Trong Letters from the Synod số 4, Cha Gerald E. Murray, cha xứ Nhà thờ Thánh Gia của New York City, đôi khi, được gọi là Giáo xứ Liên Hiệp Quốc, từng đậu tiến sĩ tại Đại Học Gregoriana ở Rôma, tha thiết nhắn gửi các tham dự viên Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị.
Lời nhắn của một cha xứ
Kinh nghiệm của tôi trong giáo xứ đã dạy tôi rằng người Công Giáo nói chung không biết về Thượng hội đồng về tính đồng nghị là gì. Những người chú ý kỹ hơn sẽ lo lắng khi nghe rằng Thượng Hội đồng có thể tán thành việc thay đổi giáo huấn Công Giáo. Họ không chắc tại sao lại có người nghĩ rằng điều đó là có thể. Họ lo lắng.
Lời khuyên mục tử của tôi dành cho các bạn, các thành viên của phiên họp thượng hội đồng, rất rõ ràng và thẳng thắn: hãy chống lại mọi áp lực nhằm tán thành việc thay đổi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Dân Thiên Chúa chính là như vậy, một dân được hiệp nhất bởi ân sủng của Thiên Chúa trong việc tuyên xưng một đức tin được Thiên Chúa mạc khải. Đức tin này dạy một số điều mà một số người trong Giáo Hội ngày nay không ưa chuộng. Những người mong muốn thay đổi một số giáo lý nhất định để theo đuổi “sự công bằng và hòa nhập” đang coi đức tin như một thành tựu của con người cần phải được xem xét lại và viết lại hoàn toàn. Họ cho rằng hoàn cảnh xã hội hiện tại, hoặc các tiêu chuẩn đạo đức ngày càng phát triển, hoặc tiến bộ khoa học khiến cho người ta “không thể” tin vào một số điều mà Giáo hội luôn dạy. Họ cho rằng những lời dạy đó giờ đây nên bị loại bỏ vì lỗi thời và sai lầm.
Thưa các tham dự viên Thượng Hội đồng, cách tiếp cận đó sẽ gây ra đau khổ to lớn cho những tín hữu Công Giáo bình thường, những người đã được dạy một cách đúng đắn rằng các giáo huấn của Giáo hội không thể bị vứt bỏ vào đống phế liệu khi những giáo huấn đó bị những người có ảnh hưởng bác bỏ và thấy chúng không thể chấp nhận được. Những người trong hàng ghế nhà thờ biết rằng Giáo hội đã phong thánh cho nhiều vị thánh đã chịu đau khổ và chết để bảo vệ giáo huấn của Giáo hội chống lại những người bác bỏ giáo lý này hay giáo lý nọ. Các tín hữu đau lòng khi thấy các khía cạnh của di sản đức tin bị đối xử một cách nhẫn tâm như những điều xấu hổ - hoặc tệ hơn nữa, là bất công và xúc phạm đối với những người cho rằng một số giáo lý là trở ngại cho việc họ được “chấp nhận hoàn toàn” trong Giáo hội.
Tất cả chúng ta đều là anh chị em trong Chúa Kitô. Chúa Kitô là trung tâm của mọi sự. Lời dạy của Người là sự thật của Thiên Chúa, hôm qua, hôm nay và cho đến đời đời không hề thay đổi. Bất cứ sự nhượng bộ nào trước những yêu cầu gạt bỏ một số giáo lý nhất định sẽ là một vụ tai tiếng lớn lao và sẽ gây ra xung đột không cần thiết.
Đức tin đơn giản của người Công Giáo bình thường phải là mẫu mực và nguồn cảm hứng cho các bạn, những thành viên của phiên họp thượng hội đồng. Hãy bảo vệ đức tin đó trước những người nghĩ rằng việc thay đổi lời giảng dạy của Giáo hội là mục đích của phiên họp của các bạn. Những người ngồi trong hàng ghế nhà thờ biết rằng Chúa Thánh Thần không tự mâu thuẫn. Điều gì đúng thì vẫn đúng và không thể trở thành sai. Sự hiệp nhất trong Giáo hội không thể được tìm thấy trong việc xoa dịu những người bác bỏ một số học thuyết Công Giáo. Sự hiệp nhất mà tôi cảm nghiệm được trong giáo xứ của tôi là sự hiệp nhất xuất phát từ việc tuyên xưng chung một đức tin duy nhất được các Tông đồ truyền lại và được Giáo hội giảng dạy qua các thời đại.
Tôi cầu nguyện cho các bạn khi các bạn thảo luận và cân nhắc các vấn đề trước mắt. Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều là công cụ trong tay Chúa và chúng ta phải trả lời Người.
Lời nhắn của một bà mẹ sáu con
Thành thật mà nói, tôi phải thừa nhận rằng bản chất mơ hồ của “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” tự nó không dễ hiểu. Tôi đang “ở trên hiện địa”, đòi hỏi phải làm việc một cách chiến thuật hơn những người tham gia Thượng Hội đồng này. Vì vậy, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những gì tôi mong đợi ở các bạn dựa trên kinh nghiệm của tôi; làm việc như tôi làm với mọi người trong vườn nho mỗi ngày, và tiết lộ những gì họ đã dạy tôi cũng như cách họ hướng dẫn thừa tác vụ của tôi trong sự hiệp thông, tham gia và sứ mệnh.
Các bạn hãy bén rễ trong Sự thật. Làm một người Công Giáo trong thế kỷ 21 không phải là một cuộc sống dễ dàng. Chúng ta từ bỏ một cách vui vẻ và không miễn cưỡng những cám dỗ của thế giới này. Và chúng ta làm như vậy vì lời hứa về thiên đàng và vĩnh cửu với Thiên Chúa. Nếu chúng ta mong mọi người hiểu rằng sự hy sinh đáng với nỗ lực của họ, thì Giáo hội phải rõ ràng trong việc trình bày ăn khớp các giáo huấn của Chúa Kitô, tự tin truyền đạt Lời Chúa cho thế giới. Giáo Hội phải kiên quyết và yêu thương hướng dẫn mọi người trong Sự Thật. Trong một nền văn hóa không ngừng rao giảng rằng sự thật chỉ là tương đối, con người vẫn cố hữu thừa nhận sự lừa dối. Họ muốn sự chắc chắn trong một thế giới không chắc chắn và sự kiện trong một thời đại mà sự kiện dường như không thể nhận thấy được.
Chúng ta phải hiểu rằng khi sứ điệp của Chúa Kitô bị giảm sút đến mức các tín hữu không thể nhận ra, Giáo hội không những mất đi sức thu hút mọi người đến gần; nó còn đẩy lùi họ ra xa. Bằng cách không lên án tội lỗi và bằng cách pha loãng giáo lý nhằm cố gắng truyền cảm hứng cho những người ở bên lề—nhiều người theo sự lựa chọn của riêng họ—Giáo hội đã làm điều ngược lại với những gì mình dự định. Điều này chỉ truyền đạt cho những người đang ráng nắm lấy ân sủng thánh hóa của Thiên Chúa rằng việc tìm kiếm sự thánh thiện của họ là không chính đáng.
Chúng ta phải đối mặt với một nền văn hóa bóng tối chuyên tôn vinh những gì hoàn toàn trái ngược với thông điệp mà Chúa Giêsu Kitô đã trao cho chúng ta. Nhưng trong bóng tối đó luôn có một tia sáng le lói. Ánh sáng đó phải là một Giáo hội nắm giữ Kho tàng Đức tin thánh thiêng được các tông đồ của Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta. Giống như thiêu thân lao vào ngọn lửa, chúng ta sẽ bay về phía ánh sáng đó. Nhưng một con bướm đêm không bị thu hút tới những phạm vi bên ngoài, nơi ánh sáng quá mờ nhạt đến nỗi nó không còn hấp dẫn nữa. Chỉ có nguồn ánh sáng rực rỡ nhất mới duy trì được sự chú ý của chúng ta. Tương tự như vậy với đức tin, những nỗ lực gần đây nhằm mang con cái Chúa trở lại với Người bằng cách làm giảm sức mạnh của ánh sáng chỉ làm tiêu tan ánh sáng đến mức nó không tỏa sáng hơn những gì xung quanh nó. Điều này đã không thu hút được ai ở ngoại vi và khiến những người đã đến gần nguồn cảm thấy bối rối.
Các bạn hãy chính xác. Trong thế giới mất trật tự và hỗn loạn này, mọi người đang hướng tới, thậm chí đòi hỏi, sự chân chính và rõ ràng chỉ có thể tìm thấy trong giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải hiểu rõ những gì Chúa Giêsu đã truyền, cách Người yêu cầu chúng ta sống trong đức tin và chúng ta phải yêu thương nhau như thế nào. Đừng để đàn chiên suy đoán xem những lời dạy này và Giáo hội của Người có thay đổi hay không. Gần đây, những thông điệp giả mạo và những nhận xét thẳng thắn liên quan đến Kho tàng Đức tin, đôi khi trái ngược với giáo lý hai ngàn năm, đôi khi gây kinh ngạc đến mức khiến người ta tự hỏi liệu những tuyên bố này có chủ ý nhằm làm ô nhục Thân Mình Chúa Kitô hay không.
Các bạn hãy nói với các tín hữu một cách trực tiếp và không hàm hồ, không yêu cầu họ phải giải thích những gì đã dự định. Không làm được điều này sẽ tạo ra sự nhầm lẫn không chỉ khiến các tín hữu Công Giáo bối rối mà còn đánh mất uy tín của Giáo hội như một nguồn chân lý và là người bảo vệ đức tin. Tình trạng hỗn loạn gây ra bởi sự không chắc chắn về việc Giáo hội sẽ hướng dẫn những người theo mình ở đâu không chỉ làm nản lòng những người phấn đấu sống một cuộc sống đức tin; điều đó thật khó chịu đối với những người đang nỗ lực đưa mọi người đến với Chúa Kitô bằng những cách thực tế và có ý nghĩa.
Các bạn hãy tôn vinh thể thần thiêng. Có vẻ như gần đây chúng ta đã được yêu cầu giảm thiểu phép lạ vốn là sáng kiến của Thiên Chúa trong Thánh Lễ và các bí tích. Khuyến khích mọi người trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa qua những hồng ân này, tôn kính chúng với sự thán phục mà chúng đòi hỏi. Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội Công Giáo một điều gì đó khác biệt với thế giới này, một điều gì đó thánh thiêng. Trong Hy Tế Thánh Lễ, chúng ta kết hợp với thực tại thiên quốc. Lời hứa ban cánh cổng này thật đáng kinh ngạc đến nỗi nếu được phép thâm nhập vào chúng ta, nó sẽ dễ dàng nâng trái tim và tâm trí của chúng ta lên thiên đàng. Đừng cố gắng tạo ra những trải nghiệm “của thế giới này”. Khuyến khích chúng ta trải nghiệm sự thánh thiêng và cho phép tâm trí chúng ta hấp thụ ý nghĩa sâu sắc, tính biểu tượng phong phú và ân sủng sâu sắc chỉ có thể tìm thấy trong Giáo Hội Công Giáo.
Các bạn hãy can đảm. Khi chúng ta bước vào thế giới, chúng ta giống như đang bước vào trận chiến. Đó là một cuộc chiến chống lại sự dữ và tội lỗi, một cuộc chiến trong đó chúng ta thấy mình đang bảo vệ các tín hữu, Giáo hội và những lời dạy của Chúa Kitô. Những người làm nên Thân Thể Chúa Kitô đang sống dũng cảm và can đảm đến mức tôi thường thấy mình vô cùng kính phục. Thật là chán nản khi nhìn vào những người lãnh đạo, những mục tử của chúng ta và thấy họ yếu đuối hoặc mơ hồ trong cuộc chiến. Hãy kêu gọi chúng tôi sắp xếp lại phòng tuyến hoặc thay đổi kế hoạch tác chiến, nhưng đừng yêu cầu chúng tôi rút lui và cho phép chúng tôi tấn công kẻ thù để giành được đất. Hãy dũng cảm lên. Dẫn đầu với sự tự tin khi biết rằng cuối cùng Chúa Kitô sẽ chiến thắng.
Ơn gọi của tôi là làm mẹ. Tôi ước muốn yêu thương, bảo vệ và nuôi dưỡng gia đình mình để sau cuộc sống trần thế, sống trong đức tin và phục vụ, họ sẽ được đón vào thiên đàng. Tôi thất vọng, thậm chí tức giận khi Giáo hội của chúng ta không còn là đường dẫn đến mục đích đó nữa, nhưng đôi khi hành động như một trở ngại. Tôi nài xin các bạn hãy trung thành với những gì Chúa Kitô yêu cầu nơi Giáo Hội của Người. Hãy cam kết với dân của Người. Hãy là một ví dụ về lòng trung thành mà thế giới mong đợi ngày nay. Hãy rõ ràng. Hãy dũng cảm lên. Xin giúp chúng ta trở thành một dân gắn bó chặt chẽ với nền tảng của Chúa Kitô đến nỗi chúng ta tỏa sáng rực rỡ với ánh sáng rực rỡ chỉ có thể tìm thấy trong hành trình đích thực của một dân Chúa biết hoàn toàn đón nhận sứ mệnh của Chúa Kitô. Khi đó thế giới sẽ thấy rằng “dân đi trong bóng tối đã nhìn thấy ánh sáng huy hoàng” (Is 9:2).
Lời nhắn gửi của một người “đương đầu với việc bị thu hút đồng tính” và chủ trương khiết tịnh
Letters from the Sydnod số 6 đăng tải lời nhắn gửi các tham dự viên Thượng Hội Đồng của Andrew Comiskey, một nhà văn và nhà hướng dẫn giáo dân Công Giáo chuyên giúp các Kitô hữu tìm được chữa lành và nâng đỡ trong việc tìm cách sống khiết tịnh, cuốn sách mới nhất của ông là cuốn Rediscovering our Lost Fullness (Sophia Press).
Một sự lừa dối mà Giáo hội ngày nay phải đối đầu là quan niệm của thế gian cho rằng những người phải đối mặt với xung đột về bản sắc giới tính là một nhóm thiểu số, một sắc tộc và một nhóm người bị áp bức. Một nhóm như vậy thường đòi tư thế “được bảo vệ” và bất cứ ai phản đối điều đó đều bị coi là “kẻ ghét người”, thậm chí là kẻ giết người, vì đã kích động họ tự sát bằng cách không đáp ứng yêu cầu của họ.
Xin hãy vạch trần lời dối trá này tận gốc rễ và kéo nó lên ánh sáng. Nếu không, nó sẽ phát triển để chia rẽ các trường học, giáo xứ, giáo phận và Giáo hội nói chung. Những cuộc tụ họp bất tận sẽ tranh luận xem chúng ta chúc phúc cho các cuộc kết hợp, hàng giáo sĩ, các chủng sinh và thành viên Giáo hội “đồng tính nam” và “chuyển giới” đến mức nào. Thay vào đó, hãy cung ứng sự vận động và đồng hành đầy thương xót cho phẩm giá của người đó qua Thập Giá: sám hối để sống khiết tịnh; không có cách nào khác ngoài Chúa Kitô bị đóng đinh và các thành viên mến thập giá của Người.
Giáo Hội Công Giáo không thể để quyền lực của mình bị xói mòn và chuyển hướng bởi những cuộc tranh cãi “đồng tính”. Hãy chú ý đến những người anh em Thệ phản của chúng ta hiện đang bị chia rẽ và suy giảm do đòi hỏi của LGBTQ+. Chúng ta phải đọc rõ ràng được sự lừa dối và phải hành động một cách chân thật trong yêu thương. Giáo hội chào đón những tội nhân bị chia rẽ, chứ không phải một nhóm “những người bị áp bức” được vũ khí hóa. Từ chối các cấu trúc xã hội LGBTQ+ trên nền tảng vững chắc của nhân chủng thần học, đạo đức tình dục của chúng ta và Lòng Thương Xót Chúa nâng người ăn năn khỏi hàng loạt bất xứng tình dục.
Chưa bao giờ Giáo hội cần phản văn hóa hơn thế. Các thực tại LGBTQ+ cám dỗ một thế hệ xem xét lại liệu nhân tính có tính nhị phân hay không. Điều này có sức thuyết phục về mặt xã hội đối với nhiều người hiện đang thử nghiệm hàng loạt các lựa chọn không hề xấu hổ, như các mối quan hệ “đồng tính” và nhận dạng “chuyển giới”.
Chúng ta có thể làm tốt hơn. Tôi biết ơn những người cha, người mẹ trong đức tin đã kêu gọi tôi từ sự bối rối đến sự rõ ràng về bản sắc và hành động tỉnh táo. Tôi đặc biệt quý trọng những người cha trong đức tin, những người đã nhìn thấy nhiều hơn tôi về nam tính đang ngủ yên của tôi và đồng hành cùng tôi trong việc đánh thức nó. Đức hạnh từ bên ngoài kêu gọi đức hạnh từ bên trong. Mặc dù một vài “người cha” đã khiến tôi hiểu lầm khi khẳng định bản thân “đồng tính” của tôi là khó chữa, nhưng tôi vẫn biết ơn đa số đã hiểu được bản chất thực sự của khiết tịnh - một hồng ân và một mục tiêu (Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, 2342, 2345) mà tôi, với tư cách là con của Chúa Cha, có thể khao khát vươn tới: thực tiễn và đầy hy vọng.
Bổ sung cho giới lãnh đạo vững chắc Giáo hội là hồng phúc “lẫn nhau”, những người đàn ông và đàn bà mà tôi tập hợp lại để thúc đẩy nhau tiến lên trong khát vọng khiết tịnh của chúng tôi. Trong những năm qua, tôi đã phát triển những cách hiệu quả để tụ tập trong các nhóm nhỏ trong giáo xứ để cầu nguyện, khuyến khích và trưởng thành trong bản sắc nam nữ của chúng tôi. Chúng tôi tụ tập để đón nhận tình yêu và trao tặng nó theo tinh thần Imago Dei [hình ảnh Thiên Chúa] (x. 1 Cr. 11:11-12). Chúng tôi hàn gắn để hiện diện “cho” nhau.
Là một lễ dâng được trưởng lão ban phước nhưng được điều hành bởi giáo dân, chúng tôi đã học được những giới hạn vững chắc và phong cách giảng dạy đơn giản giúp giữ cho “nước” trong lành và chuyển động. Trong đó, chúng tôi hợp nhất với các chi hội tông đồ Courage [Dũng Cảm] trên khắp thế giới. Những người đấu tranh như chúng tôi nhận ra rằng mỗi người chúng tôi đều được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa; do đó chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ người khác biết được hồng phúc tình dục của họ. Khi trở nên đủ tự do để nới rộng phước lành (lúc đầu trong môi trường nhóm nhỏ “an toàn”), chúng tôi trở nên trọn vẹn hơn.
Và trong trạng thái trọn vẹn đó chúng tôi trở thành nhân chứng. Con rồng có thể rình mò và gầm lên để đe dọa chúng tôi, nhưng chúng tôi chống lại hắn bằng máu và lời chứng của mình (xem Khải huyền 14:7–12). Những cám dỗ của chúng tôi về tội dâm ô ngày càng gia tăng bởi những nhân chứng giả trong và ngoài Giáo hội. Mạnh mẽ hơn, chúng tôi chống lại những câu chuyện sai lệch bằng cách lên tiếng về những rung động của sự hòa nhập mà chúng tôi trải qua.
Tôi thích điều đó! Chúng tôi tìm thấy tiếng nói của mình bằng cách khớp nối quyền năng biến đổi của Chúa Giêsu giữa chúng tôi. Lời nơi anh chị em tôi củng cố tôi và tôi đáp lại ân huệ đó. Nếu biết lắng nghe, Giáo Hội xung quanh chúng tôi có thể nghe được Tin Mừng qua việc một tội nhân tình dục trở thành một vị thánh. Ít bài giảng về đức khiết tịnh đưa ra một tầm nhìn một cách đẹp đẽ hơn một tội nhân khiêm nhường biết làm chứng về cách Chúa Giêsu và Giáo Hội đã thống nhất cuộc sống chia rẽ của họ. Vinh quang. Chúng ta tạo ra không gian thánh thiêng để phục hồi người khác bằng cách tuyên bố tình yêu không bao giờ phai nhạt của Người với những chi tiết chuyên biệt về những gì có thể đã hủy hoại chúng ta.
Bí tích xưng tội và Bí tích Thánh Thể ban sức mạnh cho những chứng nhân như vậy. Lời nói của tôi chẳng có ý nghĩa gì trừ khi chúng phù hợp với cuộc sống thực. Điều đó xoay quanh việc thường xuyên trút bỏ tội lỗi của tôi với một đại diện khá tốt của Chàng Rể, người chuẩn bị cho tôi bằng cách phơi bày những điều khiến tôi buồn tẻ và làm tôi chuyển hướng tập trung vào vẻ đẹp của Người và lợi ích của người khác.
Tôi không muốn bất cứ điều gì cản trở lòng thương xót của Người. Tôi mạnh dạn bước tới ngai vàng của Người trong tòa giải tội và được giải tỏa. Nó đơn giản. Sự hòa giải với Chúa Kitô và Giáo hội chuẩn bị cho tôi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Tôi sẽ không tham gia một cách không xứng đáng (xem 1 Cr 11:27–28): Nếu trí tưởng tượng và tình cảm của tôi bị làm xáo trộn bởi những thứ không trong sạch, tôi muốn và cần được tẩy rửa. Tôi muốn trái tim mình được rửa sạch hơn đôi tay khi chuẩn bị cho bữa ăn thánh.
Tôi muốn thưởng thức chính Chúa, dành thời gian tại bàn ăn và được nuôi dưỡng bởi chính yếu tính của Người để tôi có thể trung thành với Người bằng cách tiếp tục thực hiện những bước đi đúng hướng. Nó có hiệu quả. Mỗi lần tôi đọc (tôi thường xuyên làm như vậy), “Lạy Chúa Cứu Thế, xin cứu chúng con,” và “Chỉ cần Chúa nói một lời thì linh hồn con sẽ được sạch,” ý tôi muốn nói như vậy. Ngôi Lời ban chính Người cho tôi để tôi có thể trung thành. Phải lấy Thiên Chúa để yêu Thiên Chúa. Làm sao tôi lại không thể được cứu nhiều hơn, được chữa lành nhiều hơn tại bàn ăn? Không có cách nào khác ngoài Chúa Kitô chịu đóng đinh, bữa ăn thánh.
Tất cả những điều này là cách mọi Kitô hữu có thể và nên sống. Tất cả chúng ta đều là những con người tan tác, và con đường dẫn đến tích nhập, tới khiết tịnh đối với tôi cũng không khác mấy so với con đường của các bạn. Điểm khởi đầu của chúng ta có thể khác nhau nhưng Con đường vào là Con đường tiếp tục, liên tục, bất chấp xung đột. Tôi hy vọng các bạn có thể đồng ý với người dìu dắt của tôi, người đã từng nói: “Sự phục hồi của những người bị thu hút đồng tính là sự phục hồi của tất cả mọi người…'một Chúa, một đức tin, một lễ rửa tội, một Thiên Chúa và là Cha của tất cả mọi người' ” (Êphêsô 4:4).
Lời nhắn gửi của một học giả
Letters from the Synod 2023 số 7 đăng tải lời nhắn gửi của Mary Eberstadt, hiện giữ Ghế Panula về Văn hóa Kitô giáo tại Trung tâm Thông tin Công Giáo ở Washington và là Nghiên cứu viên Cao cấp của Viện Đức tin và Lý trí. Là mẹ của 4 đứa con, bà là tác giả của nhiều tiểu luận và một số cuốn sách, trong đó cuốn gần đây nhất là Adam and Eve After the Pill, Revisited; lời tựa của nó được viết bởi Đức Hồng Y George Pell ngay trước khi ngài qua đời vào đầu năm nay. Bà đặc biệt muốn nói tới cuộc cách mạng tình dục và chiều hướng gia tăng cả ở bên ngoài tôn giáo muốn tra vấn cuộc cách mạng này, trong khi một số người bên trong Giáo Hội lại cổ vũ, muốn rước nó vào trong Giáo Hội.
Áp lực phải đầu hàng cuộc cách mạng tình dục xuất phát từ hai hướng. Một là phong trào phản văn hóa theo chủ nghĩa thế tục rộng rãi hơn, trong đó xu hướng tân ngoại giáo phản đối Kitô giáo đang ngày càng tăng cường. Áp lực còn lại nguy hiểm hơn phát sinh từ chính bên trong Giáo hội. Chứng kiến đàn chiên thường được dạy giáo lý sơ sài, tân ngoại giáo hóa của họ bị quét sạch, một số mục tử than thở rằng những giáo lý cốt lõi về hôn nhân và tình dục không được “tiếp nhận tốt lắm”—thứ ngôn ngữ tiên định dùng cho chiến dịch làm chúng bớt khắc nghiệt, với hy vọng rằng một ngày nào đó chúng sẽ bị xóa bỏ. Ý niệm ngụ hàm trong đó là sự thật của tín điều không phải là tuyệt đối, mà tương đối, tùy thuộc mức độ ưa chuộng nó ở hàng ghế nhà thờ.
Trước tiên, các thành viên của Thượng Hội đồng có thể xem xét vấn đề gây mệt mỏi nhưng có thực sự của độ dốc trơn trượt. Nếu giáo lý phải bị vứt bỏ do không được ưa chuộng, thì thao tác này sẽ kết thúc ở đâu? Đo lường bằng số liệu thống kê, nghĩa vụ tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ thánh cũng không được “tiếp nhận tốt lắm”. Đánh giá bằng việc tiêu dùng phô trương rõ ràng vào mỗi mùa nghỉ lễ và trong mọi mùa khác, điều răn chống lại sự ham muốn [vợ người, của người] cũng không được tiếp nhận bao nhiêu. Xưng tội thường xuyên, làm việc thương xót về thể xác, hành xác: càng thêm nhiều người tiếp nhận không đúng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều người Công Giáo muốn vứt bỏ các giáo huấn khiến những người hàng xóm duy tục của chúng ta khó chịu, bao gồm cả lệnh cấm tránh thai cổ xưa. Điều này đưa chúng ta đến một loại tai họa khác xảy đến với các giáo phái đã làm việc đó. Sự thay đổi đó không những dẫn đến sự sụp đổ định chế hết trường hợp này đến trường hợp khác. Nó còn kéo theo hệ quả đen tối. Nếu nửa thế kỷ hợp pháp hóa việc phá thai trên khắp thế giới đã cho thấy điều gì đó thì đó là việc tránh thai làm gia tăng tỷ lệ phá thai. Theo nghĩa này, một Giáo hội bị thay đổi không phải chỉ là một Giáo hội có khuôn mặt tươi cười. Một Giáo hội bị thay đổi sẽ vấy máu trên tay mình.
Bùa phép “tiếp nhận” thất bại vì một lý do khác: Thực tại tốt lành nhất thời hậu cách mạng ngày nay không phải là việc người ta phẫn nộ với giáo huấn Công Giáo về tình dục. Đó là tin cũ - đã hai nghìn năm rồi. Không, thực tại tốt lành nhất và ít được quan tâm nhất là phản ứng hoài nghi đối với cuộc cách mạng tình dục đang gia tăng bên trong và bên ngoài Giáo hội.
Vào quý đầu tiên của thế kỷ 21, khi đống đổ nát khủng khiếp của cuộc cách mạng tình dục ngày càng chồng chất, điều khiến nhiều người phương Tây trở lại với Giáo hội không phải là sự phản kháng chống lại giáo huấn Công Giáo, mà là mong muốn trung thành với giáo huấn đó. Họ tìm cách thoát khỏi nền văn hóa thấp kém, bẩn thỉu, tân ngoại giáo – đặc biệt là tính dục xuống cấp của nó. Tương tự như vậy, công cuộc truyền giáo phi thường ngày nay ở Châu Phi và Châu Á vẫn tiếp tục, không phải bất chấp quy tắc khắt khe của Kitô giáo, mà bởi vì các giáo huấn này về tính thánh thiêng của sự sống và hôn nhân đã tỏa sáng chống lại các phương thức phản Kitô giáo và phi Kitô giáo, bao gồm nhưng không giới hạn vào chế độ đa thê.
Điều này đưa chúng ta đến một điểm cuối cùng dành cho tất cả người Công Giáo, không chỉ những người đang mơ về một Giáo hội sành điệu hơn, phất cờ cầu vồng. Các giáo huấn tương tự mà một số người hy vọng sẽ tận diệt đang nhận được những sự lắng nghe mới và bất ngờ bên ngoài Giáo hội, ở cùng một phương Tây đang tái ngoại giáo.
Điều này một phần là do sự uyên bác đầy nhiệt huyết của chính những người theo chủ nghĩa truyền thống tôn giáo - bao gồm cả công việc của các nhà thần học và triết gia nữ. Những bằng chứng ngày càng tăng đó phải được đặt lên hàng đầu và trung tâm khi Thượng Hội đồng cân nhắc – đặc biệt đối với những người lớn tiếng thắc mắc phụ nữ của Giáo hội ở đâu. Một câu trả lời là: họ đang bảo vệ Con Thuyền Phêrô.
Hãy xem xét một hội nghị chuyên đề mang tính bước ngoặt được tổ chức tại Washington, D.C., vào năm 2018 về “Suy nghĩ lại về Cách mạng Tình dục,” được đồng tài trợ bởi Diễn đàn Phụ nữ Công Giáo tại Trung tâm Chính sách Công và Đạo đức, Trung tâm Đạo đức và Văn hóa de Nicola của Đại Học Notre Dame, và Tổng Giáo phận Washington. Nó có chứng từ của các nhà thần học, triết gia và các học giả khác, cùng với luật sư, nhà trị liệu và nhà báo - gần như tất cả đều là phụ nữ ở các vị trí có thế giá trí thức, sử dụng sức mạnh tập thể của họ nhân danh những chân lý đạo đức cổ điển. Ngoài thí dụ đó, có thể bổ sung thêm những thí dụ khác đã nảy sinh trong tình liên đới, đưa ra lập luận chống lại sự đầu hàng bằng một nghị lực mới và nền học giả mới.
Một sự thật nữa mà chúng ta không thể giả vờ không biết, và trên hết, các thành viên của Thượng Hội đồng có thể ghi nhớ: Một phần để đáp lại một công trình như vậy, các nhà văn từ các khu vực bên ngoài tôn giáo đang dần dần xem xét lại cuộc cách mạng tình dục—và họ cũng đang thu hút được sự chú ý.
Thí dụ, tại Vương quốc Anh, Pháp và Đức, ba cuốn sách mang tính hoài nghi như vậy đã được công bố chỉ trong vài năm gần đây, tất cả đều là đối tượng được thảo luận sôi nổi và tất cả đều đến từ bên ngoài Hành tinh Công Giáo. Trên các phương tiện truyền thông thế tục ngày nay, những câu hỏi về thuốc tránh thai, việc chung sống và ly hôn mà trước đây không thể nghĩ tới đang tràn ngập. Hoặc hãy xem xét một hiện tượng khác bị cấm vì quy tắc xưa của Kitô giáo: văn hóa khiêu dâm. Ngày nay, những người phỉ báng nó không chỉ bao gồm những người trong giới tôn giáo, mà còn có một danh sách dài những người nổi tiếng và những nhân chứng thế tục khác.
Các phân tích tiên tiến ngày nay, cả thế tục lẫn tôn giáo, đang xếp hàng sau chủ nghĩa xét lại về cuộc cách mạng tình dục, chứ không đầu hàng nó. Những diễn biến này đánh dấu một sự chuyển đổi ở phương Tây thời hậu cách mạng. Vì lý do đó, những người làm loãng giáo huấn Công Giáo không thể chọn thời điểm tồi tệ hơn để gây áp lực cho lập luận của mình. Thật vô nghĩa khi hoan hô sự xâm nhập của cuộc cách mạng tình dục vào Giáo hội, khi rất nhiều người bên ngoài đang chập chững trở lại với những sự thật cổ xưa, và rất nhiều người ở bên trong đang bảo vệ những sự thật đó với một sức sống mới.
Cuối cùng, đó là lời kêu gọi cuối cùng đối với những người có mặt tại Thượng Hội đồng: Thật tuyệt vời biết bao khi Giáo hội duy trì một cách không nao núng những giáo huấn lâu đời của mình, bất kể nó có nhàm chán và không được ưa chuộng đến thế nào trong một thời gian dài. Thật là một thảm kịch cho thế giới nếu, vào thời điểm này, chính các nhà lãnh đạo Công Giáo lại bỏ lỡ, giữa tình trạng hỗn loạn hậu cách mạng ngày nay, một sự minh chứng rõ ràng và sâu sắc.