Phải nói ngay rằng tài liệu cuối cùng của Bắc Mỹ về tính đồng nghị có điểm khác biệt. Nó là bản phân tích và tổng hợp không phải của một phiên họp trực tiếp gồm các đại diện của Bắc Mỹ mà là của nhiều bản tổng kết từ 12 phiên họp lục địa trực tuyến.



A.Dẫn Nhập

Theo phần dẫn nhập của Tài liệu, hình thức ảo được chọn lựa để càng có nhiều đại biểu càng hay. Thực tế, 931 đại biểu đã tham dự các phiên họp trực tuyến này, một kỷ lục, bao gồm 50.2% phụ nữ và 49.8% nam giới, trong đó, 391 là nữ giáo dân, 235 là nam giáo dân, 76 phó tế, 148 linh mục, 77 nữ tu và 4 nam tu sĩ không thụ phong, chưa kể 146 Giám Mục tham dự một trong các phiên họp trực tuyến này.

Sau khi các phiên họp ảo kết thúc, các đại diện của mỗi phiên gặp trực tiếp Nhóm Thượng Hội Đồng Bắc Mỹ, tức nhóm có nhiệm vụ soạn thảo Tài liệu này để chia sẻ thành quả phiên họp của họ, cho thấy các thể tài và kinh nghiệm chung. Nhờ thế Nhóm Thượng Hội Đồng Bắc Mỹ nắm vững việc có những căng thẳng mạnh mẽ bên trong Giáo Hội nhưng cũng có niềm hy vọng và khích lệ và ý muốn được thấy diễn trình Thượng Hội Đồng tiếp diễn.

Nhóm Thượng Hội Đồng Bắc Mỹ sau đó đã khởi sự một tuần tĩnh tâm hay biện phân trước khi bắt tay vào việc soạn thảo Tài liệu sau cùng. Điều đầu tiên họ biện phân được là tính “messiness” (khó nắm?). Tính đồng nghị quả không dễ hiểu, nhưng đồng thời có việc thừa nhận rằng niềm tín thác vào Chúa Thánh Thần là điều chủ yếu để đạt được hoa trái cho Thượng Hội Đồng.

Để bảo đảm Tài liệu này phản ảnh những gì đã diễn ra tại 12 phiên họp ảo, Nhóm Thượng Hội Đồng Bắc Mỹ đã mời sự nhận định và suy tư về dự thảo tài liệu này từ 25 đại biểu Gia Nã Đại và 25 đại biểu Hoa Kỳ. Dự thảo sau đó đã được viết lại dựa vào đóng góp của các đại biểu này. Các Giám Mục do hai Hội Đồng Giám Mục liên hệ đã chứng thực và chấp thuận Tài liệu sau cùng này.

Tài liệu đưa ra nhận định tóm lược như sau về các phiên họp lục địa Bắc Mỹ: "nhờ phép rửa chung, mỗi người chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi và được Người ban tặng phẩm giá. Phép rửa chung này đặc chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô và với nhau. Diễn trình thượng hội đồng từ trước đến nay làm chúng ta ý thức nhiều hơn việc hiệp thông của chúng ta nhấn mạnh ở điểm nào. Nhưng nó cũng cho thấy càng trở thành các môn đệ truyền giáo, chúng ta càng giải quyết các thách thức này. Phẩm giá phép rửa của chúng ta không thể tách rời khỏi trách nhiệm phép rửa của mình, một trách nhiệm vốn sai chúng ta đi truyền giáo".

B. Ba thể tài chủ yếu

1.Được kêu gọi và ban ơn nhờ phép rửa

Hành trình trở thành một Giáo Hội đồng nghị bắt đầu với việc thừa nhận phẩm giá của mọi người đã chịu phép rửa, bất chấp chủng tộc, quốc tịch, điều kiện xã hội hay giới tính vì chúng ta là một trong Chúa Giêsu Kitô. Điều này dấy lên ý muốn được thừa nhận nhiều hơn, và cơ hội đồng trách nhiệm bên trong Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội.

Đồng trách nhiệm

Trong phiên họp lục địa Bắc Mỹ, thường xuyên có ước mong đồng trách nhiệm lớn hơn giữa giáo dân và giáo sĩ, gồm cả các Giám Mục, dựa trên tính bình đẳng do phẩm giá rửa tội đem lại.

Tinh thần đồng trách nhiệm này thách thức mỗi người chúng ta hợp tác và thông đạt giữa mọi người thuộc dân Chúa.

Phụ nữ

Sẽ không có đồng trách nhiệm, nếu không tôn trọng trọn vẹn phẩm giá cố hữu của phụ nữ, một điều chưa thỏa đáng trong Giáo Hội. Giáo Hội Bắc Mỹ được kêu gọi “thừa nhận, biện phân, và cổ vũ vai trò của phụ nữ... để họ có sự hiện diện lớn hơn trong Giáo Hội, kể cả lãnh vực ra quyết định".

Tuổi trẻ

Thừa nhận và tôn trọng các năng khiếu và tài năng của giới trẻ là một khía cạnh chủ yếu khác của một Giáo Hội đồng trách nhiệm ở Bắc Mỹ, một điều bị nhiều đại biểu cho là vẫn thiếu vắng không những ở các giáo xứ mà còn ở ngay chính Phiên họp Lục địa, nói chi đến phiên họp tại Rôma!

Việc đào tạo

Phiên họp nói chung bầy tỏ một khát vọng lớn lao được đào tạo để sống cả phẩm giá phép rửa của họ lẫn bổn phận của họ trong một Giáo Hội đồng trách nhiệm, nhất là như một đáp ứng đối với các thách thức hiện nay. Đào tạo mọi người và suốt đời về giáo huấn nền tảng của đức tin, về tính đồng nghị, đồng trách nhiệm, chào đón, và đi ra các vùng ngoại vi.

2. Hiệp thông với Chúa Kitô và với nhau

Phiên họp lục địa Bắc Mỹ nhấn mạnh nhiều đến việc phải duy trì tính trung tâm của Chúa Giêsu, trung tâm đời sống ta là Thánh thể; Trung tâm đức tin của ta là con người Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà với Người, chúng ta kết hợp nhờ phép rửa, qua đó, chúng ta hiệp thông với nhau.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho biết có cảm thức phân cực, phân mảnh trong Giáo Hội. Cảm thức này trải dài suốt các giai đoạn giáo phận, quốc gia và lục địa.

Tin tưởng và tính khả tín

Một đe dọa lớn đối với việc hiệp thông bên trong Giáo Hội là thiếu tin tưởng, nhất là giữa các Giám Mục và giáo dân, nhưng cả giữa hàng giáo sĩ nói chung và hàng ngũ giáo dân, phần lớn do nạn lạm dụng tình dục hay các bạo lực ở các trường nội trú gây ra.

Bao gồm nhiều hơn

Một trong các nhân tố bị nhìn như phá vỡ hiệp thông là cảm nghiệm của nhiều người rằng một số người hay nhóm người cảm thấy không được chào đón trong Giáo Hội. Phiên họp nêu ra: phụ nữ, giới trẻ, di dân, các nhóm thiểu số chủng tộc hay ngôn ngữ, những người LGBTQ+, những người ly dị tái hôn không có án tuyên bố hôn nhân vô hiệu, và những người ít nhiều khuyết tật về thể lý và tinh thần.

Nhiều người nói đến cảm thức đau đớn của những người vì lý do này hay lý do nọ không được rước lễ. Cũng có người nói tới vết thương do việc hạn chế lễ nghi Latinh tiền công đồng gây ra.

Lắng nghe

Lắng nghe không luôn có nghĩa là tìm được giải đáp ta mong muốn, mà là giúp ta hiểu quan điểm của người khác để chào đón họ. Thượng Hội Đồng là một kinh nghiệm vừa được nghe vừa lắng nghe. Điều quan trọng là người ta có cơ hội được nói nhưng cũng được nghe, được chứng thực và nhìn nhận.

3. Được sai đi thi hành sứ mệnh

Các tham dự viên thừa nhận nhiệm vụ hiệp thông của người đã chịu phép rửa là ra đi tới những khu ngoại vi để công bố Tin Mừng và chăm sóc những người bị thương tích và chà đạp. Có đóng góp cho rằng Giáo Hội ở đỉnh cao tiếng tốt khi cùng bước đi với những người bị đẩy ra ngoại vi xã hội, không chào đón người ta ở chỗ chúng ta sống mà là ở chỗ họ sống.

Muốn công bố Chúa Kitô một cách hữu hiệu và rõ ràng, Giáo Hội phải hợp nhất, thay vì phân mảnh thành những nhóm biệt lập.



Một Giáo Hội trong thế giới

Có nhiều căng thẳng đối với một Giáo Hội được sai vào thế giới: chủ nghĩa tiêu dùng và duy thế tục đem lại những giải pháp sai lầm, các xáo trộn kinh tế chính trị đem lại nhiều thiệt hại cho Giáo Hội. Trước những căng thẳng này, nhiều người tỏ ra sợ sệt, người khác lại coi là cơ hội để hợp tác với người có tín ngưỡng khác. Lèo lái các căng thẳng này là một nhiệm vụ quan trọng của việc truyền giảng tin mừng tại Bắc Mỹ ngày nay.

>Đào tạo về sứ mệnh và giáo huấn xã hội Công Giáo

Nhiều người nhấn mạnh đến nhu cầu được đào tạo thỏa đáng về đức tin để có thể mang nó vào thế giới. Cả đào tạo về giáo huấn xã hội Công Giáo nữa.

C. Các suy tư của các Giám Mục về kinh nghiệm đồng nghị ở Bắc Mỹ

Các Giám Mục nhắc lại việc các ngài tham dự diễn trình Thượng Hội Đồng từ giai đoạn giáo phận tới giai đoạn soạn thảo tài liệu này và dĩ nhiên chứng thực và chấp thuận nó để được gửi tới Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng.

Các ngài cho hay giai đoạn giáo phận đã được cảm nghiệm như là “ân sủng lớn lao, mặc dù đôi lúc thách thức, và như một kinh nghiệm học tập”. Nghĩa là hân hoan “được lắng nghe và đối thoại với dân chúng của mình”. Nhưng không khỏi có “một loại không chắc chắn và mơ hồ về việc ‘tất cả những điều này sẽ đi đến đâu’”

Các ngài tỏ lòng cám ơn Giai đoạn lục địa với Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa đã “cung cấp cửa sổ hiếm có để Giáo Hội Bắc Mỹ nghe các tiếng nói từ Giáo Hội đang trải nghiệm các thử thách lớn lao, thậm chí bị bách hại”. Các ngài hân hoan, được thấy việc cùng chung chia các quan tâm từ khắp các tình huống hoàn cầu khác nhau. Giúp các ngài “mở rộng ý thức về các thực tại của đời sống Giáo Hội ở các nơi khác nhau trên thế giới. Nó cũng giúp các ngài nhìn trở lui chính tình huống của mình tại các Giáo Hội địa phương và nhìn ra các điểm chung cùng chia sẻ”.

Các ngài cũng biết ơn được chứng kiến “niềm vui của những người đã nhận phép rửa được yêu cầu tham dự và chia sẻ quan điểm, cũng như lời mời gọi đồng trách nhiệm... Được nghe nhiều niềm đau và căng thẳng do các tham dự viên phát biểu”, một điều các ngài coi là có “giá trị mênh mông”.

Tuần lễ tĩnh tâm chuẩn bị soạn dự thảo tài liệu cuối cùng được các ngài đánh giá cao như “một trải nghiệm giá trị về tính hợp đoàn”, qua nó, các Giám Mục của Gia Nã Đại và Hoa Kỳ “đề cập tới các trải nghiệm chung cũng như các sắc thái và tính đa dạng trong các hoàn cảnh của từng Giáo Hội, nhờ thế hiểu biết nhau nhiều hơn và có cảm thức về một mối dây nối kết độc đáo. Các ngài tỏ ý tiếc khi Giáo Hội Mễ Tây Cơ không cùng sinh hoạt với hai Giáo Hội Gia Nã Đại và Hoa Kỳ vì giữa các Giáo Hội này, đức tin và việc thực hành đức tin có tác dụng hỗ tương rất sâu sắc.

Cuối cuộc tĩnh tâm này, các Giám Mục nhận xét rằng “người dân của chúng tôi quan tâm đến việc chúng tôi sẽ đi đến đâu với việc này. Tính đồng nghị là một cuộc phiêu lưu và chúng tôi không quen thuộc lắm với nó. Chúng tôi có kinh nghiệm về các hội đồng mục vụ giáo xứ, hội đồng linh mục, và các hội đồng mục vụ giáo phận, nhưng lần này thì khác, lớn hơn. Làm sao chúng tôi có thể dạy về nó và học hỏi về nó? Chúng tôi cần làm nhiều hơn với người dân của mình –lắng nghe họ nhiều hơn để hỗ trợ sự biện phân của chúng tôi; ngồi xuống với họ và thảo luận đời sống tôn giáo trong giáo phận. Chúng tôi không thể chỉ ngồi trong văn phòng và tự đưa ra các quyết định quan trọng”.

Các giám mục rất biết ơn về những cuộc đàm luận và lời cầu nguyện thiêng liêng đã có mặt trong suốt nỗ lực thượng hội đồng. Đối với các ngài, muốn trở thành những người đối thoại, trước tiên chúng ta phải đối thoại với Thiên Chúa; tính đồng nghị cần phải dựa trên một cuộc đối thoại với Kinh thánh và Thiên Chúa. Do đó, có nhu cầu phải cổ vũ việc đào tạo rất cần thiết về việc cầu nguyện và biện phân Kinh thánh.

Các giám mục cũng lưu ý rằng đại đa số người dân của các ngài có rất ít hoặc không có liên hệ trực tiếp với diễn trình đồng nghị và không chắc chắn về vai trò của họ trong đó. Tương tự như vậy, nhiều người không chắc chắn về vai trò biện phân của giám mục địa phương và giám mục đoàn hợp nhất với Đức Giáo Hoàng khi diễn trình khai diễn.

Như một kinh nghiệm học tập, các giám mục cho rằng phải thừa nhận các điểm yếu. Chúng ta chưa làm tốt việc tham khảo ý kiến người nghèo, người nhập cư, người bản địa và các nhóm thiểu số trong cộng đồng của chúng ta, và nhiều người khác bị tổn thương trong Giáo hội và trong xã hội.

Các ngài nhận thấy có sự vắng mặt tương đối của các linh mục trong diễn trình này. Các linh mục có trách nhiệm giải quyết vấn đề này trong tương lai, cả bằng gương sáng lẫn cách truyền đạt sự minh bạch và sự phong phú thiêng liêng/mục vụ của tính đồng nghị. “Chúng ta cần có ý hướng nhiều hơn trong việc làm việc với các linh mục và ban lãnh đạo giáo xứ của chúng ta về tính đồng nghị.”

Các Giám Mục cũng tỏ ý lo ngại về nguy cơ của những kỳ vọng sai lầm hoặc không thực tế liên quan đến việc diễn trình Thượng Hội đồng có nghĩa gì và “sản xuất” ra điều gì. Nền văn hóa phương Tây, Bắc Mỹ tự động suy nghĩ theo cả các kết quả có thể đo lường được lẫn người thắng và người thua, và tiếng nói của Giáo hội có thể bị nhấn chìm bởi sự thúc đẩy cạnh tranh đó. Tuy nhiên, các giám mục cảm thấy cần phải thể hiện một cách khác, một cách biết cổ vũ phép rửa chung, sự hiệp thông trong Chúa và ý chí làm việc với nhau để giải quyết những thử thách gặp phải, được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần và trung thành với Chúa Giêsu.

Các giám mục ghi nhận tầm quan trọng của các bản tổng hợp quốc gia cũng như Tài liệu Cuối cùng của lục địa này. Các ngài coi chúng như những tài liệu dùng để phản ảnh lại cộng đồng địa phương những gì đã được nói và nghe trong các cuộc tham vấn thượng hội đồng. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc thừa nhận rằng với tư cách là Giáo hội ở Gia Nã Đại và Hoa Kỳ, chúng ta đã lắng nghe những người cảm thấy bị tổn thương hoặc bị Giáo hội bỏ rơi. Điều này không giải quyết được vấn đề hay chữa lành vết thương, nhưng nó là một khởi đầu quan trọng.



D. Các ưu tiên đệ trình Phiên Họp Thượng Hội Đồng tại Rôma tháng 10 năm 2023

Tài liệu trình bầy các ưu tiên nguyên văn như sau để Thượng Hội Đồng thường lệ lần thứ 16 ở Rôma xem xét:

Giáo hội ở Bắc Mỹ đã trải qua một khoảnh khắc đáng kể của niềm vui và hy vọng trong cuộc hành trình dọc theo con đường đồng nghị. Tập hợp trong tinh thần cầu nguyện lắng nghe, các cộng đồng địa phương trong các giáo phận của chúng tôi đã bày tỏ niềm vui và sự lo lắng của họ. Con đường ban đầu dẫn đến những cuộc trò chuyện tâm linh được chia sẻ ở mỗi quốc gia của chúng tôi, và sau đó là các cuộc trò chuyện tương tự, với nhau của các đại biểu đến từ Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Trong Phiên Họp Lục Địa, nhiều dư âm và căng thẳng đã được bày tỏ, tất cả đều được nói lên vì tình yêu lớn lao dành cho Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người. Nhóm Thượng hội đồng Bắc Mỹ đã làm việc để đưa ra một giải trình tổng hợp về sự phong phú của các cuộc đối thoại. Nhóm Thượng Hội đồng đã tập hợp các chủ đề chính xuất hiện từ Phiên họp Lục địa của chúng tôi và nay đề xuất chúng để xem xét thêm tại Phiên họp Thượng Hội đồng sẽ được tổ chức tại Rôma vào tháng 10 năm 2023.

1. Tích hợp việc tham vấn đồng nghị trong các Giáo hội địa phương. Điều này sẽ bao gồm việc đào tạo cả về tính đồng nghị lẫn nền linh đạo biện phân. Mặc dù con đường đồng nghị đã được trải nghiệm với niềm vui như vậy trên lục địa của chúng tôi bởi những người tham gia, chúng tôi thừa nhận rằng nó chỉ là một khởi đầu. Còn nhiều việc phải làm để tích hợp phong cách tham vấn đồng nghị ở bình diện Giáo hội địa phương, cũng như bình diện quốc gia và châu lục, để tăng cường sự tham gia và tiếp cận nhiều người trong cộng đồng của chúng tôi, những người thậm chí chưa từng nghe nói về tính đồng nghị. Điều này bao gồm sự chú ý đặc biệt đến việc đào tạo thiêng liêng cần thiết cho việc biện phân bản thân và cộng đồng. Chúng tôi cũng khẩn thiết yêu cầu việc đào tạo trong phong thái đồng nghị được khuyến khích và hướng dẫn, để nó có thể được hiểu một cách đúng đắn. Nhiều người quyết định không tham gia đã quan niệm nó như một mô hình cạnh tranh, đối lập giáo dân với giáo sĩ. Những người khác thấy nó không đủ rõ ràng trong phương pháp luận, giáo hội học và các mục đích. Tuy nhiên, có một vấn đề thực tế là suy nghĩ lại các thực hành và/hoặc cơ cấu giáo hội trong giáo phận và quốc gia của chúng tôi theo cách thực sự dành ưu tiên cho phong cách đồng nghị.

2. Thách thức chào đón những người cảm thấy bị loại trừ khỏi sự tham gia vào đời sống của Giáo hội một cách chân chính và trung thành với Tin Mừng và đức tin Công Giáo đè nặng lên lòng người dân chúng tôi. Sự căng thẳng này nơi các cá nhân và cộng đồng đã được nói tới thường xuyên. Người dân chúng tôi nhận thức được việc tiếp đón, phục vụ người mang thương tích, người bị cô lập trong thế giới và trong Giáo hội là một khía cạnh thiết yếu của sứ mệnh Chúa Giêsu trao cho chúng tôi; tuy nhiên họ cũng nhận thấy rằng sự phức tạp mới của các vấn đề trước mắt chúng tôi đòi hỏi sự biện phân, bởi vì nó ngụ hàm cả các sáng kiến mục vụ mới lẫn việc trung thành với giáo lý sơ truyền [kerygma] mà chúng tôi phải loan báo công khai. Do đó, nhiều người đã hỏi “sự hòa nhập triệt để” có nghĩa là gì và đâu là các hệ luận mục vụ và thậm chí tín lý của nó? Chính thuật ngữ này đã gợi ra những phản ứng bất đồng rộng rãi trong diễn trình tham vấn của chúng tôi. Cũng cần phải đào tạo để biết cách chào đón nhau nhiều hơn nữa.

3. Đồng trách nhiệm. Một lời yêu cầu tha thiết muốn xem xét lại sứ mệnh của tất cả những người đã được rửa tội, với sự chú ý đặc biệt dành cho các ơn gọi đặc thù, đã thường xuyên được đề cập. Cuộc biện phân về việc đồng trách nhiệm do phép rửa mang lại đối với sứ mệnh của Giáo hội nên được đánh giá cao và đạt được như thế nào, đòi ta phải hiểu biết tốt hơn về vai trò của giáo dân nói chung, của phụ nữ và thanh niên nói riêng. Chủ đề đồng trách nhiệm cũng đụng đến vấn đề thường xuyên được đặt ra về việc ra quyết định chung và mong muốn có nhiều minh bạch hơn trong việc quản trị Giáo hội. Biện phân một cách thực tế để tiến tới về các vấn đề này sẽ đòi phải xem xét các quy tắc giáo luật và cơ cấu giáo hội. Kết nối mật thiết với chủ đề này là nhu cầu đào tạo toàn diện hơn cho toàn bộ đời sống Kitô hữu.

4. Nói lên sự hiệp nhất và hiệp thông của Giáo hội giữa các loại phân cực và chia rẽ khác nhau. Một số phân cực phát sinh trong Giáo hội, trong khi những phân cực khác bắt nguồn từ xã hội rộng lớn hơn và được chuyên chở vào Giáo hội. Sự phân biệt là điều cần thiết để các Giáo hội địa phương có khả năng cổ vũ giáo hội học hiệp thông tốt hơn, bắt nguồn từ phép rửa tội và được nuôi dưỡng bằng hy tế Thánh Thể. Đây phải được coi là nguồn chính của bản sắc và sự hợp nhất của chúng tôi trong tư cách dân Chúa, và trước mọi khác biệt về chủng tộc, sắc tộc, xã hội, kinh tế, chính trị, hoặc ý thức hệ. Đây là một thách thức cho tương lai trước mắt chúng tôi.

5. Một Giáo hội đi ra các vùng ngoại vi. Phần lớn cuộc trò chuyện ở Phiên họp lục địa liên quan đến các hoạt động nội bộ của Giáo hội, nhưng chúng tôi cũng được kêu gọi nhìn ra bên ngoài. Người dân của chúng tôi thường nói tới việc đã nghe lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để đi ra các khu ngoại vi một cách đáng tin cậy. Trên lục địa của chúng tôi luôn có nguy cơ lãng quên và thờ ơ đối với những người nghèo khổ và bị tẩy chay. Xuyên suốt các cuộc tham vấn thượng hội đồng, Nhóm Thượng Hội đồng Bắc Mỹ đã nghe việc người dân chúng tôi đang yêu cầu được đào tạo mạnh mẽ hơn về loại hoạt động truyền giáo này. Điều quan trọng là các Giáo hội địa phương nghe thấy lời kêu gọi hỗ trợ các nhu cầu của người nghèo và các Giáo Hội bị gạt ra ngoài lề khắp thế giới. Đây là mối quan tâm của toàn thể Giáo hội và nên được trình bày rõ một cách cấp bách hơn ở bình diện Giáo hội hoàn vũ.

E. Kết luận

Sau đây cũng là nguyên văn phần kết luận của Tài liệu sau cùng của phiên họp Bắc Mỹ:

Ngay từ buổi đầu của Giáo hội, vào thời điểm Lễ Hiện xuống, đã có sự bối rối và sợ hãi, tuy nhiên cũng có sự mong đợi và hy vọng. Điều này đúng với mọi thời đại, kể cả thời hiện tại của chúng ta. Đáp ứng của Chúa Thánh Thần là quy tụ Giáo Hội lại một nơi và ban cho Giáo Hội khả năng nghe và hiểu sứ điệp Tin Mừng. Khi Giáo hội ở Bắc Mỹ tiếp tục hành trình trên con đường đồng nghị, chúng ta phải bắt chước Đức Maria, người đã hiện diện trong Lễ Hiện Xuống đầu tiên và liên tục thưa “xin vâng” với lời mời đóng góp vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa.

Ân phúc được quy tụ lại với nhau trong Chúa Thánh Thần đã được Giáo hội ở Gia Nã Đại và Hoa Kỳ cảm nghiệm một lần nữa trong Giai đoạn Lục địa. Có rất nhiều lòng biết ơn vì được ở cùng một nơi, nghĩa là, (một cách ảo) được ở cùng với những người Công Giáo khác, những người đến từ các vùng khác nhau của Gia Nã Đại và Hoa Kỳ, những người là giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ, mỗi người có những ý tưởng và quan điểm riêng của họ, nhưng tất cả đều là thành phần của một Giáo hội.

Hồng phúc được ở cùng một nơi và lắng nghe nhau có lẽ là bài học tốt nhất trong Giai đoạn Lục địa ở Bắc Mỹ. Như một người tham gia đã nói, “Người ta thích chia sẻ, thay vì chỉ được nói với”. Lợi ích của việc có ý hướng đồng nghị là một chủ đề phổ biến. Như đã được đề cập bởi một nhóm giám mục, “Diễn trình đồng nghị tuy chưa hoàn hảo, nhưng rất tốt”.