Trên Crux ngày 26 tháng 4 năm 2024, Elise Ann Allen đưa tin: Trong bối cảnh đang diễn ra qua lại giữa Vatican và hội đồng giám mục Đức về một cơ quan giáo hội mới gây tranh cãi, bốn vị giáo phẩm của nước này đã từ chối tham gia vào diễn trình, thay vào đó quyết định chờ chỉ đạo từ Rome.



Trong một tuyên bố cùng một lúc vào ngày 24 tháng 4, Đức Giám Mục Gregor Maria Franz Hanke của Eichstätt, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Cologne, Đức Giám Mục Stefan Oster của Passau và Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer của Regensburg cho biết các ngài mong muốn “tiếp tục tiến bước trên con đường hướng tới một Giáo hội đồng nghị hơn trong sự hòa hợp với Giáo Hội hoàn vũ.”

Các ngài muốn đề cập đến Thượng hội đồng Giám mục đang diễn ra của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tính Đồng nghị, được phát động vào năm 2021 và dự kiến kết thúc vào tháng 10 này với cuộc họp mặt thứ hai tại Rome, và đề cập đến một số vấn đề tương tự như tiến trình đồng nghị toàn quốc của chính Đức, được gọi là “Con đường đồng nghị”.

Trong tuyên bố của các ngài, Hanke, Woelki, Oster và Voderholzer nói rằng sự phản đối của Vatican đối với Con đường đồng nghị Đức đã nhiều lần làm rõ rằng một Hội đồng đồng nghị, một cơ quan cai quản mới cho giáo hội ở Đức bao gồm cả giám mục lẫn giáo dân, là không thể chấp nhận được.

Cụ thể, các ngài cho biết Hội đồng đồng nghị, “như đã được dự tính và xây dựng trong nghị quyết của Con đường đồng nghị, không tương thích với hiến chế bí tích của Giáo hội”.

Trên cơ sở này, các giám mục cho biết các ngài “vẫn không muốn tham gia” vào một Ủy ban đồng nghị đặc biệt, với mục tiêu chính thức thành lập Hội đồng đồng nghị, và các quy chế đã được thiết lập để bỏ phiếu vào đầu năm nay, cho đến khi cuộc bỏ phiếu bị tạm dừng theo yêu cầu của Vatican.

Bốn giám mục đã ký vào tuyên bố cũng nêu nghi ngờ về tư cách của Hội đồng Giám mục Đức làm nhà tài trợ chính thức của Ủy ban đồng nghị, vì bốn thành viên của Hội đồng không ủng hộ tổ chức này.

Theo tuyên bố, bốn giám mục được đề cập cho biết các ngài “trước tiên sẽ chờ đợi ngày kết thúc của Thượng hội đồng Giám mục và kết quả của nó để sau đó quyết định xem các bước thực hiện hướng tới một Giáo hội đồng nghị hơn có thể được thực hiện ra sao cho hài hòa với Giáo hội hoàn vũ”.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Hội đồng Thường trực của Hội đồng Giám mục Đức, nơi có tất cả 27 giám mục giáo phận, hôm thứ Hai đã phê chuẩn các quy chế cho Ủy ban đồng nghị, bất chấp những cảnh cáo liên tục từ Rome về việc thành lập một thực thể không phù hợp với luật Giáo hội.

Giữa những cuộc cải cách quốc gia kéo dài nhiều năm ở Đức, các viên chức Vatican và đại diện của Hội đồng Giám mục Đức đã tổ chức cuộc họp cả ngày tại Rome để thảo luận về tiến trình cải cách quốc gia của Đức, cao điểm là lời hứa từ các giám mục Đức rằng những cải cách của họ sẽ phù hợp với Giáo luật và sẽ không tiến hành nếu không có sự chấp thuận của Tòa thánh.

Con đường đồng nghị của Giáo hội Đức được khởi động vào năm 2019, với mục đích cải tổ các cơ cấu Giáo hội nhằm ứng phó tốt hơn với các vụ tai tiếng lạm dụng của các giáo sĩ trên toàn quốc.

Tuy nhiên, nó nhanh chóng gây tranh cãi về các đề xuất để phụ nữ được thụ phong linh mục và cử hành Bí tích Rửa tội, để Giáo hội thay đổi giáo huấn về đồng tính luyến ái và chấm dứt luật độc thân linh mục.

Là một phần của quá trình cải cách này, cũng nhằm mục đích thu hút nhiều giáo dân hơn vào đời sống và quản trị Giáo hội, ý tưởng về một Hội đồng đồng nghị đã được đưa ra vào năm 2022 với tư cách là một cơ quan quản trị toàn quốc mới gồm 70 thành viên, cả giám mục lẫn giáo dân.

Đồng thời, một “Ủy ban đồng nghị” với Đức Giám Mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và giáo dân đồng chủ trì, cũng đã được phê chuẩn với nhiệm vụ cụ thể là thành lập Hội đồng đồng nghị để hoạt động vào năm 2026.

Tuy nhiên, đề xuất thành lập Hội đồng đồng nghị đã vấp phải phản ứng dữ dội ngay lập tức, vì nó có thể thông qua các nghị quyết với đa số đơn giản. Chỉ với 23 giám mục thành viên trong ủy ban, sau khi bốn vị từ chối tham gia, hơn một nửa trong số 70 thành viên của cơ quan là giáo dân, có nghĩa là về mặt lý thuyết, các nghị quyết có thể được thông qua mà không cần sự chấp thuận của bất cứ giám mục nào trong nước.

Vào tháng 1 năm ngoái, những người đứng đầu một số cơ quan chính của Vatican đã viết một lá thư cho các giám mục Đức phủ quyết Hội đồng đồng nghị với lý do cho rằng nó tạo thành một hình thức thẩm quyền giáo hội mới không được công nhận về mặt giáo luật, và về cơ bản sẽ chiếm đoạt thẩm quyền của hội đồng giám mục quốc gia.

Vào thời điểm đó, các giám mục Đức đã phớt lờ những lời cảnh cáo của Vatican, đồng thời tuyên bố trong hội nghị mùa xuân vào tháng 3 năm 2023 rằng kế hoạch thành lập Ủy ban đồng nghị vẫn đang được xúc tiến.

Tuy nhiên, các giám mục đã kiềm chế tổ chức bỏ phiếu sau khi nhận được lá thư từ Vatican đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt nếu họ tiến hành.

Cả Đức Phanxicô lẫn các viên chức Vatican khác đã nhiều lần can thiệp vào tiến trình đồng nghị ở Đức ngay từ đầu, cảnh cáo họ không nên thực hiện bất cứ động thái đơn phương nào làm rạn nứt sự hiệp nhất của Giáo hội. Vào năm 2019, Đức Phanxicô đã viết một lá thư cho các giám mục Đức cảnh cáo rằng tiến trình cải cách của họ có nguy cơ làm rạn nứt sự hiệp nhất của Giáo hội. Sau đó, ngài chỉ trích các đề xuất của cả Ủy ban đồng nghị lẫn Hội đồng đồng nghị trong một lá thư tháng 11 năm 2023 gửi các nhà thần học Đức chỉ trích tiến trình cải cách quốc gia, nói rằng các cơ quan này “không thể hòa hợp với cơ cấu bí tích của Giáo hội”.

Vatican và các giám mục Đức đã đồng ý tổ chức các cuộc họp thường kỳ để thảo luận về các cải cách của Con đường đồng nghị trong chuyến thăm ad limina của các giám mục tới Rome vào tháng 11 năm 2022.

Trong cuộc họp làm việc gần đây nhất vào tháng trước, có vẻ như Vatican đã vạch ra một đường lối cứng rắn bằng cách đảm bảo rằng các cuộc cải cách của Giáo hội Đức sẽ không vi phạm giáo luật và chúng phải có sự chấp thuận cuối cùng đối với bất cứ thay đổi nào.

Việc phê chuẩn các quy chế vào hôm thứ Hai ngụ ý rằng bất chấp sự chỉ trích liên tục của Vatican đối với Ủy ban và Hội đồng đồng nghị, các giám mục Đức vẫn có ý định tiến hành theo kế hoạch, với cuộc họp thứ hai của Ủy ban đồng nghị dự kiến diễn ra vào ngày 14-15 tháng 6 tại Mainz.

Không rõ quyết định từ chối tham gia diễn trình lập kế hoạch của Ủy ban đồng nghị của Hanke, Woelki, Oster và Voderholzer, những vị, ngay từ đầu, đã phản đối động thái này, sẽ có tác động gì.

Một cuộc họp khác giữa các viên chức Vatican và các giám mục Đức, trong đó việc phê chuẩn các quy chế của Ủy ban đồng nghị chắc chắn sẽ là một điểm thảo luận, dự kiến sẽ được tổ chức trước mùa hè, tuy nhiên vẫn chưa có công bố nào về ngày giờ cho cuộc thảo luận đó.