Những ai từng theo dõi Đức Phanxicô đều đồng ý tập chú của ngài là mục vụ, không hẳn tín lý, mà mục vụ là khía cạnh mù mờ nhất giữa thánh thiêng và trần tục, nên rất dễ từ lãnh vực này lạc qua lãnh vực nọ, gây hiểu lầm. Hơn các vị giáo hoàng trước đây, với Đức Phanxicô, ý niệm bất khả ngộ không được ngài lưu ý bao nhiêu, dường như ngài muốn biến ngôi vị Giáo Hoàng thành vai trò của một nhà lãnh đạo tinh thần theo phương thức dò dẫm như bất cứ nhà lãnh đạo nào khác. Ngôn từ của ngài vì thế đôi khi cũng chua cay, mỉa mai, châm chọc đại khái không khác Donald Trump bao nhiêu. Ít nhất cũng như nhận định của linh mục đan sĩ Dom Hugh Somerville-Knapman OSB của Đan viện Douai, và là cha xứ của giáo xứ Scarisbrick thuộc Lancashire, Anh.



Ren áo bà già

Trong bài Granny’s lace – why is Pope Francis so unsupportive of ordinary clergy? đăng trên tờ Catholic Herald ngày 13 tháng 6, 2022 (https://catholicherald.co.uk/grannys-lace-why-is-pope-francis-so-unsupportive-of-ordinary-clergy), Đan sĩ Knapman nhận định rằng Đức Phanxicô “không sợ sử dụng nhạo báng và mỉa mai... rất nhiều các quở mắng của ngài có khuynh hướng bài giáo sĩ, như thể điều này có lợi ích phần nào cho đoàn chiên...Đức Thánh Cha khuyên các giáo sĩ ‘có mùi chiên’ như thể hàng giáo sĩ giáo xứ ngày nay giống như mấy ông cha sở của các thế kỷ trong quá khứ chỉ chờ thu hoa lợi từ những nơi mình chưa bao giờ đặt chân tới. Ngài cũng nói với chúng ta đừng biến tòa giải tội thành ‘phòng tra tấn’. Có thể kinh nghiệm của ngài ở Á Căn Đình có khác chăng, chứ bất cứ tra tấn nào trên chiến tuyến này thường phát xuất từ lương tâm của chính hối nhân”.

Nhưng theo đan sĩ, tấn công mới nhất của ngài nhằm vào hàng giáo sĩ Sicily, hàng giáo sĩ mà ngài thú nhận biết rất ít về họ. Ngài nói: “Tôi không rõ, vì tôi không đi lễ ở Sicily và tôi không biết các linh mục Sicily giảng ra sao, liệu họ có giảng như được đề nghị trong tông huấn Evangelii gaudium không hay họ giảng theo kiểu người ta đi ra ngoài hút thuốc và sau đó trở lại”.

Chưa hết, ngài giáng thêm: “Đúng, đôi khi mang ren áo bà già là điều thích đáng, đôi khi thôi. Để tỏ lòng kính trọng bà già, phải không? Tôn kính bà già là điều tốt, nhưng tốt hơn nên tôn vinh mẹ, Mẹ Thánh Giáo Hội, và cách Mẹ Giáo Hội muốn được tôn vinh. Để tính cách ốc đảo không ngăn cản cuộc cải cách phụng vụ chân thực được Công Đồng ban hành”.

Nghĩa là Đức Giáo Hoàng không thích các linh mục mặc phẩm phục có viền bằng ren (lace). Nhưng theo Đan sĩ Knapman, “khiếu thưởng ngoạn bản thân chưa bao giờ là vấn đề thuộc quyền bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng kể cả ở bình diện thấp nhất của huấn quyền”.

Hơn nữa, theo Đan sĩ, “ở những xứ Địa Trung Hải và những vùng khí hậu nóng bức khác, mục đích của viền ren không nhất thiết là để trang trí mà là để giảm việc ra mồ hôi; nó có tính thực tiễn, không hẳn tính ý thức hệ”.

Duy phục chế

Trong khi đó, nhận định mới đây của Đức Phanxicô về khuynh hướng tại Mỹ muốn phục chế thứ Giáo Hội trước Vatican II đã được đem ra thảo luận tại một bàn tròn giữa ba nhà thần học John Cavadini, Larry Chapp và Stephen White dưới sự phối trí của tạp chí National Catholic Register (https://www.ncregister.com/commentaries/pope-francis-vatican-ii-and-restorationism).

White cho rằng khuynh hướng trên có, nhưng rất nhỏ. Đại đa số các linh mục và giám mục Mỹ tiếp nhận Công Đồng như được giải thích bởi chính các văn kiện của Công Đồng và hơn 50 năm giáo huấn Giáo Hoàng về Công Đồng. Nên ông cho rằng “đối với tôi, quả là sai lạc khi một ai đó, dù chỉ quen thuộc qua loa với các thực tại của đời sống Công Giáo Hoa Kỳ trong các năm từ Công Đồng lại có thể tưởng tượng rằng việc phục chế Giáo Hội tiền Công Đồng là ý niệm chính dòng. Đơn giản không phải thế. Nếu Đức Thánh Cha được thông báo như thế, thì hẳn ngài không được nói sự thật”.

Chapp thì nhìn nhận ngày càng có thêm những người “duy truyền thống” công khai ủng hộ các quan điểm “duy phục chế”. Ông hiểu duy phục chế là những người tìm cách lật ngược lại các cải cách của Công Đồng cả trong phụng vụ lẫn tín lý. Một cách đặc biệt, phong trào phục chế Thánh Lễ cũ thường gay gắt chỉ trích Thánh Lễ của Đức Phaolô VI đến nỗi coi nó gần như lạc giáo và có hại về phương diện thiêng liêng. Họ cũng phê phán giáo huấn của Công Đồng về đại kết, liên tôn, cứu rỗi bên ngoài Giáo Hội hữu hình và tự do tôn giáo. Tóm lại, họ quả bác bỏ thúc đẩy chính của Công Đồng và tìm cách trở về với Giáo Hội trước 1962 cả trong phụng vụ, thần học và tín lý. Thành thử Đức Phanxicô không đánh một hình nộm, vì các lực lượng như thế có thật trong Giáo Hội Hoa Kỳ. “Tuy nhiên, tôi nghĩ các cố vấn được Đức Giáo Hoàng lấy ý kiến ở Vatican đã cường điệu ảnh hưởng của các lực lượng này, đôi khi vì các lý do ý thức hệ, và biến nó thành như thể toàn bộ Giáo Hội Hoa Kỳ bị tràn ngập bởi những người duy phục chế kiểu này. Tôi nghĩ điều này vừa sai lầm về mặt thực nghiệm vừa là hậu quả của sự kiện này là nhiều người thuộc loại duy phục chế có chân đứng lớn lao trong các phương tiện truyền thông xã hội, khiến người ta có ấn tượng sai lầm là họ có nhiều ảnh hưởng hơn là thực tại”.

Cavadini thì cho rằng các cải cách phụng vụ sau Vatican II không hẳn tốt đẹp cả. Ông kể ra một số sai lầm: “việc thực thi ngôn ngữ bình dân trong phụng vụ một cách nghèo nàn và vội vã và việc du nhập một kiểu phong thái cử hành không trịnh trọng, một kiểu cử hành không tôn kính một cách đặc biệt dù không hẳn hoàn toàn bất kính, việc vô tâm loại bỏ các tượng ảnh nghệ thuật trên gian cung thánh, việc không khuyến khích nhiều hình thức tôn kính (nhiều hình thức do giáo dân điều khiển), và việc tầm thường hóa âm nhạc thánh tất cả đều là các điển hình gây thất vọng đối với các ý định ban đầu của Công Đồng. Phong thái và nền thần học làm cơ sở cho Ủy Ban Quốc tế về Tiếng Anh trong các Bản dịch Phụng vụ (ICEL), khi lược bỏ nhiều lời cầu nguyên thanh cao, không còn nhấn mạnh tới tính siêu việt của Thiên Chúa và các chủ đề (kinh thánh nhé!) về hy lễ và việc chúng ta triệt để tùy thuộc Thiên Chúa, ấy là mới kể một số, xem ra đã tìm được lời phát biểu rất tự nhiên trong các lạm dụng phụng vụ vừa kể. Tuy nhiên, phần lớn những điều tệ hại ấy đã được vượt qua, và nhiều điều nữa thuộc loại này sẽ được vượt qua, các bản dịch mới của ICEL để đáp ứng Huấn dụ Liturgiam Authenticam là một thành tựu lớn lao thường hay bị làm ngơ, chỉ là một điển hình”.

White đi xa hơn trong việc không đồng thuận với nhận định của Đức Phanxicô khi cho rằng “ở Hoa Kỳ, đe dọa lớn nhất đối với tính hợp pháp và việc chấp nhận Công Đồng phát xuất từ những người bác bỏ lời lẽ thực sự của Công Đồng và của các vị Giáo Hoàng từng giải thích và thực thi nó hơn một nửa thế kỷ nay. Áp lực ‘duy phục chế’ trong đạo Công Giáo Mỹ không do những người mưu toan trở lại Giáo Hội trước thời Công Đồng, mà là do những người muốn soá bỏ các giáo huấn huấn quyền hậu Công Đồng của các vị Giáo Hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI”.

Chapp bồi thêm: “tôi nghĩ việc cùng chấp nhận Công Đồng của phe cấp tiến trong Giáo Hội đã làm trật đường rầy và làm méo mó các cải cách của nó trong một chiều hướng duy tục hóa nhằm rửa tội cho ý thức hệ thời đại. Sau đó, điều này dẫn nhiều người đến chỗ liên kết Công Đồng với những méo mó này và do đó phản ứng chống lại Công Đồng theo lối duy phục chế. Họ thường trưng dẫn lời tuyên bố của Chúa rằng nhờ quả biết cây và từ đó đến hình thức lập luận cổ post hoc ergo propter hoc [sau điều đó thì là vì điều đó] nghĩa là đổ lỗi cho các bản văn Công Đồng các méo mó tiếp sau đó. Tôi nghĩ đó là thứ lười biếng trí thức”.

Ai gây chiến

Cuộc chiến ở Ukraine đã vượt quá mức 100 ngày, đang gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng, kể cả của thường dân và rất nhiều xáo trộn kinh tế khắp thế giới khiến người ta mong mỏi một giải pháp hòa bình. Lạ một điều, người có cái nhìn thực tiễn như Henry Kissinger cho rằng giải pháp hòa bình là nhìn nhận đường ranh giới năm 2014 nghĩa là Ukraine phải chịu mất Crimea, kể cả vùng Donetsk. Với những người vẫn cho Nga xâm lăng Ukraine, giải pháp của Kissinger nghe thật vô lý. Nhưng với kinh nghiệm quốc tế cả hàng nửa thế kỷ nay, giải pháp của Kissinger không hẳn hoàn toàn không có cơ sở. Ít nhất cũng phản ảnh tính đa dạng của các tầm nhìn về cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay. Trong cái tính đa dạng này, Đức Phanxicô vừa góp phần qua cuộc phỏng vấn của tờ Civiltà Cattolica .

Theo VaticanNews, câu hỏi của Civiltà Cattolica là: “Dòng Chúa Giêsu có mặt tại Ukraine, thuộc tỉnh dòng (Ba Lan) của con. Chúng con đang sống cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng con viết về nó trong tập san của chúng con. Đức Thánh Cha có lời khuyên nào về việc tường trình hoàn cảnh chúng con đang trải nghiệm? Chúng con có thể đóng góp ra sao vào tương lai hòa bình?”. Và câu trả lời của Đức Thánh Cha khá dài, xin thuật lại như sau:

“Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải thoát khỏi khung suy nghĩ thông thường của 'Cô bé quàng khăn đỏ': Cô bé quàng khăn đỏ là người tốt và con sói là kẻ xấu. Ở đây không có kẻ tốt và kẻ xấu siêu hình, trong trừu tượng. Một điều gì đó có tính hoàn cầu đang xuất hiện, với các yếu tố đan xen chặt chẽ với nhau. Vài tháng trước khi chiến tranh bắt đầu, tôi đã gặp một nguyên thủ quốc gia - một nhà thông thái, người rất ít nói: quả thực rất khôn ngoan. Sau khi chúng tôi thảo luận về những điều ông muốn nói, ông nói với tôi rằng ông rất quan tâm đến cách NATO đang hành động. Tôi hỏi ông tại sao, và ông nói, 'Họ đang sủa trước cổng nước Nga. Và họ không hiểu rằng người Nga là đế quốc và họ sẽ không cho phép bất cứ thế lực nước ngoài nào tiếp cận họ.' Ông kết luận, 'Tình hình có thể dẫn đến chiến tranh.' Đó là ý kiến của ông ấy. Vào ngày 24 tháng 2, cuộc chiến bắt đầu. Nguyên thủ quốc gia đó quả có khả năng đọc được những dấu hiệu của những gì sắp xảy ra.

Những gì chúng ta đang thấy là sự tàn bạo và khốc liệt mà cuộc chiến này đang được thực hiện bởi quân đội, nói chung là lính đánh thuê, được sử dụng bởi người Nga. Trên thực tế, người Nga thích cử người Chechnya, người Syria, lính đánh thuê. Nhưng nguy hiểm là chúng ta chỉ nhìn thấy điều này, một điều quái dị, và bỏ lỡ toàn bộ bi kịch đang diễn ra đằng sau cuộc chiến này, vốn có lẽ bị kích động hoặc không bị ngăn cản cách nào đó. Tôi cũng ghi nhận sự quan tâm đến việc thử nghiệm và bán vũ khí. Điều này rất đáng buồn, nhưng dù sao đó là những gì đang bị đe dọa.

Ai đó có thể nói với tôi vào thời điểm này: nhưng ngài thân Putin! Không, tôi không hề. Sẽ là điều đơn giản hóa và sai lầm khi nói một điều như vậy. Tôi chỉ đơn giản là chống lại việc biến một tình huống phức tạp thành sự phân biệt giữa kẻ tốt và kẻ xấu, mà không tính đến gốc rễ và tư lợi vốn rất phức tạp. Trong khi chúng ta chứng kiến sự hung hãn và tàn ác của quân đội Nga, chúng ta không nên quên các vấn đề và tìm cách giải quyết chúng.

Cũng đúng khi người Nga nghĩ rằng mọi sự sẽ kết thúc trong một tuần. Nhưng họ đã tính toán sai. Họ thấy một dân tộc dũng cảm, một dân tộc đang đấu tranh để sinh tồn và có một lịch sử xung đột.

Tôi cũng phải nói thêm rằng chúng ta nhìn những gì đang xảy ra hiện nay ở Ukraine một cách nào đó vì nó gần gũi với chúng ta hơn và kích thích sự nhạy cảm của chúng ta nhiều hơn. Nhưng có những quốc gia khác ở rất xa - hãy nghĩ đến một số vùng của Châu Phi, miền bắc Nigeria, miền bắc Congo - nơi chiến tranh đang diễn ra và không ai quan tâm. Hãy nghĩ tới Rwanda cách đây 25 năm. Hãy nghĩ đến Myanmar và người Rohingya. Thế giới đang có chiến tranh. Cách đây vài năm, tôi chợt nhận ra rằng chúng ta đang trải qua một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh. Hôm nay, đối với tôi, Thế chiến III đã được tuyên bố. Đây là điều nên khiến chúng ta dừng lại để suy nghĩ. Điều gì đang xảy ra với loài người từng trải qua ba cuộc thế chiến trong một thế kỷ? Tôi đã trải nghiệm cuộc chiến đầu tiên qua ký ức của ông tôi trên sông Piave. Sau đó là thế chiến hai và bây giờ là thế chiến ba. Và điều này thật tồi tệ cho nhân loại, một tai họa. Cha phải nghĩ rằng trong một thế kỷ đã có ba cuộc thế chiến, với tất cả các hoạt động buôn bán vũ khí đằng sau nó!

Chỉ bốn năm trước, tại đây đã diễn ra lễ kỷ niệm [70 năm] cuộc đổ bộ Normandy. Và nhiều nguyên thủ quốc gia và chính phủ đã ăn mừng chiến thắng đó. Không ai còn nhớ đến hàng vạn thanh niên đã chết trên những bãi biển vào dịp đó. Khi tôi đến Redipuglia vào năm 2014 để kỷ niệm một trăm năm Thế Chiến thứ nhất — tôi xin chia sẻ một vài điều cá nhân — tôi đã khóc khi nhìn thấy tuổi của những người lính đã ngã xuống. Vài năm sau, vào ngày 2 tháng 11 - tôi đến thăm nghĩa trang vào ngày 2 tháng 11 hàng năm - tôi đến Anzio; ở đó tôi cũng đã khóc khi nhìn thấy tuổi của những người lính đã ngã xuống. Năm ngoái, tôi đã đến nghĩa trang của Pháp, và phần mộ của các chàng trai - theo đạo Thiên chúa hoặc đạo Hồi, vì người Pháp cũng phái những người đàn ông từ Bắc Phi đến để chiến đấu - cũng là những thanh niên 20, 22, 24 tuổi. Khi tôi đến Slovakia, tôi bị ấn tượng bởi số lượng phụ nữ trẻ và già. Tuy nhiên, có rất ít đàn ông lớn tuổi. Những người bà chỉ còn lại một mình. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của chồng họ.

Tại sao tôi nói với cha những điều này? Bởi vì tôi muốn tạp chí của cha đề cập đến khía cạnh con người trong cuộc chiến. Tôi muốn các tạp chí của cha làm mọi người hiểu được bi kịch nhân bản của chiến tranh. Mọi sự đều rất tốt nếu đưa ra những tính toán địa chính trị, nghiên cứu mọi sự một cách thấu đáo. Cha phải làm điều đó, bởi vì đó là công việc của cha. Nhưng cha cũng nên cố gắng truyền tải bi kịch nhân bản về chiến tranh. Bi kịch nhân bản của những nghĩa trang đó, bi kịch nhân bản của những bãi biển Normandy hay Anzio, bi kịch nhân bản của một người phụ nữ bị người đưa thư gõ cửa và là người nhận được một bức thư cảm ơn vì đã sinh một đứa con trai cho đất nước của bà, người là một anh hùng của đất mẹ... Và sau đó, bà ấy chỉ còn lại một mình. Suy ngẫm về điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho nhân loại và Giáo hội. Cha hãy thực hiện các suy tư chính trị xã hội của cha, nhưng không bỏ qua chiều kích nhân bản của chiến tranh.

Hãy quay trở lại Ukraine. Mọi người đều mở lòng ra với những người tị nạn, những người Ukraine lưu vong, thường là phụ nữ và trẻ em. Những người đàn ông ở lại để chiến đấu. Vào buổi yết kiến [11 tháng 5] tuần trước, hai bà vợ của những người lính Ukraine đang ở trong nhà máy thép Azovstal đến nhờ tôi cầu cứu để họ được giải cứu. Tất cả chúng ta đều rất nhạy cảm với những tình huống gay cấn này. Đây là những người phụ nữ có con mà người chồng thì đang chiến đấu ở đó. Những phụ nữ trẻ đẹp. Nhưng tôi tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi sự nhiệt tình giúp đỡ qua đi? Mọi thứ đã đang nguội dần: ai sẽ chăm sóc những người phụ nữ này? Chúng ta cần phải nhìn xa hơn hành động cụ thể của thời điểm này, và xem chúng ta sẽ hỗ trợ họ như thế nào để họ không rơi vào tình trạng buôn người hoặc cuối cùng bị lợi dụng, bởi vì bầy kền kền đang đi vòng quanh.

Ukraine chuyên phải chịu cảnh nô lệ và chiến tranh. Đó là một đất nước giàu có thường xuyên bị chặt phá, xé nát bởi ý chí của những kẻ muốn chiếm hữu để bóc lột nó. Cứ như thể lịch sử đã khẳng định Ukraine là một đất nước anh hùng. Nhìn thấy chủ nghĩa anh hùng này làm trái tim của chúng ta thổn thức. Đó là một chủ nghĩa anh hùng đi đôi với sự dịu dàng! Trên thực tế, khi những người lính trẻ tuổi đầu tiên của Nga đến — sau đó họ cử lính đánh thuê — thực hiện một “chiến dịch quân sự”, như họ nói, mà không biết họ sắp tham chiến, thì chính những phụ nữ Ukraine đã chăm sóc họ khi họ đầu hàng. Lòng nhân đạo cao cả, lòng nhân hậu cao cả. Phụ nữ dũng cảm. Dân tộc dũng cảm. Một dân tộc không sợ chiến đấu. Một dân tộc cần cù, đồng thời tự hào về vùng đất của mình. Ngay bây giờ, chúng ta nên nhớ lại bản sắc của người Ukraine. Đây là điều khiến chúng ta cảm động: thấy được chủ nghĩa anh hùng như vậy. Tôi thực sự muốn nhấn mạnh điểm này: chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Ukraine. Những gì trước mắt chúng ta là tình hình chiến tranh thế giới, lợi ích hoàn cầu, mua bán vũ khí và chiếm đoạt địa chính trị, đang giết chết một dân tộc anh hùng.

Tôi muốn thêm một yếu tố nữa. Tôi đã có một cuộc trò chuyện kéo dài 40 phút với Thượng phụ Kirill. Trong phần đầu, ngài đọc cho tôi một bản tuyên bố, trong đó ngài đưa ra những lý do để biện minh cho cuộc chiến. Khi ngài nói xong, tôi lên tiếng và nói với ngài, 'hiền đệ ạ, chúng ta không phải là giáo sĩ nhà nước; chúng ta là những người chăn chiên.' Tôi giả thiết sẽ gặp ngài vào ngày 14 tháng 6 tại Giêrusalem để nói về công việc của chúng tôi. Nhưng do chiến tranh, do thỏa thuận của hai bên, chúng tôi quyết định hoãn cuộc họp sang một ngày sau đó, để cuộc đối thoại của chúng tôi không bị hiểu lầm. Tôi hy vọng sẽ gặp ngài tại một đại hội đồng ở Kazakhstan vào tháng 9. Tôi hy vọng có thể chào đón ngài và nói chuyện một chút với ngài trong tư cách một mục tử”.

Như thế, nếu lược bỏ phần rất nhỏ nói tới NATO, phát biểu của Đức Phanxicô hoàn toàn phản ảnh quan điểm đúng đắn của ngôi vị Giáo Hoàng, không ai có thể phê phán, nhất là việc phải lưu ý tới bi kịch nhân bản của cuộc chiến và chủ nghĩa anh hùng của Ukraine. Nhưng khi đụng tới nguyên nhân của cuộc chiến thì sợ rằng Đức Phanxicô đi hơi quá xa vai trò của ngài. Chính vì thế mà Tổng thư ký Jens Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy khi được hỏi về lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng, đã chỉ lịch thiệp nói rất vắn tắt, theo bản dịch của Đặng Tự Do “NATO là một liên minh phòng thủ và cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến của Tổng thống Putin. Đây là cuộc chiến mà ông ta đã quyết định tiến hành chống lại một quốc gia độc lập có chủ quyền. Và những gì NATO đã làm trong nhiều năm là hỗ trợ Ukraine, một quốc gia độc lập có chủ quyền ở Âu Châu, trong việc đào tạo, hỗ trợ, cố vấn và trang bị cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Đó là điều mà các nước Đồng minh NATO và chính NATO đã làm trong nhiều năm. Đây không phải là một mối đe dọa cho bất kỳ ai. Đây không phải là một sự khiêu khích. Và đó là những gì chúng tôi tiếp tục làm. Vì vậy, chính Tổng thống Putin và Mạc Tư Khoa phải chịu trách nhiệm về hành động xâm lược tàn bạo này đối với đất nước độc lập Ukraine.”

Tưởng cũng nên lưu ý Đức Phanxicô không phải là người khởi xướng quan điểm ấy, ngài chỉ lặp lại nhận định của một nguyên thủ quốc gia “khôn ngoan” mà thôi. Không rõ vị nguyên thủ này là ai. Nhưng theo tờ Washington Examiner (https://www.washingtonexaminer.com/opinion/the-pope-agrees-with-rand-paul-about-nato-expansion-and-russia), chính khách Hoa Kỳ công khai có lập trường này là Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Rand Paul (R-KY) trong một trao đổi với Bộ trưởng ngoại giao Antony Blinken hồi tháng Tư vừa qua. Tuy nhiên, trước cả Thượng nghị sĩ này, lý thuyết NATO bành trướng đã là lý thuyết nổi bật trong địa chính trị cả hàng nhiều thập niên qua, và vốn bị Đảng Dân chủ bác bỏ.