1. Thầy Alois Loser Tu viện trưởng Taizé sắp từ nhiệm
Thầy Alois Loser sắp từ nhiệm chức vụ Tu viện trưởng Tu viện Đại kết Taizé bên Pháp, bắt đầu từ Mùa vọng sắp tới và sẽ chuyển sang cộng đoàn ở Cuba.
Thày Alois Loser, là một tín hữu Công Giáo người Đức, đã hướng dẫn tu viện Taizé trong 18 năm qua, sau khi thầy Roger Schutz, sáng lập viên và là Tu viện trưởng Taizé bị một phụ nữ bệnh tâm trí sát hại trong buổi đọc kinh tối hồi tháng Tám năm 2005. Thầy Roger người Thụy Sĩ, thuộc Giáo hội Tin lành Calvin, đã thành lập Cộng đoàn ở Taizé bên Pháp năm 1944.
Tu viện này phát triển với thời gian và hiện nay có 90 tu huynh thuộc các Giáo hội Kitô khác nhau, Công Giáo và Tin lành, đến từ 30 quốc gia. Cộng đoàn này thu hút nhiều người trẻ trên thế giới và hàng năm vẫn tổ chức các cuộc gặp gỡ giới trẻ vào cuối năm tại một thành phố ở Âu châu và thỉnh thoảng ở các đại lục khác, trong chương trình gọi là “Những người lữ hành trên đường hy vọng”.
Ngày 02 và ngày 03 tháng Mười Hai tới đây, Chúa nhật thứ I Mùa vọng, thầy Matthêu 58 tuổi, thuộc Anh giáo, sẽ đảm nhận chức vụ bề trên Taizé. Thầy sinh ngày 10 tháng Năm năm 1965, tục danh là Andrew Thorpe, tại làng Pudsey, gần thành phố Leeds, miền West Yorkshire. Năm 20 tuổi anh đến Taizé lần đầu tiên và gia nhập cộng đoàn này năm sau đó 1986.
Về phần thầy Alois Loser, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức KNA, truyền đi hôm 22 tháng Mười Một vừa qua, thầy cho biết trước hết thầy sẽ đến một cộng đoàn ở miền bắc Ý và lưu lại ba tháng, rồi sẽ di chuyển sang Cuba, trong một cộng đoàn nhỏ của các tu huynh Taizé, tại một thành phố nhỏ, cách thủ đô La Habana khoảng 3 giờ xe hơi.
2. Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tông huấn “Niềm vui Tin mừng”
Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định rằng sứ mạng loan báo Tin mừng và đời sống Kitô không thể lơ là với những người nghèo, vì chính họ đánh dấu con đường cứu chuộc. Cần thay đổi não trạng để chấm dứt các cuộc chiến tranh, cuộc khủng hoảng về khí hậu và di cư.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong sứ điệp gửi Hội nghị do Bộ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm vui Tin mừng, công bố hồi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha có đoạn viết: “Chỉ khi nào chúng ta lắng nghe tiếng kêu thường bị bóp nghẹt của trái đất và người nghèo, chúng ta mới có thể chu toàn sứ mạng truyền giảng Tin mừng, sống cuộc sống Chúa Giêsu đề nghị và góp phần giải quyết các vấn đề trầm trọng của nhân loại”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại rằng, qua Tông huấn “Niềm vui Tin mừng” mời gọi các tín hữu hãy “khôi phục niềm vui thừa sai của các tín hữu Kitô tiên khởi”, mặc dù họ bị vu khống, xỉ nhục, bách hại, tra tấn và giết hại, nhưng họ chính là mô thức của một Giáo hội đi ra ngoài, biết đưa ra những sáng kiến mà không sợ hãi, ra đi gặp gỡ, tìm kiếm những người ở xa và mời gọi những người bị loại trừ.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Việc loan báo Tin mừng trong thế giới ngày nay tiếp tục đòi hỏi chúng ta phải kháng cự, theo tinh thần ngôn sứ, như một giải pháp khác về văn hóa, và điều này đứng trước cá nhân chủ nghĩa duy khoái lạc ngoại giáo, chế độ giết hại, loại trừ, hủy hoại phẩm giá con người, và não trạng hải đảo, xa lạ, giới hạn đời sống nội tâm vào những tư lợi của mình, xa cách tha nhân và Thiên Chúa, vì toàn thể con đường cứu chuộc được những người nghèo đánh dấu... Vì thế, không thể không đặt những người nghèo ở trung tâm. Đây không phải là chính trị, cũng chẳng phải là ý thức hệ, nhưng chỉ là đòi hỏi của Tin mừng”.
Ngoài ra, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cần phải thay đổi não trạng, cần suy tư trong tinh thần cộng đồng và dành ưu tiên cho cuộc sống của mọi người, sống tình liên đới như quyết định trả lại cho người nghèo điều thuộc về họ. Trong niềm tôn trọng nền độc lập và văn hóa của mỗi nước, cần luôn nhớ rằng trái đất là của toàn thể nhân loại và dành cho nhân loại. Vì thế, cần phải lắng tai nghe tiếng kêu của các dân tộc khác, hiện cư ngụ tại đất nước chúng ta”.
3. Thư Đức Hồng Y Parolin gửi các giám mục Đức về chức linh mục và vấn đề đồng tính luyến ái
Tuần báo “Die Tagespost” ở Đức đã đăng lá thư dài ba trang của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, gửi cho các giám mục Đức để tái khẳng định giáo huấn của Giáo hội về chức linh mục dành cho người nam, và về đồng tính luyến ái. Đây là những vấn đề không thể thương thuyết. Vì thế, không thể chấp nhận con đường riêng cho Giáo hội tại Đức về các đến đề này.
Báo này cho biết Đức Hồng Y Parolin thông báo điều này cho Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Đức, là bà Beate Gilles, trong thư đề ngày 25 tháng Mười vừa qua. Lá thư nói rằng trong cuộc gặp gỡ tới đây với phái đoàn của các giám mục Đức, Tòa Thánh sẽ không thảo luận về Tông thư “Ordinatio Sacerdotalis”, Truyền chức linh mục, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành hồi năm 1994 khẳng định chung kết rằng chức linh mục chỉ dành cho nam giới. Cũng vậy đối với vấn đề đồng tính luyến ái.
Trang mạng của Hội đồng Giám mục Đức, ngày 24 tháng Mười Một vừa qua, cho biết ông Matthias Kopp, Phát ngôn viên của các giám mục Đức, xác nhận rằng trong khóa họp đầu tuần tới đây, Ban thường vụ Hội đồng Giám mục sẽ thảo luận về lá thư này.
Hồi tháng Sáu năm nay, nhiều vị Bộ trưởng của Đức Thánh Cha đã gặp gỡ, lần đầu tiên, với các đại diện của các giám mục Đức, để bàn về Tiến trình Công nghị của Giáo hội này. Đến tháng Mười tiếp đó, trong dịp tham dự Thượng Hội đồng Giám mục ở Roma, Đức Cha Chủ tịch Georg Bätzing và bốn giám mục Đức đã gặp và nói chuyện với năm vị Bộ trưởng của Tòa Thánh. Các cuộc trao đổi này sẽ tiếp tục trong năm tới. Các vị Bộ trưởng Giáo lý đức tin, Hiệp nhất các tín hữu Kitô, Bộ Giám mục, Phụng tự và kỷ luật bí tích cũng như Bộ Giáo luật sẽ gặp và thảo luận với các giám mục Đức vào tháng Giêng, tháng Tư và tháng Sáu năm tới, những gì không thể thay đổi trong giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội, cũng như những gì có thể thay đổi. Trong số các vấn đề đó có giáo huấn của Giáo hội, hình ảnh con người, luân lý và phụng vụ, các văn kiện của Tiến trình Công nghị.
Thư của Tòa Thánh nhấn mạnh rằng một con đường đồng nghị (Synodal) đang được thực hiện trên bình diện Giáo hội hoàn vũ, vì thế, cần phải tôn trọng con đường này và tránh gây ra ấn tượng có những sáng kiến song song với Con đường này và tỏ ra dửng dưng đối với ý tưởng cùng đi với nhau”.
Tuy chưa có phản ứng của Hội đồng Giám mục Đức, nhưng giới lãnh đạo Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, đã bày tỏ bất đồng.
Tuyên bố trong Đại hội của Ủy ban này ở thủ đô Berlin, hôm 24 tháng Mười Một vừa qua, bà Chủ tịch Irme Stetter-Karp nói: Parolin cũng đã từng tuyên bố rằng sự tham dự và bỏ phiếu về các quyền của phụ nữ trong Thượng Hội đồng Giám mục hồi tháng Mười là điều “không thể tưởng tượng được và bất hợp pháp”, vì nó không hợp giáo luật và cơ cấu bí tích cơ cấu và lịch sử của Giáo hội”, nhưng Đức Giáo Hoàng của chúng ta đã làm gì? Bất chợt điều đó trở nên hợp pháp, có thể và được đưa vào hành động”! Năng động này trong Vatican và giữa Giáo triều với Đức Giáo Hoàng là điều cần để ý.
Về phần giáo sư Thomas Soeding, Phó chủ tịch Ủy ban ZdK, nhận định rằng lá thư của Đức Hồng Y Parolin chứng tỏ có một cuộc thảo luận giữa Đức và Roma, điều này dĩ nhiên là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, ông chống lại ý tưởng theo đó có những vấn đề trong Giáo hội không thể thương thuyết được. “Đây không phải là thương thuyết. Vấn đề là chúng ta có đương đầu với những vấn đề hiện có trong Giáo hội hay không”. Đây chỉ là vấn đề quyền bính trên thế giới trước tuyên bố của Vatican nói rằng Giáo hội không có quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ. Chúng tôi đã nói về điều đó và chúng ta sẽ thấy kết quả.
Còn về vấn đề đồng tính luyến ái, Thượng Hội đồng Giám mục đã tuyên bố Giáo Hội Công Giáo, với nhân loại học truyền thống chưa có mọi câu trả lời, nhưng cần trao đổi với các khoa học nhân văn”.