Stephen G. Adubato trên tạp chí mạng America của các cha Dòng Tên Hoa Kỳ, ngày 06 tháng 4, 2023 có bài viết về nhận định của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này là Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, nhân câu nói thời danh của Nietzsche “Thiên Chúa đã chết”, đã cho rằng “chính chúng ta đã giết Người” trong một bài suy niệm Thứ Bẩy Tuần Thánh. Nguyên văn có thể đọc tại đây: https://www.americamagazine.org/faith/2023/04/06/pope-benedict-xvi-nietzsche-death-god/
Anna Khachiyan nhận xét trong một tập gần đây trên podcast “Red Scare”: “'Chúa đã chết' là câu trích dẫn sai và bị lạm dụng nhiều nhất trong số những câu nói suông của Nietzsche. “Và tôi nghĩ,” Dasha Nekrasova, người đồng dẫn chương trình của cô ấy trả lời, “là những Kitô hữu, chúng ta thực sự nên biết ơn Nietzsche.”
Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI có thể được coi là một trong số những nhà thần học Kitô giáo thừa nhận mình mắc nợ cha đẻ của tư tưởng hậu hiện đại này. Tuyên bố gây tranh cãi của Friedrich Nietzsche từ The Gay Science là chủ đề khám phá trong một số bài suy tư của Đức Hồng Y Ratzinger vào Thứ Bảy Tuần Thánh. Khi Nietzsche tuyên bố về cái chết của Thiên Chúa, ông muốn nói rằng khuôn khổ văn hóa từng “chống đỡ” đức tin và đạo đức Kitô giáo đã bị xói mòn, do đó khiến niềm tin vào Thiên Chúa không còn phù hợp với cuộc sống ở châu Âu hiện đại.
Năm 1998, các bài viết của Đức Hồng Y Ratzinger về Thứ Bảy Tuần Thánh, được biên soạn cùng với các bức tranh và lời bình luận của nghệ sĩ người Mỹ William Congdon trong một bộ sưu tập có tựa đề The Sabbath of History (Ngày Sabát của Lịch sử). Mặc dù Congdon - một người trở lại Công Giáo thường gắn liền với phong trào Biểu hiện Trừu tượng [abstract expressionism] - chưa bao giờ gặp Đức Hồng Y Ratzinger, nhưng cả hai người đều bị thu hút và ngỡ ngàng sâu xa bởi những biến cố mầu nhiệm của Thứ Bảy Tuần Thánh.
Trong cuốn sách, Đức Hồng Y Ratzinger mô tả Thứ Bảy Tuần Thánh có một ý nghĩa đặc biệt như thế nào đối với ngài, vì ngài được sinh ra và rửa tội vào chính ngày đó năm 1927. Cuộc đời của ngài “ngay từ đầu dường như đã hướng đến sự phối hợp mầu sáng tối (chiaroscuro) lạ lùng này của đau khổ và hy vọng, của sự ẩn giấu và sự hiện diện thần linh” được ngài liên kết với Thứ Bảy Tuần Thánh. Đó là một ngày lơ lửng giữa “nhân tính hữu hình” của Thứ Sáu Tuần Thánh và “thiên tính rạng ngời” của Chúa Nhật Phục Sinh.
Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, xác của Chúa Kitô, bị hành hạ dã man vào Thứ Sáu Tuần Thánh, nằm trong mồ. Vào ngày này, chúng ta nhớ đến lời khẳng định đầy mầu nhiệm trong Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ: rằng Chúa Kitô “descendit ad infernos,” Người xuống địa ngục. Theo một bài giảng cổ xưa, Giáo Hội cho chúng ta biết rằng trong địa ngục, Chúa Giêsu đã giải thoát “tù nhân Ađam và người bạn tù Evà khỏi các đau đớn của họ,” tìm kiếm họ như “những con chiên lạc”.
Đức Hồng Y Ratzinger thận trọng trong việc ngài giải thích từ “địa ngục,” thích để nó bao phủ trong mầu nhiệm. Ngài gợi ý rằng địa ngục trong trường hợp này có thể được hiểu rõ hơn trong ngữ cảnh của chữ sheol trong tiếng Do Thái hoặc từ hades trong tiếng Hy Lạp của Homer, chỉ một vực thẳm cuối cùng được đặc trưng bởi “sự cô độc tột cùng”, “sự mất mát mọi thông đạt” và là nơi “tình yêu không xâm nhập được.”
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Ratzinger viết, “Việc Thiên Chúa chết trong Chúa Giêsu Kitô đồng thời là biểu thức của tình liên đới triệt để của Người với chúng ta. Mầu nhiệm đen tối nhất trong đức tin của chúng ta đồng thời là dấu hiệu hy vọng tươi sáng nhất không có giới hạn.” Sự im lặng của Thiên Chúa vào Thứ Bảy Tuần Thánh, cảm giác Người không đáp lại những lời cầu nguyện của chúng ta, không phải là lý do để thương tiếc cái chết dứt khoát của Người. Thay vào đó, nó đánh dấu một giai đoạn mà chúng ta háo hức chờ đợi Người thức dậy sau “giấc ngủ thần linh”, như Ratzinger nói, so sánh nó với thời gian Chúa Kitô ngủ trên thuyền trong cơn bão tố.
Đức Hồng Y Ratzinger lưu ý rằng lời tuyên bố của Nietzsche về cái chết của Thiên Chúa “được hiểu gần như theo nghĩa đen từ ngôn ngữ của truyền thống Kitô giáo”. Thay vì cố gắng bác bỏ tuyên bố của Nietzsche, Đức Hồng Y Ratzinger kích động các tín hữu để cho lương tâm của họ bị nó kích thích và đặt câu hỏi về nền tảng niềm tin của họ.
Đức Hồng Y Ratzinger viết tiếp, “Chúng ta đã giết Người bằng cách giam giữ Người trong những lối suy nghĩ cổ hủ, bằng cách trục xuất Người vào một lòng sùng đạo phi thực tại, một lòng sùng đạo ngày càng trở thành một khẩu hiệu tôn sùng hoặc sự tò mò khảo cổ học.” Chúng ta giản lược Thiên Chúa vào một mớ nghi thức và quy tắc phải tuân theo, không cho phép mình cảm nhận đầy đủ nhu cầu về tình yêu của Người và ôm lấy Người trong tất cả sự cao cả và mầu nhiệm của Người. Khi các tín hữu sống đức tin của họ một cách thờ ơ và quên mất gốc rễ của niềm tin của họ, thì làm sao những người ngoại đạo có thể được thuyết phục bởi lời chứng của họ?
Trong The Sabbath of History, Ratzinger hồi tưởng việc tham dự phụng vụ Thứ Bảy Tuần Thánh khi còn nhỏ khi các cửa sổ của nhà thờ được che kín hoàn toàn bằng rèm. Dù “ánh sáng từ bên ngoài và bên trên không chiếu vào,” ngài biết rằng “ánh sáng đang chờ đợi.” Đó là lý do tại sao ngài tin chắc rằng Thứ Bảy Tuần Thánh “đầy ắp mầu nhiệm của niềm hy vọng.”
Hình ảnh tòa nhà thờ tối tăm này đối với Đức Hồng Y Ratzinger là biểu tượng của “tình trạng của thế giới chúng ta” vào cuối những năm 1960. Ngài hỏi, “[Thứ Bảy Tuần Thánh] há không phải là ngày của chúng ta một cách kỳ lạ hay sao?” Ngài hỏi thêm, “há thế kỷ của chúng ta không đang bắt đầu trở thành một ngày Thứ Bảy Tuần Thánh lớn khi một sự trống rỗng băng giá lớn dần ngay cả trong tâm hồn của các môn đệ hay sao?”
Trong thời gian dẫn đến Công đồng Vatican II, Đức Hồng Y Ratzinger tự phân biệt mình với những người bám chặt vào các khuôn khổ thần học trong quá khứ, cũng như với những người vội vã loại bỏ truyền thống giáo hội nhân danh sự tiến bộ. Với phong cách biện chứng của một học giả kỳ cựu, ngài dấn thân vào vực thẳm nghi ngờ do tư tưởng hậu hiện đại và cuộc cách mạng văn hóa những năm 1960 gây ra. Ngài không bao giờ làm tổn thương các xác tín hoặc đức vâng lời Giáo hội của ngài, nhưng không ngại tra vấn những vấn đề cơ bản về đức tin và tham gia đối thoại với những người ngoại đạo.
Ngài viết: “Chính trong tư cách một người tham gia vào những nhu cầu cấp bách của thế hệ chúng ta, tôi cảm thấy được kêu gọi lên tiếng cho niềm hy vọng rằng sự thật luôn đặc biệt nằm rất gần những giờ phút im lặng và bóng tối”. Phương pháp đáp ứng thời đại bằng cách lội qua bóng tối của nghi ngờ thay vì giải quyết nó từ “bên ngoài” đánh dấu giọng điệu trong bản văn có ảnh hưởng lớn năm 1968 của ngài Introduction to Christianity [Dẫn nhập vào Kitô giáo].
Việc Ratinzger sẵn sàng vật lộn với những luận điểm của các triết gia như Nietzsche và Sartre khiến ngài trở thành một đối tác đối thoại thích hợp cho những người không có đức tin như Jurgen Habermas, Julia Kristeva và Mario Vargas Llosa. Danh tiếng táo bạo và sự tinh tế hậu hiện đại của ngài thậm chí còn mang lại cho ngài danh hiệu “giáo hoàng sặc sỡ nhất” bởi nhà phê bình văn hóa người Ý Fabio Cleto. Cleto không phải là người duy nhất nhận thấy sở thích của Ratinzger đối với nghi thức phức tạp và văn hóa cao cộng hưởng với sự nhạy cảm nghệ thuật được gọi là “sặc sỡ” [camp], thường được liên kết với các nữ hoàng khiêu vũ, ngôi sao nhạc pop và nhà thiết kế thời trang.
Đối tác của Đức Hồng Y Ratzinger trong The Sabbath of History, William Congdon, đã bị ảnh hưởng sâu xa bởi cảnh tượng đau khổ của con người mà ông gặp phải khi được phục vụ trong Thế chiến thứ hai. Ông nói: “Những đau khổ của người sắp chết tiết lộ cho tôi bản sắc thực sự của mình.” Việc ông hào phóng sử dụng sơn đen trên các bức tranh sơn dầu của mình là một cử chỉ thương tiếc nhưng cũng là một niềm hy vọng khi đối mặt với đau khổ. Ánh sáng chỉ có thể xuất hiện từ bóng tối—vốn tự nó là một biến cố kỳ diệu.
Mặc dù việc trở lại của Congdon vào năm 1959 đã khiến cộng đồng nghệ thuật phải kinh ngạc, nhưng loạt tranh về Chúa Kitô bị đóng đinh và trong mồ của ông đã giành được sự hoan nghênh từ các nhà phê bình. Những hình ảnh này là “chủ đề cao nhất” trong cuộc đời của ông, vì cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô khiến ông “khám phá ra rằng tấn kịch của Người trên thập giá” cũng là của chính ông. Congdon thường gọi “những con đường” mà chúng ta đi qua trong tư cách con người, rải rác đau khổ và bạo lực, là “Thân thể đang hấp hối của Chúa Kitô…bị chà đạp như thể giao thông của 'tội lỗi' đã băng qua nó cho hay từ thuở đời đời, cho đến khi cơ thể, điều là cơ thể, trở thành một vết nhơ.
Congdon và Đức Bênêđíctô không phải là những nhân vật duy nhất trong thời đại chúng ta đã lấy chủ đề về Thứ Bảy Tuần Thánh. Đối với nhà triết học và nhà hoạt động Cornel West, Kitô giáo “không phải là niềm tin vào Chúa Kitô vui mừng bị đóng đinh vào Thứ Sáu Tuần Thánh hoặc sống lại từ ngôi mộ của Người đúng lúc vào Chúa nhật Phục sinh của Giáo Hội, mà là một đức tin rút ra từ sự thừa nhận nỗi tuyệt vọng của ngày Thứ Bảy ở giữa.” Thứ Bảy Tuần Thánh đại diện cho tình liên đới của Chúa Kitô với sự đau khổ của những người bị áp bức, đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho các Kitô hữu, những người, giống West, dấn thân vào hoạt động xã hội.
Đối với triết gia người Slovenia (và tự xưng là “Kitô hữu vô thần”) Slavoj Zizek, cái chết của Chúa Kitô đã trở thành một phương tiện để khám phá khoảnh khắc “Thiên Chúa trở thành người vô thần”. Cuộc tranh luận được trình bày giữa Zizek và nhà thần học Anh giáo John Milbank trong cuốn sách năm 2009 của họ The Monstrosity of Christ [Tính quái dị của Đấng Kitô] để lại cho chúng ta tuyên bố rằng hoặc Kitô giáo là sự đầy tràn của tình yêu thần linh mà những làn sóng của nó đưa chúng ta đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa (“nghịch lý của Chúa nhật Phục sinh”); hoặc đó là sự giải thoát khỏi một vị thần xa xôi, độc đoán, do đó cho chúng ta cơ hội yêu thương người khác một cách tự do và không bị ép buộc (“biện chứng của Thứ Bảy Tuần Thánh”).
Dù bằng cách nào, Zizek và Milbank chứng minh “tính quái dị” trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã mang đến cho thế giới một hình thức tình yêu dựa trên cộng đồng và tình liên đới ra sao, trái ngược với chủ nghĩa cá nhân tư bản phương Tây.
Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta bị treo lơ lửng trong trạng thái mầu nhiệm một cách khó chịu giữa cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô; giữa những đau khổ hàng ngày của chính chúng ta và niềm hy vọng đã được hứa cho chúng ta. Chúng ta bị khiêu khích bởi sự im lặng của Thiên Chúa, giấc ngủ của Người. Trong những giây phút bối rối như vậy—thời điểm Thiên Chúa chết—chúng ta rất dễ chạy trốn đến chỗ hoàn toàn nghi ngờ và tuyệt vọng, hoặc tự làm tê liệt mình bằng sự lạc quan ủy mị.
Nhưng chúng ta cũng có thể mời Người bước vào vực thẳm bản thân của chúng ta, cùng với Đức Hồng Y Ratzinger kêu lên với vị Thiên Chúa đang ngủ: “Hãy thức dậy, đừng để bóng tối của Thứ Bảy Tuần Thánh kéo dài vô tận, hãy để một tia sáng Phục sinh chiếu vào những ngày của chúng con…đừng để chúng con chìm vào bóng tối; đừng để lời nói của Chúa bị nhấn chìm trong những giễu cợt của những ngày này. Lạy Chúa, xin giúp chúng con, vì không có Chúa, chúng con sẽ bị diệt vong. Amen.”