1. Trung Quốc và Vatican gia hạn thỏa thuận
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican vẫn chưa thể ổn định và Đức Giáo Hoàng đang tìm kiếm một thỏa thuận mới với chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đang diễn ra ở Hương Cảng, vì các hoạt động ủng hộ dân chủ của ngài.
Thỏa thuận giữa Đức Giáo Hoàng và nhà cầm quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo đã đạt được lần đầu tiên vào năm 2018, và cho đến nay nội dung chính xác của nó vẫn được giữ bí mật. Thỏa thuận này sẽ được gia hạn hai năm một lần, trong đó nhà cầm quyền Trung Quốc được lựa chọn các Giám Mục và Đức Giáo Hoàng chỉ được quyền phê chuẩn trong phạm vi danh sách mà Trung Quốc đưa ra.
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này trong một dịp khác nhau. Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, tin rằng mọi thứ chỉ trở nên tồi tệ hơn kể từ khi thỏa thuận được ký kết. Cô giải thích: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy tất cả, và thắt chặt sự tuân thủ các giáo điều của nó đối với Giáo Hội yêu nước”.
Các nhà ngoại giao của Vatican bảo vệ thỏa thuận bằng cách giải thích rằng cần phải tìm ra một lối thoát, ngay cả khi không đạt yêu cầu, khi một tình huống có vẻ như không thể khắc phục được.
Việc ký kết thỏa thuận vào năm 2018 đã cho phép chính thức hóa 7 giám mục, những người đã được bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican. Trong số đó, theo trang web Công Giáo Pháp Le Salon Beige, có cả Giám mục Lôi Thế Ngân (Paul Lei Shiyin, 雷世银), một người đang sống với vợ và con, đã được tấn phong mà không có sự chuẩn y của Đức Giáo Hoàng vào năm 2011. Ông ta thậm chí còn có vợ bé, là một điều không được phép ngay cả đối với luật lệ của cộng sản Trung Quốc, dẫn đến các vụ đánh ghen gây náo động Tòa Giám Mục. Đức Thánh Cha Phanxicô đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông của ông ta theo thỏa thuận bí mật giữa Tòa thánh và Cộng sản Trung Quốc. Vị giám mục được đề cập cũng được biết là đã cử hành một thánh lễ trong giáo phận của mình để vinh danh sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Việc gia hạn thỏa thuận vào năm 2022 được cho là sẽ đi kèm với các điều khoản mới, chẳng hạn như việc thành lập “phái đoàn nghiên cứu” của Tòa thánh ở Bắc Kinh. Phái đoàn nghiên cứu như vậy đã tồn tại ở Hương Cảng. Nhưng ở Bắc Kinh, mục đích của nó sẽ khác: nó sẽ đánh dấu nỗ lực đầu tiên của Vatican trong việc đổi mới quan hệ ngoại giao với Trung Quốc kể từ năm 1951. Tuy nhiên, cơ chế này sẽ không phải là một sứ thần, vì việc thành lập một sứ thần ở Bắc Kinh có nghĩa là Tòa Thánh phải đóng cửa tòa sứ thần hiện có ở Đài Bắc, Đài Loan. Vatican là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có cơ quan đại diện ngoại giao chính thức với chính phủ Đài Loan.
Đức Thánh Cha đã muốn tận dụng chuyến đi đến Kazakhstan để có cuộc gặp gỡ với Tập Cận Bình, là người đang đến thăm ở đó, nhưng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã không nhận được phản ứng thuận lợi.
Trung Quốc và Vatican gia hạn thỏa thuận của họ
Source:The Eursopean Conservative
Giáo chủ Chính thống giáo Hy Lạp của Giêrusalem, Theophilos III, đã lên án các cuộc tấn công của những người Do Thái cực đoan vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, cảnh báo rằng bất kỳ thay đổi nào đối với hiện trạng tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa đều tương đương với mối đe dọa đối với hiện trạng của Nhà thờ Mộ Thánh.
Thượng phụ Theophilos III cho biết trong một tuyên bố ngày hôm qua rằng các cuộc tấn công ngày càng tăng vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa là một “hành động xâm lược trắng trợn chống lại các quyền tôn giáo”, đồng thời nói thêm rằng tất cả những người Hồi giáo và Kitô hữu phải đoàn kết để đánh bại những nỗ lực này.
Ngài khẳng định rằng quyền tự do thờ phượng được bảo đảm trong tất cả các luật và điều lệ quốc tế, và các hoạt động của các nhóm Do Thái cực đoan chống lại các thánh địa Hồi giáo và Kitô giáo là sự vi phạm rõ ràng quyền của người Hồi giáo và Kitô giáo được thực hiện quyền tự do thờ phượng, và rằng những hành động hung hãn này và những hành động khiêu khích khác đều bị lên án và tố cáo.
Ngài yêu cầu thống nhất hành động để chấm dứt các cuộc tấn công này, và nói rằng các cuộc tấn công như vậy sẽ chỉ thành công nếu “bất hòa và xung đột” thắng thế.
Ngài cũng cảnh báo về sự tăng cường gây hấn đối với đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa là do kết quả của cuộc bầu cử Israel.
Source:middleeastmonitor.com
3. Tuyên bố của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh kiêm Trưởng Phái đoàn Tòa thánh tại Cuộc họp cấp cao của Liên Hiệp Quốc kỷ niệm ngày quốc tế Loại bỏ Hoàn toàn Vũ khí Hạt nhân
Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã có một bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp cấp cao của Liên Hiệp Quốc kỷ niệm ngày quốc tế Loại bỏ Hoàn toàn Vũ khí Hạt nhân.
Bình luận của Đức Hồng Y được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh một loạt các thất bại nhục nhã trên chiến trường Ukraine.
Trong bài phát biểu hôm thứ Tư 21 tháng 9, ông Putin cảnh báo rằng “Trong trường hợp có mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta và để bảo vệ nước Nga và nhân dân của chúng ta, chúng ta chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các hệ thống vũ khí có sẵn cho chúng ta. Đây không phải là một trò đùa”.
Trong một diễn biến đáng lo ngại khác, Dmitry Medvedev, phó chủ tịch diều hâu của hội đồng an ninh Nga, đồng minh của Putin, nguyên là thủ tướng và tổng thống Nga, đã đưa ra một cảnh báo khác về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và phương Tây trong một phát biểu dài trên Telegram.
Ông ta thẳng thừng tuyên bố rằng nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, do tê liệt vì sợ hãi, phương Tây sẽ không dám trả đũa, và sẽ ngưng ngay lập tức với hỗ trợ Ukraine.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài phát biểu của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh qua phần trình bày của Túy Vân
New York, ngày 26 tháng 9 năm 2022
Thưa Ngài chủ tịch,
Vào tháng Hai, cuộc chiến ở Ukraine đã đưa xung đột vũ trang trở lại Âu Châu với quy mô chưa từng thấy trong nhiều thế hệ. Mối đe dọa từ việc sử dụng vũ khí hạt nhân đi kèm với xung đột cho thấy thế giới đã gần đến vực thẳm của chiến tranh hạt nhân như thế nào. Mối đe dọa tiềm tàng này, với những tác động tàn khốc đối với toàn nhân loại, chứng tỏ rằng “vũ khí hạt nhân là một lựa chọn đắt giá và nguy hiểm,” làm suy yếu an ninh quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng, “mục tiêu cuối cùng của việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vừa trở thành một thách thức, vừa là một mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo”. Tuy nhiên, hành động của các quốc gia có vũ khí hạt nhân khiến chúng ta còn lâu mới đạt được mục tiêu này. Thông qua việc hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân, các quốc gia này đang tăng cường sự phụ thuộc vào khả năng răn đe hạt nhân, thay vì đáp ứng các nghĩa vụ giải trừ vũ khí theo Điều 6 của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, gọi tắt là NPT.
Thưa Ngài chủ tịch,
Trong khi bày tỏ sự tiếc nuối sâu sắc về việc thiếu một văn bản kết quả nhất trí tại Hội nghị duyệt xét NPT lần thứ mười, Tòa thánh lưu ý với mối quan tâm rằng, ngay cả khi kết quả dự thảo đã được thông qua, việc thiếu các cam kết giải trừ vũ khí mới và có ý nghĩa trong đó sẽ không đưa chúng ta đến gần hơn một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, chế độ giải trừ vũ khí hạt nhân không thiếu định hướng. Tháng 6 này, các quốc gia thành viên của Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, gọi tắt là TPNW, đã thông qua Tuyên bố và Kế hoạch hành động bảo đảm rằng có thể đạt được tiến bộ về giải trừ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực xác minh, hỗ trợ nạn nhân và khắc phục môi trường. Tòa thánh nhắc lại hy vọng rằng, bất kể lập trường của họ đối với TPNW như thế nào, các Quốc gia có vũ khí hạt nhân cần phải đóng góp vào những nỗ lực như vậy.
Các quốc gia cũng phải phục hồi các thành phần khác của chế độ giải trừ vũ khí hạt nhân. Điều này không chỉ bao gồm việc đạt được hiệu lực của Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện, gọi tắt là CTBT, mà còn khởi động các cuộc đàm phán về các hiệp ước về vật liệu phân hạch và về các bảo đảm an ninh cho các quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Nếu không có những tiến bộ hữu hình đối với những mục tiêu này, chế độ giải trừ vũ khí hạt nhân có nguy cơ bị xói mòn.
Thưa Ngài chủ tịch,
Để đạt được việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân đòi hỏi một phản ứng “tập thể và phối hợp, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau,” và xem xét các hậu quả nhân đạo và môi trường thảm khốc của việc sử dụng hạt nhân. Chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng ta không thể loại trừ khả năng sử dụng chúng, điều này đe dọa “bất kỳ tương lai nào có thể xảy ra cho ngôi nhà chung của chúng ta” cũng như sự tồn tại của loài người.
Vào Ngày xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân này, mỗi chúng ta hãy xem xét cách chúng ta có thể giúp tạo ra một môi trường thuận lợi để đạt được mục tiêu chung của chúng ta.
Xin cảm ơn ngài chủ tịch.
Source:Sismografo