Viễn cảnh 2: Một cuộc ly giáo không sạch
* Con đường Đồng nghị thông qua tất cả các bài thuyết trình theo kế hoạch và không thay đổi, và không lưu ý chi tới bản chất các phản đối của Rome.
* Con đường Đồng nghị, vì không lưu ý tới chỉ thị của Rome từ ngày 16 tháng 1 năm 2023, đang chuẩn bị cho việc thành lập một Hội đồng Đồng nghị, cho rằng việc này không vi phạm giáo luật, và biến thành định chế một cộng đồng thường trực với các năng quyền rất ít minh bạch.
* Trước sự chỉ trích, họ cho rằng họ hành động phù hợp với giáo luật, không có cam kết và giao ước (obligation) của các giám mục, để không bị nói là “ly giáo”. Tuy nhiên, các quyết định được thực hiện trong quá trình “tự nguyện tự cam kết” của từng giám mục cá nhân trong giáo phận của họ.
* Rome tiếp tục nắm kỷ cương, nhưng không đủ rõ ràng nhận ra tính chất bùng nổ về ly giáo của các sự kiện và không thực sự chấp pháp tín lý và luật pháp hợp lệ bằng sức mạnh cần thiết.
* Phần lớn các giám mục tiếp tục phớt lờ toàn bộ hoặc một phần các hướng dẫn của Rome; họ nhấn mạnh tới cung cách đặc thù của Đức trong cấu trúc, tín lý và luân lý. Trên thực tế, các giám mục từ chối các chỉnh sửa đối với các thay đổi về cơ cấu đã được đưa ra. Họ nhất quán làm suy yếu sức mạnh ràng buộc của giáo huấn và hướng dẫn của Giáo hội hoàn vũ đối với các vấn đề về hiến pháp của Giáo hội và nhân học Kitô giáo.
* Giáo huấn chung của Giáo hội hoàn vũ được thay thế bằng ý kiến đa số của giáo dân và giám mục về các vấn đề tôn giáo. Trong cùng một mức độ theo đó kỷ luật của Giáo hội phổ quát bị xói mòn, kỷ luật nội bộ của giáo hội được xây dựng và thực thi theo kiểu trưng cầu dân ý/toàn trị.
* Trên thực tế, hai trung tâm quyền lực và văn phòng giảng dạy ra đời, cùng tồn tại trong tranh chấp: trung tâm Công Giáo Rôma (bị buộc bước vào thế hiện hữu thiểu số), và văn phòng tín lý và lãnh đạo rất rõ ràng của Con đường Đồng nghị, một văn phòng, đàng khác, còn được thúc đẩy bởi các phương tiện truyền thông thế tục và truyền thông giáo hội. Do đó, “pax christiana” [hoà bình Kitô giáo] ở Đức đã kết thúc, vì không một người nào và không một tổ chức giáo hội nào có thể phục vụ hai chủ.
Hậu quả tiêu cực của viễn cảnh này:
* Các linh mục và giám mục nào còn muốn nối kết với Giáo hội hoàn vũ, cũng như các thành viên của các dòng tu mà người lãnh đạo của họ chọn con đường ly giáo, sẽ rơi vào một cái bẫy hiện sinh, bao lâu Rome không cung cấp cho họ một điểm tiếp xúc thay thế và bỏ họ một mình với quyết định vẫn theo Công Giáo Rôma của họ.
Họ thực sự không có lựa chọn nào để rời khỏi cấu trúc ly giáo của Đức mà không phải đối đầu với mối đe dọa hiện sinh về tài chính của chính họ. Việc chỉ trích đường lối tiến bộ của Đức bị chế tài (thậm chí có thể với sự trợ giúp của nhà nước, chẳng hạn bằng cách trừng phạt các cơ quan chống phân biệt đối xử của nhà nước). Áp lực truyền thông, hệ thống cung cấp thông tin và thanh trừng bảo đảm rằng chỉ những người trung thành với đường lối này mới được phép đảm nhận các vị trí có trách nhiệm—giống như Con đường Đồng nghị yêu cầu trong các nghị quyết của nó.
* Thông qua hành vi nước đôi của các giám mục của họ, các nhà thuyết giáo, các giáo dân làm việc trong nhà thờ, các giáo sĩ và tu sĩ buộc phải công nhận quyền lực thủ tục trên thực tế của Con đường Đồng nghị: Quyền quy phạm của các quyết định của Con đường Đồng nghị, luật lao động mới của Giáo Hội (đã được xác nhận bởi 21 giáo phận), và các cuộc biểu tình công khai khiến họ không thể hành động mang tính giáo hội trong các giáo xứ, trong nền giáo dục tôn giáo, v.v., và giảng dạy trong giáo hội theo Kinh thánh và Truyền thống. Họ buộc phải tuân theo sự dạy dỗ sai lầm.
* Việc trung thành với “tín lý” đòi hỏi các tín hữu nhân viên phải trả giá đắt. Họ phải rời bỏ công việc và thậm chí có thể cả nhà ở của họ nữa để vẫn duy trì được mối liên hệ với các giáo xứ và cấu trúc Công Giáo Rôma. Thừa tác vụ Giáo hội không còn là một lựa chọn cho những người Công Giáo trung thành. Các ơn gọi không còn tìm thấy nơi để cống hiến. Những người ở trong tình trạng tự do trung thành (tức là không phục vụ nhà thờ hoặc không ở các vị trí lãnh đạo của các cộng đồng Công Giáo, v.v.) mất niềm tin của họ vào định chế và cuối cùng bị cám dỗ thành lập một loại “giáo hội hầm trú”.
* Quá trình chia rẽ nội bộ giáo hội leo thang; giáo xứ thể nhân, những cuộc tụ tập giáo phái bất hợp pháp và các giáo đoàn bí truyền bắt đầu hình thành. Giáo Hội không còn là một nơi an toàn, một “ngôi nhà” đầy an ủi. Người ta quay lưng lại với một số giám mục và hướng tới các vị khác. Các giáo đoàn chia rẽ thành các phe phái. Các tín hữu rời khỏi giáo xứ của họ; họ xa lánh một số linh mục và tìm kiếm những vị được họ cho là “đúng đắn”. Một số tìm kiếm các bí tích, các lớp giáo lý, đời sống tâm linh thông qua các kênh không chính thức và các mối liên hệ cá nhân. Nhiều người rời bỏ Giáo hội hoàn toàn; những người khác di cư nội địa; họ vẫn ở lại giáo xứ địa phương do sự ép buộc về cơ cấu, do đó tự tước đi khả năng sống trong bất cứ hình thức đức tin Công Giáo toàn diện nào. Các gia đình ngày càng chia rẽ sâu sắc. Các khoa của trường đại học coi mình là cơ sở đào tạo của các phe thù địch. Có một "cuộc nội chiến" đạo đức với sự phân bổ quyền lực không đồng đều, một loạt tranh cãi liên ngã và đối đầu trực tiếp không thể nhầm lẫn được. Nhiều mối gắn bó và tình bạn hiện hữu không tồn tại được.
* Giáo hội chia rẽ là giáo hội không có sứ mệnh. Đứng trước những bất đồng liên tục, các lời mời đi truyền giảng Tin Mừng để người ta sống với Giáo hội là điều bất khả. Xu hướng đi xuống không thể dừng lại được. Giáo hội một lần nữa phản bội các thế hệ trẻ đã mất.
* Con đường Đồng nghị sử dụng Thượng Hội Đồng Thế giới để cổ vũ các lập trường không thay đổi của nó cả trong Giáo hội Thế giới.
* Thuế Nhà thờ Đức chịu áp lực từ hai phía cùng một lúc: Những người cấp tiến rời bỏ và từ chối trở thành thành viên đóng góp trong công ty công cộng vì những “cải cách” được yêu cầu không đi đủ xa đối với họ và, theo quan điểm của họ, dường như bị kìm giữ một cách độc đoán. Những người Công Giáo thống thuộc Rome từ chối hỗ trợ kinh tế của họ vì nghi ngờ có sự bất tuân ly giáo từ phía các giám mục.
* Giáo Hội Công Giáo sao chép và định chế hóa khái niệm thất bại của giáo hội Thệ phản quốc gia: một tổ chức phi chính phủ của “những người tốt” do các quan chức điều hành, được định hình bởi chính dòng xã hội và do đó mờ nhạt, tuy không ban hành nhưng có một một chương trình chính trị—và một cách chính xác, nó đi theo con đường của người Hòa Lan vào những năm 1970 dẫn đến việc từ bỏ đời sống Giáo Hội trên toàn quốc. “Cấu trúc” [gestalt] của Giáo hội tan rã hoàn toàn; không ai có thể nói nó là gì nữa. Tính liên quan của định chế chìm vào một cái hố không đáy.
* Ngày càng có nhiều người không những chỉ quay lưng lại với Giáo hội, mà cuối cùng còn quay lưng lại với chính Thiên Chúa nữa.
Viễn cảnh 2 cũng có những hậu quả tiêu cực đối với Rome và Giáo hội hoàn vũ:
* Căn bệnh ở phần Đức của Nhiệm Thể Chúa Kitô sẽ lây lan khắp Giáo Hội như một vết áp xe dọc theo các khe hở giải phẫu, cho đến khi nó trở thành một căn bệnh có hệ thống của Giáo Hội Hoàn Vũ.
* Rome (và “thừa tác vụ hiệp nhất”) tiếp tục mất thẩm quyền vì quá trình xa lánh Giáo hội Hoàn vũ, vốn đã lê thê hàng thập niên qua (và lên đến cao điểm là Con đường Đồng nghị), không được giải đáp thỏa đáng. Ngày càng có nhiều giáo phận cấy ghép những dị giáo có thể kiểm chứng dưới chiêu bài Công Giáo vào những ngóc ngách xa nhất trong cấu trúc của họ. Sự kiên nhẫn của Rome bị hiểu lầm là một lời mời dạy điều sai, huấn luyện điều sai và phổ biến điều sai trái một cách trắng trợn và với hiệu ứng truyền thông. Dù sao, không còn hệ quả để sợ hãi. Một thế hệ tín hữu đang lớn lên mà đối với họ, điều thật không còn được công bố nữa và hơn nữa, họ coi sự giả dối là sự thật.
Hệ quả tích cực của viễn cảnh 2:
Phương án này sẽ kết liễu thứ giáo hội tiêu dùng hiện thời không đem lại hoa trái gì, với các thành viên được giám sát và tích cực cỗ vũ việc chủ quan hóa các tín hữu.
Những ai tìm kiếm Chúa Giêsu sub Petro et cum Petro [dưới Phêrô và với Phêrô] sẽ nhận ra chữ viết tay của Thiên Chúa và một thách thức thiêng liêng đối với sự tan rã của hình thức bề ngoài của Giáo hội: Khi những cái nạng của thái độ tiêu dùng thụ động và một lòng trung thành theo thói quen, được lấy đi khỏi họ, cá nhân Kitô hữu sẽ nhận ra “nghĩa vụ tự kiếm đem về” [obligation to fetch] và trách nhiệm của mình trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Là người Công Giáo sẽ có nghĩa là: trở thành người Công Giáo do sự lựa chọn và dấn thân vào con đường “môn đệ truyền giáo” (Evangelii Gaudium). Các cộng đồng và nhóm nhỏ nhưng mạnh sẽ xuất hiện, nhưng họ có thể phải sống theo kiểu hiện hữu hầm trú trong nhiều thập niên bên lề một định chế mà ở một số khía cạnh là đồi bại và bất tuân. Quá trình tự hủy hoại sẽ thúc đẩy mạng lưới những người cùng chí hướng và từ đống đổ nát dẫn đến một cường độ mới của Giáo hội và đức tin.
Lượng giá:
Viễn cảnh 2 vừa là phương án có xác suất xẩy ra nhất, cũng là phương án tồi tệ nhất có thể hình dung được—nếu Rome không hành động kiên quyết.
Viễn cảnh 2 hệ thống hóa sự chia rẽ thực sự hiện có của Giáo Hội Công Giáo ở Đức và là cách chắc chắn nhất để kết liễu nó về phương diện định chế. Viễn cảnh 2 đồng thời là sự phản bội Tin Mừng và phản bội các tín hữu, những người đối với họ chính Giáo hội đang cản trở con đường đến với Chúa Giêsu và ơn cứu độ. Do đó, viễn cảnh này cần được ngăn chặn bằng mọi giá.
Viễn cảnh 3: Ly giáo được thiết lập chính thức
Sự ly giáo của một giáo hội đặc thù khỏi Giáo hội như một toàn bộ, từng do Rome chính thức thiết lập, là một biện pháp triệt để chỉ có thể được sử dụng trong những trường hợp cực kỳ khẩn cấp. Trường hợp như vậy được đưa ra khi sự tan rã nội bộ của một giáo hội địa phương không còn có thể ngăn chặn bằng bất cứ cách nào khác ngoài việc cắt đứt rõ ràng, qua đó người ta xác định ai vẫn thuộc về Giáo Hội Công Giáo và ai đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo về mặt tín lý và thực hành.
Quá trình và hệ quả rất quyết liệt:
* Rome đưa ra yêu cầu tối thượng phải hiệp nhất trong tín lý và kỷ luật Giáo hội—theo tất cả các biện pháp do Đức Giáo Hoàng và Giáo triều ban hành cho đến nay.
* Phần lớn các giám mục từ chối tuân thủ các yêu cầu của Rome; họ khăng khăng đi theo con đường đặc thù Đức và bảo vệ quan điểm này một cách công kích đối với tác vụ Phêrô.
* Rome phản ứng theo giáo luật và Tông ước (Concordat) bằng cách dùng các biện pháp rõ ràng và không hàm hồ. Đức Giáo Hoàng và các nhân viên của ngài sử dụng tất cả các phương tiện tín lý và giáo luật để duy trì hoặc khôi phục sự hiệp nhất của Giáo hội.
* Nếu Giáo hội tại Đức không đáp ứng một cách thích đáng, Đức Giáo Hoàng thiết lập ly giáo theo Giáo luật điều 751. Sự ly giáo được thiết lập theo giáo luật có những hệ quả liên quan đến các Tông ước [Concordats] và diễn ra ở nhiều bình diện. Dù sao, về mặt cấu trúc, chủ yếu là về các giám mục, trong tư cách các bên liên quan và chịu trách nhiệm thực sự.
* Sự ly giáo này, nay còn được thiết lập theo các điều khoản giáo luật, dẫn đến việc tách biệt phần chính thống của Giáo Hội địa phương, tức là phần còn liên hệ với Rome, khỏi “những người ly giáo”, những người thực sự là một nhóm ly khai không còn theo Công Giáo và được tự do tái tổ chức.
* Sự phân ly đã hoàn tất. Những người Công Giáo trung thành trở về “nhà với Rome”; một số sẽ tự tổ chức trong tư cách người ngoài Công Giáo [extra-catholics], “người Công Giáo khác” hoặc như một Giáo Hội quốc gia; nhiều người sẽ “rời bỏ” hoàn toàn—rời khỏi bất cứ hình thức cam kết nào của giáo hội hoặc Kitô giáo.
* Sự ly giáo dẫn ra khỏi vùng tranh tối tranh sáng của việc không xác định. Giữa những mất mát nghiêm trọng thuộc bản chất con người và bản chất nội dung, xuất hiện “việc tuyên bố công khai” [avowal] như cốt lõi của căn tính Giáo hội (bản văn tiếng Đức sử dụng từ “Bekenntnis”, cũng có thể được hiểu là tuyên xưng hoặc cam kết rõ ràng). Do đó, ở đây, một quá trình cực kỳ đau đớn được liên kết chặt chẽ với một khía cạnh tích cực: “việc tuyên bố công khai” được yêu cầu đối với mỗi giám mục, mỗi nhân viên mục vụ, mỗi thầy dạy đức tin, và thực sự, tất cả mọi tín hữu.
* Nếu nói đến “mô hình Chile” thì các giám mục bị ảnh hưởng trực tiếp. Rome truất phế các giám mục ly giáo (hoặc truất phế tất cả các giám mục), để sau đó phục hồi một số giám mục chính thống hoặc bổ nhiệm các giám mục mới trung thành với Rome. Rome ra vạ tuyệt thông cho các giám mục ly giáo trừ khi họ tuân phục. Khi họ bị truất phế hoặc bị phát hiện là ly giáo, chức vụ mục vụ của họ cũng chấm dứt. Bất cứ tín hữu nào vẫn cứ theo họ, sẽ theo họ vào vạ tuyệt thông.
* Dưới bình diện quy định tức khắc liên quan đến các giám mục, một động lực lúc đó có thể diễn ra và sẽ ảnh hưởng đến các giáo phận như một toàn bộ: Hết giáo phận này đến giáo phận khác phải quyết định nên đi theo lối nào—với Rome hay chống lại Rome? Vì ở bình diện này, thay vì thực thi quyết định của Rome, cũng có thể xảy ra một cuộc nổi loạn (tương tự như vậy với các giáo xứ và hiệp hội). Ở bình diện các giáo phận nào không tuân theo quyết định của Rome mà nổi loạn, “các cơ cấu giáo hội”—tùy theo lòng trung thành của mỗi bên—lúc đó chống lại nhau; một loại “cạnh tranh” có thể nảy sinh, được đánh giá khác nhau tùy thuộc quan điểm của giáo hội hoặc của nhà nước. Điều bị Giáo hội coi là sai lệch ly giáo, nhà nước có thể coi là phong trào giải phóng giáo hội có giá trị đối với xã hội như một toàn thể.
* Một bình diện bên dưới là bình diện cá nhân, nơi tín hữu cá nhân và cộng đoàn cá nhân được kêu gọi. Bàn thờ chống lại bàn thờ. Các cộng đoàn quyết định muốn thuộc về “giáo hội” nào. Như thế, ở bình diện này, mọi điều thậm chí còn trở nên phức tạp và khó hiểu hơn đối với tín hữu, những người rất có thể bị choáng ngợp bởi câu hỏi về tính Công Giáo của cộng đoàn mình. Tín hữu cá nhân sẽ phải đưa ra quyết định theo lối này hay theo lối nọ. Nhiều người sẽ không có sự lựa chọn (thí dụ cộng đồng tha hương [diaspora], vùng nông thôn chỉ có một giáo xứ).
* Tranh chấp tài chính nổ ra: Tuy nhiên, sự ly giáo toàn diện phải mất nhiều năm mới diễn ra hết, vì một quá trình thăm dò phức tạp giờ đây diễn ra ở tất cả các bình diện. Vì sự hiệp nhất của Giáo hội trong nhiều trường hợp chỉ được duy trì bằng tiền, nên vấn đề bây giờ là “ai sở hữu cái gì”. Thực thể nào trong hai thực thể nên duy trì vị thế tập đoàn công cộng hoặc tiếp nhận nó như mới? Theo Tông ước, vị thế này được cấp cho Giáo Hội Công Giáo liên kết với Rome. Tuy nhiên, tình hình có thể dẫn đến việc nhà nước Đức thu hồi Tông ước và tổ chức lại về pháp lý. Cuối cùng, những người bất đồng có thể thấy mình nằm trong chiếc giường của Giáo Hội Công Giáo Cũ - đã được thực hiện theo luật nhà thờ của nhà nước - và do đó lấy của cải vật chất, các tòa nhà của Giáo hội và quỹ để trả cho các giáo sĩ và nhân viên của Giáo hội những gì họ cần để duy trì cấu trúc.
Ly giáo là sự phá sản của Giáo hội, một biện pháp cực kỳ khẩn cấp mà rốt cuộc có thể có một số hiệu quả tích cực:
* Nhờ đường cắt rõ ràng, một cuộc ly giáo chính thức chắc chắn dẫn đến một cuộc thanh luyện nội bộ giáo hội, quay lưng lại với mô hình giáo hội nhân dân và dẫn đến một định nghĩa rõ ràng hơn về các khuôn mạo giáo hội của cả hai bên, những khuôn mạo mà giờ đây đã được chia thành nhiều chọn lựa có thể biện phân được giữa điều nào người ta phải chọn.
* Sự tách biệt trên thực tế không dựa trên phỏng đoán, tin đồn, nghi ngờ hoặc giả định chủ quan nữa; nó được thiết lập chính thức, theo nghĩa giáo hội và do đó có tính ràng buộc. Nó mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý cho tất cả những người liên quan. Nó chấm dứt cuộc chiến ý kiến và thù hận giữa các tín hữu. Các điểm tranh chấp được làm sáng tỏ và có sẵn viễn ảnh cho hành động mang tính xây dựng.
* Giáo Hội Công Giáo Rôma có cơ hội suy nghĩ lại về cơ cấu và các ưu tiên của mình. Nó có thể làm cho hiến chế bí tích của Giáo hội, di sản Kinh thánh và động lực truyền giáo của nó tỏa sáng trở lại.
* Những người vốn thuộc về Giáo Hội Công Giáo trên danh nghĩa trong nhiều thập niên, thậm chí có thể đang làm việc cho Giáo hội, nhưng là những người từ lâu đã không còn đồng nhất với giáo huấn của Giáo hội (tức là những người thực sự không theo Công Giáo), có cơ hội từ bỏ sự dối trái về cuộc sống của họ và sắp xếp các hoàn cảnh bên ngoài hợp với cơ cấu bên trong của họ.
* Với cái giá của một sự thống nhất đã bị bỏ rơi từ lâu, có thể xảy ra sự cạnh tranh để giành khối óc và trái tim của người ta. “Bằng chứng của tinh thần và sức mạnh” (Lessing) sẽ đưa ra phán quyết lịch sử.
* Tình huống rõ ràng nhất phát sinh khi sự ly giáo xảy ra thông qua các giám mục. Trong trường hợp đó, các linh mục, các nhân viên mục vụ và tín hữu chịu thiệt hại ít nhất, nếu quyết định cũng được thi hành ở các bình diện thấp hơn. Các giám mục được thay thế. Các cấu trúc vẫn giữ nguyên vị trí. Những người không còn muốn theo đạo Công Giáo sẽ rời đi.
* Sự ly giáo có thể dẫn đến sự mất giá trị của nguyên tắc giáo xứ định hướng theo lãnh thổ vốn không còn hoạt động (tùy theo cách thức và tốc độ tái tổ chức giáo hội). Các trung tâm linh đạo nào không còn hoạt động theo nguyên tắc lãnh thổ mà theo tuyên tín Công Giáo sẽ thay thế một phần các giáo xứ. Đời sống thiêng liêng sẽ cần một nỗ lực lớn hơn, nhưng sẽ có thể thực hiện được.
* Việc lập mạng lưới các tín hữu sẽ trở nên quan trọng trong tình huống trong đó, việc hiệp thông địa phương không còn khả hữu nữa, và liên mạng (internet) trở thành nơi quy tụ cho các tín hữu. Tuy nhiên, điều này có thể gây bất lợi cho những người không kết nối với thế giới kỹ thuật số và các mạng xã hội của nó, đặc biệt là người già. Họ sẽ trở nên bị cô lập và khó thích nghi với hoàn cảnh mới. Một “sự hóa lỏng” thừa tác vụ mục vụ, vốn phải trở nên uyển chuyển hơn, lưu động hơn, hiện tại hơn, sẽ là mệnh lệnh của thời đại.
* Bằng cách bác bỏ những thay đổi sâu rộng về giáo hội học và nhân học trong tín lý và thực hành trong Giáo Hội Công Giáo ở Đức như là dị giáo và không thể chấp nhận được, Rome đã thực hiện một dịch vụ tốt cho Giáo hội hoàn vũ; sự đồi bại sẽ không thể có ảnh hưởng hệ thống và đầu độc toàn bộ cơ thể của Giáo hội.
Lượng giá:
Viễn cảnh 3 phá hủy sự hiệp nhất của Giáo hội.
Không bao giờ được kích động một vụ ly giáo. Tuy nhiên, nó phải được thiết lập khi sự hiệp nhất đã bị phá vỡ và việc duy trì căn tính giáo hội dường như không còn khả hữu nữa bằng bất cứ cách nào khác.
Kết luận
Hiệp nhất Giáo hội là “hiệp thông” trong chân lý và tình yêu. Cuối cùng, sự hiệp nhất này là một hồng ân của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nó cũng được giao phó cho chúng ta— cùng một lúc là hồng ân và sứ mệnh. Vì thế, buộc chúng ta phải cố gắng sống sự hiệp nhất này cho đến cùng (x. Ga 17:21). Tuy nhiên, có một điểm cần ghi nhớ là sự hiệp nhất được duy trì bằng mọi giá, một sự hiệp nhất chỉ ở bên ngoài và hướng ra bên ngoài, sẽ làm sai lệch sự hiệp nhất thực sự. Do đó, ultima ratio [lập luận tối hậu] của việc phân chia rõ ràng những gì không thể hòa giải có thể là phương tiện tốt nhất để cứu Giáo hội khỏi sự biến dạng cuối cùng của nó và bằng chính phương tiện này bảo tồn sự hiệp nhất thực sự trong chân lý và tình yêu.
Do đó, Viễn cảnh 1 vẫn là giải pháp đáng mong đợi nhất, nhưng đồng thời, theo quan điểm của con người, khó có thể hình dung được giải pháp này.
Viễn cảnh 2 sẽ là giải pháp tồi tệ nhất cho tất cả các bên liên quan và
Viễn cảnh 3 là giải pháp cay đắng nhất, nhưng về cơ bản là rõ ràng nhất.