Tài liệu sau cùng của Châu Đại Dương, như bản đệ nạp tại văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng cho thấy, tuyên bố đây là tài liệu “phản ảnh các tiếng nói của dân Chúa tại Châu Đại Dương để trả lời Tài liêu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục. Nó bao gồm Suy tư Mục vụ của các Giám Mục Châu Đại Dương nhóm họp tại Phiên họp của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Đại Dương tại Fiji (5-10 tháng Hai năm 2023) về những điều các ngài nghe được từ giáo dân của mình”.

Sau đó, trong phần dẫn nhập, Tài liệu đã chi tiết mô tả về Châu Đại Dương, “một lục địa rộng lớn gồm nhiều hải đảo, lớn và nhỏ, nằm ở Thái Bình Dương, chiếm một phần ba hành tinh. Đường định ngày quốc tế chạy qua giữa lục địa này. Vị trí định ngày nghĩa là mỗi ngày mới đều bắt đầu và kết thúc tại Châu Đại Dương. Lời cầu nguyện của Giáo Hội, các thánh lễ đầu tiên trong ngày, diễn ra tại Châu Đại Dương, mỗi ngày. Lời cầu nguyện và các sinh hoạt sau cùng của cuộc sống hàng ngày cũng diễn ra tại các nước Châu Đại Dương”.

Châu Đại Dương gồm 21 quốc gia lớn nhỏ quy tụ thành 4 Hội Đồng Giám Mục: Hội Đồng Giám Mục Papua New Guinea và Quần đảo Salomon, Hội Đồng Giám Mục Thái Bình Dương; Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan và Hội Đồng Giám Mục Úc và đại diện các Giáo hội Đông Phương.

Tiếp sau đó, Tài liệu cung cấp nhiều chi tiết liên quan tới từng Hội Đồng Giám Mục và các cơ sở đại diện cho các Giáo Hội Đông Phương tại Châu Đại Dương.



1.Diễn trình biện phân tại Châu Đại Dương

Diễn trình biện phân, đàm luận thiêng liêng, suy tư và lắng nghe dựa trên Tài Liệu Chuẩn bị Và Hướng dẫn của văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng bắt đầu từ 17 tháng 10, 2021 tới ngày 22 tháng 8, 2022.

Với việc công bố Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu Lục ngày 27 tháng 10, 2022, giai đoạn hai của diễn trình lắng nghe đã bắt đầu tại Châu Đại Dương, khởi đầu bằng việc lập ra Nhóm Đặc Nhiệm Châu Đại Dương và nhóm Biện phân và Soạn thảo để phân tích, tổng hợp các đóng góp nhằm soạn dự thảo tài liệu sau cùng đệ trình Phiên họp châu lục dự tính vào tháng Hai năm 2023.

Từ các đóng góp của 4 Hội Đồng Giám Mục và đại diện các Giáo Hội Đông phương tại Châu Đại Dương trong giai đoạn trên, nhóm Biện phân và Soạn thảo đã cùng nhau nhận diện các dị biệt, thiếu sót và ưu tiên để Phiên họp tại Suva xem xét và thông qua.

Tài liệu sau cùng của Phiên họp Châu Đại Dương đã được chấp thuận tại một phiên họp trực tuyến của liên hội đồng Giám Mục Châu Đại Dương và được đệ trình Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng đúng ngày 31 tháng Ba, 2023.

Kinh nghiệm đồng nghị

Tài liệu cho biết: Nói chung tích cực nhưng cũng có một số quan điểm tiêu cực với các lý do khác nhau.

Âm vang tích cực vì tính đồng nghị được đặt cơ sở trên phép rửa chung, càng được hỗ trợ nhờ việc nhấn mạnh tới việc phải tạo ra một môi trường giúp mọi người đã chịu phép rửa và người thiện chí cảm thấy Giáo Hội là một mái ấm.

Âm vang tích cực còn vì đồng nghị vốn đã có từ ngàn xưa, nhất là trong các Giáo Hội Đông Phương. Hơn nữa, nó cho thấy bản chất hoàn cầu của Giáo Hội.

Âm vang tiêu cực một phần vì lo sợ tiếng nói của họ không được lắng nghe, không tạo được khác biệt nào. Nhiều người khác sợ rằng đây là dịp để một số người đòi hỏi thay đổi và do đó gây thương tích cho Giáo Hội.

So sánh ra, âm vang tích cực vẫn trổi vượt.

Thành quả của biện phân

Hình ảnh Giáo Hội như chiếc lều được đa số người thuộc các nước lớn của Châu Đại Dương phấn khởi trong bối cảnh Giáo Hội đang bị cuộc khủng hoảng lạm dụng làm trọng thương, vì nó khiêm hạ hơn các hình ảnh dinh thự nguy nga của nhà thờ chính tòa. Nhưng không mấy hấp dẫn đối với thành viên các Giáo Hội Đông Phương, vì nó gợi lên hình ảnh tạm bợ, luôn phải di dời. Tín hữu thuộc các quần đảo cũng không mấy thích hình ảnh này vì họ quen hơn với hình ảnh những con thuyền tròng trành trên biển khơi.

Dù sao, hình ảnh chiếc lều nhằm bao gồm mọi người kể cả những người đã không còn thực hành đức tin. Có nhiều nguyên nhân của việc này. Bị phân biệt đối xử vì xu hướng tình dục, sắc tộc, khu vực địa dư, tư thế xã hội... Nhờ diễn trình biện phân, các khía cạnh này đã được cởi mở trình bầy và thẩm thấu.

Phép rửa và các bí tích

Tài liệu cho rằng phép rửa được coi là nguồn của căn tính chung, nó mời gọi mọi chi thể Giáo Hội tới hiệp thông, tham gia và sứ mệnh. Nhưng nó vẫn chưa làm cho mọi người đã lãnh nhận nó được nhìn nhận qua việc được “tham gia trọn vẹn, tích cực và bình đẳng vào Giáo Hội”, vì cách hiểu Giáo Hội như dân Chúa bị xói mòn bởi các cơ cấu không làm dễ mô hình mới mẻ này.

Bí tích Thánh Thể được nhấn mạnh. Phiên họp Châu Đại Dương “kêu gọi phong thái cử hành Thánh Thể có tính đồng nghị và tham gia nhiều hơn, các phụng vụ có tính bao gồm các nền văn hóa khác và liên quan tới người trẻ, một cách hiểu rộng hơn về điều thế nào là Thánh Thể trong yếu tính, và một nối vòng tay lớn hơn đối với những người Công Giáo đã không còn đánh giá cao các nghi thức này”.

Phiên họp cũng kêu gọi cho có “lòng hiếu khách Thánh Thể hơn đối với thành viên các Giáo Hội khác thay thế cho đường lối độc hữu hiện đang được thực hành”.

Vấn đề rước lễ của những người đồng tính hay ly dị tái hôn bị một số người không đồng ý, nhất là người Papua New Guinea và nói chung người ở các quần đảo vì đồng tính và chuyển giới ngược với truyền thống của họ. Trả lời của Tân Tây Lan cho hay: “mặc dù Amoris Laetitia mở cánh cửa khả hữu để người ly dị tái hôn nhận lãnh Thánh Thể, những cánh cửa này được tri nhận là hẹp và khó khăn”. Trái lại, trả lời của Úc muốn có sự cảm thông lớn hơn đối với họ.

Một số người kêu gọi việc sử dụng Nghi thức Hòa giải thứ ba.

Bản trả lời của Úc đề cập tới việc Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn châu Lục đã không nói gì về vai trò của hôn nhân và gia đình trong việc truyền tải đức tin.

Một số người đề cập đến việc cần lưu ý tới thực tại đa hôn ở một vài nơi của Lục địa, cũng như vấn đề linh mục có gia đình và đòi hỏi linh mục độc thân, nữ phó tế.

Bao gồm

Tài liệu cho hay: mọi câu trả lời đều ủng hộ các lời kêu gọi để Giáo Hội có tính bao gồm nhiều hơn, nhất là đối với những người có mối liên hệ đang thách thức việc tham dự Thánh Thể, cũng như những người hiện đang bị xã hội hắt hủi, những người có “suy nghĩ đa dạng”, những người Công Giáo không thực hành đạo và những người chưa rửa tội.

Về phương diện này, có nhiều sắc thái: cộng đồng LGBTQ không được truyền thống Papua New Guinea chấp nhận trong khi nhiều nơi khác kêu gọi bao gồm các nhóm này, không những thế còn dành “không gian thừa tác vụ” cho họ nữa.

Úc đặc biệt coi việc bao gồm Các Dân Tộc Của Các Quốc Gia Đầu Tiên như một ưu tiên.

Dù kêu gọi các Giáo Hội Đông Phương mở cửa mời gọi người Công Giáo khác tham dự lễ nghi phụng vụ của họ, nhưng các Giáo Hội này phải duy trì nét đặc trưng của họ, không nên hùa theo các nghi thức khác.

Giáo huấn Giáo Hội

Một số tỏ ý lo ngại luật lệ của Giáo Hội không thích hợp với sứ điệp Tin Mừng, nên chú trọng hơn tới ‘quyền tối thượng của lương tâm’, hỗ trợ người ta một cách cảm thương để họ khai triển mối tương quan trưởng thành hơn với Thiên Chúa.

Có lời kêu gọi cải tiến cách đào tạo linh mục về thần học, giáo huấn và tín điều; duyệt lại toàn bộ ý niệm về chức linh mục và tư cách giáo dân.

Dù kêu gọi một vai trò lớn hơn cho phụ nữ, ý niệm truyền chức thánh cho phụ nữ nhất là chức linh mục chỉ được một đề xuất nêu lên, dù có nhiều đề xuất hơn về chức nữ phó tế.

Một số cho rằng giáo huấn về tính dục, ngừa thai, hoàn cảnh ly dị tái hôn và rước lễ liên phái có tính “loại trừ và gây thương tích, làm nhiều người rời bỏ Giáo Hội".

Thẩm quyền và ra quyết định

Có tri nhận cho rằng giáo luật tạo ra cảnh thiếu quân bình về quyền lực giữa Giám Mục, linh mục và giáo dân có thể gây trở ngại cho việc dẫn nhập đồng nghị như con đường cho Giáo Hội trong tương lai.

Chia sẻ việc quản trị và ra quyết định được coi là bước cần thiết để tạo ra một Giáo Hội đồng nghị.

Cần thay đổi thái độ phẩm trật qua thái độ cộng đoàn.

Có nhận định cho rằng diễn trình chọn lựa Giám Mục không đươc minh bạch, nên bao gồm cả giáo sĩ lẫn giáo dân.

Có đề xuất rằng vì thiếu linh mục, giáo dân có thể phụ trách thừa tác mục vụ và cai quản giáo xứ của họ.

Các thách thức truyền giáo

Nhiều người cho rằng hạn từ “sứ mệnh” hay “truyền giáo” không được giải thích thỏa đáng. Nhưng ai cũng nhấn mạnh tới truyền giáo như trách nhiệm của mọi người đã rửa tội. Cần quá độ từ “Giáo Hội bảo trì” sang “Giáo Hội truyền giáo”.

Khủng hoảng sinh thái

Cuộc khủng hoảng sinh thái đã được nhấn mạnh như một vấn đề khẩn trương đối với Đại Dương Châu vì hiện tượng mức nước biển dâng cao trong vùng mang lại các đe dọa hiện sinh thực sự và đương thời, một đe dọa chưa được giáo huấn của Giáo Hội lưu ý thích đáng để đưa ra các chương trình đào tạo và làm chứng tiên tri.

Hội nhập văn hóa

Tài liệu cho hay Giáo Hội Châu Đại Dương ngày nay được khuyến khích và thách thức bởi việc hội nhập văn hóa vì hai nền linh đạo Kitô giáo và bản địa thường cùng hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày.

Hội nhập văn hóa tác động tích cực trên việc cử hành phụng vụ tại các hải đảo qua mầu sắc, âm nhạc và ngôn ngữ. Các quan điểm thổ dân cũng được sử dụng để tái hình dung và đồng bối cảnh hóa ý nghĩa về Giáo Hội.

Tuy nhiên, vẫn còn những quan tâm khi các giá trị cổ truyền không thích hợp với giáo huấn Giáo Hội: thuật phù thủy, đa hôn vẫn còn thịnh hành (Papua New Guinea, chẳng hạn).

Phụ nữ

Vấn đề vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong Giáo Hội vang dội mạnh mẽ khắp Đại Dương Châu, dù kinh nghiệm của phụ nữ rất khác nhau trong vùng. Úc và Tân Tây Lan tỏ ý quan tâm về việc thiếu sự hiện diện của phụ nữ trong cơ cấu lãnh đạo và cai quản, nhất là việc họ chưa được làm phó tế vĩnh viễn. Trong khi Papua New Guinea và quần đảo Salomon cho rằng phụ nữ đóng “một vai trò rất tích cực trong đời sống Giáo Hội”.

Một số quan tâm tới việc phụ nữ chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình, lạm dụng, bạo lực liên quan tới phù thủy, ly dị tái hôn, bị kết những tội ác mà nam giới thường được tha thứ.

Nói chung, có lời kêu gọi bình đẳng hơn giữa nam và nữ, sử dụng năng khiếu và kinh nghiệm phụ nữ trong việc biện phân và cung cấp tư vấn, hướng dẫn và thách thức trong việc đưa ra quyết định vượt quá các vai trò quản trị ở giáo xứ.

Giới trẻ

Việc vắng bóng người trẻ tham gia Giáo Hội được phản ảnh trong hầu hết các bản trả lời của Đại Dương Châu cho thấy sự lo âu sâu xa đối với tương lai. Một số người trẻ cho rằng mình bị làm ngơ, không dám dấn thân vì sợ bị coi là không xứng đáng, quyền hành giáo xứ thuộc lớp già.

Một số đông bạn trẻ bị cuốn hút bởi các hoạt động thế tục, truyền thông xã hội và kỹ thuật tân tiến. Số khác quan tâm đến khủng hoảng sinh thái nhưng không tìm được cùng một quan tâm như thế trong Giáo Hội. Số khác nữa lao đao với một số khía cạnh trong giáo huấn của Giáo Hội về tính dục.

Tài liệu cho hay rất ít ý nghĩ về việc phải đáp ứng ra sao trước cuộc khủng hoảng này.

Việc Đào tạo

Đào tạo các chủng sinh được đặc biệt chú ý, theo phương thức toàn diện: “tâm linh, xã hội, tâm lý, trí thức, xúc cảm và kinh tế”.

Đào tạo hôn nhân và gia đình cũng là nhu cầu nền tảng. Và đào tạo giới trẻ.

Đào tạo nghĩa tổng quát giúp người ta cách đáp ứng thế giới bao quanh. Đào tạo lấy giáo huấn xã hội Công Giáo làm nền tảng. Và trong viễn ảnh đồng nghị, đào tạo kỹ năng lắng nghe và đối thoại, nhất là đào tạo lối lãnh đạo tôi tớ [servant leadership] ở mọi bình diện.

Căng thẳng và khác biệt

Tài liệu lưu ý: vùng Đại Dương Châu bao gồm cả các nước đã phát triển và các nước đang phát triển, nên có nhiều vấn đề mục vụ khác nhau được coi là những vấn đề khẩn trương:

• các thái độ khác nhau đối với những người có các kinh nghiệm đa dạng về tính dục và phái tính

• đối với vai trò phụ nữ

• một số kêu gọi thay đổi giáo huấn Giáo Hội; một số đòi duy trì giáo huấn này.

• ở một số nơi, các thương tích do lạm dụng tình dục tạo ra không được nêu lên hàng đầu; trong khi ở những nơi khác, nó rõ ràng và công khai.

Thiếu sót trong Tài liệu Làm việc của Giai đoạn Châu lục

Tài liệu cho rằng Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu Lục của Văn phòng Tổng thư ký có những vấn đề không được nói tới hay không được đề cập cách thỏa đáng: khủng hoảng sinh thái; đời sống tu trì nam nữ; ơn gọi hôn nhân và gia đình trong việc đào tạo đức tin; các hậu quả tiếp diễn của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục; các vấn đề như phá thai và trợ tử; các hạn chế tự do tôn giáo.

Các tiếng nói chưa được nghe hoặc ít được đại diện trong cuộc tham vấn Đại Dương Châu

Tài liệu nhắc đến việc một số tiếng nói không được nghe một cách trực tiếp do xa xôi hẻo lánh hay thiếu kỹ thuật thông tin, khuyết tật hay khác biệt ngôn ngữ: cụ thể là Hội đồng Giám Mục Thái Bình Dương (CEPAC) không thể đệ nạp tài liệu tổng hợp; tiếng nói Tây Papua...



2. Các ưu tiên và lời kêu gọi hành động

Tài liệu nhận định rằng các ưu tiên được trình bầy sau đây phát xuất từ 5 bản tổng hợp được dân Chúa Đại Dương Châu coi là thích đáng để được xem xét tại Phiên họp thứ nhất của Thượng Hội Đồng tháng Mười năm 2023, bỏ qua một bên các vấn đề thuộc bình diện châu lục, Hội Đồng Giám Mục và giáo hội địa phương.

Sứ mệnh

Sứ mệnh được xác định là ưu tiên chính trong mỗi câu trả lời, với ý thức mạnh mẽ rằng sứ mệnh mà Chúa Kitô ủy thác cho Giáo hội thực sự liên kết với việc bao gồm mọi người đã được rửa tội. Dưới đây là Các vấn đề để Phiên họp Thượng Hội đồng xem xét:

a) Những cách thức thu hút toàn thể dân Chúa cách hữu hiệu hơn tham gia vào sứ mệnh của Chúa, do ơn gọi phép rửa.

b) Thực hiện bước quá độ từ một Giáo hội “bảo trì” sang một Giáo hội “tập chú vào sứ mệnh”.

c) Mời gọi và khuyến khích mọi người Công Giáo “chấp nhận ơn gọi rửa tội của họ để rao giảng Tin Mừng và loan báo Thiên Chúa yêu thương trong sự hiệp nhất với người khác”.

d) Trong trường hợp không có linh mục, chuẩn nhận và củng cố thừa tác vụ giáo dân trong các nhà tù và bệnh viện để đảm bảo rằng mọi người nhận được thừa tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu.

e) Công nhận các Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở Châu Đại Dương là các Giáo hội “Sui iuris [tự trị], các Giáo Hội, qua truyền thống tâm linh phong phú của họ, có thể đóng góp vào sứ mệnh của Giáo hội.

Khủng hoảng sinh thái

Là một vùng biển có nhiều đảo lớn nhỏ, Châu Đại Dương chịu tác động đặc biệt bởi hậu quả tàn khốc của khủng hoảng sinh thái - từ mực nước biển dâng cao đe dọa sự tồn tại của các cộng đồng đảo đến lốc xoáy thảm khốc, lũ lụt, hỏa hoạn và hạn hán và hậu quả là thiệt hại về người và đa dạng sinh học.

Mặc dù thừa nhận rằng Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu Lục đã đề cập đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu, Phiên họp Thượng hội đồng nên coi đây là vấn đề cấp bách mang tính hiện sinh hoàn cầu:

a) Liên đới với những cộng đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng sinh thái, lưu ý tác động khác nhau đối với người nghèo và dễ bị tổn thương.

b) Thúc đẩy hệ sinh thái toàn diện của Thông điệp Laudato Si’ là điều tối quan trọng đối với việc chăm sóc trái đất và các đại dương của chúng ta và thôi thúc giáo hội và các thừa tác vụ địa phương để thực hiện các kế hoạch hành động.

c) Hãy coi cuộc khủng hoảng sinh thái như một cánh đồng truyền giáo trong đó toàn thể Giáo hội, hoàn cầu và địa phương, nên tham gia vào “cuộc đấu tranh khẩn cấp để bảo tồn hành tinh của chúng ta và sự sống của nó, đồng thời cung cấp công bằng kinh tế cho người dân của nó”.

Giáo huấn Giáo Hội

Các câu hỏi về giáo huấn của Giáo Hội, hoặc việc áp dụng giáo huấn của Giáo Hội, đã được nêu ra trong các câu trả lời của Châu Đại Dương. Có sự khác biệt trong khu vực về việc liệu có cần thay đổi giáo huấn của Giáo hội ở một số lãnh vực hay không, và về việc giáo huấn của Giáo Hội có thể thay đổi hay phát triển hay không. Những vấn đề được liệt kê dưới đây cần phải được giải quyết vì lợi ích của sự hợp nhất của chúng ta trong sự đa dạng.

a) Những khía cạnh nào trong giáo huấn của Giáo hội được tri nhận là “có tính loại trừ hoặc gây tổn thương” hoặc được hiểu là “làm cho người ta xa rời Giáo Hội hoặc ngăn cản họ trở lại”.

Những khía cạnh này bao gồm giáo huấn về tình dục, các mối quan hệ tình dục đa dạng, biện pháp tránh thai, tình thế ly dị và tái hôn, rước lễ liên phái với các giáo phái Kitô giáo khác đã được chúng ta công nhận phép rửa, sự độc thân của linh mục và sự hạn chế của việc chỉ truyền chức cho nam giới.

b) Cải thiện truyền thông về giáo huấn của Huấn quyền, bằng ngôn ngữ và phương thức dễ tiếp cận cho dân Chúa.

c) Cải cách phụng vụ để thực thi giáo huấn của Công đồng Vatican II về hội nhập văn hóa và phản ảnh thần học đương thời, chẳng hạn như “một bản dịch Sách lễ tốt hơn, ngôn ngữ hòa nhập, giáo dân giảng lễ, linh hoạt trong các bối cảnh khác nhau...

Nói chung, có sự đồng ý rằng phụng vụ phải luôn cho phép việc tham gia tích cực và bao gồm cũng như cởi mở với mọi người.

d) Các quy tắc phụng vụ ban quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho các cách tiếp cận văn hóa địa phương trong việc thờ phượng.

Trở nên đồng nghị hơn

Phần lớn những người được hỏi đánh giá cao kinh nghiệm về tính đồng nghị và bày tỏ mong muốn Giáo hội trở nên đồng nghị hơn. Điều này được coi là một ưu tiên trong mỗi câu trả lời. Phiên họp Thượng Hội đồng nên xem xét những cách thức đưa tính đồng nghị vào đời sống và giáo huấn của Giáo hội:

a) Sử dụng các diễn trình biện phân trong quá trình ra quyết định của Giáo hội, đòi hỏi “những người trong các chức vụ lãnh đạo lắng nghe Chúa Thánh Thần và cố gắng tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa trong các sự việc của Giáo hội”.

b) “Phát triển thêm các nguồn lực cho việc biện phân và đồng nghị trong đời sống bình thường của Giáo hội”.

c) Thay đổi thái độ và thực hành trong Giáo hội cho có tính cộng đồng hơn.

d) Biến đổi văn hóa lãnh đạo Giáo hội để nhấn mạnh “tầm quan trọng của trách nhiệm giải trình, minh bạch và cởi mở ở mọi bình diện trong Giáo hội, cho các giáo xứ, giáo phận và các cơ quan của Giáo hội và cho chính các giám mục”.

e) Đưa “tính đồng nghị như là ‘cách trở thành Giáo hội’ vào mọi bình diện” bằng cách nhận diện “những cơ quan nào trong Giáo hội ở tất cả các bình diện có tính đồng nghị”, và “thiết lập các diễn đàn ở tất cả các bình diện của Giáo hội” nơi chúng đang thiếu để thúc đẩy “tính phụ trợ trong Giáo hội”.

Thẩm quyền và ra quyết định

Biện phân ở Châu Đại Dương cho thấy một quan điểm chung rằng một Giáo hội đồng nghị cần một sự thay đổi văn hóa và cơ cấu trong việc lãnh đạo Giáo hội, cả việc quản trị và ra quyết định chung, bao gồm cả giáo dân lẫn giáo sĩ, để giảm khả thể của nền văn hóa giáo sĩ trị và tạo điều kiện cho giáo dân trong việc đóng góp các năng khiếu của họ.

Phiên họp Thượng Hội đồng nên xem xét:

a) Các cách khắc ghi nền văn hóa lãnh đạo tôi tớ vào những người ở vị trí lãnh đạo – giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

b) Những thay đổi đối với cơ cấu quản trị hiện nay để cho phép việc chia sẻ quản trị và ra quyết định, gồm cả giáo dân lẫn giáo sĩ.

c) Những lĩnh vực giáo luật nào không cho phép nam nữ giáo dân tham gia vào các hình thức ra quyết định thích hợp, trong khi không vi phạm thẩm quyền giám mục.

d) Loại bỏ các điều khoản hạn chế một số vai trò của giáo phận và tòa án chỉ dành cho giáo sĩ để cho phép giáo dân đủ điều kiện đảm nhận những vai trò này.

e) Làm thế nào để các sáng kiến nhằm cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở Vatican có thể trở thành mô hình trong các Giáo Hội địa phương.

f) Điều tra “các lộ trình để những người có hậu cảnh khác nhau được đào tạo về các vai trò quản trị, chẳng hạn như các hội đồng mục vụ hoặc các lĩnh vực quản trị khác”.

Giới trẻ

Sự biện phân trên khắp Châu Đại Dương cho thấy mối quan tâm chung liên quan đến tình trạng mất kết nối và thiếu vắng nhiều người trẻ trong đời sống Giáo hội và sự quan tâm sâu sắc mà Phiên họp dành cho họ ưu tiên:

a) Lắng nghe và “tìm hiểu xem làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đức tin của giới trẻ và làm thế nào giới trẻ có thể được đào tạo tốt hơn và được cung cấp các diễn đàn giúp họ sử dụng các kỹ năng và niềm đam mê của mình”, bao gồm các tài liệu bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được.

b) Đồng hành với người trẻ trong việc nhận ra những năng khiếu và tài năng “mà họ có thể cống hiến cho sự phát triển của Giáo Hội”.

c) Tăng cường tập chú vào “sự liên kết giữa gia đình, giáo xứ và trường học để cùng nhau làm việc” nhằm làm phong phú tính Công Giáo trong các trường Công Giáo.

d) Nhiều hoạt động mục vụ hơn và các chương trình đào tạo đức tin phục vụ các quan điểm của thanh thiếu niên.

Phụ nữ

Vai trò và vị trí của phụ nữ trong Giáo hội là mối quan tâm đồng nhất ở Châu Đại Dương. Phiên họp Thượng Hội đồng nên xem xét kinh nghiệm của phụ nữ trong Giáo Hội:

a) Lắng nghe trực tiếp từ phụ nữ về tất cả các vấn đề đang được xem xét trong các Phiên họp của Thượng Hội đồng.

b) Bảo đảm tinh thần đồng nghị tiếp tục làm Giáo hội lắng nghe những phụ nữ nào không cảm thấy được công nhận đủ trong Giáo hội.

c) Thay đổi quan niệm coi phụ nữ trong Giáo hội đồng nhất về quan điểm, cách các ảnh hưởng văn hóa tác động đến họ ở bình diện địa phương hoặc lối sống của họ.

d) Sự tham gia đầy đủ và chính đáng của phụ nữ trong việc quản trị, ra quyết định, sứ mệnh và mục vụ của Giáo hội.

e) Một sự trả công xứng đáng cho các nữ giáo dân làm việc trong Giáo hội và “các nữ tu, nhất là trong các lĩnh vực mục vụ.”

f) Phụ nữ tham gia nhiều hơn vào việc đào tạo các chủng sinh và linh mục.

Việc Đào tạo

Trong năm bản trả lời của khu vực, việc đào tạo được coi là cần thiết. Vì đây được coi là một ưu tiên, Phiên họp Thượng Hội Đồng nên xem xét:

a) Tạo ra một khuôn khổ đào tạo cho tất cả những người đã được rửa tội để giúp họ tham gia vào một Giáo hội đồng nghị và là những môn đệ truyền giáo can đảm.

b) Bảo đảm để việc đào tạo nhận diện được các nhu cầu dưới ánh sáng của Kinh thánh và giáo huấn của Giáo hội, bao gồm Giáo huấn Xã hội Công Giáo, và đề cập đến thực tế cuộc sống của mọi người.

c) Dành tài nguyên đào tạo ưu tiên cho việc hoán cải sinh thái và dành tài nguyên đặc biệt cho việc đào tạo giới trẻ trong đức tin.

d) Bảo đảm để có sự quan tâm thích đáng đến việc đào tạo giáo lý viên và những người lãnh đạo giáo dân khác.

3. Nhận định của các Giám mục Châu Đại Dương về Tài liệu Cuối cùng

Trong suy tư mục vụ của các ngài kèm theo Tài liệu cuối cùng này, các Giám Mục Châu Đại Dương cho rằng Tài liệu nắm bắt được các niềm hy vọng và mối quan tâm của người dân Châu Đại Dương, nhưng “điều này có thể tạo ấn tượng Giáo hội đang trong tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên chính trong những nơi và những lúc đau đớn và thống khổ Chúa Kitô đã tự tỏ mình ra”.

Các ngài tin rằng tài liệu này là một trình bày hợp tình hợp lý về thực tại của dân Chúa từng tham gia vào diễn trình thượng hội đồng này. Tuy nhiên, nó không phải là một cuộc điều tra dân số mà là một biểu thức nói lên quan điểm của những người đã đáp ứng lời mời biện phân về Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục.

Và vì các hạn chế do áp lực thời gian, các ngài hy vọng sẽ có sự tham gia rộng rãi hơn khi tiến trình đồng nghị mở ra.

Các ngài nhận thấy trong các câu trả lời, người dân mong muốn được thấy tính đồng nghị được áp dụng ngay trong hiện tại. Tuy nhiên, các ngài cho rằng việc áp dụng này cần có thời gian, cả ở Châu Đại Dương lẫn trong Giáo hội Hoàn vũ.

Các Giám Mục Châu Đại Dương quả quyết rằng các ngài không muốn xây dựng một Giáo hội khác, mà muốn canh tân và phục hồi sức sống cho Giáo hội mà các ngài yêu mến.

Sự đổi mới và hồi sinh này sẽ bắt đầu với sự hoán cải bản thân, và nó cũng sẽ tìm được biểu thức cộng đồng và cơ cấu. Một Giáo hội đổi mới và đồng nghị tìm cách không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau.

Các ngài vui mừng khi thấy giáo dân đánh giá cao việc Bí tích Rửa tội là nền tảng và nhận được sự quan tâm đặc biệt trong tài liệu này. Tuy nhiên, các ngài nhận thấy Bí tích Thánh Thể ít được làm nổi bật hơn.

Nhân dịp này, các ngài nhấn mạnh tới hai bí tích: bí tích Thánh thể và Bí tích Thống hối.

Một lần nữa, các Giám Mục cho rằng “Không phải mọi giám mục đều thấy mọi phần của tài liệu này hoàn toàn thuyết phục hoặc đầy đủ, và một số nghi ngờ và lo ngại điều này sẽ dẫn tới đâu”. Nhưng như Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ đang đau đớn, xấu hổ, mất mát và hy vọng tan vỡ, và đã làm các ngài tràn trề vui mừng và hy vọng ra sao, các giám mục, tuy cảm thấy nghi ngờ, lo lắng và sợ hãi về một số phần của tài liệu này, nhưng cũng cảm thấy vui mừng và hy vọng như thế.

Các ngài cho rằng Chúa Giêsu vốn gửi chúng ta đến một thế giới đổ vỡ. Nên các ngài tiếp nhận những đau buồn và thống khổ, niềm vui và hy vọng của người dân Châu Đại Dương được thể hiện trong tài liệu này. Với niềm tín thác vào Chúa Thánh Thần, chúng ta nên tiếp tục hành trình cùng nhau, mọi người và các mục tử, trong tư cách Dân lữ hành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô đang cuốc bộ đồng hành với chúng ta trong hành trình đồng nghị, ban cho chúng ta sự bình an của Người và thúc giục chúng ta can đảm.

Một cách cụ thể, các Giám Mục Châu Đại Dương cam kết lắng nghe và đồng hành với những người trẻ giúp họ rút tỉa từ Tin Mừng ban sự sống trong việc đáp lại những thách thức mà họ gặp phải trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa, hy vọng và các mối quan hệ lành mạnh.

Các ngài cũng cam kết chia sẻ trách nhiệm được thể hiện trong tài liệu này để chăm sóc và bênh vực cho ngôi nhà chung của chúng ta vì ở Châu Đại Dương, cuộc khủng hoảng sinh thái là một mối đe dọa hiện sinh đối với nhiều người và các cộng đồng qua các hiện tượng mực nước biển dâng cao, axit hóa đại dương, hạn hán, mưa gây lũ lụt, và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn.

Các ngài coi việc đào tạo cho tất cả các thành viên của Giáo hội, kể cả các giám mục, sẽ rất cần thiết để hỗ trợ hành trình trở thành một Giáo hội đồng nghị hơn.

Tóm lại, các Giám Mục Châu Đại Dương quả quyết: “Sau khi cùng nhau suy nghĩ về tài liệu này tại Đại hội đồng của chúng tôi, chúng tôi cảm thấy bình an và vui mừng. Chúng tôi cũng cảm thấy được kêu gọi trở thành tiên tri. Các tông đồ đã được Chúa Giêsu chấp nhận mặc dù họ đã làm cho Người thất vọng. Người ban cho họ hòa bình. Chúng ta được mời gọi sẵn sàng hy sinh bản thân trong diễn trình làm tiên tri. Chúng ta cần phải làm gương cho chính chúng ta về tình yêu mà chúng ta tuyên bố. Chúng ta được sai đi giống như Chúa Giêsu đã sai các tông đồ”.