1. Hoả hoạn trong thánh lễ, không có lối thoát phải nhảy từ lầu 4 xuống

Hôm thứ Hai, Ai Cập để tang một vụ hỏa hoạn tại một nhà thờ Chính thống giáo Coptic khiến 41 người thiệt mạng, nhưng nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về phản ứng khẩn cấp, quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy và việc hạn chế xây dựng nhà thờ cho người thiểu số Kitô giáo của đất nước.

Cư dân khu vực lân cận bày tỏ sự kinh hoàng trước trận hỏa hoạn vào hôm Chúa Nhật, một trong những vụ hỏa hoạn gây chết chóc nhất tại Ai Cập trong những năm gần đây, giết chết 41 thành viên của nhà thờ, trong đó có ít nhất 15 trẻ em.

Salah el-Sayed, một công chức 43 tuổi sống cạnh nhà thờ Thánh Tử Đạo Abu Sefein ở khu Imbaba của tầng lớp lao động cho biết: “Cảnh những đứa trẻ chết vẫn ám ảnh tôi tại hiện trường khi khói dày đặc đổ ra từ tòa nhà.

Ông nói: “Xác trẻ em nằm khắp nơi.”

Ngọn lửa bùng phát vào buổi sáng Chúa Nhật, bắt đầu từ tầng hai của tòa nhà bốn tầng, nơi cũng là nơi giữ trẻ ban ngày. Khói nhanh chóng bao trùm các tầng trên.

Các nhà chức trách đổ lỗi cho sự việc chập điện trong một dàn máy điều hòa không khí gây ra vụ hỏa hoạn, nhưng các nhân chứng cũng chỉ ra lỗi trong máy phát điện mà nhà thờ sử dụng trong thời gian mất điện thường xuyên. Người dân cũng cho biết xe cấp cứu đến chậm có thể khiến nhiều người chết hơn, mặc dù chính quyền cho biết xe cấp cứu đầu tiên đã đến trong vòng vài phút sau khi đám cháy được báo cáo.

Các nhân chứng nói với hãng tin AP kể lại cảnh tượng kinh hoàng gồm những người nhảy ra khỏi cửa sổ, và những đứa trẻ nằm bất động giữa lửa và đồ đạc bị thiêu rụi.

El-Sayed, người cùng những người khác chạy đến nhà thờ để giải cứu các tín hữu bị mắc kẹt và đưa thi thể đến xe cấp cứu đang chờ sẵn, cho biết điện đã bị ngắt trong khoảng nửa giờ vào sáng Chúa Nhật hôm đó. Nhà thờ đã chạy máy phát điện của riêng mình. Sau đó, anh ta thấy khói bốc lên vài phút sau khi dòng điện quay trở lại.

Khói dày đặc khiến họ khó vào bên trong, một số nhân viên cứu hộ đã nhảy từ nóc tòa nhà liền kề xuống. Những người khác xông vào cổng trước của nhà thờ và đi lên tầng trên, nơi những đứa trẻ bị mắc kẹt trên tầng bốn.

Ahmed Ibrahim, sống gần đó, cho biết anh nhìn thấy một người đàn ông đang cố gắng nhảy từ cửa sổ tầng hai xuống. Anh và những người khác đã cố gắng cứu sống người đàn ông bằng cách giăng một chiếc chăn bên dưới, nhưng người đàn ông đã đập mạnh đầu xuống đất và chết.

“Thật không may là anh ấy nặng quá, cái chăn không giữ anh ấy lại được” Ibrahim nói. “Thật là buồn.”

Mohammed Yahia là một trong số những người chạy đến nhà thờ, ngay lập tức đến nơi chăm sóc ban ngày.

Ông cho biết trong số 20 trẻ em được chăm sóc ban ngày, tất cả ngoại trừ 5 đứa trẻ, đã chết, nói với đài truyền hình địa phương từ giường bệnh. Yahia khiêng năm đứa bé - từng em một - đến xe cứu thương, trước khi anh bị ngã và gãy chân khi đang giúp một người già ra khỏi tòa nhà.

Những đứa trẻ thiệt mạng bao gồm một cặp sinh đôi 5 tuổi và một đứa trẻ 3 tuổi. Theo Mousa Ibrahim, phát ngôn viên của Nhà thờ Chính thống Coptic, có cả một đứa trẻ mới 5 tuổi, mẹ, bà và dì của chúng cũng nằm trong số những người thiệt mạng. Hình ảnh những đứa trẻ thiệt mạng lan truyền trên mạng xã hội.

Cha sở của nhà thờ, là Cha Abdul Masih Bakhit, cũng nằm trong số những người thiệt mạng.

Theo những người hàng xóm, giống như nhiều nơi khác trên khắp đất nước, ngôi thánh đường nằm trên một con phố hẹp ở một trong những khu dân cư đông đúc nhất Cairo. Đó là một tòa nhà chung cư trước khi được biến thành nhà thờ. Ngôi thánh đường trông giống như các tòa nhà khác trong khu vực, chỉ có thể nhận ra bằng một tấm biển phía trên cửa trước và một cây thánh giá bằng sắt trên mái của ngôi nhà thờ.

Đức Thượng Phụ Coptic Tawadros II cho biết nhà thờ Thánh Tử đạo Abu Sefein, giống như nhiều nơi khác, quá nhỏ so với số lượng giáo dân trong khu vực. Trong các bình luận trên truyền hình vào cuối ngày thứ Hai, ngài kêu gọi các nhà chức trách tìm giải pháp xây dựng thêm nhà thờ.

Đức Cha Anba Angaelos, tổng giám mục của Giáo Hội Chính thống Coptic ở London, đổ lỗi cho những hạn chế trong việc xây dựng nhà thờ đã buộc các tín hữu Kitô giáo chuyển đổi các tòa nhà dân cư thành nơi thờ phượng.

Thảm kịch này “là kết quả trực tiếp của thời kỳ đau khổ khi các cộng đồng Kitô giáo không thể xây dựng các nhà thờ được thiết kế theo mục đích thờ phượng, và sẽ phải lén lút sử dụng các tòa nhà khác, không phù hợp với mục đích và thiếu các tính năng an toàn và sức khỏe cần thiết và các lối thoát hiểm”.

Xây dựng nhà thờ trong nhiều thập kỷ là một trong những vấn đề tôn giáo nhạy cảm nhất ở Ai Cập, nơi 10% các tín hữu Kitô trong dân số 103 triệu người, phải đối diện với những phản đối cứng rắn của người Hồi Giáo, trong cái mà họ gọi là sự phá hoại “đặc thù Hồi giáo của Ai Cập.”

Trước đây, chính quyền địa phương thường từ chối cấp phép xây dựng cho các nhà thờ mới vì lo ngại các cuộc biểu tình và bạo loạn của những người theo đạo Hồi cực đoan. Giữa những hạn chế như vậy, các tín hữu Kitô đã chuyển sang xây dựng trái phép hoặc thiết lập nhà thờ trong các tòa nhà khác, chẳng hạn như trường hợp của ngôi thánh đường Thánh Tử Đạo Abu Sefein.

Nhiều nhà thờ tương tự thiếu giấy phép và không đạt tiêu chuẩn an toàn. Trong những năm gần đây, chính phủ của Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi đã tìm cách điều chỉnh việc xây dựng nhà thờ. Vào năm 2016, chính phủ đã ban hành luật đầu tiên của đất nước nêu rõ các quy tắc xây dựng nhà thờ, mặc dù các nhà phê bình cho rằng luật này vẫn chẳng khá hơn bao nhiêu so với những hạn chế trước đó.

Hôm thứ Hai, một quan chức chính phủ cấp cao cho biết nhà chức trách, phối hợp với Giáo Hội Chính thống giáo Coptic, sẽ xem xét tất cả các biện pháp an toàn tại các nhà thờ trên toàn quốc, đặc biệt là những nhà thờ trong các ở khu ổ chuột ở Cairo.

Một số người thân của các nạn nhân và nhân chứng cho biết xe cứu thương và lính cứu hỏa mất quá nhiều thời gian để đến nơi, nhưng Bộ trưởng Y tế Khaled Abdel-Ghaffar nói rằng xe cấp cứu đầu tiên đến hiện trường hai phút sau khi đám cháy được báo cáo.

Con phố nơi đặt nhà thờ Martyr Abu Sefein vẫn bị phong tỏa từ hôm thứ Hai khi các công nhân xây dựng làm việc để dọn sạch các mảnh vỡ.
Source:AP

2. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora

Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trên ngày 15 tháng Tám vừa qua, là cao điểm trong các cuộc hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora, Nữ Vương Ba Lan.

Trong thánh lễ trọng do Đức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng giám mục giáo phận thủ đô Varsava, Đức Hồng Y đã nói các tín hữu rằng: “Chúng ta đến đây với người Mẹ của chúng ta, hy vọng rằng sau những biến cố đau thương tới niềm vui được hồi sinh, xin Mẹ ban cho chúng ta ơn hòa bình và phép lạ thay đổi tâm hồn”.

Đức Tổng Giám Mục Waclaw Depo, Tổng giám mục giáo phận Czestochowa sở tại, nhắc đến lòng quảng đại của bao nhiêu người Ba Lan, những người Samaritano nhân lành, cứu giúp những người Ukraine tị nạn chiến tranh. Ngài nhận định rằng thế giới và Âu châu lại ngạc nhiên vì tình liên đới của người Ba Lan, đang mang gánh nặng này, mà không có sự hỗ trợ tài chánh của Liên hiệp Âu châu, như đã hứa. Đức Tổng Giám Mục cũng nhận xét rằng “đức tin mang lại cho chúng ta hy vọng rằng lịch sử nhân loại không đi theo sự vô lý của cuộc chiến tranh tại Ukraine hiện nay hoặc một thảm trạng hạt nhân”.

Trong thánh lễ, mọi người đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình, nhất là tại Ukraine, cũng như tại các nơi khác trên thế giới. Đức Hồng Y Nycz cũng kêu gọi các tín hữu đừng ngưng sự giúp đỡ và nói rằng: “Ước gì chúng ta kiên trì, không thiếu khả năng hy vọng và từ bỏ, chúng ta có rất nhiều điều mà nhiều khi chúng ta không luôn luôn đánh giá cao khả năng ấy”.

Các cha dòng thánh Phaolô, coi sóc Đền thánh Jasna Gora, cám ơn các tín hữu đã trở lại con đường hành hương dẫn đến Đền thánh.

Thông cáo của Ban giám đốc Đền thánh công bố một vài con số về các cuộc hành hương trong mùa lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, từ ngày 04 tháng Sáu đến ngày 14 tháng Tám vừa qua, gồm 139 đoàn hành hương đi bộ, với 50.500 tín hữu; 220 đoàn hành hương bằng xe đạp với gần 7.000 người, 20 nhóm hành hương chạy bộ với sự tham dự của 544 người.

Riêng từ ngày 05 đến ngày 14 tháng Tám mới đây, có 43.300 tín hữu hành hương đến Jasna Gora.

3. Chung quanh biến cố Đức Hồng Y Ouellet bị kiện ở Canada

Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục, bị buộc tội tấn công tình dục trong một vụ kiện dân sự chống lại Tổng giáo phận Quebec.

AFP đưa tin đơn kiện tập thể, được đệ trình ngày 16/8, bao gồm lời khai của 101 người nói rằng họ đã bị tấn công tình dục bởi các giáo sĩ hoặc nhân viên trong các tổ chức của Giáo Hội từ năm 1940 đến nay. Tám mươi tám giáo sĩ phải đối mặt với những lời buộc tội trong vụ kiện.

Đức Hồng Y Ouellet bị cáo buộc bởi một phụ nữ, là người nói rằng ngài đã tấn công cô nhiều lần khi cô làm thực tập sinh mục vụ cho tổng giáo phận Quebec từ năm 2008 đến năm 2010, trong khi ngài là Tổng giám mục của Quebec. Cô mô tả ngài có ý muốn hôn cô và động chạm cô.

Những lời tố cáo này rất khó chứng minh, và cũng rất khó để phủ nhận. Công tâm mà nói, bất cứ giáo sĩ nào cũng đều có thể bị cáo buộc tương tự. Các phương tiện truyền thông bài Công Giáo, như CBC, cố ý làm tăng tính chất thuyết phục của những cáo buộc này khi cho rằng các sự việc bị cáo buộc liên quan đến Đức Hồng Y Ouellet xảy ra tại các sự kiện công cộng. Mặc dù, CBC chẳng đưa ra được một nhân chứng nào.

Đơn kiện nói rằng nạn nhân bị cáo buộc đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Đức Hồng Y Ouellet vào tháng Giêng năm 2021, và cô ấy nhận được một email vào ngày 23 tháng 2 năm 2021 đã chỉ định Cha Jacques Servais điều tra vị Hồng Y. Lần liên lạc cuối cùng của cô với Cha Servais là vào tháng Ba, và cho đến nay “chưa có kết luận nào liên quan đến các khiếu nại chống lại Đức Hồng Y Marc Ouellet”.

Đức Hồng Y Ouellet, 78 tuổi, được thụ phong linh mục cho Giáo phận Amos năm 1968, ở tuổi 23.

Ngài từng là Tổng Giám mục của Quebec từ năm 2002 đến năm 2010, khi được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Giám mục và chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh.

Vụ kiện này gây kinh ngạc. Trong Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng năm 2013, Đức Hồng Y Ouellet là một trong 12 Papabile, tức là những vị có khả năng được bầu làm Giáo Hoàng. Hơn thế nữa, Đức Hồng Y Ouellet là một tiếng nói mạnh mẽ chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ và nhấn mạnh đến nhu cầu đào tạo các linh mục một cách chặt chẽ.

Tại cuộc họp năm 2018 của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục Âu Châu, ngài nói rằng “Chúng ta cần sự tham gia của nhiều phụ nữ hơn trong việc đào tạo các linh mục” để ngăn chặn lạm dụng.

Ngài nhắc lại quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 với Donne Chiesa Mondo, và nói rằng, “đối với linh mục, học cách liên hệ với phụ nữ trong bối cảnh đào tạo là một yếu tố nhân bản thúc đẩy sự cân bằng giữa nhân cách và tình cảm của người nam.”

Đức Hồng Y cho biết ngài nghĩ Giáo hội sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự hiện diện ngày càng nhiều của phụ nữ trong các đội ngũ đào tạo chủng viện, với tư cách là những giáo viên thần học, triết học và tâm linh, và “đặc biệt là trong việc biện phân ơn gọi”.


Source:Catholic News Agency