Lúc khai mạc kỳ họp đầu tiên của Phiên họp thường lệ lần thứ 16 Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, dư luận Công Giáo vốn đã khác nhau, giờ đây, dù nó đã kết thúc với nhiều điểm tích cực, dư luận ấy vẫn khác nhau như trước. Chúng tôi xin dựa vào một số phát biểu sau đây để nâng đỡ nhận định vừa kể.
Hài lòng
Theo Hannah Brockhaus của Catholic News Agency, lúc gần kết thúc kỳ họp thứ nhất của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, kéo dài một tháng tại Vatican, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng, cho biết trong một cuộc họp báo Ngày 28 tháng 10, sự tự do và cởi mở được trải nghiệm trong kỳ họp sẽ giúp Giáo hội thay đổi trong tương lai.
Dù đôi lúc có những gay go trước một vấn đề trong các cuộc thảo luận nhóm nhỏ tại phiên họp từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, nhưng cuối cùng một giải pháp thay thế đã được tìm ra.
Ngài nói: “Có được sự tự do và cởi mở này sẽ thay đổi Giáo hội, và tôi chắc chắn rằng Giáo hội sẽ tìm ra câu trả lời, nhưng có lẽ không phải là câu trả lời chính xác mà nhóm này hay nhóm kia muốn có, nhưng là những câu trả lời [mà với chúng] hầu hết mọi người đều có thể cảm thấy thoải mái và lắng nghe.”
Đức Hồng Y Hollerich nói với các nhà báo vào tối thứ Bảy, “Tiến trình bắt đầu, thực sự bắt đầu, vào lúc kết thúc [toàn bộ] Thượng Hội đồng. Vì vậy, ngay cả trong năm tới, tôi hy vọng sẽ có một tài liệu có thực chất, trong đó một số vấn đề thần học về tính đồng nghị cũng được xem xét, v.v.”
Nhưng ngài nhấn mạnh ngay cả tài liệu cuối cùng cũng sẽ chỉ là “một bước” của “một Giáo hội đang chuyển động”.
Đức Hồng Y nói thêm, “Và tôi nghĩ đó là điều quan trọng: Chúng ta chuyển động”.
Đức Hồng Y nhắc lại rằng Thượng Hội đồng “là về tính đồng nghị… ngay cả khi mọi người không tin chúng tôi”.
Ngài cho biết có những chủ đề quan trọng đối với một số người và sẽ tiếp tục quan trọng đối với họ, ngay cả khi chúng không được đề cập trong báo cáo tổng hợp ngày 28 tháng 10. Ngài nói “Và tôi nghĩ một Giáo hội đồng nghị sẽ dễ dàng cố gắng nói về những chủ đề này hơn là Giáo hội đã được cơ cấu trong quá khứ”.
Ngài nói thêm: “Điều đó không có nghĩa là một Giáo hội đồng nghị sẽ chấp nhận mọi thứ”.
Về việc một số người đã bỏ phiếu chống lại một số vấn đề nóng bỏng được nêu trong tường trình của kỳ họp, Đức Hồng Y Mario Grech, tổng thư ký Thượng Hội đồng, cho biết “có những điểm chúng tôi đồng ý và có những điểm vẫn còn một con đường để đi.”
Đức Hồng Y Hollerich nói: “Tôi thấy rõ ràng một số chủ đề sẽ gặp phải sự phản đối. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi có rất nhiều người bỏ phiếu ủng hộ. Điều đó có nghĩa là mức kháng cự không lớn như mọi người nghĩ trước đây. Vì vậy, vâng, tôi hài lòng với kết quả đó.”
Ngài nói, trong một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội, một kết quả như thế sẽ được coi là rất tích cực.
Việc đưa vào báo cáo một đoạn về việc nghiên cứu khả thể phó tế cho phụ nữ đã có 69 phiếu chống và 277 phiếu thuận.
Đức Hồng Y Grech cho biết một giám mục đã nói với Đức Hồng Y rằng ngài đã nhìn thấy “băng tan” nơi mọi người trong buổi họp mặt.
Đức Hồng Y nói thêm: “Đây là cách tiếp cận của Chúa Giêsu, nhằm tạo ra không gian cho mọi người để không ai cảm thấy bị loại trừ. Hôm nay có một niềm vui to lớn mà bạn có thể tận mắt nhìn thấy.”
Đức Hồng Y Hollerich nói, “Tôi nghĩ mọi người sẽ rời đi vào ngày mai hoặc ngày mốt để về nhà với trái tim tràn đầy hy vọng, với rất nhiều ý tưởng và tôi rất mong được gặp lại họ vào năm tới.”
Cấp tiến Hoa Kỳ
Về phần hai vị Hồng Y Hoa Kỳ thuộc phe cấp tiến: Cupich và McElroy, hai ký giả Christopher White và Joshua J. McElwee của tờ National Catholic Reporter tường trình rằng, Đức Hồng Y Cupich rời Rôma “với một cảm thức đầy hy vọng, hân hoan vì được làm thành phần của phiên họp này và nhiệt tình hơn về thừa tác vụ của tôi hơn trước đây nhiều”.
Ngài nói, “chúng tôi có giáo dân thực sự ở đó lên tiếng cùng với các Giám Mục về các vấn đề, và điều đó đem lại cho nó một năng lực mới và một sự tưới mát mà chúng tôi chưa bao giò có trước đây. Tôi nghĩ văn kiện đã cố gắng truyền tải điều tươi mát ấy, không một vấn đề nào bị bỏ qua ở bàn thảo luận”.
Đức Hồng Y McElroy cũng rất tích cực đối với trải nghiệm này. Ngài nói, “tôi rất tích cực về phương pháp phân định đã được sử dụng. Nó rất đòi hỏi nhưng đã phát sinh những hoa trái dấn thân kỳ diệu”.
Liên quan tới sự hiện diện của các thành viên giáo dân với quyền bỏ phiếu, Đức Hồng Y McElroy nói: “Sự hiện diện của các người không phải là Giám Mục trong các vai trò tích cực trở nên rất tự nhiên, ngay từ đầu”.
Ngài nói thêm: “chỉ trong vòng mấy ngày đầu tiên, chuyện xem ra đương nhiên là các người không phải là Giám Mục nên hiện diện ở đó, giáo dân nên hiện diện ở đó, các người thánh hiến nên hiện diện ở đó như các thành viên đầu phiếu chứ không chỉ các linh mục và tu sĩ”.
Hai vị Hồng Y Hoa Kỳ cho biết một trong những kết quả trước mắt của Thượng Hội Đồng kỳ này là giờ đây “không thể” quay trở lại thời đại mà giáo dân nam nữ không được trao cả tiếng nói lẫ quyền bầu cử trong các cuộc họp lớn của Vatican.
Đức Hồng Y Robert McElroy của San Diego nói vào ngày 29 tháng 10, “Đối với tôi, nay dường như không thể quay trở lại được nữa. Sẽ thật đau khổ khi quay trở lại nếu bạn chỉ có các giám mục ở đó hoặc chỉ có các giám mục bỏ phiếu.”
Đức Hồng Y Chicago Blase Cupich đồng tình. Ngài nói rằng cảm nghiệm chung của người Công Giáo về phép rửa có nghĩa là: “Tất cả chúng ta đều có thẩm quyền, và điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều có điều gì đó để nói”.
Về đề nghị phong chức phó tế cho nữ giới, các vị nói rằng tuy vấn đề chưa ngã ngũ, nó vẫn là đề nghị bị phiếu “không” cao nhất nhưng đã được thông qua để được xem xét thêm vào kỳ họp tháng 10 năm 2024.
McElroy cho biết: “Thực sự đã có một ý thức rất rộng rãi rằng chúng tôi cần phải có một sự thay đổi lớn trong việc loại bỏ các rào cản, trong lời mời và sự đón nhận phụ nữ trong những vai trò mới này”.
Theo McElroy, ta nên hình dung lại chức phó tế nói chung, coi nó không chỉ liên quan đến phụng vụ, mà là phục vụ người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Về người Công Giáo LGBTQ, Đức Hồng Y Cupich cho biết quyết định không sử dụng thuật ngữ LGBTQ “Không nhằm làm tổn thương bất cứ ai”
“Tôi nghĩ chúng ta phải quay trở lại câu hỏi: Chúng ta có gọi mọi người theo cách họ muốn được gọi không? Và tôi nghĩ rằng… đó là dấu hiệu của sự tôn trọng; đó cũng phải là một phần của cuộc thảo luận trong tương lai.”
Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng lời khẳng định của bản văn rằng “Người Kitô hữu phải luôn thể hiện sự tôn trọng phẩm giá của mỗi người”, gọi đó là một “đóng góp lớn lao”.
McElroy nhấn mạnh các chương 15 và 16 của tài liệu cuối cùng, tập trung vào các vấn đề phân định và đồng hành.
Ở điểm này, bản văn viết “Chúa Giêsu gặp gỡ mọi người trong sự độc đáo của câu chuyện và hoàn cảnh bản thân của họ. Người không bao giờ bắt đầu từ quan điểm của những thành kiến hay nhãn mác, mà từ tính chân chính của mối quan hệ được Người hết lòng cam kết.”
Đức Hồng Y McElroy nói: “Chúng ta cần chấp nhận sứ điệp mục vụ của Chúa Giêsu Kitô: Chúa Kitô, Đấng gặp gỡ mọi người, ôm lấy họ, đáp ứng những vấn đề đang diễn ra, và sau đó kêu gọi họ hoán cải”.
Ngài nói: “Không phải giáo lý là ưu tiên hàng đầu. Giáo lý phục vụ cho sứ mệnh mục vụ của Giáo hội”.
Suy gẫm về những chương đó, Đức Hồng Y Cupich cho biết "có những khía cạnh về đời sống con người mà quan điểm nhân học của chúng ta không có khả năng nắm bắt hoàn toàn tình hình."
Ngài nói, “Chúng ta phải xem xét điều đó. Ở đó có một sự khiêm tốn thực sự về những gì chúng ta nên quyết định và coi đó là điều hiển nhiên, nhận ra rằng có… một số điều mà chúng ta không biết rõ lắm.”
Về các chủ đề khác, cả Đức Hồng Y Cupich lẫn Đức Hồng Y McElroy phần lớn đều ủng hộ việc bảo mật của phiên họp. Đức Hồng Y McElroy cho biết ban đầu ngài "rất nghi ngờ" về yêu cầu này nhưng sau đó buộc phải kết luận rằng nó rất hữu ích cho quá trình thảo luận.
Con đường đồng nghị Đức
Theo trang mạng Katholisch.de (https://www.katholisch.de/artikel/481750, Đức Cha Georg Bätzing, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đồng chủ tịch Con đường Đồng nghị gây tranh cãi của Đức, cũng rất hài lòng về Thượng Hội Đồng lần này, vì cho rằng “một bước tiến lớn lao cho Giáo Hội hoàn vũ” là Thượng Hội Đồng muốn duyệt lại nền đạo đức học Công Giáo về tính dục. Ngài nói thế trong một cuộc họp báo sáng Chúa nhật vừa qua tại Rôma.
Được hỏi về sự thay đổi trong luân lý học tính dục, Đức Cha Bätzing nói rằng: “Nếu Thượng Hội Đồng nói rằng các công thức trước đây trong giáo huấn của Giáo Hội về con người không còn thoả đáng ở đây, và cần phải tiến thêm ở điểm này, cũng như với sự hỗ trợ của khoa học, thì đó là một bước tiến lớn lao”.
Ngài nhấn mạnh rằng “một đa số áp đảo trong Giáo Hội hoàn vũ đã chọn công thức này cho chính ngài và đã biến nó thành của họ. Đây là một bước tiến vĩ đại cho Giáo Hội hoàn vũ”.
Thực ra theo hãng tin KNA, Tường trình Tổng hợp của Kỳ họp đầu tiên của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị viết như sau: “một số vấn đề, chẳng hạn về bản sắc phái tính và xu hướng tính dục (...) cũng có tính tranh cãi trong Giáo Hội vì chúng nêu lên những câu hỏi mới.” rồi bản văn viết tiếp: “đôi khi các phạm trù nhân học hiện hữu không đủ để hiểu tính phức tạp củng những điều được nói tới về kinh n ghiệm hay khoa học, và do đó điều này đòi phải điều tra thêm. Chúng ta phải dành thì giờ cần thiết cho việc suy tư này và dành cho nó những sức lực tốt nhất, và không nên rơi vào các phán đoán đơn sơ, gây chân thương cho người ta hoặc gây hại cho thân thể Giáo Hội”.
Thất vọng
Trong khi ấy, những người cấp tiến khác trong Giáo Hội Công Giáo, điển hình là tạp chí National Catholic Reporter, tỏ ra thất vọng. Theo hai ký giả Christopher White và Joshua J. McElwee của tạp chí này, Hội nghị thượng đỉnh lớn ở Vatican của Đức Giáo Hoàng kết thúc mà không có hành động nào đối với các nữ phó tế, người Công Giáo LGBTQ.
Hai ký giả này nhận định rằng trong khi các tài liệu trước đó dẫn đến cuộc họp được đánh dấu bằng sự thẳng thắn và cởi mở, thì tường trình tổng hợp cho phiên họp ngày 4-29 tháng 10 lại có giọng điệu thận trọng hơn nhiều. Mặc dù nó đưa ra 81 đề nghị, nhưng chúng thường khá bỏ ngỏ hoặc tổng quát, và bản văn kêu gọi nghiên cứu, đánh giá hoặc xem xét thêm về thần học hoặc giáo luật ít nhất 20 lần.
Các đoạn không nhận được nhiều phiếu “không” nhất là hai trong số các đoạn chính đề cập đến khả thể có các nữ phó tế. Một đoạn được thông qua với số phiếu 277-69; đoạn kia với số phiếu 279-67. Một đoạn đề cập đến vấn đề giáo sĩ độc thân cũng không nhận được phiếu bầu đáng kể nào, nhưng được thông qua với tỷ lệ 291-55.
Cha Dòng Tên James Martin, một tác giả linh đạo nổi tiếng và chủ bút của ấn phẩm Out-reach của Công Giáo LGBTQ, người đã tham gia thượng hội đồng với tư cách là thành viên bỏ phiếu, nói với NCR rằng ngạc “thất vọng nhưng không ngạc nhiên” trước kết quả dành cho người Công Giáo LGBTQ.
Cha Martin nói: “Có nhiều quan điểm khác nhau về chủ đề này. Tuy nhiên, tôi ước ao một số cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở đó được ghi lại trong bản tổng hợp cuối cùng."
Hai ký giả nhận định thêm: trong khi cuộc tranh luận đầy cảm xúc diễn ra trong thượng hội đồng về phản ứng của Giáo Hội đối với người Công Giáo LGBTQ - bao gồm cả lời chứng của một phụ nữ lưỡng tính đã chết vì tự tử sau khi cảm thấy bị Giáo Hội từ chối - thì Tường trình Tổng hợp phần lớn che đậy những căng thẳng nảy sinh về cách Giáo Hội nên phản ứng với những người như vậy.
Các vấn đề liên quan đến tình dục và bản sắc, Tường trình lưu ý, đặt ra “những câu hỏi mới”. Tường trình nói rằng những cá nhân hoặc cặp đôi như vậy phải được “lắng nghe và đồng hành” và nên tránh ngôn ngữ hoặc “những phán xét đơn giản” vốn “làm tổn thương các cá nhân và Thân thể Giáo hội”.
Bản Tường trình viết, “Có một cảm giác sâu sắc về tình yêu, lòng thương xót và lòng trắc ẩn trong cộng đoàn dành cho những người đang hoặc cảm thấy bị tổn thương hoặc bị Giáo Hội bỏ rơi, những người muốn có một nơi gọi là ‘nhà’, nơi họ có thể cảm thấy an toàn, được lắng nghe và tôn trọng, mà không cần sợ bị đánh giá".
Tuy nhiên, báo cáo cuối cùng không sử dụng chữ viết tắt “LGBT” hoặc từ “đồng tính nam”, bất chấp sự kiện các tài liệu của Vatican thường xuyên sử dụng “LGBT” như một chữ viết tắt phổ biến để chỉ cộng đồng đồng tính nam trong ít nhất 5 năm, và Bản thân Đức Giáo Hoàng cũng thường xuyên sử dụng thuật ngữ “đồng tính”.
Nhiều câu hỏi chưa được trả lời
Courtney Mares cũng của Catholic News Agency cho rằng phần đầu tiên của Phiên họp hai phần của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị đã kết thúc vào Chúa Nhật, để lại nhiều câu hỏi chưa được trả lời: hiện không rõ điều gì cụ thể sẽ diễn ra trong năm tới dẫn đến kỳ họp thứ hai và sau cùng vào tháng 10 năm 2024.
Theo Tài liệu Làm việc cho kỳ họp Thượng Hội đồng đầu tiên diễn ra từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 tại Vatican: “Mục tiêu chính của cuộc họp đầu tiên sẽ là vạch ra những con đường nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện trong một phong cách đồng nghị, chỉ ra các bên liên quan sẽ tham gia và các cách thức để bảo đảm một tiến trình hữu hiệu nhằm phục vụ việc phân định sẽ được hoàn thành trong phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024.”
Dù Tường trình tổng hợp được công bố vào cuối kỳ họp kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về nhiều vấn đề, cũng như việc thành lập các ủy ban thần học và giáo luật, thì không có chỗ nào trong tài liệu nói rõ các “ủy ban” mới này sẽ được thành lập như thế nào, ai sẽ chọn các thành viên, hoặc cách thức và thời gian họ sẽ gặp nhau.
Theo quan điểm thế gian
Edward Pentin của National Catholic Register nhận định rằng tập chú dường như cho đến nay chủ yếu là về vấn đề trần thế, về các vấn đề rõ ràng liên quan đến thế gian này và hầu hết chỉ theo quan điểm trần tục, liên quan đế cả Giáo hội lẫn xã hội.
Ngược lại, bản chất của đức tin và siêu nhiên đã được thảo luận đến mức nào? Nói sát hơn, khi nào các đại biểu nói đến tầm quan trọng của vai trò hàng đầu của Giáo hội như một công cụ cứu rỗi các linh hồn? Liên quan đến điều đó, trong suốt quá trình này, thực tại Tứ Chung (Bốn điều sau cùng) - cái chết, sự phán xét, thiên đường và địa ngục – đã xuất hiện bao nhiêu lần trong các cuộc thảo luận, tài liệu và nghị bàn?
Cho đến gần đây, việc giảng dạy Tứ Chung đã có tầm quan trọng to lớn trong đời sống của Giáo hội, cung cấp một khuôn khổ để hiểu về hiện sinh nhân bản, đạo đức và thế giới bên kia. Với tầm quan trọng của nó trong việc định hướng đúng đắn cho các tín hữu, đáng lẽ nó phải là một điểm tham chiếu quan trọng trong các cuộc thảo luận thượng hội đồng với chủ đề tổng thể là “Hiệp thông, Tham gia và Truyền giáo”.
Tuy nhiên, thực tế và ý nghĩa sâu sắc về sự cứu rỗi vĩnh cửu của mỗi người cũng như nỗi sợ hãi thực sự và lành mạnh về một Thiên Chúa công chính và chính trực “hầu như không được thảo luận trong bất cứ phiên họp [thượng hội đồng] nào”, Đức Giám Mục Phụ Tá Rob Mutsaerts của De Hertogenbosch ở Hà Lan viết như thế. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi chữ “cứu rỗi” chỉ xuất hiện ba lần và chỉ xuất hiện một cách ngắn gọn trong tài liệu tổng hợp của Thượng Hội đồng được công bố hôm thứ Bảy.
Một thoái lui lớn
Viết cho The Catholic Thing, Cha Raymond de Souza cho rằng sau hai năm chuẩn bị cho một bước tiến quan trọng hướng tới một đạo Công Giáo được tưởng nghĩ lại như một thứ Anh giáo cấp tiến, Phiên họp Thượng Hội Đồng kỳ này là một thoái lui lớn.
Trước nhất, vẫn chưa có định nghĩa rõ rệt nào về tính đồng nghị, sau ba tuần nhai đi nhai lại (cud), đành để cho kỳ họp sau quyết định. Thực thế, Tường trình Tổng hợp khuyến nghị nên có “một công trình thần học để đào sâu, về phương diện từ ngữ và khái niệm, ý niệm và thực hành tính đồng nghị”.
Không phát biểu chủ trương nào
Elise Ann Allen của tạp chí Crux nhận định: Bản tổng hợp cuối cùng của Thượng Hội đồng Giám mục kéo dài một tháng về tính đồng nghị không đưa ra đề nghị rõ ràng hoặc cụ thể nào về các vấn đề nóng bỏng, mà một viên chức Vatican giải thích vào tối thứ Bảy là do việc tìm kiếm “sự đồng thuận rộng rãi và thuyết phục”.
Kết quả là, bản tổng hợp không bày tỏ quan điểm về các vấn đề như truyền chức linh mục cho phụ nữ, chức phó tế cho nữ, hay sự chào đón cộng đồng LGBTQ+, tất cả đều là những chủ đề nảy sinh trong cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng. Đúng hơn, bản văn nói một cách khái quát về sự cần thiết phải có hành động hơn nữa trong việc thúc đẩy phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và chào đón những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội, nhưng không đưa ra những đề xuất cụ thể.
Về phụ nữ, tài liệu cho biết, “điều cấp thiết là phải bảo đảm rằng phụ nữ có thể tham gia vào quá trình ra quyết định và đảm nhận vai trò trách nhiệm trong việc chăm sóc mục vụ và thừa tác vụ”. Nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể về những thay đổi có thể cần thiết.
Về vấn đề nữ phó tế, tài liệu không đưa ra lập trường hay đề xuất rõ ràng nào, nhưng chỉ đơn giản tuyên bố rằng nghiên cứu mục vụ và thần học về nữ phó tế “nên tiếp tục”.
Đáng chú ý, mặc dù đã nhiều lần đề cập đến cộng đồng LGBTQ+ và nhu cầu tìm cách chào đón những người có sự hấp dẫn đồng giới nhiều hơn, tài liệu này không hề đề cập đến bất cứ thuật ngữ nào, như “LGBTQ+”, “đồng tính luyến ái” hoặc “đồng tính luyến ái”.
Trong khi vấn đề ban phép lành cho các cặp đồng tính là nguồn tranh luận chính trước khi khai mạc Thượng hội đồng, thì chữ “phép lành” không xuất hiện trong tài liệu.
Vấn đề được giải quyết bằng ngôn ngữ che đậy, đề cập đến các vấn đề “chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến bản sắc phái tính và khuynh hướng tình dục, giai đoạn cuối đời, hoàn cảnh hôn nhân khó khăn” và “các vấn đề đạo đức liên quan đến trí khôn nhân tạo”.
Chú trọng quá đáng tới lắng nghe
Tiến sĩ Jeff Mirus của CatholicCulture thì sợ rằng Thượng Hội Đồng xếp hạng việc lắng nghe quá cao, đến nỗi, người ta có cảm tưởng Giáo Hội chẳng còn gì để nói nữa. Vả lại, theo ông, triều Giáo Hoàng Phanxicô đã đảo ngược trường hợp điển hình “lắng nghe”. Ai cũng biết Đức Phanxicô vốn nhất quán phân chia thành viên của Giáo Hội và công dân thế giới thành hai nhóm dễ nhận diện: những người ngài sẵn lòng lắng nghe, và những người ngài không sẵn lòng lắng nghe. Ít nhất, trong ký ức sống động, không có vị Giáo Hoàng nào nhanh như Đức Phanxicô từ chối lắng nghe những người, bất cứ cách nào đó, chỉ trích triều Giáo Hoàng của ngài, lập tức gạt họ qua một bên như những kẻ “cứng ngắc”.
Tác giả này nhìn nhận giá trị của việc lắng nghe: “sẵn lòng lắng nghe người khác chắc chắn là một thành tố của đức ái Kitô giáo. Nó cũng giúp chúng ta tiến đến chỗ biết những người chúng ta tương tác với, kẻo chúng ta nhẩy tới các kết luận có thể quá dễ dãi lẫn sai lạc”.
Nhưng chắc chắn đến nay chúng ta đã học được rằng việc chúng ta không ngừng nhấn mạnh đến việc lắng nghe hiện nay thường là một phương tiện để thúc đẩy chương trình nghị sự của những người mà chúng ta đã được hướng dẫn một cách ngoan đạo phải lắng nghe. Đó cũng là—và quan trọng hơn nhiều—một cách để tránh cả việc rao giảng Tin Mừng lẫn việc nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa sự thật và sự giả dối. Sự lắng nghe không ngừng tạo ra một tình đoàn kết ảo tưởng vẫn cần phải được thiết lập trong Chúa Kitô.
Nhưng việc lắng nghe bất cứ ai ngoài Thiên Chúa không bao giờ là mục đích tự tại. Không ý tưởng và khát vọng nào của con người có thể có tầm quan trọng ngang bằng với Tin Mừng.
Giáo sĩ hóa phụ nữ
Courtney Mares của Catholic News Agency, ngày 26 tháng 10, tường trình rằng Đức Hồng Y Robert Francis Prevost, người vốn giữ chức Bộ trưởng Bộ Giám mục, cho biết “việc giáo sĩ hóa phụ nữ” sẽ không giải quyết được các vấn đề trong Giáo Hội Công Giáo, mà còn tạo thêm nhiều vấn đề mới.
Đức Hồng Y lưu ý rằng Giáo Hội Công Giáo không phải là một hình ảnh phản chiếu của xã hội và “cần phải khác biệt”.
Ngài giải thích rằng không phải vì phụ nữ có thể làm tổng thống hoặc đảm nhận nhiều loại vai trò lãnh đạo khác nhau trên thế giới, thì Giáo Hội cũng phải chấp nhận phụ nữ ở bất cứ vai trò lãnh đạo nào.
Ngài nói thêm, phụ nữ đang liên tục đảm nhận các vai trò lãnh đạo ở Vatican và các bộ phận khác của Giáo hội, như gần đây Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Nữ tu Simona Brambilla làm thư ký của Bộ Đời sống Thánh hiến của Vatican và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ.
Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và tổng giám mục của Tổng Giáo phận Quân vụ, Hoa Kỳ, cũng đã nói về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.
Ngài nói: “Tôi nghĩ giả định cho rằng vì tất cả các vai trò không do phụ nữ đảm nhiệm ở mọi bình diện nên họ không có ảnh hưởng là sai."
Không thể bãi bỏ truyền thống
Trong khi đó, Marcelo Musa Cavallari thuộc ACI Digital, một hãng tin Công Giáo Bồ Đào Nha, cho hay Đức Hồng Y Agostino Marchetto phát biểu với ông rằng “chắc chắn chúng ta không thể làm ngơ thế giới, và do đó quả là một sai lầm khi cố thủ trong quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta ở trong thế gian nhưng chúng ta không thuộc thế gian. Chúng ta không thể bãi bỏ truyền thống tín lý và luân lý để làm vui lòng thế gian”.
Được Đức Phanxicô nâng lên hàng Hồng Y ngày 30 tháng 9, vị Hồng Y người Ý này, theo Đức Phanxicô, là “nhà giải thíchh tốt nhất Công Đồng Vatican II”. Đối với ngài, “điều cần thiết là củng cố cuộc đối thoại nội bộ trong Giáo Hội giữa các chủ trương khác nhau, giữa những người tôn vinh lòng trung thành tuyệt đối với truyền thống và những người, trái lại, tìm cách thích ứng với thế gian”.
Thực hành có thể thay đổi, tín lý thì không
Hannah Brockhaus của Catholic News Agency tường trình rằng Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki của Poznan, Ba Lan nói rằng một khó khăn của tính đồng nghị nằm ở việc phân biệt thực hành mục vụ – vốn có thể thích nghi với các hoàn cảnh văn hóa khác nhau – với tín lý của Giáo hội.
Ngài nói, “Về mặt tín lý, Giáo hội không thể áp dụng những quan điểm khác nhau của những người đến từ các lục địa khác hoặc các nơi khác trên thế giới. Tín lý phải mang tính ‘Công Giáo’ [phổ quát] và giống nhau cho tất cả mọi người”.
Ngài cho biết các cách diễn đạt mục vụ khác nhau không ảnh hưởng đến tín lý Kitô giáo, huấn quyền, Kinh thánh và thánh truyền.
“Về những điều thiết yếu, không thể có sự phát triển về tín lý Kitô giáo, nhưng về những điều không thiết yếu, luôn có thể có một sự thay đổi miễn là sự thay đổi đó là một sự phát triển thực sự”, Ngài nói thế, có ý nhắc đến khái niệm thần học về sự phát triển tín lý.
Cổ vũ việc chấp nhận giáo huấn sai lạc
Theo Edward Pentin của National Catholic Register, Đức Hồng Y Gerhard Müller, cựu bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, nói rằng Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị không phải là phiên họp của các Giám Mục, mà đúng hơn là phiên họp đồng nghị lối Anh Giáo và được một số tham dự viên sử dụng như một phương tiện để chuẩn bị Giáo Hội Công Giáo chấp nhận các ý thức hệ đi ngược lại Kinh Thánh và Thánh Truyền.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 24 tháng 10, Đức Hồng Y cũng cảnh cáo là một số người trong phiên họp đang “lạm dụng Chúa Thánh Thần” để dẫn nhập “các tín lý mới” như việc chấp nhận đồng tính luyến ái, nữ linh mục, và thay đổi việc quản trị Giáo Hội.
Ngài cho biết phiên họp Thượng Hội Đồng “bị kiểm soát rất ngặt” và khá bị thao túng, với phần lớn các phát biểu phát xuất từ một số nhỏ các diễn giả chủ chốt nói với phiên họp như thể họ không biết gì về thần học.