Như Đức Bênêđíctô đã nhắc đến trong lá thư của ngài về Báo cáo Munich, 3 luật gia giáo luật và một luật sư đã phân tích và bác bỏ các lời chỉ trích Đức Giáo Hoàng Hưu trí trong một tuyên bố kèm theo lá thư của ngài. Sau đây là nguyên văn bản phân tích của họ, dựa vào bản tiếng Anh tại https://www.ncregister.com/news/benedict-s-advisors-provide-analysis-on-munich-abuse-report-rebutting-criticisms-full-text:



Trong báo cáo về các vụ lạm dụng trong Tổng giáo phận Munich và Freising, có tuyên bố cho rằng:

Joseph Ratzinger, trái ngược với những gì ngài tuyên bố trong bản giác thư được soạn thảo để trả lời các chuyên gia, đã có mặt tại cuộc họp của Tòa Bản quyền vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980, trong đó (vấn đề của) Linh Mục X. đã được thảo luận.

Và người ta khẳng định rằng Đức Hồng Y Ratzinger đã sử dụng linh mục này trong hoạt động mục vụ, mặc dù ngài biết các hành vi lạm dụng do vị này vi phạm, và do đó đã che đậy các hành vi lạm dụng tình dục của vị này.


Điều này không tương ứng với sự thật, theo các xác minh của chúng tôi:

Joseph Ratzinger không biết cả việc Linh mục X. là một người lạm dụng, lẫn việc đưa vị này vào hoạt động mục vụ.

Các hồ sơ cho thấy tại phiên họp của Tòa Bản quyền ngày 15 tháng Giêng năm 1980, đã không có việc quyết định cho Linh mục X. tham gia vào hoạt động mục vụ.

Các hồ sơ cũng cho thấy phiên họp được đề cập không thảo luận việc vị linh mục này đã có hành vi lạm dụng tình dục.

Nó hoàn toàn nói đến chỗ ở của Linh mục trẻ X. ở Munich vì ngài phải điều trị ở đó. Yêu cầu này đã được chấp thuận. Trong cuộc họp, lý do của liệu pháp không được đề cập.

Do đó, tại phiên họp đã không quyết định để người lạm dụng tham gia công việc mục vụ.

Trong báo cáo lạm dụng của Tổng giáo phận Munich và Freising có tuyên bố rằng:

Liên quan đến sự hiện diện của mình tại phiên họp của Tòa Bản quyền vào ngày 15 tháng 1 năm 1980, Đức Bênêđíctô XVI có thể đã cố ý khai man, có thể đã nói dối.

Điều này không đúng, thực vậy:

Lời khẳng định trong hồi ký của Đức Bênêđíctô XVI rằng ngài không tham gia cuộc họp của Tòa Bản quyền vào ngày 15 tháng 1 năm 1980 quả thực không chính xác. Và Đức Bênêđíctô XVI đã không nói dối hoặc cố ý đưa ra một tuyên bố sai:

Trong quá trình soạn thảo cuốn hồi ký, Đức Bênêđíctô XVI đã được sự hỗ trợ của một nhóm cộng tác viên. Nó bao gồm luật sư Tiến sĩ Carsten Brennecke (Cologne) và những người cộng tác về luật giáo hội: Giáo sư Tiến sĩ Stefan Mückl (Rome), người theo lệnh của Đức Bênêđíctô XVI đã kiểm tra các tài liệu, Giáo sư Tiến sĩ Helmuth Pree và Tiến sĩ Stefan Korta. Các cộng tác viên được mời đến vì Đức Bênêđíctô XVI không thể tự mình phân tích khối lượng vấn đề trong một thời gian ngắn và vì công ty luật phụ trách báo cáo chuyên môn đã đặt câu hỏi liên quan đến giáo luật, để một khuôn khổ trong giáo luật cần thiết cho câu trả lời. Chỉ có GS Mückl được phép xem các tài liệu dưới dạng điện tử, và ông không được phép lưu trữ, in hay sao chép bất cứ tài liệu nào. Không có các cộng tác viên nào khác được phép xem các tài liệu. Sau khi Giáo sư Mückl xem xét các tài liệu kỹ thuật số (8,000 trang) và phân tích chúng, một bước xử lý tiếp theo được tiến hành bởi Tiến sĩ Korta, người đã vô tình mắc lỗi sao chép. Tiến sĩ Korta đã ghi nhầm rằng Joseph Ratzinger không có mặt trong cuộc họp của Tòa Bản quyền vào ngày 15 tháng 1 năm 1980. Các cộng tác viên đã bỏ sót mục nhập sai sót này về một sự vắng mặt không xảy ra. Họ đã dựa vào dấu hiệu sai lầm được đưa vào một cách sai lầm khi không hỏi rõ ràng Đức Bênêđíctô XVI xem ngài có hiện diện trong phiên họp đó hay không. Trên cơ sở sao chép sai sót các biên bản, thay vào đó, người ta đã cho rằng Joseph Ratzinger đã không có mặt. Đức Bênêđíctô XVI, do quá gấp rút phải kiểm tra ký ức của mình trong vài ngày, với giới hạn thời gian do các chuyên gia ấn định, đã không nhận thấy sai lỗi, nhưng tin vào việc sao chép được cho là vắng mặt của ngài.

Người ta không thể gán lỗi sao chép này cho Đức Bênêđíctô XVI như một lời tuyên bố sai lầm có ý thức hoặc "lời nói dối".

Hơn nữa, không có nghĩa gì để Đức Bênêđíctô cố tình bác bỏ sự hiện diện của ngài tại phiên họp: thực vậy, biên bản phiên họp có báo cáo các tuyên bố của Joseph Ratzinger. Do đó, sự hiện diện của Joseph Ratzinger là hiển nhiên. Hơn nữa, vào năm 2010, một số bài báo đưa tin - sau đó không bị phủ nhận - về sự hiện diện của Đức Hồng Y Ratzinger tại phiên họp. Tương tự, một tiểu sử của Đức Bênêđíctô XVI được xuất bản năm 2020 nói rằng: "Với tư cách một giám mục, trong phiên họp của Tòa Bản quyền năm 1980, ngài chỉ đồng ý cho linh mục được đề cập có thể đến Munich để chịu liệu pháp tâm lý" (Peter Seewald, Benedikt XVI., Droemer Verlag 2020, trang 938).

Báo cáo lập luận rằng:

Báo cáo của các chuyên gia cũng buộc tội Đức Bênêđíctô XVI có hành vi sai trái trong ba trường hợp khác. Thực thế, ngay trong những trường hợp này, ngài cũng đã biết rằng các linh mục là những người lạm dụng.

Điều này không tương ứng với sự thật, theo xác minh của chúng tôi, thực vậy:

Không có trường hợp nào được phân tích bởi báo cáo của chuyên gia là Joseph Ratzinger biết về hành vi lạm dụng tình dục hoặc nghi ngờ lạm dụng tình dục của các linh mục. Báo cáo của các chuyên gia không cung cấp bằng chứng ngược lại.

Về trường hợp của Linh mục X. đã được thảo luận công khai trong phiên họp của Tòa Bản quyền năm 1980 liên quan tới chỗ ở sẽ được cấp cho ngài để trị liệu, cùng một chuyên gia - trong cuộc họp báo ngày 20.01.2022 nhân dịp trình bày về báo cáo lạm dụng - tuyên bố rằng không có bằng chứng cho thấy Joseph Ratzinger đã biết về điều đó. Đối với câu hỏi sau đó của một nhà báo liệu các chuyên gia có thể chứng minh rằng Joseph Ratzinger đã biết rằng linh mục X. đã có hành vi lạm dụng tình dục, chuyên gia khẳng định rõ ràng rằng không có bằng chứng cho thấy Joseph Ratzinger biết điều đó. Chỉ theo ý kiến chủ quan của các chuyên gia nhân chứng nó mới “nhiều xác suất hơn” mà thôi.

Vào phút thứ 2:03:46 câu hỏi của nhà báo có thể được tìm thấy: "Câu hỏi của tôi cũng vẫn đề cập đến trường hợp của Linh mục X. Liệu công ty luật có thể chứng minh rằng Đức Hồng Y Ratzinger khi đó đã biết rằng Linh mục X. là kẻ lạm dụng không? ‘rất có xác suất’ trong bối cảnh này có nghĩa gì?" [...]

Một chuyên gia trả lời, "[...] Nhiều xác suất hơn có nghĩa là chúng tôi giả định nó với xác suất cao hơn. [...]".

Báo cáo của các chuyên gia không có bằng chứng đối với cáo buộc hành vi sai trái hoặc âm mưu trong bất cứ sự che đậy nào.

Với tư cách một tổng giám mục, Đức Hồng Y Ratzinger không tham gia vào bất cứ hành vi che đậy lạm dụng nào.

Báo cáo cáo buộc rằng:

Trong hồi ký của mình, Đức Bênêđíctô XVI bị cáo buộc đã hạ thấp tác phong phô trương (chỗ kín). Để làm chứng cho khẳng định này, dấu hiệu sau đây trong cuốn hồi ký được tường thuật: "Linh mục xứ X. có tiếng là người thích phô trương, nhưng không phải là một người lạm dụng theo đúng nghĩa".

Điều này không tương ứng với sự thật, thật vậy:

Trong hồi ký của mình, Đức Bênêđíctô XVI đã không giảm thiểu hành vi phô trương, nhưng đã lên án rõ ràng hành vi đó. Cụm từ được sử dụng làm bằng chứng cáo buộc làm giảm thiểu tác phong phô trương được đưa ra ngoài ngữ cảnh.

Thực vậy, trong cuốn hồi ký, Đức Bênêđíctô XVI đã nói một cách rõ ràng rằng các cuộc lạm dụng, kể cả tác phong phô trương, là "khủng khiếp", "tội lỗi", "đáng trách về mặt đạo đức" và "không thể sửa chữa được". Trong đánh giá giáo luật về biến cố này, được các cộng tác viên chúng tôi đưa vào hồi ký và phát biểu theo phán đoán của chúng tôi, chỉ mong muốn nhắc lại rằng theo giáo luật hiện hành, tác phong phô trương không phải là tội phạm theo nghĩa hẹp, vì quy định hình sự liên hệ không bao gồm hành vi thuộc loại đó.

Do đó, hồi ký của Đức Bênêđíctô XVI không giảm thiểu tác phong phô trương, nhưng đã lên án nó một cách rõ ràng và dứt khoát.

Bản xác minh bằng sự kiện này do các cộng tác viên soạn thảo bằng tiếng Đức. Nếu có bất cứ sự khác biệt nào về ngôn ngữ trong diễn trình dịch thuật, bản tiếng Đức sẽ được ưu tiên áp dụng.

Giáo Sư Tiến Sĩ Stefan Mückl - Rôma (Giáo luật)
Giáo Sư Hưu trí Tiến sĩ Mag. Helmuth Pree - "Ludwig-Maximilians-Universität" ở Munich (Giáo luật)
Tiến sĩ Stefan Korta - Buchloe (Giáo luật)
Luật sư Tiến sĩ Carsten Brennecke - Cologne (Quyền tự do ngôn luận)