tưởng ba Xuân trước,
Trên bến cùng ai đã nặng thề,
Nhưng rồi người khách tình Xuân ấy,
Đi mãi không về với bến Xuân……
Cũng đôi khi nỗi buồn nhè nhẹ như bóng dáng Xuân, chợt đến rồi đi để lại cho nhà thơ đa tài mệnh bạc Hàn Mặc Tử một nỗi buồn riêng lẻ :
Trong làn nắng ứng khói mờ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng,
Sột soạt gíó trêu tà áo biếc
Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang..
Phải chăng vì :
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Thật là bất bình trớ trêu :
Vui Xuân chung cả một trời
Sầu Xuân riêng để một người tương tư.
Nhưng vui nhất, đẹp nhất và khó quên nhất vẫn là những mùa Xuân tuổi thơ với áo quần xúng xính, tiền lì xì đầy túi, chạy theo tiếng pháo nổ ran và mải mê với những trò vui :
Mùa Xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh,
Đón tôi về xem hội ở làng bên,
Suốt ba ngày chiêng trống đánh vang rền,
Người các ấp đua nhau về dự hội…
Một chợ Tết xa xưa nơi làng quê của Đoàn văn Cừ thật là ngộ nghĩnh đáng yêu chỉ còn trong kỷ niệm :
Giải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết,
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc,
Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau……
Sau cùng là hình ảnh cổ kính đáng trân quí của Vũ đình Liên cũng trôi đi theo năm tháng :
Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già,
Bày mực tàu giấy đỏ,
Bên phố đông người qua,
Bao nhiêu người thuê viết,
Tấm tắc ngợi khen tài,
Hoa tay thảo những nét,
Như phượng múa rồng bay….
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa,
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?…
Ngoài ra, câu đối cũng là nét văn hoá độc đáo của dân tộc trong những ngày Xuân.’Hàn nho phong vị phú hay bạch diện thư sinh’ trong dịp này thật là đắc dụng và có dịp trổ tài :
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Hay có chút diễu cợt như cụ Nguyễn công Trứ nhưng lại rất thi vị :
Tối ba mươi, công nợ réo tít mù,
co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa.
Sáng mùng một, cỗ bàn bày la liệt,
giang tay bồng ông phúc vào nhà.
Hay úp mở duyên tình như nữ sĩ Hồ xuân Hương :
Tối ba mươi khép cánh càn khôn,
ních chật lại kẻo ma vương đưa quỉ tới.
Sáng mùng một lỏng then tạo hóa,
mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.
Riêng 2 câu sau hợp với không khí đón Xuân của các Hội đoàn hải ngoại, nhất là Cali qua tháng 3,4 hương Xuân vẫn còn vương vấn :
Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày,
được trăm cái Tết, Ước gì nhỉ,
một năm mười hai tháng,
cả bốn mùa Xuân.
Đặc biệt tác giả Lương vĩnh Thành, đã ưu ái tặng các cụ đang sống trên đất Cờ Hoa đôi câu đối ngậm ngùi nơi đất khách :
- Trưng câu đối đỏ chào Xuân, nỗi nước, nỗi nhà, chữ hạnh phúc bùi ngùi không muốn viết.
Gặp những bạn thân chúc Tết, tiền già, tiền bệnh, câu phát tài lạc lõng chẳng buồn nghe…….
Nhưng tiếc thay những hình ảnh: ông đồ, câu đối, cây nêu, đánh cờ người, chọi trâu, đu Xuân, thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng…chỉ còn thấy lác đác trong thơ ngày nay và cũng sẽ phai mờ trong cảnh đón Xuân viễn xứ….
Với lời thơ chân thành, người viết mong niềm mơ ước tương lai cho Quê Hương sẽ thành hiện thực :
Tôi khát khao được thành nhà nghệ sĩ,
Đem tâm hồn về qua muôn thế kỷ,
Lòng lâng lâng và miệng hát ca vang,
Mười ngón tay tôi dìu dặt cung đàn,
Cho âm điệu bay lên cùng trời đất,
Lòng dạt dào với hồn thơ chứa chất,
Tôi ghi thành những vần điệu ngân nga,
Bàn tay tôi dù không phải ngọc ngà,
Quyết tô điểm cho Non Sông tuyệt mỹ,
Dựng Việt Nam thành Mùa Xuân hùng vĩ,
Một mùa Xuân Dân Tộc Việt rạng ngời…
Vâng! niềm khát vọng Mùa Xuân tươi đẹp Đất Nước đang đến gần- như dân Do Thái xưa sau 40 năm lưu lạc hân hoan tìm về Đất Hứa- Con dân Việt sau gần 50 năm (1975- 2024) phiêu bạt bốn phương vì bọn Cộng Sản tham tàn khát máu, dân Việt cũng đang chuẩn bị hành trang trở về xây dựng lại Quê Hương trong thanh bình no ấm...
Đến đây xin dừng bút bàn về thơ Xuân vì đã cạn ý hết lời. Qua bài này, người viết không có tham vọng làm một bài biên khảo về Xuân qua thi ca Việt nam –một đề tài rộng lớn và phức tạp cần nhiều tài liệu và thời gian – chỉ xin điểm lại vài dòng thơ Xuân còn ghi nhớ được, để cùng nhau thưởng thức trong những ngày Xuân nơi quê người.
Mong thông cảm những gì còn thiếu sót.
Và xin mạo muội mượn lời thơ của thi hào Nguyễn Du kết thúc bài viết về Xuân :
“Lời quê góp nhặt dông dài,
Mua vui mong được một vài ngày Xuân” ( * )
Mùa Xuân Hội ngộ và Hoà bình sẽ đến với Dân tộc Việt Nam.
Kính chúc Quí Vị năm Giáp Thìn an khang và thắng lợi.
Dừng bút nhưng mong dư âm Mùa Xuân còn vương đọng trong thơ./.
Xuân Giáp Thìn - 2024
( * ) Ghi chú : Dựa theo 2 câu kết thúc trong truyện Kiều của Nguyễn Du :
“Lời quê chắt nhặt nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh”