1. Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gặp Ngoại trưởng Nga tại Liên Hiệp Quốc
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi khoảng 300.000 quân trù bị để hỗ trợ cuộc chiến của ông ta ở Ukraine, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã có một cuộc gặp không dàn xếp trước với ngoại trưởng của Putin.
Đức Hồng Y Pietro Parolin của Vatican và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã gặp nhau hôm thứ Năm bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, là cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Thành phố New York.
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh Nga leo thang căng thẳng ở Ukraine, lo ngại về vũ khí hạt nhân. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Nga bị tẩy chay sau khi chửi thề tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Hành động này đã bị lên án mạnh mẽ. Bà Catherine Colonna, Ngoại trưởng về Âu Châu và Ngoại Giao Sự Vụ của Pháp, đã cùng với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tổ chức ngay một cuộc họp báo để phản đối ông Sergei Lavrov.
Vatican không đưa ra tuyên bố chính thức về cuộc họp kín, nhưng Vatican News đã mở đầu bài viết về cuộc họp với trích dẫn gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới phải luôn tham gia đối thoại, “bởi vì luôn có khả năng nhờ đối thoại chúng ta có thể thay đổi mọi thứ.”
Những lời đó, được thốt ra trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng từ Kazakhstan trở về Rome vào tuần trước, đề cập đến phái bộ ngoại giao của Tòa thánh, đặc biệt liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
“Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã cung cấp thêm bằng chứng về nguyên tắc chỉ đạo đó, khi ngài gặp Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Nga,” Vatican News tuyên bố.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga đã tweet một đoạn video quay cảnh Lavrov và Đức Hồng Y Parolin bắt tay và chào hỏi nhau.
“Chúng tôi cảm ơn ngài đã đề nghị tổ chức cuộc họp này,” Lavrov nói với Đức Hồng Y. “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của ngài trong khoảng thời gian không mấy yên tĩnh này.”
Vị Hồng Y được nghe đã trả lời: “Thật không may.”
Trước khi đoạn video bị cắt, người ta nghe thấy Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ sự đánh giá cao đối với những nỗ lực của vị Hồng Y “nhằm thúc đẩy sự ổn định hơn, công bằng hơn và tất nhiên là cả pháp quyền”.
Trong một tuyên bố được công bố sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Lavrov “đã nói rõ lý do của cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong quan hệ giữa Nga và phương Tây” và đổ lỗi cho “cuộc thập tự chinh của NATO nhằm hủy diệt Nga và chia rẽ thế giới”.
Ngoại trưởng Lavrov nói với Đức Hồng Y Parolin rằng “các bước mà Nga thực hiện được thiết kế để bảo đảm độc lập và an ninh, cũng như để chống lại tham vọng bá quyền của Hoa Kỳ nhằm kiểm soát tất cả các quá trình toàn cầu”.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc căng thẳng
Không khí ngoại giao trong cuộc gặp của Ngoại trưởng Lavrov với Đức Hồng Y Parolin trái ngược với một cuộc họp căng thẳng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà Ngoại trưởng Lavrov tham dự. Khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc các lực lượng Nga tra tấn và giết hại dân thường ở các khu vực của Ukraine mà họ đã chiếm đóng, Ngoại trưởng Lavrov đã phản bác rằng quân đội Ukraine đã giết dân thường ở các khu vực nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine “mà không bị trừng phạt.”
Cũng tại cuộc họp đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gọi kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý của Mạc Tư Khoa về việc Nga sáp nhập 4 khu vực bị chiếm đóng của Ukraine vào Nga là “vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật lệ và tiền lệ quốc tế”.
Các cuộc trưng cầu dân ý - ở các vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizka – đã được tiến hành vào cuối tuần qua. Các chuyên gia cho rằng việc Nga sáp nhập các khu vực này nhằm khiến Ukraine do dự trong việc tiếp tục nỗ lực giải phóng các vùng đất này, vì hành động đó được coi là tấn công lãnh thổ Nga, thay vì chỉ đơn giản là bảo vệ đất đai của Ukraine. Một số ý kiến cho rằng cùng với đó, Putin đã sử dụng ngôn ngữ về cơ bản là một mối đe dọa thẳng thừng là sẽ bảo vệ các lãnh thổ bằng mọi cách, kể cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đức Hồng Y Parolin đã phát biểu hôm thứ Tư tại cuộc họp lần thứ 10 của Những nước tham gia Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện, bao gồm Úc, Canada, Phần Lan, Đức, Nhật Bản và Hà Lan. Theo Vatican News, Đức Hồng Y tái khẳng định rằng “khi căng thẳng toàn cầu gia tăng và chúng ta nghe thấy những lời lẽ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, điều quan trọng hơn bao giờ hết là làm sao để Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện có hiệu lực khi giải quyết các căng thẳng toàn cầu gia tăng và dập tắt những lời lẽ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.”
Trong buổi Tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng trong “cuộc chiến bi thảm” này, một số người “đang nghĩ về vũ khí hạt nhân”, và gọi não trạng này là “sự điên rồ”.
Source:Aleteia
2. Quan chức Phần Lan cho biết hơn 6,400 người Nga đã đến Phần Lan bằng đường bộ vào hôm thứ Năm
Hơn 6,400 người Nga đã đến Phần Lan vào hôm thứ Năm bằng đường bộ - một con số tương đương với giao thông vào cuối tuần, Krista Mikkonen, Bộ Trưởng Nội Vụ Phần Lan, đã cho biết như trên.
Cô Krista Mikkonen nói thêm, khoảng 3,227 người Nga đã rời khỏi Phần Lan.
So sánh dữ liệu này với các con số từ tháng 8 và tháng 9, cô cho biết Phần Lan đã chứng kiến khoảng 6,000 người Nga đến Phần Lan vào các ngày thứ Bảy.
Trước đó, vào hôm thứ Sáu, Lực lượng Biên phòng Phần Lan đã tweet rằng hàng dài các phương tiện giao thông tại Vaalimaa và Nuijamaa – là hai cửa khẩu biên giới ở đông nam Phần Lan - kéo dài hơn so với hôm thứ Năm.
Hàng đợi để qua biên giới Vaalimaa dài khoảng 500 mét vào khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương.
3. Một nhân viên cứu trợ Ukraine cho biết sự tàn phá hiện nay đã như một cuộc tấn công hạt nhân
Một nhân viên cứu trợ của Caritas Ukraine cho biết anh ta không sợ một cuộc tấn công hạt nhân của Putin. Thứ nhất, vì nó sẽ gây ra “sự hủy diệt chính trị” đối với Nga. Thứ hai, các thiệt hại do chiến tranh gây ra đã giống như một cuộc tấn công hạt nhân rồi.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã cáo buộc phương Tây “tống tiền hạt nhân” vào hôm thứ Tư và cảnh báo “đó không phải là một trò đùa” khi ông ta tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để bảo vệ đất nước của mình.
Dimko Zhluktenko, một nhân viên cứu trợ của Caritas có trụ sở tại Lviv, miền tây Ukraine, cho biết anh không tin rằng sẽ có một cuộc tấn công hạt nhân vì một động thái như vậy sẽ không có lợi thế chiến lược cho các lực lượng Nga.
“Ngay cả khi nó xảy ra, nó sẽ không có tác động lớn,” chàng trai 23 tuổi nói với hãng thông tấn PA.
“Nếu họ thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật, đó sẽ là chủ nghĩa khủng bố thuần túy và điều đó sẽ dẫn đến sự hủy diệt tuyệt đối của nước Nga.
“Nó sẽ không mang lại bất kỳ lợi thế chiến lược nào cho các lực lượng Nga vì họ sẽ không thể tiến lên để chiếm các vùng lãnh thổ mới.
“ Và đồng thời, về mặt chính trị, họ sẽ bị tiêu diệt vì rất có thể họ sẽ bị tấn công trở lại và đối mặt với sự cô lập hoàn toàn từ các quốc gia khác”.
https://www.theguardian.com/world/live/2022/sep/24/russia-ukraine-war-latest-updates-kyiv-says-residents-coerced-to-vote-as-moscow-holds-referendums-in-parts-of-ukraine?page=with:block-632e7c398f0822acf24f5ac9