“Phương tiện tốt nhất mà chúng ta có thể hỗ trợ Đức Giáo Hoàng và các giám mục là lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta tín thác vào Chúa Giêsu, Chúa của Giáo hội…” Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller trong một cuộc phỏng vấn với Lothar C. Rilinger của Catholic World Report, ngày 15 tháng 11 năm 2022.

Ghi chú của biên tập viên: Cuộc phỏng vấn kath.net sau đây được đăng lần đầu vào ngày 15 tháng 11 năm 2022 và xuất hiện ở đây với sự cho phép của Lothar C. Rilinger và kath.net. Bản dịch tiếng Anh là của Frank Nitsche-Robinson. Có thể xem nguyên bản tại địa chỉ (https://www.catholicworldreport.com/2022/11/20/infallibility-and-the-limits-of-papal-power-an-interview-cardinal-gerhard-muller/)



Theo luật hiến pháp hiện đại, tất cả quyền lực trong nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân. Như vậy, cơ sở của mọi nhà nước dân chủ là chủ quyền của nhân dân. Tuy nhiên, nhà nước của Thị quốc Vatican được miễn trừ điều này. Ở nhà nước này, ở Tòa Thánh, dân không lập ra vua; ở quốc gia nhỏ nhất trên thế giới, vị giáo hoàng liên hệ vẫn là người có chủ quyền. Thành thử, vị giáo hoàng tại Vatican có thể thực thi quyền lực hợp pháp hơn bất cứ chính khách nào ở Tây Âu. Cấu trúc hiến pháp này, vốn cho phép một lượng quyền lực dồi dào duy nhất, đặt ra câu hỏi về các giới hạn của quyền lực. Do đó, chúng tôi đã nói chuyện với Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, người đã viết cuốn sách The Pope. Mandate and Mission (Der Papst. Auftrag und Sendung) [Đức Giáo Hoàng. Ủy quyền và Sứ mệnh], từng lên tiếng và tham gia vào cuộc thảo luận về vị trí của vị giáo hoàng, về các giới hạn của quyền lực, cả hợp pháp lẫn được tín lý và truyền thống của Giáo hội ban cấp.

Rilinger: Ba chức năng lãnh đạo được chuyển giao cho Đức Giáo Hoàng. Ngài là Tổng giám mục của Rôma và do đó là thủ phủ của giáo tỉnh Rôma. Hơn nữa, ngài được gọi là Thượng phụ phương Tây. Vì những lý do lịch sử, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đổi tên nhiệm vụ này thành Chủ tịch của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Như nhiệm vụ thứ ba và tối quan trọng, ngài là Giáo hoàng của một số Giáo Hội Công Giáo. Để hoàn thành vai trò Giáo hoàng này, Công đồng Vatican I đã xác định: Giáo hoàng có quyền tài phán tối cao và có thể quyết định ex cathedra, nghĩa là không thể sai lầm. Như thế, Giáo hoàng đã được ban quyền tối thượng vốn luôn hiện hữu, nhưng giờ đây đã được Công đồng chuyển thành hình thức pháp lý. Quyền tối thượng này có phải là một quyền tối thượng danh dự hay nó thực sự là một chức vụ tông đồ – như J. Ratzinger đã nói – hợp nhất trong chính nó trách nhiệm đối với Lời Chúa và sự hiệp thông?

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller: Giáo Hội Công Giáo bao gồm “trong và của các Giáo hội địa phương” (Lumen gentium 23) – của các giáo phận do một giám mục lãnh đạo. Từ điều này, chúng ta phải phân biệt: một số giáo phận được nhóm lại thành một liên đoàn thượng phụ hoặc, ở cấp quốc gia, thành một hội đồng giám mục với một chủ tịch được bầu chọn. Đây là vấn đề lịch sử, chứ không phải vấn đề tín điều, vốn nhắm đến bản chất bí tích của Giáo hội. Giám mục Rôma với danh hiệu chính thức là Giáo hoàng, như người kế vị thánh Phêrô, là người bảo đảm cho sự thống nhất của hàng giám mục. Ngài đứng đầu các giám mục, cũng như thánh Phêrô đứng đầu các tông đồ nhờ ơn kêu gọi đặc biệt của chính Chúa Kitô (Mt 10:2; 16:18). Do đó, Chúa Kitô “đã thiết lập nơi ngài một nguồn và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của sự hiệp nhất trong đức tin và sự hiệp thông [của các giám mục và giáo hội địa phương của họ]” (Lumen gentium 18; x. 23). Như thế, tính ưu việt của Giáo hội Rôma và tính không thể sai lầm của ngôi vị Giáo hoàng trong việc giải thích các sự thật mạc khải là quyền thần linh chứ không hề chỉ phát sinh từ một tập thể lịch sử ngẫu nhiên hoặc thậm chí chỉ do yêu sách quyền lực được biện minh về mặt chính trị của giám mục thủ đô của đế quốc Rôma thời bấy giờ. Các chức danh lịch sử như Thượng phụ Phương Tây, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý hay Tổng giám mục của giáo tỉnh Rôma, tức là của các giám mục ngoại ô, về cơ bản không thuộc về quyền tối cao của ngài.

Sự không thể sai lầm không phải là phẩm tính riêng tư hay quyền ra lệnh vô điều kiện, như những kẻ chuyên quyền tự cao tự đại của thế giới này tự gán cho mình, mà là sự phục vụ khiêm tốn cho Giáo hội nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến “không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10:45).

Trong bối cảnh thần học mặc khải theo nghĩa chặt chẽ, đặc sủng bất khả ngộ về tín lý đức tin và luân lý, mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội của Người, được trao ban cho ngôi vị của ngài - và ban cho Công đồng cùng với ngài - bởi Chúa Thánh Thần, được ủy thác cho ngài, để “Giáo Hội của Thiên Chúa hằng sống, như trụ cột và thành lũy chân lý” (1Tm 3:15), có thể trình bày cho đức tin khi nghe và giảng dạy sự mặc khải trọn vẹn và không che đậy được thực hiện một lần mãi mãi trong Chúa Kitô.

Đức Giáo Hoàng với tư cách là “chủ quyền của thị quốc Vatican” không liên quan gì đến việc này từ nội tại. Tòa thánh với tư cách là chủ thể của luật pháp quốc tế chỉ phục vụ bên ngoài để bảo vệ sự độc lập chính trị của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Rôma khỏi sự xâm phạm của các chính trị gia, một điều bị những người này vi phạm rất nhiều lần trong lịch sử. Vatican không phải là một nhà nước giống như bất cứ nhà nước nào khác, mà các tiêu chuẩn của nhà nước hiện đại có thể hoặc thậm chí nên được áp dụng đầy đủ. Nhưng Thị quốc Vatican cũng không phải là một chế độ quân chủ tuyệt đối, như các nhà luận chiến đối lập nhận định, mà là một cơ quan quản lý độc lập tài sản vật chất của Giáo hội, phục vụ cho chính quyền thiêng liêng của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng thực thi chủ quyền của mình đối với những người có hộ chiếu Tòa Thánh và những người phục vụ từ bên ngoài trên cơ sở luật tự nhiên và theo tình trạng văn hóa pháp lý đã phát triển – thông qua các cơ quan như hiến binh, Đội cận vệ Thụy Sĩ, cơ quan quản lý tài sản hoặc hệ thống ngân hàng, hoạt động theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp, ấy là chỉ nêu tên một số.

Rilinger: Hiệp thông cũng bao gồm nhiều tòa thượng phụ khác nhau và các Giáo Hội phương Đông công nhận Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu của họ. Phong trào gọi là Con đường Đồng nghị dường như dẫn đến sự tách biệt các Giáo Hội địa phương của Đức khỏi Giáo Hội Công Giáo Rôma. Tuy nhiên, Đức Hồng Y có thấy khả thể này là Giáo Hội mới này vẫn ở trong Giáo Hội và hiệp thông Thánh Thể với Giáo hội Rôma, đến nỗi tòa thượng phụ mới này hoặc Giáo Hội mới này cũng có thể công nhận Đức Giáo Hoàng như người đứng đầu thiêng liêng không?

Đức Hồng Y Müller: Cái gọi là Con đường Đồng nghị không liên quan gì đến việc hình thành các giáo hội thượng phụ cũ. Ban đầu, các Giáo Hội do Thánh Phêrô thành lập (Antiokia, Alexandria nhờ Thánh Máccô, đệ tử của Thánh Phêrô, Rôma) được gọi là các tòa thượng phụ. Sau đó, Constantinople được thêm vào vì lý do chính trị, trong khi Giêrusalem được thêm vào vì lý do tôn kính. Sau đó, các Giáo Hội quốc gia Chính thống giáo (autocephalous) dành danh hiệu Thượng phụ cho giám mục hàng đầu. Tuy nhiên, ở Đức, vấn đề là nỗ lực chiếm hữu các định chế Công Giáo, thuế nhà thờ và vốn xây dựng cho một tổ chức đã từ bỏ đức tin Công Giáo trong các yếu tố thiết yếu của nó và dứt khoát rời bỏ nền tảng mạc khải. Tín điều rửa tội đã được thay thế bằng thần tượng ý thức hệ LGBT ngoại giáo. Thay vì nhìn lên thập giá của Chúa Kitô và giương cao lá cờ chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh trước nhân loại, những người ủng hộ Con đường Đồng nghị Đức đã giương cao lá cờ cầu vồng, biểu thị sự công khai bác bỏ hình ảnh của Kitô giáo về con người. Họ đã thay thế tín điều bằng việc tuyên xưng các thần tượng của một tôn giáo tân ngoại giáo.

Một lần nữa, lời của triết gia lỗi lạc Max Scheler được xác nhận: “Con người hoặc tin vào Thiên Chúa, hoặc tin vào một thần tượng (Vom Ewigen im Menschen, Bern-München 51968, 399). Khi Đức Hồng Y Marx, với tư cách là nhân vật chính của Con đường Đồng nghị Đức, kêu gọi đừng nói quá nhiều (sic!) về Thiên Chúa và khi ngài đặt thánh giá đeo ngực xuống thành thánh Giêrusalem vì “muốn lưu tâm” tới cảm xúc của những người thuộc các tín ngưỡng khác, do đó phủ nhận thập giá như một dấu hiệu phổ quát của sự cứu rỗi, tôi thích ở lại với thánh tông đồ Phaolô, người “không hổ thẹn vì Tin Mừng” (Rm 1:16) và là người đã viết cho các Kitô hữu ở Côrintô: “Nhưng chúng tôi rao giảng Chúa Kitô bị đóng đinh, một sự vấp phạm đối với người Do Thái và sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đối với những người được kêu gọi, cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp, Chúa Kitô là quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1:23).

Vì “các chủ đề đồng nghị” chỉ xoay quanh và không ngừng xoay quanh tình dục như một nguồn khoái lạc ích kỷ, nên người ta có ấn tượng rằng khoa tình dục học đã được tuyên bố là khoa học hàng đầu và do đó đã thay thế thần học dựa trên đức tin mạc khải. Tuyên bố Thần học Barmen chống lại các Kitô hữu Đức từ năm 1934 nên được coi là tấm gương cho bất cứ ai muốn trung thành với Chúa Kitô: “Chúng tôi bác bỏ học thuyết sai lầm, như thể Giáo Hội có thể và sẽ phải thừa nhận các sự kiện và quyền lực, hình tượng và lẽ thật khác, như sự mặc khải của Thiên Chúa làm nguồn tuyên bố của nó, ngoài và bên cạnh Lời Thiên Chúa duy nhất này. […] Chúng tôi bác bỏ học thuyết sai lầm, như thể Giáo Hội được phép từ bỏ hình thức thông điệp và mệnh lệnh của mình thể theo khoái cảm của nó hoặc thể theo những thay đổi trong các xác tín chính trị và ý thức hệ hiện hành”.

Tuyên bố ngày 21 tháng 7 năm 2022 của Tòa Thánh diễn đạt như sau: “‘Con đường Đồng nghị’ ở Đức không có thẩm quyền buộc các giám mục và tín hữu phải chấp nhận các hình thức quản trị mới cũng như các định hướng mới về tín lý và luân lý”.

Giá như guồng máy tuyên truyền của Con đường Đồng nghị biết dù chỉ một chút thôi về khoa chú giải của thần học Công Giáo và những lời tuyên bố về bản chất và sứ mạng của Giáo Hội Công Giáo trong Hiến chế Tín lý của Vatican II (Dei verbum; Lumen gentium) thì hẳn nó đã cảm ơn tổng trưởng Đại kết, Đức Hồng Y Koch, về khóa dạy kèm miễn phí thay vì tung ra những tràng pháo hoa sáo rỗng và sự ngu dốt trơ trẽn như thường lệ. Giáo hội và thần học ở Đức đã xuống cấp xiết bao về trí thức và luân lý! Người ta chỉ có thể hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ thực thi quyền lực của mình chứ không rơi vào nghi thức kinh hoàng được những người có ý thức hệ cứng ngắc dàn dựng hoặc nghĩ rằng ngài có thể giảng hòa họ bằng ngoại giao và những cuộc nói chuyện về sự hợp nhất đạo đức.

Rilinger: Đức Hồng Y đã nói rằng lá cờ cầu vồng được mang bởi những nhân vật chính của điều tự gọi là Con đường Đồng nghị. Đức Hồng Y có thể giải thích lý do tại sao ngài lên án lá cờ này là ngoại giáo?

Đức Hồng Y Müller: Trong Cựu Ước, cầu vồng được coi là dấu chỉ giao ước và hòa bình của Thiên Chúa với nhân loại (St 9:11-17). Tuy nhiên, ý nghĩa tôn giáo ban đầu đã được biến thành một biểu tượng cho phong trào hòa bình. Kể từ những năm 1970, lá cờ cầu vồng, đảo ngược chuỗi màu tự nhiên, đã được coi là biểu ngữ của hệ tư tưởng LGBT quốc tế, có cao vọng đứng lên chống lại sự kỳ thị đối với những người có xu hướng đồng tính luyến ái, nhưng trên thực tế, lại là phản đề của nền nhân học tự nhiên và mạc khải. Cơ thể con người, theo cách tự nhiên của tính dục nam và nữ, chỉ được coi là vật chất, mà ý chí tự trị đã biến thành một phương tiện tùy ý để đạt khoái cảm cực độ, nhằm thoát khỏi cảm giác hư vô căn bản, tức là thoát khỏi trải nghiệm khủng khiếp của cái chết của Thiên Chúa. Như mọi khi, những người bạn đồng hành của các ý thức hệ vô thần không nhận thức được ý định thực sự của các nhân vật chủ đạo của họ. Hoặc họ không muốn biết những ý định này và để bản thân họ dễ dàng bị lừa dối bởi lời tuyên truyền cho rằng chống kỳ thị là chương trình nghị sự duy nhất.

Rilinger: Hơn nữa, Công đồng Vatican I đã quyết định rằng quyền tài phán tối cao cũng bao gồm khả năng Giáo hoàng công bố các chân lý đức tin ex cathedra. Như thế, Giáo hoàng được trao quyền thiết lập các nguyên lý đức tin không thể sai lầm mà mọi người Công Giáo phải tin. Thẩm quyền này có thể mang nguy cơ ngụ ý rằng Giáo hoàng được phép hành động tuyệt đối. Tuy nhiên, ngay cả sự không thể sai lầm cũng có giới hạn của nó. Chúng ta phải hiểu gì về khả năng không thể sai lầm?

Đức Hồng Y Müller: Như tôi đã nói, ý kiến cá nhân và kinh nghiệm sống của đương kim giáo hoàng không được chấp nhận hơn ý kiến của bất cứ người bình thường có học thức hoặc thậm chí tử tế nào khác. Vatican II giải thích chi tiết trong Lumen gentium, một lần nữa, tính không thể sai lầm của Giáo hội có nghĩa là gì trong các vấn đề đức tin và điều gì không. Các tuyên bố tín lý có thể có phẩm chất không thể sai lầm nếu nội dung của chúng bắt nguồn từ Kinh thánh và Truyền thống Tông đồ của Lời Chúa, và nếu chúng được trình bày chính thức phải tin bởi thẩm quyền có năng quyền của Huấn quyền Giáo hoàng và các Giám mục, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, như một sự thật được mạc khải bởi Thiên Chúa. Tuy nhiên, “Họ không nhận được một sự mặc khải công khai mới như một phần của kho tàng đức tin thần linh [depositum fidei]” (Lumen Gentium, 25).

Do đó, hoàn toàn vô lý khi nghĩ rằng một công đồng hoặc một giáo hoàng có thể bãi bỏ một tín điều trước đó, hoặc thiết định, chẳng hạn, rằng bản chất của bí tích Truyền chức thánh không bao gồm yêu cầu về giới tính nam của người lãnh nhận, hoặc rằng hai người đồng tính có thể có hôn nhân tự nhiên, nghĩa là hôn nhân của người chưa được rửa tội, hoặc hôn nhân bí tích, nghĩa là của một trong hai người đã được rửa tội, hoặc – đơn cử một thí dụ khác – cử chỉ chúc lành cho cặp cùng một giới tính cũng có hiệu quả tích cực với Thiên Chúa, Đấng theo ý muốn sáng tạo của Người đã chúc lành cho người nam và người nữ như một cặp vợ chồng (St 1:28). Trong trường hợp cực đoan, một vị giáo hoàng có thể trở thành một kẻ dị giáo trong tư cách một người riêng tư và do đó tự động mất chức vụ của mình nếu sự mâu thuẫn đối với mạc khải và giáo huấn tín điều của Giáo Hội là hiển nhiên.

Rilinger: Đâu là diễn trình hướng tới một quyết định ex cathedra? Đó là một quyết định đơn độc của Đức Giáo Hoàng hay đó là điểm kết thúc của một diễn trình đấu tranh lâu dài để lượng định đúng đắn một chân lý đức tin?

Đức Hồng Y Müller: Chân lý của các mầu nhiệm đức tin được mạc khải và hàm chứa trọn vẹn nơi Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Chỉ có thể là vấn đề đấu tranh cho phiên bản khái niệm và thuật ngữ của học thuyết được mạc khải. Bản chất thần linh của Con Thiên Chúa và sự kiện Người mặc lấy bản tính con người trọn vẹn là nội dung của mạc khải. Việc các công đồng từ Nixêa đến Calxêđoan (451) đã bảo tồn điều này chống lại mọi sai lệch và pha loãng trong khái niệm homoousion nghĩa là Chúa Kitô đồng bản thể với Chúa Cha của Thiên Chúa Ba Ngôi và bình đẳng với chúng ta về bản chất con người, là kết quả của lịch sử tín điều. Nhưng chúng ta không thực sự tin vào các tín điều của Giáo hội như những lời nói của con người trong Kinh thánh hay các định nghĩa của huấn quyền, nhưng tin vào Thiên Chúa trong những sự thật được mạc khải của Người, những điều chỉ được diễn đạt bằng ngôn ngữ của con người, nhưng không đại diện cho những ý kiến của con người – vốn có thể sai lầm - về Thiên Chúa (x. 1Tx 2:13).

Rilinger: Quyền tối thượng của Giáo hoàng thường được coi là một chướng ngại vật, vì nó ngăn cản các Giáo Hội địa phương cá thể đi theo con đường riêng của họ trong đức tin. Chúng ta có thể thấy xu hướng này trong những nỗ lực của các Giáo Hội địa phương Đức, dường như đã tham gia phong trào Los-von-Rom (Xa rời Rome) thông qua cái gọi là Con đường Đồng nghị. Do đó, tính tối thượng có phải là sự đảm bảo rằng Giáo Hội Công Giáo có thể hành động như một Giáo hội hoàn vũ chứ không phải như một Giáo hội quốc gia?

Đức Hồng Y Müller: Một giáo hội quốc gia với tín điều riêng của mình là một điều phi lý ở hai khía cạnh. Thứ nhất, quốc gia, con người, văn hóa, ngôn ngữ không phải là chủ thể sản xuất cũng không phải là màng lọc thụ động có thể diễn dịch một bối cảnh thần linh ồn ào thành giai điệu nhân gian theo khiếu thưởng thức của người đương thời. Đúng hơn, Con đồng bản thể của Chúa Cha là Ngôi Lời duy nhất của Thiên Chúa, Đấng đã thông đạt chính Người cho chúng ta một cách trọn vẹn và dứt khoát trong nhân tính của Chúa Giêsu.

Lời Chúa kết hợp các tín hữu trong tinh thần Ngũ Tuần của Chúa Cha và Chúa Con qua sự đa dạng của các nền văn hóa thành một Giáo Hội duy nhất. Vào cuối thế kỷ thứ 2, để đáp lại thuyết Ngộ đạo của thời ngài và mọi thời đại, đồng thời chống lại sự sai lệch căn bản của các mầu nhiệm Kitô giáo về sự hiệp nhất cũng như về Ba Ngôi Thiên Chúa, Nhập thể, tính bí tích của Giáo hội và tính thân xác của ơn cứu độ, Thánh Irênê thành Lyons nhấn mạnh đến sự hiệp nhất và hiệp thông của Giáo hội hoàn vũ trên cơ sở truyền thống tông đồ. “Giáo hội, đã nhận được lời rao giảng này và đức tin này, mặc dù bị phân tán trên toàn thế giới, nhưng vẫn như thể chiếm giữ một ngôi nhà duy nhất, cẩn thận bảo tồn nó. Vì, mặc dù các ngôn ngữ trên thế giới không giống nhau, nhưng ý nghĩa của truyền thống là một và giống nhau. Vì các Giáo hội vốn đã được thành lập ở Đức không tin hay truyền lại bất cứ điều gì khác, Giáo hội ở Tây Ban Nha, Gaul, Đông phương, Ai Cập, Libya, hay những Giáo hội ở Libya cũng vậy, cả các Giáo Hội đã được thành lập ở các khu vực trung tâm của thế giới cũng thế” (Chống dị giáo I, 10, 2).

Rilinger: Quyền tối thượng của Thánh Phêrô đã phát triển trong lịch sử từ quyền tối thượng ba bên ban đầu của Thánh Gioan, Thánh Giacôbê và Thánh Phêrô, như được ghi lại trong Tân Ước. Đức Hồng Y có thể lần giở lại sự phát triển từ tính tối thượng ba bên đến tính tối thượng của Thánh Phêrô và do đó là của Đức Giáo Hoàng được không?

Đức Hồng Y Müller: Chúng ta gặp ba vị tông đồ này trong các Tin Mừng Nhất Lãm như là nhóm tông đồ gần gũi nhất trong nhóm mười hai tông đồ. Thời kỳ hậu Phục sinh và hậu tông đồ, do sứ mệnh của Kitô giáo thời kỳ đầu, các Giáo Hội địa phương với hội đồng trưởng lão, cũng như với các phó tế, do một giám mục duy nhất chủ trì, đã phát triển. Do đó, giám mục cũng đại diện trong ngôi vị của mình sự hiệp nhất dị thời [diachronic] và đồng thời [synchronic] của Giáo hội trong sự kế thừa các tông đồ và sự liên tục bên trong của Giáo hội với các nguồn gốc của nó trong Chúa Kitô và các tông đồ. Vì chỉ có Giám mục Rôma là người kế vị đích thân của Thánh Phêrô, trong khi các giám mục khác là người kế vị các Tông đồ theo toàn thể hợp đoàn của họ, nên các đặc quyền của Simon trong tư cách là Phêrô, như tảng đá trên đó Chúa Kitô, Chúa Con của Thiên Chúa hằng sống, sẽ xây dựng Giáo Hội của Người, cũng áp dụng cho Giám Mục Rôma. Theo dòng thời gian, tước hiệu Giáo hoàng đã xuất hiện để tóm gọn thừa tác vụ Giám mục Rôma trong một hạn từ duy nhất.

Rilinger: Ngay cả khi Giáo hoàng công bố quyết định ex cathedra chỉ trong những trường hợp ngoại lệ, câu hỏi đặt ra là Giáo hoàng chuẩn bị các quyết định của mình như thế nào. Ngài có dựa vào một nhóm cố vấn không? Và nhóm cố vấn này bao gồm như thế nào? Giáo hoàng có tham khảo ý kiến của bạn bè của riêng ngài hoặc cố vấn chuyên nghiệp được trả lương cho các dịch vụ của họ không, hay ngài dựa vào sự hỗ trợ của các Hồng Y, những người được cho là cố vấn bẩm sinh của Giáo hoàng?

Đức Hồng Y Müller: Ngay cả khi các quyết định về tín lý của Giáo hội trong những trường hợp đặc thù phản ảnh mạc khải một cách không thể sai lầm bởi vì chúng được đặc sủng của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, thì chúng vẫn đòi hỏi sự chuẩn bị tốt nhất có thể của con người để mạc khải “dưới ánh sáng hướng dẫn của Thần chân lý được bảo tồn về phương diện tôn giáo và được giải thích một cách trung thực trong Giáo hội” (Lumen gentium 25). Để đạt được mục đích này, Giáo hoàng và các giám mục đã cam kết từ bên trong. Ngoài ra, đối với việc điều hành chung của Giáo hội, Giáo hoàng trước tiên phải dựa vào Hồng Y đoàn, xét cho cùng, vốn đại diện cho Giáo hội Rôma và – giống như linh mục đoàn cố vấn cho một giám mục – cố vấn cho Giáo hoàng một cách hợp đoàn / đồng nghị. Như trong mọi trường hợp, một cơ quan tư vấn được thành lập bởi người ra quyết định tối cao theo đường lối bảo sao nghe vậy và kết bè kết bạn thì chẳng ích lợi bao nhiêu và gây hại nhiều hơn là gây lợi cho người đương nhiệm. Vị này không cần những lời khen ngợi tâng bốc sự phù phiếm của con người, mà cần tài chuyên môn có phê phán của những người cộng tác, những người không quan tâm đến những cử chỉ nhân từ của bề trên, mà quan tâm đến sự thành công của chức vụ của ngài, tức là triều đại giáo hoàng, đối với Giáo hội.

Rilinger: Thông qua quyền tài phán tối cao, Giáo hoàng có thể công bố những tín điều mà dân Chúa phải tuân theo. Tuy nhiên, ngay cả một tín điều cũng không thể được rút ra từ diễn ngôn, do đó những nghi ngờ về tính đúng đắn của tín điều có thể nảy sinh trong quá trình phát triển thần học và triết học. Lúc đó, nếu những nghi ngờ trở nên rõ ràng, tín điều đó có nên được duy trì hay há không nên có khả thể quên phất nó đi – như Karl Rahner đã nói – vì mọi tín điều đều nên bỏ ngỏ cho tương lai đó sao?

Đức Hồng Y Müller: Đối với Rahner, “bỏ ngỏ cho tương lai” không có nghĩa là vay mượn từ sự hiểu biết có tính cách mạng về sự thật, mà đúng hơn là sự hiểu biết sâu sắc nhất có thể có về mặt khái niệm và thiêng liêng của sự thật mạc khải nơi một cá nhân Kitô hữu hoặc toàn thể dân Chúa. Người ta phải phân biệt giữa sự thật được tin và phiên bản ngôn ngữ của nó. Sự thật của Thiên Chúa được mạc khải hoàn toàn trong Chúa Kitô, nhưng nó vẫn là mầu nhiệm ngày càng lớn hơn, một mầu nhiệm tự làm chúng ta biết đến bằng ngôn ngữ của chúng ta, nhưng không thể được bao hàm bởi các khái niệm của chúng ta và do đó không thể chia nhỏ một cách duy lý thành một phép tính. Hành vi đức tin không nhằm hướng tới công thức tuyên xưng – như thể hướng tới khung cảnh quý giá của những viên kim cương vô cùng quý giá hơn – nhưng hướng tới nội dung, nghĩa là hướng tới Thiên Chúa, Đấng chính là sự thật (x. Thomas Aquinas, Summa theologiae II -II q.1 a.2 ad 2).

Rilinger: J. Ratzinger thậm chí còn nói về sự kiện này là các giáo hoàng cũng có thể trở thành một scandalon [một tai tiếng], bởi vì như những con người, các ngài tin vào việc muốn thiết lập một con đường mà theo luận lý của các ngài có thể mang lại vẻ bề ngoài hợp pháp, nhưng lại mâu thuẫn với lời thần linh. Phải chăng đây cũng là một giới hạn cho tính không thể sai lầm?

Đức Hồng Y Müller: Vấn đề không phải là hạn chế tính bất khả ngộ của Giáo hội trong việc trình bày đầy đủ mạc khải, vì Giáo hội có được đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Nhưng mỗi giáo hoàng phải phân biệt chính xác giữa nhiệm vụ của mình và bản thân với tư cách là một con người riêng tư. Ngài không được áp đặt sở thích của mình lên những Kitô hữu khác, giống như người Trung Quốc chẳng hạn, phải học Kinh thánh của Mao hoặc sự khôn ngoan của “Chủ tịch vĩ đại” của họ. Giáo hoàng, giám mục hay bề trên khác của giáo hội cũng không được lạm dụng sự tin cậy, vốn sẵn sàng đặt vào ngài trong bầu không khí huynh đệ, để cung cấp cho những người bạn bất tài hoặc tham nhũng của mình các địa vị ngồi mát ăn bát vàng trong Giáo hội. Nếu có một kẻ phản bội trong số các tông đồ được Chúa Giêsu lựa chọn và ngay cả Thánh Phêrô đã chối Chúa trong cuộc Khổ nạn, thì chúng ta biết rằng các viên chức Giáo hội trong suốt lịch sử và hiện tại cũng có thể thất bại và lạm dụng chức vụ của họ một cách ích kỷ hoặc hẹp hòi.

Chúng ta có một thí dụ trong cả vấn đề đức tin, như Phaolô đã thẳng tay phản đối Phêrô khi Phêrô tự cho phép mình có một sự mập mờ nguy hiểm trong “chân lý của Tin Mừng” (Gl 2:11-14). Sự gắn bó tình cảm và hữu hiệu của chúng ta với Đức Giáo Hoàng và với giám mục hoặc mục tử của chúng ta không liên quan gì đến sự sùng bái cá nhân không xứng đáng của những kẻ chuyên quyền thế tục. Đúng hơn, đó là tình yêu thương anh em đối với một anh em đồng đạo được giao cho một chức vụ cao cả, trong đó họ cũng có thể thất bại. Đó là lý do tại sao sự chỉ trích đầy yêu thương thúc đẩy Giáo hội hơn là thói giả hình nô lệ.

Nhưng phương tiện tốt nhất để chúng ta có thể hỗ trợ Đức Giáo Hoàng và các giám mục là qua lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta tín thác vào Chúa Giêsu, Chúa của Giáo Hội, Đấng trước Cuộc Thương Khó đã nói với Simong, tảng đá mà trên đó Người sẽ xây Giáo Hội của Người (Mt 16:18), “Simong, Simong, kìa Xatan đã xin được sàng anh như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:31-32).

Rilinger: Thưa Đức Hồng Y, cảm ơn Đức Hồng Y vì những lời giải thích rõ ràng này.