Với Tiến sĩ Jennifer S. Bryson, Thành viên tại Trung tâm Chính sách công và Đạo đức học ở Washington, DC và là Nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Hochschule Heiligenkreuz, sự lạc quan phản thực tế của những kẻ dị giáo giữ họ ở lại trong Giáo hội trong khi cố gắng phá hủy nó (https://www.crisismagazine.com/opinion/why-do-heretics-remain-in-the-church).



Theo bà, năm mươi năm trước, lúc đó còn là một linh mục, Joseph Ratzinger và Ida Friederike Görres đang xem chương trình truyền hình tương đương với trực tuyến ngày nay về sự sụp đổ của Giáo hội ở Châu Âu. Và họ cũng hỏi cùng những câu hỏi về “những người cải cách” trong Giáo Hội mà ngày nay nhiều người trong chúng ta đang hỏi:

Tại sao họ quá lạc quan về những nỗ lực của họ, những nỗ lực rõ ràng đang dẫn đến sự suy giảm trong Giáo Hội? Và tại sao những người này vẫn ở trong một Giáo hội mà họ rõ ràng coi thường như vậy? Và, dám thốt ra chữ L, khi nào các vị nắm quyền cuối cùng sẽ rút thẻ đỏ ra và tuyên bố, “ly giáo”?

Vào đầu thập niên 1970, Ratzinger là một giám mục trẻ đang lên và Görres là một tác giả giáo dân lớn tuổi gần cuối đời. Cuộc sống của họ giao nhau. Ratzinger và Görres tiếp tục trao đổi thư từ từ những năm 1960 cho đến khi bà qua đời vào năm 1971, khi Ratzinger đọc điếu văn tại tang lễ của bà.(1)

Khi nói đến các kẻ phá hoại vào thập niên 1970, Ratzinger nhận thấy tính lạc quan là một đặc điểm trung tâm của họ. Ngài đã khai triển ba giả thuyết để giải thích sự lạc quan của họ. Trong một bài nói chuyện của Ratzinger về “Hy vọng” vào năm 1986, ngài đã sử dụng Giáo hội ở Hòa Lan vào đầu những năm 1970 như một trong những nghiên cứu điển hình của mình về đối tác không tương ứng của hy vọng, tức tính lạc quan. (2) Ngài mô tả tại sao tình trạng của Giáo hội ở Hòa Lan lại là một chủ đề rất được thảo luận giữa các đồng nghiệp của ngài vào thời điểm đó.

Sau chuyến thăm Hòa Lan, một trong số các vị mang về một bản báo cáo cho thấy “các chủng viện trống rỗng, các dòng tu không có tập sinh, linh mục và tu sĩ đang quay lưng lại với ơn gọi của họ, việc xưng tội biến mất, số người tham dự Thánh lễ giảm sút nghiêm trọng, và v.v..." Ratzinger nói: “Điều thực sự ngạc nhiên” là sự phổ biến của “tính lạc quan”. Ratzinger kể lại việc vị khách trở về từ Hòa Lan nói với họ:

“Không nơi nào có sự bi quan, mọi người đều hướng tới ngày mai với sự lạc quan. Hiện tượng lạc quan nói chung cho phép quên đi tất cả sự suy đồi và tàn phá: đủ để bù đắp cho tất cả những gì tiêu cực”.

Ratzinger đưa ra ba giả thuyết cho sự lạc quan này trước sự sụp đổ hết sức rõ ràng.

Một là “sự lạc quan có thể chỉ là vỏ bọc đằng sau ẩn giấu sự tuyệt vọng mà người ta đang cố gắng vượt qua.”

Giả thuyết thứ hai, theo ngài, “có thể là một điều gì đó tồi tệ hơn.” Ngài giải thích:

“Có thể sự lạc quan này là phương pháp được nghĩ ra bởi những người mong muốn phá hủy Giáo hội cũ và dưới chiêu bài cải cách muốn xây dựng một Giáo hội hoàn toàn khác, một Giáo hội theo sở thích của họ mà không cần quá ồn ào”.

Ratzinger nghĩ rằng sự hủy diệt như vậy sẽ là “Điều gì đó mà họ không thể khởi động nếu ý định của họ bị phát hiện quá sớm.” Ngài xác định rằng giả thuyết thứ hai này đòi hỏi hai kiểu lạc quan: kiểu lạc quan của những kẻ hủy diệt và kiểu lạc quan của những người ngây thơ bước theo.

Do đó, hình ảnh “sự lạc quan công cộng” được duy trì bởi những kẻ hủy diệt “sẽ là một cách trấn an các tín hữu nhằm tạo ra bầu không khí trong đó người ta có thể phá bỏ Giáo hội một cách lặng lẽ nhất có thể và giành quyền lực đối với nó.” Theo Ratzinger, muốn làm cho cách tiếp cận thứ hai này có thể thực hiện được, cần phải có “sự cả tin, thực sự là sự mù quáng của các tín hữu, những người để cho mình được trấn an bằng những lời hoa mỹ.”

Ngài kết luận, “tuy nhiên, sự lạc quan kiêu ngạo bội giáo này sẽ lợi dụng sự lạc quan ngây thơ của phía bên kia và thực sự cố tình nuôi dưỡng nó.” Kiểu lạc quan này sẽ được trình bày một cách lừa bịp như thể nó “chẳng là gì khác ngoài… nhân đức cậy thần thiêng,” trong khi, “trong thực tế, nó là một sự nhái lại đức tin và đức cậy.” Ngài nói, kiểu lạc quan thứ hai này sẽ là “một chiến lược có chủ ý nhằm xây dựng lại Giáo hội để… ý muốn của chúng ta” chứ không phải ý muốn của Thiên Chúa, “sẽ có tiếng nói quyết định cuối cùng.”

Giả thuyết thứ ba của ngài là “sự lạc quan này…chỉ đơn giản là một biến thể của niềm tin cấp tiến vào sự tiến bộ không ngừng—sự thay thế kiểu tư sản cho niềm trông cậy đã mất của đức tin.”

Ratzinger kết luận rằng rất có thể cả ba loại lạc quan đều đang hoạt động, “Không dễ để xác định loại nào trong số chúng có sức nặng quyết định và khi nào và ở đâu.”

Năm 1970, cũng có một giả thuyết khác về tiền thân Hòa Lan của Con đường Đồng nghị ngày nay, lần này được phát triển bởi Ida Görres. Trong một bức thư gửi cho người bạn của bà, Cha Paulus Gordan, OSB, bà giải thích rằng một linh mục đã mang về các tài liệu từ Giáo Hội Hòa lan. Bà phát biểu: “Về vấn đề này, tôi không thể hiểu tại sao, ở Rôma, người ta không đơn giản tuyên bố sự ly giáo, mà thực tế đã diễn ra từ lâu” — bà nói, một sự ly giáo “bây giờ chỉ được ngụy trang bằng những công thức khinh miệt ngoại giao.” Sau đó, bà giải thích lý do tại sao từ phía bên kia, ở Hòa lan, những người, trong căn bản, đã rời bỏ Giáo hội không tỏ ra háo hức bước ra khỏi cửa:

“Các quý ông ở Hòa lan chắc chắn đủ thông minh để biết rằng, nếu chính thức tách ra, họ sẽ chìm xuống vực thẳm của sự tầm thường không đáng quan tâm, trong khi bằng cách này, tất nhiên, họ sẽ tiếp tục đóng một vai giật gân tuyệt vời và, đồng thời, vẫn làm được những gì phù hợp với họ”. (3)

Sự lạc quan tươi sáng, vui vẻ và tình yêu dành cho sự chú ý của giới truyền thông ngày nay lại được trình bầy giữa những người thống khoái Con đường Đồng nghị ở Đức. Năm này qua năm khác, ngày càng có nhiều người Đức rời bỏ Giáo hội; nhưng tại Con đường Đồng nghị, họ lạc quan hơn bao giờ hết. Họ say mê một tương lai với việc phong chức linh mục cho phụ nữ, cho phép ly dị, mở rộng bí tích hôn nhân cho các cặp đồng tính, v.v. Và họ nhanh nhẩu trong việc làm cho trường hợp của họ được biết đến trên bất cứ kênh truyền thông nào có thể. Và trong suốt thời gian đó, họ “làm những gì phù hợp với họ” chứ không phải những gì phù hợp với Giáo hội.

Hiện nay, chúng ta đang ở tình tiết không biết thứ bao nhiêu của mùa thứ bao nhiêu của một loạt phim bi kịch được gọi là “Cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội.” Trong tình tiết mới nhất, Con đường Đồng nghị ở Đức, vốn đã gieo rắc hết sự phẫn nộ này đến sự phẫn nộ khác trên con đường của nó, giờ đây đang ôm lấy hết quan điểm dị giáo này đến quan điểm dị giáo khác và làm như vậy một cách trơ trẽn hơn bao giờ hết.

Và khi xem lại đoạn trực tuyến về điều này, chúng ta vẫn đặt câu hỏi: Tại sao những người theo đuổi sự hủy diệt này lại tràn đầy lạc quan như vậy? Khi nào thì đủ để sự phân ly trên thực tế được tuyên bố một cách công khai? Và tại sao những người ghét Giáo hội này vẫn ở trong Giáo hội?

Ghi chú

1. Joseph Ratzinger, “Eulogy for Ida Friederike Görres,” [điếu văn cho Ida Friederike Görres] bản tiếng Anh của Jennifer S. Bryson, Logos: A Journal of Catholic Thought and Culture 23, no. 4 (09/09/2020): 148–55.

2. Joseph Ratzinger, To Look on Christ: Exercises in Faith, Hope, and Love [Nhìn lên Chúa Kitô: Các thao tác Tin, Cậy,và Mến] (New York: Crossroad, 1991), 40–42.

3. Ida Friederike Görres, Thư gửi Paulus Gordan, ngày 30 tháng 1 năm 1970 trong “Wirklich Die Neue Phönixgestalt?” Über Kirche Und Konzil; Unbekannte Briefe 1962-1971 von Ida Friederike Görres và Paulus Gordan, chủ biên. Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz (Heiligenkreuz im Wienerwald, Austria: Be+Be Verlag, 2015), 439–440. Trích dẫn được dịch bởi Bryson.