Theo bản tin của Aleteia ngày 01/04/23, Henri de Lubac (1896-1991), một nhà thần học nổi tiếng của thế kỷ 20, sẽ được xem xét để phong chân phước. Các giám mục của Pháp, tập trung trong phiên họp toàn thể ở Lourdes, đã bỏ phiếu ủng hộ việc mở vụ án của ngài. Các ngài đã công bố tin này vào ngày 31 tháng 3 năm 2023.
Henri de Lubac, sinh năm 1896 tại Cambrai, miền bắc nước Pháp, gia nhập Dòng Tên năm 1913 tại Anh; các dòng tu đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ Pháp trước đó một thời gian.
Năm 1915, Lubac nhập ngũ và bị thương ở tiền tuyến. Ngài vĩnh viễn bị đánh dấu bởi kinh nghiệm này trong Thế chiến thứ nhất.
Thụ phong linh mục năm 1927, ngài dạy thần học ở Lyon. Ngài trở thành một nhân vật được công nhận trong giới trí thức sau khi xuất bản cuốn Catholicisme vào năm 1938, đặt nền móng cho một nền thần học cởi mở với đối thoại liên tôn và đối đầu kiên quyết nhưng tôn trọng chủ nghĩa vô thần.
Kiên quyết phản đối chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa Quốc xã, ngài đồng sáng lập, vào năm 1941 với Cha Jean Daniélou, bộ sưu tập Sources chrétiennes.
Thời kỳ hậu chiến được đánh dấu bằng một thời kỳ bị cô lập, thần học của ngài tỏ ra quá táo bạo vào một thời điểm được đánh dấu bằng một số thái độ cứng rắn. Năm 1950, Cha Tổng quyền Dòng Tên bắt ngài nghỉ phép.
Công đồng Vatican II là một hình thức phục hồi đối với ngài: Sự tham gia của ngài trong tư cách chuyên viên trong công việc của Công đồng đã dẫn đến việc ngài được Đức Phaolô VI bổ nhiệm làm thành viên của các văn phòng dành cho những người không tin và những người không theo Kitô giáo.
Năm 1983, tám năm trước khi ngài qua đời tại Paris năm 1991, Đức Gioan Phaolô II đã tấn phong ngài làm Hồng Y không có quyền bầu cử.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên được đào tạo vào thời điểm diễn ra Công đồng Vatican II, đã đọc các tác phẩm của ngài bằng tiếng Pháp và thường xuyên trích dẫn ngài, đặc biệt là về tầm nhìn của ngài về “Mẹ Giáo Hội”.
Giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI về “sự giải thích tính liên tục” trong việc giải thích Công đồng Vatican II cũng dựa nhiều vào Henri de Lubac. Giải thưởng Ratzinger cuối cùng được trao dưới thời Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI, vào năm 2022, đã được trao cho Tu sĩ Dòng Tên người Pháp Michel Fédou, một chuyên gia về công việc của đồng nghiệp nổi tiếng của ngài trong Dòng Tên.
Giải thưởng de Lubac mang tên ngài đã được trao hàng năm kể từ năm 2004 cho hai tác giả của các luận án tiến sĩ (một bằng tiếng Pháp, một bằng tiếng nước ngoài) đang học tại các trường đại học giáo hoàng ở Rôma.
Kỳ tới: Bẩy huyền thoại dai dẳng về thần học của Henri de Lubac