Tường thuật trên CNN Bồ Đào Nha của Ivana Kottasová, ngày 5 tháng 9, 2022 cho hay: Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài đã tự vác lấy trách nhiệm loại bỏ việc lạm dụng tình dục khỏi Giáo Hội Công Giáo. Ngài nói với kênh đối tác của CNN là CNN Bồ Đào Nha rằng ngài "chịu trách nhiệm việc nó sẽ không tái diễn nữa."



Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền về nhiều vấn đề ở Rome vào tháng trước, Đức Giáo Hoàng nói rằng Giáo Hội "tuyệt đối không khoan nhượng" đối với hành vi lạm dụng và "một linh mục không thể vẫn là một linh mục nếu ông là một kẻ lạm dụng."

Phản ứng của Giáo Hội đối với các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục đã trở thành một trong những chủ đề nổi bật trong thời Đức Phanxicô làm Giáo hoàng, và ngài nói với CNN Bồ Đào Nha rằng mọi trường hợp lạm dụng trong Giáo Hội đều làm ngài "đau đớn".

Nhiều báo cáo nêu chi tiết hàng thập niên lạm dụng tình dục, sai phạm có hệ thống và che đậy ở nhiều quốc gia đã được công bố kể từ khi Đức Phanxicô trở thành nhà lãnh đạo của 1.2 tỷ người Công Giáo trên thế giới vào năm 2013. Dù ngài bị chỉ trích về một số hành động của mình - chẳng hạn như khi ngài bảo vệ một giám mục Chile bị cáo buộc che đậy một vụ tai tiếng tình dục vào năm 2018, một quyết định mà sau đó ngài mô tả là một "sai lầm nghiêm trọng", nhưng ngài đã giữ vững lập trường về các vấn đề này và đưa ra một số cải cách.

Vào năm 2019, ngài đã bãi bỏ các quy tắc giữ bí mật của Vatican đối với các trường hợp lạm dụng tình dục và đưa ra các quy tắc mới khiến lần đầu tiên tất cả các giáo phận bắt buộc phải thiết lập hệ thống báo cáo lạm dụng và che đậy.

Hai năm sau, ngài ban hành bản sửa đổi rộng rãi nhất đối với luật của Giáo Hội Công Giáo trong bốn thập niên, nhấn mạnh rằng các giám mục phải hành động chống lại các giáo sĩ lạm dụng các vị thành niên và những người trưởng thành dễ bị tổn thương. Các quy tắc cũng yêu cầu hành động chống lại các linh mục lừa đảo hoặc mưu toan phong chức cho phụ nữ.

Đề cập đến chủ đề này, Đức Phanxicô nói rằng ngài không tin rằng cuộc sống độc thân đóng một vai trò trong việc gây ra việc lạm dụng.

Ngài nói, "Tôi không phủ nhận việc lạm dụng. Dù chỉ là một [trường hợp], nó thật là quái dị. Bởi vì bạn, linh mục, bạn, nữ tu, phải đưa cậu bé, cô gái đó đến với Chúa nhưng với việc này, bạn phá hủy cuộc đời của họ. Nó thật quái dị. Nó đang hủy hoại nhiều cuộc đời. Và sau đó họ đến với bạn với những câu hỏi. Có thể nào độc thân [là điều đáng trách]? Không phải là việc độc thân đâu".

Ngài nói: “Một điều về lạm dụng, đó là nó là một điều hủy hoại, có tính ma quái của con người." Ngài nói thêm “Trong các gia đình, đâu phải chuyện độc thân hay những thứ như thế, nhưng đôi khi, điều đó vẫn xảy ra. Thành thử, đó chỉ là tính quái dị của một người nam hoặc người nữ của Giáo Hội bị bệnh hoặc xấu xa tâm lý và sử dụng địa vị của họ để thỏa mãn bản thân".

Bị chỉ trích vì những bình luận về chiến tranh

Đức Giáo Hoàng cũng tiết lộ rằng ngài đã liên lạc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói chuyện với ông qua điện thoại.

Ngài cho biết trước đây ngài đã gặp cả Zelensky và đối tác Nga của ông là Vladimir Putin khi họ đến thăm ngài ở Rome. Nhưng khi được hỏi ngài đã nói gì với hai người, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi không biết”.

Đức Giáo Hoàng nói, "Tôi đã đối thoại với cả hai [người]. Cả hai đều đến thăm tôi ở đây trước chiến tranh. Và tôi luôn tin rằng với cuộc đối thoại, chúng ta luôn tiến về phía trước. Bạn biết ai không biết nói chuyện không? Động vật. Chúng là bản năng thuần túy."

Đức Phanxicô đã bị chỉ trích vì một số bình luận của ngài về cuộc chiến Nga gây ra cho Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 với tờ La Stampa của Ý, Đức Phanxicô nói rằng cuộc chiến "có lẽ, một cách nào đó, hoặc bị khiêu khích hoặc không bị ngăn chặn." Ngài nói rằng trước khi Nga xâm lược Ukraine, ngài đã gặp "một nguyên thủ quốc gia", người "rất lo lắng về các động thái của NATO."

Tháng trước, Đức Giáo Hoàng đã khiến Kyiv tức giận khi ám chỉ nhà bình luận chính trị người Nga Darya Dugina, con gái của một nhà triết học theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, là một trong những nạn nhân "vô tội" của cuộc chiến sau khi cô bị giết bởi một quả bom ở ngoại ô Moscow.

Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu tập Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, để thảo luận về tuyên bố của Đức Phanxicô, nói rằng nó "bất công" đánh đồng "kẻ xâm lược và nạn nhân."

Đức Giáo Hoàng, người trước đây đã nói rằng ngài sẽ sẵn sàng đến Kyiv và Moscow, nói với CNN Bồ Đào Nha rằng một chuyến thăm hiện "đang ở trên mây".

Không có Giáo hoàng nào từng đến Moscow trước đây. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công du Ukraine vào năm 2001.

Ngài nói rằng ngài không thể đi du lịch vào lúc này vì các vấn đề về đầu gối của ngài, nhưng nói rằng sự hiện diện của ngài ở Ukraine là "mạnh mẽ" vì ngài đã cử một số Hồng Y đến Kyiv để đại diện cho ngài.

Tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 tại Lisbon

Theo tờ Aleteia, trong cuộc phỏng vấn trên, Đức Phanxicô còn nói rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói ngài hoặc Đức Gioan XXIV (Đức Phanxicô gọi vị Giáo hoàng tương lai như thế) sẽ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 tại Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha. Nhân dịp này, Đức Phanxicô ca ngợi sáng kiến “thiên tài” của Đức Gioan Phaolô II đã có ý tưởng “hội tụ với nhau tuổi trẻ của mọi miền thế giới ngõ hầu hoàn vũ hóa tuổi trẻ.

Đức Phanxicô giải thích rằng tuổi trẻ từ “nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa khác nhau” đã có thể gặp nhau “củng cố lẫn nhau” và tìm được “các hoài bão chung”. Được hỏi về sự tham dự đích thân của ngài, Đức Phanxicô đã trả lời như trên, trong khi sức khỏe của ngài đang khiến nhiều người lo âu. Tưởng cũng nên nhớ: chính viễn tượng phải tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2013 tại Rio de Janeiro cũng là một trong những lý do khiến Đức Bênêđíctô từ chức.