THAM LAM TÂM LINH
“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta!”.
Một ngày mới, có người kia dâng lên Chúa một lời cầu nguyện thật ‘sốt sắng’, “Lạy Chúa, cho đến hôm nay, con đã làm mọi sự thật tốt. Con không mất bình tĩnh, không tham lam, gắt gỏng, ích kỷ hoặc quá nuông chiều bản thân. Nhưng trong vài phút nữa, con sẽ ra khỏi giường và từ đó, có lẽ, con sẽ cần rất nhiều trợ giúp của Chúa; xin đừng để bất cứ đứa nào hơn con! Amen”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Xin đừng để bất cứ đứa nào hơn con!”, thật khó để tưởng tượng một lời cầu nguyện ‘không thể chân thành hơn!’. Đó cũng là điều Tin Mừng hôm nay tiết lộ, một ‘cực đoan thánh thiện’, một ‘cảm giác sốt mến’; đúng hơn, một ‘tham lam tâm linh’ nơi Gioan, người được mệnh danh là “Con của Thiên Lôi”. Gioan đã nói một điều, xem ra, rất thiếu tự chủ, “Chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ; chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta!”.
Phải hơn người khác! Đó là bản chất của con người. Bị tinh thần này điều khiển, chúng ta dễ dàng suy nghĩ và hành động rất thế tục và lắm lúc, không lường trước được hậu quả. Cụ thể, chính tướng “Con của Thiên Lôi” đã từng buột miệng một câu khiến Chúa Giêsu tái mặt, “Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời thiêu huỷ chúng không?”; cũng như hôm nay, “Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta!”. Rõ ràng, Gioan đang đi theo một chủ nghĩa có tên là “Độc Quyền”. ‘Chủ nghĩa độc quyền’ được định nghĩa như một xu hướng nghĩ rằng, một điều gì đó chỉ tốt khi tôi làm; hoặc tôi biết, hoặc nghĩ rằng, chỉ tôi mới biết điều gì là đúng! Thế nhưng, đó chỉ là một dạng ‘tham lam tâm linh’; trong đó, chúng ta rất khó để vui mừng và ủng hộ những việc tốt của người khác. Đây là một cám dỗ nguy hiểm, nhưng lại rất phổ biến!
Những người trừ quỷ đang làm một việc rất tốt là xua đuổi một con quỷ nhân danh Chúa Giêsu, nhưng họ chỉ có một tội, “vì người ấy không theo chúng ta”. Với Gioan, đây là thứ “tội” không thể chấp nhận, phải trừ nó như trừ tà. Thật mỉa mai! Rõ ràng, tinh thần thế tục, phe nhóm đã xâm thực trọn tâm trí “người môn đệ Chúa Giêsu yêu” biết chừng nào! Một Kitô hữu lý tưởng luôn tìm kiếm những công việc của Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi người; mong cho Nước Ngài được thiết lập và mở rộng. Vì thế, chúng ta phải vui mừng khôn xiết mỗi khi chứng kiến hoạt động đó ở bất cứ nơi đâu, với bất cứ người nào. Vậy, nếu ghen tị với người khác vì điều tốt họ làm, hoặc nếu thấy mình đang xới cho ra sai lỗi nơi những gì người khác làm, thì chúng ta phải biết rằng, xu hướng ‘tham lam tâm linh’ này là tội của tôi, chứ không của ai khác!
Thật thú vị, người anh, ‘con cùng cha Thiên Lôi’ của Gioan, Giacôbê, có lẽ, đã trải nghiệm thế nào là sai lầm của cái được gọi là ‘tham lam tâm linh!’. Cuối đời, Giacôbê đã đưa ra những lời khuyên trong thư của mình hôm nay, “Nhưng này đây, anh em huênh hoang với những lời khoác lác. Mọi kiểu, huênh hoang như thế đều xấu xa. Vậy ai biết điều lành mà không làm, thì mắc tội”. Và dĩ nhiên, ‘Ai thấy điều lành nơi người khác mà không vui mừng thì mắc tội nặng hơn!’. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, nghèo khó, như Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở, “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ!”.
Anh Chị em,
Đáp lại với tinh thần thế tục của Gioan, Chúa Giêsu nói, “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”, phán quyết của Ngài thật xác đáng. Phải chăng Chúa Giêsu nhận ra, đây cũng là ‘một thứ quỷ’ nơi người môn đệ, một thứ quỷ vốn phải loại trừ. Bởi lẽ, Ngài luôn đọc tất cả hành động của con người với một trái tim bác ái; đánh giá của Ngài luôn được tô màu bởi ‘đôi kính tích cực’ khi Ngài chỉ tìm những điều tốt nhất trong mỗi người. Mọi hành động của Ngài được diễn giải bằng tình yêu. Vậy, chúng ta hãy cầu xin cho mình biết đánh giá người khác với một trái tim bác ái, một ‘trái tim Tin Mừng’ như Ngài; biết tìm những điều tuyệt vời mà Thiên Chúa đang làm trong thế giới, và biết vui mừng với những gì Ngài đang làm qua anh chị em mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết tham lam yêu mến Chúa ngày một hơn; mỗi khi con đố kỵ, cho con ý thức rằng, đây là tội của con, một tội có tên ‘tham lam tâm linh’”, Amen.
(Tgp. Huế)