Theo tin VaticanNews, máy bay của Đức Giáo Hoàng đã đáp xuống phi trường quốc tế Nur-Sultan Nazarbayev lúc 1.27 chiều giờ địa phương ngày 13 tháng 9, 2022. Ngài được nghinh đón tới quốc gia Trung Á này bởi một phái đoàn các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo, trong đó, có Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev.
Cuộc viếng thăm đầu tiên của Đức Giáo Hoàng tại đây là tới dinh tổng thống, nơi ngài gặp gỡ các nhà cầm quyền, viên chức chính phủ và ngoại giao đoàn. Theo VaticanNews, mục đích chuyến tông du lần này của Đức Phanxicô là tham dự Đại hội lần thứ 7 của Các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới và Truyền thống. Ngài tham dự buổi khai mạc của Đại hội vào sáng thứ ba và sẽ chào hỏi các tham dự viên Đại hội xuất phát từ khoảng 100 quốc gia. Sự hiện diện của ngài chắc chắn nâng cao khuôn mạo của Đại hội. Giáo sư Azza Karam, Tổng thư ký của Các Tôn giáo Vì Hòa bình, nhận định rằng “Đức Giáo Hoàng được coi như một nhà lãnh đạo tôn giáo nói lên các trách nhiệm tinh thần và thậm chí giải thích rõ điều cần thiết phải làm để hàn gắn các cộng đồng và ngăn chặn tranh chấp. Do đó, vai trò của ngài sẽ tiếp tục vạch rõ đường lối làm thế nào và tại sao phải giải quyết và ngăn chặn các tranh chấp, bao gồm việc sống hòa bình hơn với nhau như những người có đức tin”.
Sự hiện diện của ngài cũng là một khích lệ lớn lao cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của đất nước. Cha Ruslan Rakhimberlinov, giám đốc chủng viện Công Giáo ở Karaganda, cho biết cộng đồng địa phương cảm thấy diễm phúc được chào đón Đức Thánh Cha tới xứ sở mình. Ngài nói, “đối với chúng tôi, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Kazakhstan là một cơ hội cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của chúng tôi ở đây, “đoàn chiên nhỏ bé” của chúng tôi, nhận được một thúc đẩy”.
Hậu cảnh Trung Quốc và chiến tranh Ukraine
Về mặt chính thức là như thế, nhưng ở hậu cảnh của chuyến đi, hình ảnh bang giao với Trung Hoa và cuộc chiến tranh tại Ukraine hết sức đậm nét trong tâm trí Đức Phanxicô. Thực vậy, theo hãng tin CNA, trên chuyến máy bay chở ngài tới Kazakhstan, Đức Phanxicô nói với các nhà báo tháp tùng ngài rằng “tôi luôn sẵn sàng tới Trung Hoa”, mặc dù ngài xác nhận cho đến nay, không “có tin tức gì mới” về đồ đoán là ngài sẽ gặp Tập Cẩn Bình.
Hãng tin A.P. thì cho chạy hàng tít lớn: “chiến tranh của Nga tại Ukraine, tấm phông cho chuyến viếng thăm Kazakh của Đức Giáo Hoàng”. Còn Tạp chí CruxNow, thì cho chạy hàng tít “Đức Giáo Hoàng tới Kazakhstan lên án cuộc xâm lăng Ukraine ‘vô nghĩa, đầy thảm họa’”.
Thực vậy, CruxNow tường trình rằng khi tới Kazakhstan vào hôm thứ ba, Đức Phanxicô đã lên tiếng lên án cuộc chiến tranh tại Ukraine và nói với các nhà lãnh đạo nước này rằng vì địa điểm và thành phần sắc tộc và tôn giáo đa dạng của xứ sở, Kazakhstan đóng một vai trò độc đáo trong việc cổ vũ hòa bình trong vùng.
Ngài cũng ca ngợi sự chung sống hòa hợp của các cộng đồng đa dạng của Kazakhstan và ca ngợi sự cam kết của đất nước trong việc giải trừ hạt nhân và bảo vệ môi trường, cũng như quyết định của chính quyền Kazakhstan vào năm ngoái về việc bãi bỏ án tử hình.
Phát biểu trước các nhà chức trách dân sự và ngoại giao đoàn ở Kazakhstan, trong bài phát biểu ngày 13 tháng 9, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài đến thăm đất nước “như một người hành hương hòa bình, tìm kiếm đối thoại và đoàn kết”.
Ngài nói, Kazakhstan đại diện cho “một ngã tư địa chính trị quan trọng” và do đó, nó có “một vai trò căn bản trong việc giảm thiểu các trường hợp xung đột”.
Đức Phanxicô nhắc lại biến cố vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô II, đến thăm vào năm 2001, chỉ vài ngày sau vụ khủng bố 11/9 bi thảm ở Hoa Kỳ. Ngài nói, giờ đây, “Tôi đến thăm qúy vị giữa lúc có cuộc chiến vô nghĩa và bi thảm nổ ra với cuộc xâm lược Ukraine”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài đến “để lặp lại lời cầu xin của tất cả những ai kêu gọi hòa bình, vốn là con đường thiết yếu để thế giới hoàn cầu hóa của chúng ta phát triển.”
Trong bài phát biểu trước các nhà chức trách, vốn là bài phát biểu chính thức đầu tiên của ngài trong chuyến đi, Đức Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải “mở rộng các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy đối thoại và gặp gỡ”.
“Ngày nay vấn đề của một người là vấn đề của mọi người, và những người nắm quyền lực lớn hơn trên thế giới có trách nhiệm lớn hơn đối với những người khác, đặc biệt là những quốc gia dễ xảy ra bất ổn và xung đột nhất”, ngài nói thế và nhấn mạnh, “Điều này nên là mối quan tâm của chúng ta chứ không phải lợi ích cá nhân của chúng ta”.
Đức Phanxicô nói rằng bây giờ là lúc “ngừng gia tăng các tranh chấp và củng cố các khối đối lập”. Ngài nói rằng nhu cầu cấp thiết hiện nay là các nhà lãnh đạo “ở bình diện quốc tế, phải giúp các dân tộc phát triển trong sự hiểu biết và đối thoại lẫn nhau”.
Đề cập đến “tinh thần Helsinki”, tức Hiệp định lịch sử Helsinki năm 1975 về an ninh và hợp tác ở châu Âu, ngài cho biết các nhà lãnh đạo thế giới phải thể hiện quyết tâm “tăng cường chủ nghĩa đa phương, xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định hơn, nghĩ tới các thế hệ tương lai.”
Để điều này xảy ra, ngài nói, “điều cần thiết là hiểu nhau, kiên nhẫn và đối thoại với mọi người. Tôi nhắc lại: với mọi người”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nêu bật lịch sử phức tạp của Kazakhstan, đặc biệt là trong thời kỳ Liên Xô, nhắc lại việc đất nước này là nơi đày ải các tù nhân và người bị giam giữ, những người thường bị đưa đến làm việc trong các trại lao động ở Kazakhstan.
Như thế, ngài nói, Kazakhstan “bao gồm một lịch sử huy hoàng của văn hóa, nhân tính và đau khổ. Làm thế nào chúng ta có thể không nhớ lại, cách riêng, các trại tù và các vụ trục xuất hàng loạt vốn lên chứng cớ cho việc áp bức không biết bao con người, trong các thành phố và thảo nguyên vô biên của những vùng đất này?"
Tuy nhiên, ngài nói, người Kazakhstan đã vượt qua lịch sử này. "Ký ức sống hẻo lánh của qúy vị đã dẫn đến mối quan tâm sâu sắc về việc hòa nhập."
Ngài yêu cầu điều này: ký ức về những di dời lớn lao và những đau khổ mà con người phải chịu đựng sẽ là “một phần không thể thiếu trong hành trình của qúy vị hướng tới tương lai, truyền cảm hứng để qúy vị dành ưu tiên tuyệt đối cho phẩm giá con người, phẩm giá của mọi người đàn ông và đàn bà, và của mọi dân tộc, mọi nhóm xã hội và tôn giáo.”
Đức Phanxicô tập trung phần lớn bài phát biểu của ngài vào hình ảnh dombra, một nhạc cụ giống như đàn guitar truyền thống của người Kazakhstan được làm bằng gỗ và hai dây. Ngài nói, hai dây là biểu tượng cho vai trò của Kazakhstan như một “cầu nối giữa châu Âu và châu Á”.
Chúng cũng như một lời nhắc nhở rằng “sự hòa hợp lớn lên và trưởng thành trong việc cùng sống với nhau, trong sự thống nhất hợp xướng dẫn đến một đời sống xã hội 'giao hưởng'", một đời sống mà ngài cho là một hình ảnh đặc biệt xúc động đối với 550 nhóm sắc tộc và 80 ngôn ngữ khác nhau hiện diện trong quốc gia.
Trong bối cảnh này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói về tầm quan trọng của tự do tôn giáo, được bảo đảm bởi hiến pháp Kazakhstan; ngài nói rằng một nền thế tục lành mạnh sẽ “thừa nhận vai trò quan trọng và không thể thiếu của tôn giáo và chống lại các hình thức của chủ nghĩa cực đoan muốn làm biến dạng nó”.
Ngài nói, hình thức thế tục này là “điều kiện thiết yếu để mỗi công dân được đối xử bình đẳng. Tự do tôn giáo đại diện cho máng chuyển tốt nhất của việc chung sống dân sự. "
Ngài cũng nói về nền dân chủ và quá trình dân chủ hóa của Kazakhstan, vốn đôi khi huyên náo khi cho rằng dân chủ như một hệ thống “tạo thành hình thức phù hợp nhất để diễn dịch quyền lực thành việc phục vụ toàn thể nhân dân chứ không chỉ một số ít người”.
Ngài nói, việc Kazakhstan theo đuổi nền dân chủ lớn hơn, nhằm “tăng cường các năng quyền của Nghị viện và chính quyền địa phương và nói chung là sự phân phối quyền lực lớn hơn”, là một “quá trình xứng đáng và đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, “mà không thoái lui”.
“Dân chủ và hiện đại hóa ở mọi nơi không phải chỉ là những mỹ từ; chúng phải được thể hiện trong việc phục vụ mọi người một cách cụ thể ”, ngài nói thế và cho biết điều này ngụ ý “một ‘nền chính trị tốt’, phát sinh từ việc lắng nghe mọi người và đáp ứng các nhu cầu chính đáng của họ,” cũng như sự tham gia thường xuyên vào xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân đạo, và quan tâm đặc biệt đến người lao động, thanh niên và những người dễ bị tổn thương nhất.
Ngài nói, “phong thái chính trị thực sự dân chủ” này là đáp ứng hữu hiệu nhất đối với các trường hợp chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa dân túy vốn đe dọa đến sự ổn định và phúc lợi của các dân tộc. ”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng ca ngợi Kazakhstan vì đã thông qua dự luật bãi bỏ án tử hình vào năm ngoái, cũng như những nỗ lực bảo vệ môi trường và cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân.
Nhận định rằng Tòa thánh và Kazakhstan sắp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ngài bảo đảm với các nhà lãnh đạo rằng người Công Giáo mong muốn “tiếp tục làm chứng cho tinh thần cởi mở và đối thoại tôn trọng vốn làm nổi bật lãnh thổ này”.
Đức Phanxicô kết thúc bài diễn văn bằng lời cảm ơn sự chào đón của các nhà chức trách, và cầu xin Thiên Chúa ban phước cho “ơn gọi hòa bình và hiệp nhất phù hợp với Kazakhstan, đất nước của sự gặp gỡ”.