Kỳ họp thứ hai và cuối cùng của Công đồng Toàn thể Úc đã diễn ra tại Sydney từ ngày 3 tới ngày 9 tháng 7 năm 2022. Nó là đỉnh cao của giai đoạn cử hành Công đồng Toàn thể Lần Thứ 5 của Úc.


277 thành viên của Công Đồng đã xem xét, cầu nguyện và bỏ phiếu cho hơn 30 đề nghị xuất hiện trong hành trình 4 năm qua. Họ đã thúc đẩy niềm hy vọng và lời cầu nguyện của dân Chúa Úc.

Kỳ họp lần thứ hai đã bắt đầu bằng một Thánh Lễ, cử hành lúc 5 giờ chiều Chúa Nhật 3 tháng 7.

Từ thứ hai 4 tháng 7 tới thứ sáu 8 tháng 7, mỗi ngày, các thành viên đều tham dự nhiều phiên họp để xem xét việc làm của Công Đồng Toàn Thể, bao gồm các đề nghị và bỏ phiếu.

Thánh lễ bế mạc đã được tổ chức lúc 10 giờ 30 sáng, thứ Bẩy, 9 tháng 7, tại Giáo hội Chính tòa St Mary, Sydney.



Tạp chí The Pillar có 3 bài tường tuật về các cuộc bỏ phiếu tại Công Đồng Toàn thể Úc đại lợi.

1.Một ngày đầy kịch tính tại Công Đồng Toàn Thể Úc

Công đồng toàn thể của Giáo Hội Công Giáo Úc là bối cảnh cho một màn kịch lớn vào hôm thứ Tư.

Theo tờ The Catholic Weekly, sáng kiến này đã “rơi vào khủng hoảng”, trong khi tờ Sydney Morning Herald nói rằng nó đã “rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Các chia rẽ bùng nổ vào ngày 6 tháng 7, giữa kỳ họp toàn thể cuối cùng của dự án bốn năm, nhằm tìm cách hồi sinh Giáo hội địa phương sau những vụ tai tiếng lạm dụng đầy tàn phá và trong bối cảnh con số tín hữu đang suy giảm.

The Pillar thử xem xét những gì đã xảy ra.

Nhưng, Công đồng toàn thể là gì?

Công đồng toàn thể là sự tập hợp chính thức cao nhất của toàn bộ Giáo hội địa phương trong một quốc gia. Không giống như một thượng hội đồng, nó có quyền lập pháp và cai trị, có nghĩa là các quyết định của nó có giá trị ràng buộc, tuy phải được sự chấp thuận của Rome.

Rủi ro, do đó, khá cao khi những người tham gia tụ họp trong một cuộc họp kéo dài một tuần ở Sydney vào ngày 3 tháng 7 để xem xét khoảng 30 đề nghị chia thành tám chủ đề.

Chương trình nghị sự cho các cuộc bỏ phiếu bao gồm một số đề nghị gây tranh cãi, bao gồm lời kêu gọi truyền chức thánh cho phụ nữ, các giáo dân giảng trong Thánh lễ, và mở rộng việc sử dụng phép giải tội chung thay cho việc xưng tội cá nhân.

277 thành viên Công đồng toàn thể - bao gồm giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân - được mời từ khắp các giới của Giáo hội.

Chủ tịch hội đồng, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe, nói với những người tham dự rằng họ “không phải là kẻ thù hay chiến sĩ tìm cách chiếm ưu thế hơn những người khác”. Ngài cũng cảnh cáo rằng “những hy vọng, ước mơ và dự án trân qúy” của họ có thể không thành hiện thực trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Công đồng toàn thể.

Bối cảnh ra sao?

Dữ liệu điều tra dân số được công bố gần đây cho thấy, lần đầu tiên phần lớn người Úc không xác định là Kitô hữu.

Trong khi Công Giáo vẫn là hiệp thông Kitô giáo lớn nhất của đất nước, chiếm 20% trong tổng số 25 triệu dân, nhưng Giáo hội đã mất đi ảnh hưởng đáng kể trong xã hội Úc.

Các giám mục hy vọng rằng Công đồng toàn thể sẽ giúp hồi sinh những người Công Giáo của đất nước. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê duyệt sáng kiến vào năm 2018. Đây là Công đồng toàn thể thứ năm trong lịch sử của Úc và là Công đồng đầu tiên kể từ năm 1937.

Điều gì đã xảy ra vào hôm thứ Tư?

Một người tham gia, phát biểu ở hậu trường, nói với The Pillar rằng buổi họp mặt đã khởi đầu suông sẻ trong bầu không khí “vui vẻ đáng kể mặc dù có sự khác biệt rõ ràng”.

Nhưng sự cổ vũ tốt đẹp đã tan biến vào hôm thứ Tư khi các thành viên Công đồng toàn thể bỏ phiếu cho hai đề nghị về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

Các đề nghị này là một phần của chủ đề thứ tư của sáng kiến, “Làm chứng cho phẩm giá bình đẳng của phụ nữ và nam giới”.

Trong đề nghị 4.5, Giáo hội ở Úc chính thức cam kết “xem xét việc phụ nữ tham gia thừa tác vụ phó tế - nếu Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép chức vụ đó dựa trên những phát hiện của Ủy ban Nghiên cứu về Nữ Phó tế đã được tái lập”.

Đề nghị đã giành được đa số đủ điều kiện [qualified majority] (tức hai phần ba hoặc nhiều hơn số cử tri hiện diện) trong số thành viên tham vấn [consultative], với 148 người ra hiệu Placet (đồng ý), 27 Placet Juxta Modum (đồng ý với sửa đổi) và 36 Non Placet (không đồng ý).

Nhưng nó không đạt được đa số đủ điều kiện giữa các thành viên tham nghị [delibaretaive] (tức là các giám mục), với 25 vị chọn Placet, 10 vị chọn Placet Juxta Modum và 8 vị chọn Non Placet.

Trong khi đó, đề nghị 4.6 nói rằng tất cả các giáo phận và giáo phận Đông phương của Úc nên “thúc đẩy các cơ hội mới cho phụ nữ tham gia vào các thừa tác vụ và vai trò ổn định, được công nhận công khai, được cung cấp nguồn lực với sự đào tạo thích hợp bao gồm giáo dục thần học và được giám mục ủy nhiệm”.

Đề nghị không đạt được đa số đủ điều kiện trong cuộc bỏ phiếu tham vấn (84 Placet, 32 Placet Juxta Modum , và 97 Non Placet) còn các thành viên tham vấn thì (27 Placet, 5 Placet Juxta Modum và 11 Non Placet).

Một người tham gia khác, yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề giữa các thành viên Công đồng toàn thể, nói với The Pillar rằng một số phụ nữ tham gia cuộc tranh luận đã nhận xét: các vai trò như vậy vốn đã đã có trong Giáo hội Úc, và họ đã đặt vấn đề bằng một ngôn ngữ khác sử dụng trong các tài liệu của Công Đồng.

Đặc biệt, một đoạn - nói rằng “mặc dù một số phụ nữ hài lòng với vai trò của họ trong Giáo hội, nhưng Công đồng Toàn thể được thường xuyên yêu cầu chú ý tới các nhiệm vụ còn lại, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ trong các cơ cấu lãnh đạo và quản trị” – đã bị thách thức như có tính cha chú và coi nhẹ các phụ nữ không ủng hộ việc thúc đẩy sáng kiến phong chức cho phụ nữ.

Tham dự viên này cho hay, “Có một sự đẩy ngược rõ ràng – phát xuất từ các nữ tham dự viên – khi họ nói rằng Giáo hội là để phục vụ, mọi sự đều là phục vụ, thế mà những gì đang được nói đến [trong đề nghị] nhấn mạnh đến việc ai sẽ điều khiển việc này việc nọ.”

Phản ứng ra sao?

Việc công bố các phiếu bầu của các giám mục đã tạo ra sự náo động. Tờ Sydney Morning Herald đưa tin rằng lịch trình dự kiến đã bị đình chỉ, trong khi một số đại biểu từ chối trở về ghế ngồi, đứng “ở phía sau phòng họp để phản đối”.

Tạp chí The Catholic Weekly cho biết họ hiểu rằng “một số tham dự viên cảm thấy khó chịu vì cuộc bỏ phiếu của các giám mục và sự chia rẽ sâu sắc đã bị gióng tiếng”, trong khi “một số người cảm thấy cuộc khủng hoảng một phần do chính diễn trình gây ra”.

Một số nhà bình luận trên mạng xã hội cho rằng các giám mục không thoải mái với một cam kết minh nhiên đối với vấn đề nữ phó tế, vì vấn đề này vẫn còn đang được xem xét ở Rome. Những nhà bình luận khác bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc bác bỏ các đề nghị “nhút nhát”.

Tham dụ viên ghi nhận sự đẩy ngược nói với The Pillar rằng khoảng 60-70 đại biểu đã từ chối trở lại ghế ngồi sau giờ nghỉ trà buổi sáng và mô tả bầu không khí là "vô cùng khó chịu."

Họ nói: “Có một vài giọt nước mắt, và khá nhiều chua cay trong một số trường hợp. Cũng có một chút cảm giác bị đe dọa, thực thế. Có một chút chỉ trích nhắm vào các đại biểu nữ khi họ tiếp tục trở lại ghế ngồi, đại loại như vậy."

Trong giờ nghỉ trưa, các thành viên ban chỉ đạo của Công đồng toàn thể đã tụ tập lại để thảo luận về tình hình. Một cuộc họp khác với hơn 60 người đã diễn ra cùng lúc, được dẫn đầu bởi Francis Sullivan, đại diện cho Cơ quan Dịch vụ Xã hội Công Giáo Australia, và John Warhurst, Chủ tịch Hội Công Giáo Quan tâm Canberra Goulburn.

Sullivan nói với The Catholic Weekly rằng có một "sự chia rẽ nhận thấy rõ" trong các cuộc thảo luận được tổ chức vào ngày hôm trước.

Ông nhận xét “Có rất nhiều sự tức giận và thất vọng, đặc biệt nhân danh phụ nữ nhưng cả cộng đồng LGBT hoặc cộng đồng cầu vồng, nếu bạn muốn”.

Tham dự viên Công đồng nói với The Pillar rằng có cảm giác cho rằng "văn bản đã không được tuân theo, mọi thứ đã không theo kế hoạch."

“Chúng tôi giả thiết ở đây để lắng nghe Chúa Thánh Thần, đó là điều mọi người vẫn nói. Nhưng chắc chắn có vẻ như ít nhất một vài người đã đến đây với cảm giác khá rõ ràng về những gì Chúa Thánh Thần muốn nói."

Điều gì tiếp theo?

Blog truyền thông của các giám mục Úc đã thông báo rằng tại một phiên họp buổi chiều, “đa số áp đảo các thành viên ủng hộ đề nghị xem xét lại hai đề nghị”.

Blog này cho biết, “Sau khi công bố những phiếu bầu đó, các thành viên Công đồng được mời dành thời gian trò chuyện tại bàn của họ, chia sẻ cảm xúc và phản ứng của họ, và xem xét việc họ có thể tiến lên một cách xây dựng ra sao”.

Thông báo nói thêm rằng phó chủ tịch Công đồng toàn thể, Đức Giám Mục Shane Mackinlay, “nói rằng đây rõ ràng là một khoảng thời gian đầy cảm xúc đối với nhiều thành viên, nhưng những gì xảy ra sau đó là một dấu hiệu của một cuộc ‘hành trình với nhau’ mà Công đồng đã cổ vũ”.

Đức Cha Mackinlay lưu ý: “Chúng tôi có khả năng nghe các thành viên - trước hết là phụ nữ, nhưng cũng có thể từ nam giới - về cách chúng tôi có thể đáp ứng và nhận ra những hồng phúc mà phụ nữ cung cấp để phục vụ Tin Mừng”.

Blog cho biết rằng một nhóm soạn thảo gồm bốn người sẽ tiếp nhận các khuyến cáo để phác thảo lại các đề nghị, dự kiến sẽ được xem xét lại trong những ngày tới.

Nó nhấn mạnh rằng các thành viên sẽ tiếp tục làm việc thông qua chương trình nghị sự của Công đồng toàn thể vào thứ Năm. Có thể có một số khó khăn ở phía trước, khi các tham dự viên sẽ bỏ phiếu về các đề nghị gây tranh cãi như để giáo dân giảng trong Thánh lễ và việc sử dụng rộng rãi hơn hình thức giải tội chung.

Còn tiếp