Theo AsiaNews (https://www.asianews.it/news-en/Ecumenism-looks-to-the-East-54923.html), năm nay, Hội đồng các Giáo hội Trung Đông đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị các bản văn cho Tuần Cầu nguyện được cử hành trên khắp thế giới từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng cho việc hợp nhất Kitô giáo. Về phần mình, cộng đồng Taizé đang kêu gọi những người trẻ tuổi đến Thánh địa vào tháng 5 tham dự một giai đoạn mới của “Cuộc hành hương tín thác khắp Trái đất”.
Trung Đông vốn là một trong những góc khuất của thế giới, nơi những vết thương của lịch sử đã tạo ra sự chia rẽ rất sâu sắc giữa các Kitô hữu. Tuy nhiên, nó cũng là một phòng thí nghiệm độc đáo cho các Giáo hội, nơi họ được kêu gọi hàng ngày cố gắng sống thực với những thử thách của việc cùng nhau bước đi.
Đây là một trong những lý do mà Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Việc Hợp nhất Kitô giáo và Ủy ban Đức tin và Trật tự của Hội đồng các Giáo hội Thế giới giao nhiệm vụ cho Hội đồng các Giáo hội Trung Đông chuẩn bị các bản văn hướng dẫn Tuần Cầu nguyện cho việc Hợp nhất Kitô giáo năm nay, sẽ được tổ chức từ 18 đến 25 tháng Giêng trên khắp thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà câu Tin Mừng Mátthêu 2: 2 được chọn làm chủ đề, tập trung vào phương Đông là nơi ngôi sao xuất hiện, cổ vũ các đạo sĩ lên đường đến Bêlem để thờ phượng Chúa Giêsu.
Được thành lập năm 1962 với tên Hội đồng các Giáo hội Cận Đông, Hội đồng các Giáo hội Trung Đông có trụ sở tại Beirut tập hợp các cộng đồng Kitô giáo từ các quốc gia khác nhau như Ai Cập và Iran. Các Giáo Hội Công Giáo trong khu vực đã gia nhập Hội đồng vào năm 1990.
Như lời dẫn nhập nói: “Ngôi sao mọc ở phương đông (Mt 2:2). Chính từ phương đông, mặt trời mọc, và từ miền Trung Đông, ơn cứu độ đã xuất hiện bởi lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta, Đấng ban bình minh cho chúng ta từ trên cao (Lc 1:78). Nhưng lịch sử của Trung Đông đã và vẫn đang vẩn đục bởi tranh chấp và xung đột, nhuốm máu và đen tối bởi bất công và áp bức".
“Các Kitô hữu ở Trung Đông, khi cung ứng những nguồn tài liệu này cho Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hợp nhất Kitô giáo, ý thức rằng thế giới chia sẻ nhiều gian khổ và khó khăn họ từng trải qua, đồng thời khao khát một ánh sáng dẫn họ tới Đấng Cứu thế có thể vượt thắng bóng tối.
“Đại dịch COVID-19 hoàn cầu, cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo và sự thất bại của các cơ cấu chính trị, kinh tế và xã hội trong việc bảo vệ những người yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất, đã làm nổi bật nhu cầu hoàn vũ về một ánh đèn chiếu sáng trong bóng tối.
“Ngôi sao tỏa sáng ở phương đông, ở Trung Đông, hai ngàn năm trước vẫn mời gọi chúng ta đến máng cỏ, đến nơi Chúa Kitô giáng sinh. Nó lôi kéo chúng ta đến nơi Thánh Thần của Thiên Chúa đang sống động và hoạt động, đến thực tại phép rửa của chúng ta, và đến sự biến đổi trái tim chúng ta.
“Sau khi gặp gỡ Đấng Cứu Thế và cùng nhau thờ phượng Người, các đạo sĩ quay trở lại đất nước họ bằng một con đường khác, đã được cảnh báo trong một giấc mơ. Tương tự như vậy, sự hiệp thông mà chúng ta chia sẻ trong lời cầu nguyện với nhau phải linh hứng chúng ta quay trở lại với cuộc sống, với Giáo Hội và thế giới của chúng ta bằng những con đường mới. Du hành bằng nẻo đường mới là một lời mời gọi thống hối và canh tân trong đời sống bản thân, trong Giáo Hội và trong xã hội của chúng ta.
“Theo Chúa Kitô là con đường mới của chúng ta, và trong một thế giới đầy biến động và thay đổi, các Kitô hữu phải luôn cố định và kiên định như các chòm sao và các hành tinh sáng chói. Nhưng điều này có ý nghĩa gì trong thực hành? Phục vụ Tin Mừng ngày nay đòi hỏi một dấn thân bảo vệ phẩm giá con người, đặc biệt nơi những người nghèo nhất, yếu đuối nhất và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
“Nó đòi hỏi từ các Giáo Hội sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc ứng xử với thế giới và với nhau. Điều này có nghĩa là các Giáo Hội cần hợp tác để cứu trợ những người đau khổ, chào đón những người phải di cư, đỡ nâng những người mang gánh nặng, và xây dựng một xã hội công bằng và lương thiện.
“Đây là lời kêu gọi các Giáo Hội làm việc với nhau để những người trẻ tuổi có thể xây dựng một tương lai phù hợp với trái tim của Thiên Chúa, một tương lai trong đó tất cả nhân loại có thể trải nghiệm cuộc sống, hòa bình, công lý và tình yêu. Con đường mới giữa các Giáo Hội là con đường hợp nhất hữu hình mà chúng ta hy sinh tìm kiếm với lòng can đảm và gan dạ để ngày này qua ngày khác, ‘Thiên Chúa có thể là tất cả trong tất cả’ (1 Cor 15:28)”.
Một dấu hiệu nhỏ khác đang hướng về vùng này của thế giới. Cộng đồng đại kết của Taizé đã quyết định thực hiện ở Đất Thánh giai đoạn tiếp theo của “Cuộc hành hương Tín thác khắp Trái đất” mà người sáng lập Tu Huynh Roger đã khởi đầu.
Sáng kiến, được cổ vũ trong sự hợp tác của các Giáo Hội ở Đất Thánh và Viện Đại kết Tantur (được thành lập ở Bêlem sau chuyến tông du lịch sử của Đức Phaolô VI vào năm 1964), sẽ bao gồm các người trẻ tuổi từ 18 đến 35 thuộc mọi tuyên tín trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 5.
Cũng như phong cách của các buổi gặp gỡ do cộng đồng Taizé cổ vũ, các người trẻ sẽ được các gia đình Kitô hữu của Đất Thánh chào đón vào nhà của họ. Điều này đặc biệt quan trọng vì đại dịch đã khiến hầu hết các cuộc hành hương đến Giêrusalem bị đình chỉ trong hai năm qua. Hy vọng rằng việc Israel dỡ bỏ các hạn chế đi lại gần đây sẽ giúp họ dễ dàng hơn.
Một trong những tu huynh của cộng đồng Taizé đã ở Đất Thánh được vài tuần nay để chuẩn bị cho biến cố này. Ông viết: “Gặp gỡ nhiều người trong phần đất phức tạp của thế giới này, người ta có ấn tượng bởi sự kiện này là: tất cả đều nói đến sự cấp thiết phải hỗ trợ lẫn nhau bằng cách cùng nhau đi tới nguồn hy vọng và tín thác. Há đây không phải là điều chúng ta muốn trải nghiệm trong cuộc hành hương tín thác khắp trái đất hay sao?"