1. Nga phải bỏ chạy khỏi Marinka
Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 12 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine lưu ý rằng những nỗ lực chính của quân xâm lược Nga tập trung vào việc thiết lập quyền kiểm soát toàn diện đối với khu vực Luhansk, bao vây quân trú phòng Ukraine ở khu vực Donetsk, giữ hành lang trên bộ với Crimea trong các khu vực tạm thời bị chiếm đóng và ngăn chặn liên lạc hàng hải của Ukraine ở Hắc Hải.
“Quân đội Nga đã tiến hành các cuộc không kích gần Shevchenkove và Zolota Nyva; và hỗ trợ cho quân Nga đang bỏ chạy ở hướng Marinka.”
Trên hướng Nam Buh, quân Nga cố gắng giữ các phòng tuyến đã chiếm đóng và ngăn chặn cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Ukraine, tiếp tục nổ súng để kiềm chế các hành động của quân đội Ukraine.
Tại Hắc Hải và Biển Azov, Nga tiếp tục điều hai tàu sân bay mang vũ khí chính xác cao với 16 hỏa tiễn hành trình Kalibr sẵn sàng cho các cuộc tấn công hỏa tiễn.
Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine nhấn mạnh rằng Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang gây tổn thất cho quân Nga trên mọi hướng nơi các cuộc chiến đang diễn ra và sẵn sàng cho bất kỳ thay đổi nào trong tình hình tác chiến.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Bộ Tổng tham mưu, các trường hợp đào ngũ và không tuân lệnh hành quân đang được ghi nhận ngày càng thường xuyên hơn trong các đơn vị của quân đội Nga.
Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 11 tháng 7, quân trú phòng Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 37.400 quân xâm lược Nga.
2. Lãnh đạo ly khai thân Nga bị loại khỏi vòng chiến
Thông tấn xã TASS của Nga đưa tin hôm thứ Hai rằng chính quyền ly khai thân Nga vừa báo cáo cái chết của Yevgeny Yunakov, bị giết bởi một nhóm biệt kích Ukraine.
Các nhà chức trách khu vực cho biết, lãnh đạo một thị trấn của Ukraine bị Nga chiếm đóng ở phía đông vùng Kharkiv của Ukraine đã bị giết bởi một vụ đánh bom xe hơi được cho là tác phẩm của quân biệt kích Ukraine.
Theo thông tấn xã TASS, phe ly khai thân Nga gọi vụ nổ là một “cuộc tấn công khủng bố” do chính quyền Ukraine tổ chức.
Mặc dù Nga đã tuyên bố rõ ràng rằng họ muốn loại bỏ các tỉnh Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine khỏi sự kiểm soát của Kyiv, nhưng họ không có dấu hiệu muốn từ bỏ các vùng lãnh thổ khác mà họ đã chiếm giữ kể từ khi xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Các lực lượng Nga đã chiếm một phần khu vực Kharkiv, nhưng thành phố Kharkiv – là thành phố lớn thứ hai của Ukraine - vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kyiv.
Thông tấn xã TASS cho biết phe ly khai do Nga hậu thuẫn sẽ đặt trụ sở hành chính tại thành phố Kupyansk, phía đông vùng Kharkiv. Một cựu cảnh sát trưởng, Vitaliy Ganchev, sẽ đứng đầu chính quyền.
Chính quyền Nga trước đây đã thành lập các cơ quan hành chính ủng hộ Mạc Tư Khoa ở khu vực Kherson phía nam đang bị tạm chiếm và khu vực Zaporizhia bị chiếm đóng một phần.
Các cuộc tấn công nhằm vào các quan chức thân Mạc Tư Khoa đã gia tăng ở cả hai khu vực trong những tuần gần đây.
Cũng trong ngày thứ Hai, phe ly khai ở Zaporizhia báo cáo rằng Andrei Siguta, quận trưởng Melitopol do Nga cài đặt, đã thoát chết trong một vụ mưu sát khi một biệt kích quân xả súng vào nhà ông ta.
Vào ngày 24 tháng 6, một quan chức cấp cao trong chính quyền khu vực Kherson do Nga cài đặt cũng đã bị giết bằng một quả bom.
Ngày hôm sau, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine từ chối bình luận về những nỗ lực kháng chiến của các đảng phái tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng nói với hãng tin Reuters rằng “những kẻ phản bội Ukraine và tất cả những kẻ khốn khổ đến đây để phá hoại đất nước chúng tôi sẽ bị tiêu diệt”.
Nga gọi cuộc xâm lược là một “hoạt động quân sự đặc biệt” và nói rằng họ phải hành động để bảo vệ những người nói tiếng Nga của Ukraine khỏi bị đàn áp và chặn đứng mối đe dọa của phương Tây đối với an ninh của Nga.
Kyiv và phương Tây cho rằng đây là những tiền đề vô căn cứ cho một cuộc chiến tranh chinh phục đế quốc.
3. Di sản của Abe? Nhật Bản thức tỉnh trước chủ nghĩa bành trướng Đại Hán
Vào ngày lễ tang của Cố Thủ Tướng Shinzo Abe, tờ Sydney Morning Herald có bài tường trình sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Khi mọi người phàn nàn về sự toàn thắng của nền kinh tế Nhật Bản vào những năm 1980, nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu đã nói với họ rằng hãy bằng lòng với điều đó. Hãy để người Nhật có được những thành công mỹ mãn về thương mại vì “họ là những chiến binh vĩ đại hơn là những thương gia. Đừng đánh giá sai họ. Tôi không nghĩ rằng họ đã đánh mất những phẩm chất thượng võ”.
Nói cách khác, hãy vui vì họ đang kiếm tiền miễn là họ không gây chiến. Hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản, được Hoa Kỳ áp đặt lên quốc gia bại trận năm 1947 trong cuộc chiếm đóng của Đồng minh, đã cấm điều đó. Điều 9 nổi tiếng trong Hiến Pháp viết: “Nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như một quyền lợi thuộc chủ quyền quốc gia”.
Công việc để đời của Shinzo Abe, người bị ám sát vào thứ Sáu, là thay đổi điều đó. Abe muốn Nhật Bản có được sự thịnh vượng với tư cách là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng như có khả năng chiến tranh, nếu cần.
Với tư cách là thủ tướng, và sau đó là lãnh đạo của 5 phe phái lớn nhất trong đảng cầm quyền, ông đã cố gắng tháo gỡ những ràng buộc để đưa Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường”.
Ngày nay, nhờ vụ giết hại Abe, Nhật Bản đã gần đạt được mục tiêu này hơn bất cứ lúc nào khác kể từ khi hiến pháp năm 1947 được viết ra. Cái chết gây sốc của ông đã tạo ra một làn sóng ủng hộ thêm cho đảng của ông, Đảng Dân chủ Tự do, gọi tắt là LDP, cầm quyền lâu đời, trong cuộc bầu cử hôm Chúa Nhật để bầu bán phần thượng viện Nhật Bản.
Trước khi ông bị bắn, chính phủ liên minh của LDP đã được dự đoán sẽ giành được khoảng 60 ghế, gần với 63 ghế cần thiết để thông qua các dự luật. Nhưng sau khi ông bị bắn, LDP đã thắng áp đảo, giành được 76 ghế.
Tất nhiên, điều này giúp chính phủ thông qua các dự luật của mình, nhưng nó cũng làm thay đổi triển vọng cho việc sửa đổi lịch sử Điều 9 của hiến pháp. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần đến đa số hai phần ba của cả hai viện của quốc hội. Cho đến hôm Chúa Nhật, đa số 2/3 ủng hộ việc sửa đổi Điều 9 chỉ đạt được ở Hạ Viện. Ngày nay, nhờ sự gia tăng vào hôm Chúa Nhật của LDP, điều đó cũng đã xảy ra ở Thượng Viện.
Điều này là cần thiết nhưng không đủ. Bất kỳ thay đổi nào cũng phải giành được sự ủng hộ của đa số trong một cuộc trưng cầu dân ý. Và điều đó có thể sẽ rất khó khăn, với việc dư luận được phân chia khá đồng đều trong các cuộc thăm dò gần đây nhất về vấn đề này. Nhưng Tổng thư ký LDP, Toshimitsu Motegi, cho biết hôm Chúa Nhật rằng đảng của ông sẽ nỗ lực sửa đổi Điều 9 “càng sớm càng tốt”.
Nhật Bản hiện đang thận trọng xem xét việc loại bỏ chủ nghĩa hòa bình trong hiến pháp của mình để có thể sử dụng lực lượng quân sự như một công cụ trong chính sách đối ngoại của mình. Bạn có thể nói rằng sự tử vì đạo vô tình của Abe đã giúp ông đưa Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường”.
Abe không thể làm được điều đó nếu không có Tập Cận Bình. Thái độ hiếu chiến trâng tráo của nhà độc tài của Trung Quốc là đồng minh không thể thiếu của ông Abe trong việc thuyết phục người dân Nhật Bản tin rằng đã đến lúc phải tái vũ trang.
Người dân Nhật Bản đã cam kết sâu sắc với hiến pháp hòa bình của đất nước trong 75 năm.
Abe cần một mối đe dọa đáng tin cậy để thuyết phục người dân bước ra khỏi cơ sở bảo thủ của mình. Lúc đầu, ông tận dụng sự nguy hiểm của chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng chỉ điều này thì không đủ thuyết phục.
Tập Cận Bình lấp đầy chỗ trống. Với sự xâm phạm ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với lãnh thổ của các nước láng giềng, bao gồm cả Nhật Bản, Tập đã khiến Nhật Bản thức tỉnh trước nhu cầu phải tái vũ trang và tái động viên.
Abe đã không chờ đợi sự sửa đổi chính thức của hiến pháp. Ông thực hiện một loạt các bước tăng dần. Ông đã tăng ngân sách cho Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản. Ông đã phá vỡ giới hạn lâu nay giữ chi tiêu quốc phòng dưới 1% tổng thu nhập quốc dân cho đến ngày nay là 1,1%. Ông đã ủy thác việc hoán cải hai tàu chiến thành hàng không mẫu hạm.
Ông đã thông qua quốc hội một đạo luật cho phép quân đội Nhật Bản hoạt động cùng với các lực lượng của Mỹ và của các đồng minh khác, bao gồm cả Úc Đại Lợi. Và ông đã đi đầu trong phản ứng của thế giới dân chủ đối với sự hung hăng của Bắc Kinh với ba đổi mới trong chính sách.
Đầu tiên là Tứ Cường. Abe quan niệm nó ở cấp các quan chức; Joe Biden sau đó đã triệu tập nó ở cấp lãnh đạo để đưa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ lại với nhau để “cân bằng” trước sức mạnh của Bắc Kinh.
Thứ hai là mục tiêu chính sách về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, hiện được các nền dân chủ ở khắp mọi nơi chấp nhận làm khuôn khổ khái niệm cho các chính sách và hoạt động của họ.
Thứ ba, theo lời của cựu đại sứ Australia tại Nhật Bản, Bruce Miller, Abe đã “đặt ra khuôn mẫu mà hầu hết các nước phương Tây áp dụng” trong việc đối phó với Trung Quốc của Tập Cận Bình: Đó là “giữ vững chủ quyền và không nhượng bộ bất kỳ điều kiện nào của Trung Quốc để đổi lấy việc nối lại các cuộc đối thoại cấp cao, nhưng cũng không áp dụng một giọng điệu thách thức và vẫn sẵn sàng tham gia với Trung Quốc trong các lĩnh vực có thể hợp tác được.”
Và đây là một bản tóm tắt tốt về quan điểm mới của chính phủ Albanese. Khi Penny Wong gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, hôm thứ Sáu, bà không nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào của Bắc Kinh. Thật vậy, quốc gia nhượng bộ là Trung Quốc. Chính Trung Quốc đã phải đảo ngược lệnh cấm tiếp xúc chính trị ba năm với Úc để cho phép các cuộc gặp với Wong và trước đó là với Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles.
Đồng thời, các bộ trưởng Úc đã bỏ “giọng điệu thách thức” của chính phủ Morrison. Chúng ta thương tiếc Shinzo Abe như một người bạn, nhưng thế giới mất đi sự thông thái của ông ấy.
Vương Nghị đã đưa ra bốn điều kiện tiên quyết mới cho bất kỳ sự nhượng bộ nào nữa của Bắc Kinh, bao gồm yêu cầu “chúng ta phải tuân thủ xây dựng một nền tảng xã hội tích cực và thực dụng của dư luận”. Điều này cho thấy sự nhầm lẫn sâu sắc của Trung Quốc đối với chức năng của dư luận xã hội trong các nền dân chủ.
Khi được hỏi quan điểm của mình, Albanese hôm thứ Hai cho biết: “Australia không đáp ứng các yêu cầu” nhưng “chúng tôi sẽ hợp tác với Trung Quốc nếu chúng tôi có thể”.
Sau khi rời ghế thủ tướng, Abe tiếp tục thúc đẩy sự phản kháng mạnh mẽ hơn đối với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của ông Tập. Ông đã phá vỡ hai điều cấm kỵ trong năm ngoái.
Abe đề xuất Nhật Bản xem xét chia sẻ với Mỹ trách nhiệm về “chiếc ô hạt nhân” bảo vệ các đồng minh của Mỹ. Và ông nói rằng bất kỳ “cuộc khủng hoảng Đài Loan” nào cũng sẽ là “cuộc khủng hoảng Nhật Bản”. Đây là một sự khích lệ để Nhật Bản cam kết bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ hành động xâm lược nào của Trung Quốc đại lục.
Sự thịnh vượng và chủ nghĩa hòa bình dường như không còn đủ đối với Nhật Bản ngày nay. Càng ngày, Nhật Bản càng tích cực bảo vệ tự do và trật tự thế giới. Hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào khác, Abe đã đưa đất nước phát triển đến thời điểm này. Và trước “các phẩm chất thượng võ” của Nhật Bản, tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình xem ra sẽ còn bị thử thách.
4. Quân đội Ukraine phá hủy sở chỉ huy di động của Nga ở Tavriisk
Lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy một sở chỉ huy di động của Nga ở Tavriisk, vùng Kherson.
Serhii Khlan, phó hội đồng khu vực và cố vấn cho người đứng đầu cơ quan quân sự khu vực, cho biết điều này trong báo cáo hôm thứ Ba 12 tháng 7.
“Theo thông tin sơ bộ, những âm thanh được nghe thấy vào ban đêm ở Kakhovka và gần đó là do Lực lượng vũ trang của chúng tôi ở Tavriisk tấn công trực tiếp,” Khlan viết.
Theo ông, các lực lượng Ukraine đã phá hủy sở chỉ huy di động, thiết bị quân sự, radar và ăng-ten của đối phương, và các hệ thống phòng không do quân đội Nga triển khai ở đó. Ông cũng nói thêm rằng có thương vong rất lớn trong số các binh sĩ Nga.
5. Cuộc họp của các ngoại trưởng G20 ở Bali yêu cầu Nga dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine
Theo một quan chức phương Tây có mặt tại cuộc họp các ngoại trưởng G20 ở Bali, các tham dự viên đã đồng thuận yêu cầu Nga dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Theo Reuters, quan chức này cho biết:
Chúng tôi hy vọng kết quả của cuộc họp này là Nga nhận thấy sự đồng thuận rộng rãi như thế nào về sự cần thiết phải đạt được tiến bộ trong vấn đề ngũ cốc.
Quan chức này cho biết vẫn còn phải xem liệu cuộc họp có tạo ra thay đổi thực sự hay không.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Lavrov, đã không có mặt trong nhiều buổi chiều của cuộc họp G20 ở Bali và đã rời khỏi phòng sau khi đưa ra nhận xét của mình, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, cho biết.
Borrell mô tả hành vi của Ngoại trưởng Lavrov là “không được tôn trọng cho lắm” sau khi Bộ trưởng Nga rời cuộc họp G20 sớm sau khi nói rằng Nga không xâm lược Ukraine, cũng chẳng phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và rằng các biện pháp trừng phạt nhằm cô lập Nga tương đương với một lời tuyên chiến.
Trong một bài giảng ngắn gọn nghiêm khắc, Lavrov nói:
Nếu phương Tây không muốn các cuộc đàm phán diễn ra nhưng lại mong muốn Ukraine đánh bại Nga trên chiến trường - bởi vì cả hai quan điểm đã được bày tỏ - thì có lẽ không có gì để nói về phương Tây.
Nga đã phong tỏa hàng hải của Ukraine, chặn đứng gần như tất cả các cơ hội xuất khẩu qua đường hàng hải các loại thực phẩm như ngũ cốc, lúa mạch, hướng dương.
Chiến lược này gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực tại các nước Phi Châu, Âu Châu, Á Châu, nơi vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm lương thực này của Ukraine.
Theo Liên Hiệp Quốc, trước chiến tranh, Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì và sản xuất ngô lớn nhất thế giới. Nhiều quốc gia dựa vào nguồn cung cấp lúa mì của Ukraine. Các chính phủ phương Tây đã nhiều lần cảnh báo về khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực và nạn đói ở một số quốc gia do cuộc chiến chống Ukraine của Nga. Vào tháng 3, Liên Hiệp Quốc đã báo cáo giá lương thực tăng hơn 12%, là mức cao kỷ lục kể từ năm 1990. Đầu tháng Sáu, giá lương thực đã tăng hơn 30% ở nhiều nước trên thế giới. Tại Indonesia nơi đang diễn ra hội nghị G20, giá lương thực đã tăng hơn 45% so với tháng Hai vừa qua.
Giá cả tăng cao và gián đoạn nguồn cung đã gây nguy hiểm cho an toàn thực phẩm ở Trung Đông, Phi Châu và các khu vực Á Châu, nơi dân số thường xuyên bị suy dinh dưỡng.
Gần 4 tháng qua, Ukraine đã không thể vận chuyển ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác do bị phong tỏa, làm dấy lên bóng ma về tình trạng thiếu lương thực thảm khốc trên khắp thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển ở Phi Châu và Á Châu.
6. Tám tàu nước ngoài vào các cảng Ukraine để lấy ngũ cốc
Tám tàu nước ngoài đầu tiên đã đến các cảng của Ukraine để xuất khẩu nông sản, trong khi Hải quân Ukraine tham gia bảo đảm vận chuyển an toàn.
“Theo yêu cầu của Bộ Cơ sở hạ tầng, Lực lượng Hải quân thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine đã tham gia nỗ lực bảo đảm vận chuyển nông sản bằng tàu dân sự qua cửa Bystre của kênh Danube-Hắc Hải. Nhóm 8 tàu nước ngoài đầu tiên đã đến các cảng của Ukraine.”
Cần lưu ý rằng việc sử dụng kênh này trở nên khả thi nhờ việc giải phóng Đảo Rắn khỏi quân chiếm đóng của Nga, điều này “cho phép các lực lượng kiểm soát tình hình trên mặt đất và một phần trên không ở miền nam Ukraine. Trước đây, quân xâm lược Nga đã từng chặn đường đi lại của các tàu thuyền dân sự ở miền Nam Ukraine.
Hải quân nhấn mạnh rằng trước đó, do việc giao thông dân sự bị phong tỏa, các công ty vận tải biển buộc phải sử dụng kênh đào Sulina, dẫn đến việc tập trung một số lượng lớn tàu thuyền và giao thông đáng kể tại kênh đào này.
Như đã đưa tin, do sự hung hăng của Nga và việc ngăn chặn hàng hải ở Hắc Hải, hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine đã bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, một phần lớn trong số đó được Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc mua, để chống lại khủng hoảng toàn cầu về lương thực. Bằng cách khôi phục một phần hoạt động xuất khẩu nông sản bằng đường sông, Ukraine góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Hầu hết các cảng của Ukraine vẫn đóng cửa khi quân đội Nga tiếp tục tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng và tàu thuyền dân sự ở Hắc Hải. Gần đây quân Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào tàu Millennial Spirit treo cờ của Moldova, đánh con chìm tàu.