Một vụ hỏa hoạn lớn tại một nhà thờ Chính thống giáo Coptic ở Ai Cập đã cướp đi sinh mạng của 41 người vào hôm Chúa Nhật 14 tháng 8. Đó là một đòn tàn khốc đối với một cộng đồng Kitô giáo bị bủa vây bởi sự ngược đãi và gian khổ từ lâu.
Theo nhà cầm quyền Ai Cập, nguyên nhân của vụ hỏa hoạn kinh hoàng này là do bị chập điện. Nhóm thiểu số Kitô giáo của Ai Cập từ lâu đã được coi là nhóm hạng hai trong dân số chủ yếu theo đạo Hồi, và trong những năm gần đây đã xảy ra một số vụ khủng bố lớn.
Đây là những gì bạn cần biết:
Giáo Hội Coptic là gì?
Các Giám Mục Ai Cập đã từ chối Công đồng Chalcedon năm 451, và tách ra. Giáo Hội Chính thống Coptic không công nhận giáo hoàng Công Giáo và thay vào đó có giáo hoàng của riêng mình, là giám mục của Alexandria và tuyên bố kế vị các thánh tông đồ từ Thánh Máccô.
Hình thức thờ phượng cao nhất của Giáo Hội này, tương tự như Thánh lễ Công Giáo, là Phụng vụ Thánh.
Không nên nhầm lẫn Giáo Hội Chính thống giáo Coptic, một Giáo Hội Chính thống Đông Phương, với Giáo Hội Công Giáo Coptic, là một Giáo Hội theo nghi thức Đông phương nhưng hiệp thông hoàn toàn với Rôma. Phần lớn nhóm thiểu số Kitô giáo của Ai Cập với khoảng 10% tổng dân số là Kitô giáo chính thống Coptic. Bên cạnh đó, cũng có một số ít người Công Giáo theo nghi thức Maronite và Latinh.
Tại sao họ bị bách hại?
Các tín hữu Kitô Coptic là mục tiêu thường xuyên của khủng bố ở Ai Cập, đặc biệt là kể từ khi Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy. Ngoài tình cảm bài Kitô giáo nói chung của người Hồi giáo, Các tín hữu Kitô Coptic đã bị các nước láng giềng Hồi giáo của họ cáo buộc đã hỗ trợ sự gia tăng quyền lực của Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi, người lên nắm quyền sau khi Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2013 và người đã nhận được sự ủng hộ công khai của các nhà lãnh đạo Coptic.
Vào tháng 2 năm 2015, Nhà nước Hồi giáo đã phát hành một video trực tuyến cho thấy các chiến binh đeo mặt nạ chặt đầu 21 người đàn ông khi họ quỳ trên một bãi biển ở Libya mặc áo liền quần màu cam kiểu nhà tù. Chính phủ Ai Cập và Giáo Hội Chính thống Coptic sau đó đã xác nhận tính xác thực của đoạn video và những người đàn ông này hiện được tôn vinh như những vị thánh trong Giáo Hội Coptic.
29 người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom tại Nhà thờ Chính thống giáo Coptic Thánh Máccô ở Cairo vào tháng 12 năm 2016. Nhà nước Hồi giáo đã công nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom và tung ra một video đe dọa nhắm vào các “quân thập tự chinh” theo Kitô Giáo ở Ai Cập. Và vào Chúa Nhật Lễ Lá năm 2017, hai vụ đánh bom tự sát của Nhà nước Hồi giáo tại các nhà thờ Coptic ở Ai Cập đã cướp đi sinh mạng của 47 người.
Vào tháng 11 năm 2018, các chiến binh Hồi giáo đã phục kích một chiếc xe buýt chở những người hành hương Kitô giáo Coptic đến một tu viện sa mạc ở phía nam Cairo, khiến 7 người thiệt mạng và 19 người bị thương.
Trong đại dịch, phụ nữ và trẻ em gái Kitô giáo Coptic đã bị bắt cóc và cưỡng bức cải sang đạo Hồi, và một số cộng đồng Kitô giáo đã bị tước đoạt tài nguyên.
Tình hình có thể trở nên tốt hơn không?
Chính phủ Ai Cập hiện tại dưới thời Tổng thống el-Sissi đã lên án các vụ tấn công và trong quá khứ đã cam kết bảo vệ các nhóm thiểu số theo Kitô giáo trong nước, nhưng người theo Kitô giáo vẫn bị tấn công, đặc biệt ở các vùng nông thôn bên ngoài thủ đô Cairo, nơi chính phủ quốc gia ít nắm được tình hình hơn. Điều này đôi khi xảy ra dưới hình thức các quy định của chính phủ nhắm vào những người theo Kitô giáo. Ví dụ, luật pháp Ai Cập trong nhiều thập kỷ vẫn giữ các quy tắc nghiêm ngặt từ thời Ottoman về việc xây dựng hoặc sửa chữa nhà thờ. Trong khi nhiều hạn chế cũ đã được bãi bỏ vào năm 2016, các nhà phê bình vẫn nói rằng hầu hết các đơn xin xây dựng hoặc sửa chữa nhà thờ đều bị từ chối, đặc biệt là các yêu cầu từ các vùng nghèo, nông thôn hoặc các khu vực mà các tín hữu Kitô là thiểu số.
Trong một báo cáo ngày 24 tháng 6 năm 2021 cho tổ chức bác ái Công Giáo Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Cha Kyrillos William Samaan của giáo phận Chính Thống Giáo Coptic Assiut nói rằng các Kitô hữu vẫn còn ít đại diện trong nhiều lĩnh vực và bị gạt sang một bên trong các vị trí hành chính.
Source:Catholic News Agency