Vừa là một triết gia quan tâm đến nữ giới vừa là mẹ của 5 đứa con, Renee Köhler-Ryan đã nổi lên như một tiếng nói đồng nghị thuyết phục cho sự hiểu biết của Giáo hội về phụ nữ, dựa trên cả kinh nghiệm lẫn chuyên môn của bà.
Jonathan Liedl thuộc National Catholic Register phỏng vấn nữ giáo dân này ngày 25 tháng 10 năm 2023. Ông tường trình nọi dung cuộc phỏng vấn như sau:
Nếu có sự thúc đẩy việc phong chức cho phụ nữ tại Thượng hội đồng về Tính đồng nghị - mà dường như là có - thì có thể nói rằng Renee Köhler-Ryan là một trong những tiếng nói phản đối hàng đầu.
Triết gia, người vợ và người mẹ người Úc, đã gây chú ý sau cuộc họp báo tại Thượng Hội đồng vào ngày 17 tháng 10, khi bà nói rằng có “sự nhấn mạnh quá mức” vào “vấn đề thời thượng” về việc phụ nữ có thể làm phó tế hay linh mục hay không.
Người nữ giáo dân gốc Tổng Giáo phận Sydney nói, “Và điều sẽ xảy ra khi chúng ta tập trung quá nhiều vào câu hỏi này là chúng ta quên mất những gì phụ nữ, phần lớn, trên khắp thế giới, cần.”
Đây không phải là lần đầu tiên Köhler-Ryan, khoa trưởng toàn quốc của Trường Triết học và Thần học thuộc Đại học Notre Dame Australia, gây chú ý về chủ đề này. Với tư cách là đại biểu tại công đồng toàn thể đầy tranh cãi của Giáo hội tại Úc giai đoạn 2021-2022, bà viết rằng việc tập trung vào vấn đề truyền chức cho phụ nữ có vẻ “bị ép buộc”, được thúc đẩy bởi “câu chuyện thế tục đầy khiêu khích và quyến rũ rằng trừ khi một phụ nữ có thể tuyệt đối làm mọi thứ mà đàn ông có thể làm, thì họ không ‘ngang bằng’ với đàn ông.”
Là một chuyên gia về tư tưởng của Thánh Edith Stein về nữ tính và là mẹ của 5 đứa con, triết gia người Úc này đã nổi lên như một tiếng nói đồng nghị thuyết phục cho sự hiểu biết của Giáo hội về phụ nữ, dựa trên cả kinh nghiệm lẫn chuyên môn của bà.
Thực vậy, các nguồn tin tại Thượng hội đồng đang diễn ra đã nói với Register rằng chính Köhler-Ryan là người đã có bài phát biểu vào ngày 16 tháng 10 trước phần còn lại của phiên họp thượng hội đồng chỉ trích việc liên tục thúc đẩy việc phong chức cho phụ nữ - không chỉ với chức phó tế, mà còn đối với chức linh mục - như một nỗ lực giáo sĩ hóa giáo dân.
Köhler-Ryan sẽ không bình luận về tuyên bố đó khi được Register hỏi. Nhưng bà đã chia sẻ về những người mà bà nghĩ là thiếu trong các cuộc thảo luận tại Hội trường Phaolô VI, và những gì bà hy vọng không phải là kết quả của tiến trình thượng hội đồng.
Việc đại diện và 'Các Điểm mù'
Là một trong 54 phụ nữ tham gia trong số 365 thành viên bỏ phiếu của thượng hội đồng, Köhler-Ryan nói rằng bà “chắc chắn cảm thấy rất được tôn trọng với tư cách là một phụ nữ tại thượng hội đồng”.
Thực thế, bà chia sẻ rằng các giám mục từ các nơi khác trên thế giới thậm chí đã tiếp cận bà trong những thời gian rảnh rỗi để hỏi suy nghĩ của bà về cách Giáo hội địa phương của họ có thể phục vụ phụ nữ tốt hơn. Köhler-Ryan nói: “Thật là một hồng ân đặc biệt khi được cùng nhau trải nghiệm ở đó”.
Người mẹ và người vợ, người đã gặp chồng mình khi cả hai đều là sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Leuven ở Bỉ, nói thêm rằng sự tham gia mới lạ của các bậc cha mẹ vào Thượng Hội đồng đã có tác động đáng chú ý đến các cuộc thảo luận.
Các tham dự viên là phụ huynh đã thường xuyên chia sẻ những hiểu biết sâu sắc dựa trên kinh nghiệm nuôi dạy con cái trong đức tin của họ, và Köhler-Ryan cho biết các giám mục đã hoan nghênh những báo cáo này về “những gì đang xảy ra trong giáo hội tại gia”.
Cho các thành viên khác trong nhóm nhỏ của bà xem ảnh của năm đứa con của bà – 16, 14, 13, 11 và 2, những đứa con mà bà nói rằng bà “rất nhớ” – đã là một phần thường xuyên trong trải nghiệm thượng hội đồng của Köhler-Ryan.
Nếu tham vấn rộng rãi là mục tiêu của thượng hội đồng, thì triết gia người Úc cho rằng phiên họp thượng hội đồng hiện tại là một bước đi đúng hướng bằng cách “mang tính đại diện hơn”, vốn “đã là một điều tốt”.
Mặc dù vậy, Köhler-Ryan nói với Register rằng thượng hội đồng đang diễn ra – mà bà nghĩ giống như một “phiên họp của dân Chúa” hơn là một “Thượng hội đồng Giám mục”, vì 27% thành viên bỏ phiếu không phải là giám mục – có lẽ sẽ “mang tính đại diện hơn” bằng cách đưa những người Công Giáo đặc trưng, hàng ngày hơn vào các cuộc nghị bàn của nó.
Hầu hết những người không phải là giám mục tham gia thượng hội đồng đều là thành viên của các cộng đồng tu sĩ, giáo sĩ hoặc giáo dân, những người giống như chính Köhler-Ryan, làm việc chuyên nghiệp cho một số loại định chế Công Giáo hoặc hoạt động tông đồ.
Chẳng hạn, 10 thành viên của phái đoàn không phải giám mục đến từ Bắc Mỹ bao gồm hai nữ tu (một người là chưởng ấn của một giáo phận), một linh mục giáo phận, một nhà thần học đại học, một giám đốc giáo dục tại một giáo xứ, một nhà quản lý giáo dục Công Giáo, và là nhân viên giáo dân của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.
Köhler-Ryan nói về phiên họp Thượng Hội đồng nói chung: “Nếu chúng ta thực sự đang tham khảo ý kiến của dân Chúa, thì sẽ tốt hơn nếu có sự đa dạng hơn một chút trong phòng họp”. Theo bà, mối lo ngại là Thượng Hội đồng có thể có một số “điểm mù” [blind spots] về những thách thức, nhu cầu và mong muốn của người Công Giáo bình thường.
“Người làm việc trong ngân hàng, đại lý bảo hiểm, công ty cho thuê xe hơi, cửa hàng bán cá và khoai tây chiên ở Úc, hay chủ cửa hàng tạp hóa, thợ cơ khí hoặc thợ sửa ống nước, làm gì? - những người Công Giáo này cần gì ở Giáo hội?” Bà tự hỏi. “Điều tôi lo lắng là liệu chúng ta có thiếu thứ gì trong phòng khi không có họ ở đó hay không.”
Thượng hội đồng hoàn cầu hiện nay ở Rome, sẽ có phần hai vào tháng 10 năm 2024, là giai đoạn cuối cùng của một diễn trình tham vấn kéo dài nhiều năm nhằm thu thập ý kiến đóng góp từ người Công Giáo ở cấp giáo phận, quốc gia và lục địa.
Một số người đã bày tỏ lo ngại rằng các giai đoạn trước đó, vốn được dùng làm cơ sở cho các cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị, đã không nắm bắt chính xác quan điểm của toàn thể dân Chúa, do mức độ tham gia thấp và sự tham gia không cân xứng của một số nhóm nhân khẩu học.
Köhler-Ryan nói rằng, từ nay đến tháng 10 tới, điều “quan trọng” đối với những người tham gia Thượng Hội đồng và những người tổ chức là quay trở lại các giáo xứ và tìm hiểu xem những gì họ đang thảo luận tại Hội trường Phaolô VI có phải là “những điều mà mọi người thực sự quan tâm hay không.”
Chẳng hạn, bà cho biết cuộc trò chuyện kéo dài 15 phút với một người cao niên trung thành, một người cha đang cố gắng chu cấp cho gia đình mình hoặc một người mẹ vừa mới sinh con là những cơ hội vô giá để những người tham gia Thượng Hội đồng nhận được một chút nhắc nhở từ Thiên Chúa...
‘Việc truyền chức cho phụ nữ’ có gì sai
Mặt trái của việc “những người bình thường ngồi ở hàng ghế nhà thờ” không được đại diện tại Thượng Hội đồng là những quan điểm đặc thù hơn có thể được trình bầy quá mức trong các cuộc thảo luận - chẳng hạn như lời kêu gọi phong chức cho phụ nữ.
Triết gia của Đại Học Notre Dame Australia từng nói rằng sự thúc đẩy này hiện diện trong hội trường thượng hội đồng, như là sản phẩm của một “mô hình phương Tây”, được sinh động bởi các quan niệm thế tục về quyền lực và bình đẳng hơn là bởi bất cứ điều gì đặc trưng của Công Giáo.
Köhler-Ryan nói với Register: “Có rất nhiều thiện chí trong toàn bộ vấn đề này, nhưng họ đang coi chức linh mục như một loại vai trò quyền lực nào đó”.
Bà cũng nói thêm rằng trong khi một số phụ nữ có thể cảm thấy rằng họ được kêu gọi làm linh mục, nhưng cảm thức chủ quan được kêu gọi đó không tương ứng với một ơn gọi thực sự trong Giáo hội.
Triết gia này tin rằng một phần của vấn đề là những thúc đẩy phong chức cho phụ nữ đang bỏ lỡ “một điều gì đó phong phú hơn đang diễn ra trong truyền thống Công Giáo của chúng ta mà chúng ta nên khai thác nhiều hơn” – việc nhấn mạnh vào nam và nữ luôn trong tương quan với vai trò làm cha và làm mẹ.
Bà nói, truyền thống đó bao gồm toàn bộ cách “suy nghĩ về ý nghĩa của việc trở thành một người phụ nữ và một người mẹ,” từ sách Sáng thế xuyên suốt Cựu Ước, đạt đến “cao điểm” với Kinh Magnificat.
“Đức Maria chỉ dóng lên kinh nghiệm của rất nhiều người đã đến trước ngài. Nhưng thậm chí ngài còn cho chúng ta thấy nhiều hơn việc thế nào là một người phụ nữ được Thiên Chúa yêu thương và dâng hiến cuộc đời mình cho Người.”
Là một chuyên gia về những suy tư của Thánh Edith Stein về nữ tính (với một cuốn sách sắp xuất bản về chủ đề này sẽ ra mắt vào năm 2026), Köhler-Ryan nói rằng tư tưởng của cả vị thánh triết gia thế kỷ 20 lẫn của Karol Wojtyla (Thánh Giáo hoàng tương lai, Đức Gioan Phaolô II) đã giúp phát triển nền thần học về phụ nữ của Giáo hội bằng cách trung thành áp dụng truyền thống này vào các vấn đề và thách đố ngày nay. Bà cũng trích dẫn công trình của Abigail Favale, một học giả Công Giáo tập trung vào các câu hỏi về phụ nữ và giới tính tại Đại học Notre Dame “khác”, ở South Bend, Indiana.
Köhler-Ryan mô tả tầm nhìn của Giáo hội về vai trò phụ nữ, vốn luôn bao gồm cả vai trò làm mẹ, là “điều thực sự mạnh mẽ”, nhưng không phải theo cách nam tính, chuyên áp đặt ý chí của mình và ra lệnh mọi việc. Thay vào đó, bà nói, nữ tính thực sự là ở việc mang và nuôi dưỡng sự sống.
“Giáo hội là một người mẹ, và tôi nghĩ chúng ta sẽ gặp nguy hiểm khi quên tất cả những điều này, bởi vì chúng ta sẽ quên mất Giáo hội là gì nếu chúng ta tiếp tục suy nghĩ theo một mô hình rất nam tính.”
Về việc Thượng Hội đồng tập trung vào vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, vốn là đề tài của một trong những chủ đề đang được xem xét, Köhler-Ryan nói rằng bà không nghĩ rằng “mọi người đều bắt đầu từ cùng một nơi” về phương diện truyền thống của Giáo hội.
“Tất cả những điều này nên hiển nhiên đối với chúng ta, nhưng tôi không nghĩ nó như vậy.” Thực thế, ngay cả tài liệu hướng dẫn các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng, tức Tài liệu Làm việc, cũng không đề cập đến “tình mẫu tử” dù chỉ một lần – mặc dù nó đề cập đến “phụ nữ” 45 lần.
Triết gia này nói rằng có một nỗi sợ hãi trong việc khẳng định nam tính và nữ tính trong nền văn hóa ngày nay và trong viêc nói về những người mẹ và những người cha - điều này thực sự đang cản trở Giáo hội giải quyết những cuộc khủng hoảng đang gây ra tổn hại nghiêm trọng, chẳng hạn như việc mở rộng ý thức hệ chuyển giới.
Bà nói: “Thay vì sợ khẳng định nam tính và nữ tính là điều thiết yếu đối với con người chúng ta, chúng ta nên tìm ra ngôn ngữ mà chúng ta cần sử dụng để loan báo Tin Mừng một lần nữa”.
Cải cách thực sự cho phụ nữ
Sự phản đối gay gắt của Köhler-Ryan đối với việc “truyền chức cho phụ nữ” bắt nguồn từ cam kết của bà đối với cách hiểu của truyền thống Công Giáo về phụ nữ.
Nhưng cùng một cam kết ấy đã dẫn bà đến chỗ tin rằng Giáo hội có con đường để phục vụ tốt hơn và nhìn nhận các hồng ân của phụ nữ Công Giáo - điều mà Thượng hội đồng về Tính đồng nghị có thể và nên giải quyết.
Theo ước tính của bà, Giáo hội vẫn còn những “điểm mù” trong việc chăm sóc mục vụ liên quan đến nỗi đau mà nhiều phụ nữ cảm thấy do sẩy thai, vô sinh hoặc không tìm được bạn đời phù hợp cho hôn nhân. Bà nói, hỗ trợ các bà mẹ đang đi làm chăm sóc thai sản tốt hơn và đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng là “các vấn đề của phụ nữ” mà Giáo hội nên đảm nhận vai trò lãnh đạo.
Hơn nữa, Giáo hội có thể tích cực làm theo sự khuyến khích của các giáo hoàng như Thánh Phaolô VI, Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI trong việc thúc đẩy sự hiện diện của phụ nữ trong đời sống công cộng, nơi thiên tài nữ tính của họ có thể tác động tích cực đến các cuộc trò chuyện xung quanh các chủ đề như đạo đức sinh học và chiến tranh và hòa bình.
Về chủ đề đang được thảo luận tại Thượng Hội đồng, làm thế nào Giáo hội có thể hình dung lại các cơ cấu của mình theo “chìa khóa đồng nghị” để thu hút tốt hơn tất cả các thành viên của mình, bao gồm cả phụ nữ, Köhler-Ryan nói rằng “tin mừng là chúng ta thực sự có mọi cơ cấu sẵn ở đó.”
Trích dẫn những cải cách của Vatican II, triết gia người Úc nói rằng thần học về sự tham gia của giáo dân và các tổ chức như hội đồng giáo xứ và hội đồng giáo phận đã có sẵn trong kho tàng của Giáo hội - “nhưng điều chúng ta chưa làm tốt là thực sự sử dụng tất cả những cơ cấu đó một cách thích hợp cho phúc lợi của chúng ta.”
Bà cũng nói rằng Giáo hội có thể trở nên đồng nghị hơn, hoặc tốt hơn trong việc lắng nghe tất cả các thành viên của mình, bằng cách tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí quan trọng nhưng không phong chức, chẳng hạn như chưởng ấn giáo phận.
Bà nói: “Chúng ta càng có thể thu hút được nhiều giáo dân, bao gồm cả phụ nữ, tham gia vào các cơ cấu hiện có thì chúng ta sẽ càng tốt hơn”.
Do đó, trong khi một số nhà tổ chức Thượng hội đồng có ảnh hưởng, như Cha Dòng Tên Dario Vitali, điều hợp viên của các chuyên gia thần học của Thượng hội đồng, đang kêu gọi “đổi mới các tiến trình, cơ cấu và định chế trong một Giáo hội có tính đồng nghị truyền giáo”, thì quan điểm của Köhler-Ryan là “chúng ta không cần phải phát minh ra những cấu trúc mới.”
Tại sao không?
“Là các chữ này: quá nhiều cuộc họp. Chúng ta cần phải ra khỏi đó và truyền bá Tin Mừng. Nếu chúng ta họp hành cả ngày thì chúng ta không thể làm được điều đó”.