1. Pelosi được tường trình đã sắp xếp một cuộc 'trừ tà' tại nhà của bà ta

Sau khi ai đó đột nhập vào nhà và tấn công chồng bà một cách thô bạo, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tìm đến sự giúp đỡ của một linh mục để thực hiện một cuộc “trừ tà” cho ngôi nhà của cặp vợ chồng ở San Francisco, con gái bà nói với tờ New York Times.

“Tôi nghĩ điều đó đè nặng lên tâm hồn mẹ tôi. Tôi nghĩ bà ấy cảm thấy thực sự có lỗi. Tôi nghĩ điều đó thực sự khiến bà ấy suy sụp,” Alexandra Pelosi, con gái của Pelosi, nói với nhà bình luận Maureen Dowd. “Vào Lễ tạ ơn, bà ấy đã mời các linh mục đến, cố gắng trừ tà trong nhà và tổ chức các buổi lễ cầu nguyện.”

Văn phòng của Pelosi đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA trước thời điểm đưa ra bản tin này. Theo nhà trừ quỷ của Tổng giáo phận Washington, bất kỳ linh mục nào cũng có thể “trục xuất ma quỷ” ra khỏi nhà.

Đức Ông Stephen Rossetti, cũng là phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, nói với CNA vào ngày 23 tháng Giêng rằng “Một linh mục chỉ có thể tiến hành một lễ trừ tà long trọng cho một người với sự cho phép trực tiếp của giám mục của họ”

“Tuy nhiên, để trục xuất ma quỷ khỏi một nơi không đòi hỏi bất kỳ năng quyền đặc biệt nào đối với một linh mục. Như với bất kỳ thừa tác vụ nào của một linh mục, sự thận trọng và bảo vệ bí mật của những người liên quan là điều cần thiết và quan trọng,” Đức Ông Rossetti nói.

Kẻ tấn công bị cáo buộc, David DePape, đã không nhận tội đối với nhiều cáo buộc của tiểu bang và liên bang, bao gồm hành hung và cố ý giết người. Theo bạn bè và hàng xóm, anh ta đã bị mê hoặc bởi các thuyết âm mưu trên internet và chủ nghĩa cực đoan chính trị. Vào tháng 10 năm 2022, anh ta được cho là đã vào nhà Pelosi để tìm bà ta với kế hoạch bắt cóc bà nhưng thay vào đó lại tấn công chồng bà, Paul Pelosi, khiến ông ấy bị nứt hộp sọ và bị thương nặng ở cánh tay và bàn tay.

Pelosi nói với tờ New York Times rằng bà không thể tưởng tượng được cảnh ngôi nhà của mình trở thành “hiện trường vụ án”.

“Điều này thật khó khăn. Sẽ mất khoảng ba hoặc bốn tháng nữa trước khi anh ấy thực sự trở lại bình thường,” bà nói.
Source:Catholic News Agency

2. Phản hồi từ Tổng giáo phận San Francisco về việc 'trừ tà' của Pelosi tại nhà của bà ấy

Tổng giáo phận San Francisco, nơi Pelosis cư trú, cho biết họ “không biết” về lễ trừ tà được báo chí đồn đãi sau khi con gái bà ta nói với tờ New York Times.

“Chúng tôi tôn trọng quyền riêng tư của các gia đình liên quan đến việc trừ tà và làm phép tại gia,” Peter Marlow, giám đốc điều hành phụ trách truyền thông, nói với CNA hôm thứ Hai.

Ông nói: “Các lễ trừ tà và ban phước tại gia không phải là những hoạt động mà chúng tôi quảng bá cho giới truyền thông. Nếu một giáo dân quan tâm đến việc làm phép nhà, họ nên liên hệ với một linh mục tại giáo xứ của họ”.

Marlow đã giới thiệu CNA đến cuộc thảo luận về trừ tà của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trên trang web của mình. Trong khi “các phép trừ tà lớn” được thực hiện trên một người bởi một giám mục hoặc linh mục với sự cho phép đặc biệt của đấng bản quyền địa phương, thì “các phép trừ quỷ nhỏ” được sử dụng trong nghi thức rửa tội hoặc trong một loạt các lời cầu nguyện mà các tín hữu có thể sử dụng để chống lại “bất kỳ ảnh hưởng ma quỷ nào đối với các địa điểm và sự vật cụ thể.”

Đức Ông Rossetti, nhà trừ quỷ của giáo phận Syracuse, nói với CNA rằng việc trừ tà ở một nơi “được sử dụng đặc biệt khi có sự phá hoại của ma quỷ.”

Ông nói: “Điều này thường xảy ra khi những hành động xấu xa đã được thực hiện nơi đó. “Một số hành vi mà chúng ta đã tìm thấy dẫn đến sự xâm nhập của ma quỷ là giết người, buôn bán ma túy, phá thai, buôn bán tình dục, lạm dụng trẻ em và các thực hành huyền bí như Satan giáo hoặc phù thủy.”

Cha Vincent Lampert, nhà trừ tà cho Tổng giáo phận Indianapolis, đã mô tả với tờ New York Post về một nghi thức trừ tà có thể xảy ra.

Ngài nói: “Đó sẽ là việc đọc một lời cầu nguyện đặc biệt, mời sự hiện diện của Chúa trở lại ngôi nhà, xua đuổi mọi sự hiện diện của ma quỷ có thể có ở đó. Sau đó, ngôi nhà sẽ được làm phép bằng nước thánh, nhắc nhở chúng ta về cuộc sống mới trong Chúa Kitô và thực tế là chúng ta không cần phải sợ bất kỳ điều ác nào, vì nhận ra rằng Chúa Kitô đang ở với chúng ta.”

Cha Lampert cho biết ngài nhận được “hàng nghìn” yêu cầu cầu nguyện như vậy mỗi năm.

Sau vụ chồng của Pelosi bị tấn công, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã yêu cầu mọi người cùng tham gia cầu nguyện với ông “cho sự bình phục nhanh chóng của Paul Pelosi và sự an ủi cho vợ và gia đình của ông.”

Đầu năm ngoái, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã công khai khiển trách Chủ tịch Hạ Viện Pelosi vì sự ủng hộ mạnh mẽ của bà đối với việc phá thai, đồng thời cảnh báo rằng điều đó gây ra tai tiếng và gây nguy hiểm cho tâm hồn bà.

“Tôi đã yêu cầu bà ấy từ chối lập trường này, nếu không thì đừng nên đề cập đến đức tin Công Giáo của bà ấy ở nơi công cộng và đừng rước lễ nữa,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho biết như trên vào tháng 5 năm 2022, và cho biết ngài đã nhiều lần tìm cách liên hệ nhưng không nhận được phản hồi.

Pelosi đã nhắc lại việc ủng hộ phá thai vào ngày 22 Tháng Giêng, ngày kỷ niệm phán quyết ủng hộ phá thai của Tòa án Tối cao trong vụ Roe v. Wade mà hiện đã không còn tồn tại.

“Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh để biến Roe thành luật,” bà ta viết trên Twitter.


Source:Catholic News Agency

3. Tổng thống Đài Loan viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô về việc 'giữ gìn an ninh khu vực' trước mối đe dọa của Trung Quốc

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã viết một lá thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình với Trung Quốc và cam kết đối với nền dân chủ có chủ quyền của hòn đảo.

“Cuộc chiến nổ ra giữa Nga và Ukraine vào tháng 2 năm ngoái đã khiến nhân loại nhận thức được hòa bình quý giá như thế nào,” bà Thái viết trong một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng do văn phòng của bà công bố vào ngày 23 Tháng Giêng.

“Duy trì an ninh khu vực đã trở thành một sự đồng thuận quan trọng được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo các quốc gia.”

Tổng thống Thái đã gửi bức thư để đáp lại thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2023. Đó là lá thư hàng năm của Đức Giáo Hoàng gửi cho tất cả các chính phủ nước ngoài trên khắp thế giới để đánh dấu năm mới.

Tổng thống Đài Loan, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, đã trích dẫn một bài phát biểu mà bà đã đọc vào tháng 10 năm ngoái sau khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc gia tăng mạnh mẽ trong mùa hè.

“Trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh năm 2022, tôi nhấn mạnh rằng hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là cơ sở cho sự phát triển của các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển và rằng đối đầu vũ trang tuyệt đối không phải là một lựa chọn,” bà Thái nói.

“Tôi đã nói rõ rằng chỉ bằng cách tôn trọng cam kết của người dân Đài Loan đối với chủ quyền, dân chủ và tự do của chúng tôi, mới có thể có nền tảng để nối lại tương tác mang tính xây dựng trên eo biển Đài Loan.”

Quốc gia Thành phố Vatican là quốc gia duy nhất còn lại ở Âu Châu công nhận Đài Loan là một quốc gia.

Đài Loan, một hòn đảo cách bờ biển Trung Quốc chưa đầy 110 dặm với dân số hơn 23 triệu người, đã duy trì một nền dân chủ sôi động với các quyền tự do dân sự mạnh mẽ bất chấp áp lực gia tăng từ Bắc Kinh về tình trạng của hòn đảo.

Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1922, trong khi Giáo hội không có sự hiện diện ngoại giao chính thức trên lục địa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kể từ khi chính thức bị Bắc Kinh trục xuất vào năm 1951.

Chỉ có 14 quốc gia trên toàn thế giới vẫn có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan, trong số đó có Guatemala, Haiti và Paraguay. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hoa lục coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và đã gây áp lực buộc các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này.

Trong bối cảnh lo ngại về việc Vatican quyết định gia hạn hiệp định tạm thời năm 2018 với Bắc Kinh sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ ngoại giao của Tòa thánh với Đài Loan, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết vào năm 2020 rằng họ đã nhận được sự bảo đảm từ Vatican khi gia hạn hiệp định tạm thời.

Tổng thống Thái Anh Văn, là nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan, lưu ý rằng năm ngoái đánh dấu kỷ niệm 80 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Hoa Dân Quốc và Tòa thánh.

Bà nói: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không khuất phục được ánh sáng.”

“Đài Loan khao khát trở thành ánh sáng cho thế giới và sẽ hợp tác chặt chẽ với Tòa thánh để tạo ra một xã hội công bằng và hòa bình hơn cho nhân loại.”
Source:Catholic News Agency