1. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của đám cháy gây chết người nhất của thành phố New York trong nhiều thập kỷ qua
Đức Thánh Cha Phanxicô đang cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn gây chết chóc nhiều nhất trong nhiều thập kỷ qua của thành phố New York, Vatican cho biết hôm thứ Hai.
Một bức điện ngày 10 tháng Giêng cho Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York cho biết rằng Giáo hoàng đã gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình của 19 người, trong đó có 9 trẻ em, đã thiệt mạng trong một vụ cháy chung cư ở Bronx vào hôm Chúa Nhật.
“Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất đau buồn khi biết về trận hỏa hoạn kinh hoàng gần đây ở Bronx, trong đó một số trẻ em đã thiệt mạng,” thông điệp do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ký thay mặt Đức Giáo Hoàng.
“Khi gửi lời chia buồn chân thành và sự bảo đảm về sự gần gũi thiêng liêng của mình với những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này, Đức Thánh Cha giao phó các nạn nhân và gia đình của họ cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa Toàn năng và cầu khẩn ơn an ủi và sức mạnh trong Chúa.”
Vụ cháy, được cho là do máy sưởi cá nhân, made in China, gây ra trong một chung cư cao tầng, bắt đầu ngay trước 11 giờ sáng ngày 9 tháng 12 tại một tòa nhà 120 căn, 19 tầng có tên là Twin Parks trên đường East 181st.
Thị trưởng Eric Adams cho biết: “Đây sẽ là một trong những vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trong thời hiện đại.”
Source:National Catholic Register
2. Tối Cao Pháp Viện Pakistan cho phép một Kitô Hữu bị cáo buộc tội báng bổ được tại ngoại
Theo một luật sư nổi tiếng, Tòa án Tối cao Pakistan quyết định cho một Kitô hữu bị buộc tội báng bổ được tại ngoại. Phán quyết này sẽ mang lại hy vọng cho những người khác phải đối mặt với cáo buộc tương tự.
Luật sư Saif ul Malook hoan nghênh phán quyết của tòa án vào ngày 6 tháng Giêng theo đó Nadeem Samson được tại ngoại hầu tra.
“Đây là phán quyết rất quan trọng, là phán quyết đầu tiên trong lịch sử tư pháp của Pakistan,” vị luật sư cho biết trong một cuộc gọi video được báo cáo với Jubilee Campaign, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy nhân quyền.
Samson, được Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, xác định là một người Công Giáo, đã bị bắt vào năm 2017 và bị giam ở Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan, sau một vụ tranh chấp tài sản.
Anh ta bị buộc tội xúc phạm Nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad theo Mục 295-C của Bộ luật Hình sự Pakistan.
Những người ủng hộ người đàn ông 42 tuổi tin rằng anh ta đã bị vu oan bằng một tội danh có thể dẫn đến cái chết ở Pakistan, một nước cộng hòa Hồi giáo ở Nam Á với dân số gần 227 triệu người.
Malook, người đại diện cho Asia Bibi, một bà mẹ Công Giáo được tha bổng vì tội báng bổ vào năm 2018, đã kiến nghị lên Tòa án Tối cao tại phiên điều trần vào ngày 5 tháng Giêng để phá bỏ thông lệ từ chối bảo lãnh cho những người bị buộc tội báng bổ.
Nhưng khi được hỏi liệu đơn kiện thành công của anh ta có phải là tín hiệu cho thấy cuối cùng Samson sẽ được trả tự do hay không, luật sư Malook nói: “Đó là một chuyện khác.”
Luật sư Malook lưu ý rằng những người bị buộc tội báng bổ, ngay cả khi không có bằng chứng gì cả, phải đối mặt với những rủi ro đáng kể, và nhấn mạnh rằng “khi Nadeem Samson ra tòa, anh ta có thể bị giết bất cứ lúc nào.”
Có khoảng 4 triệu Kitô hữu, trong đó có hơn một triệu người Công Giáo, ở Pakistan.
Tổ chức bác ái Open Doors xếp Pakistan là quốc gia tồi tệ thứ năm trên thế giới trong việc bách hại các tín hữu Kitô.
Open Doors cho biết: “Các tín hữu Kitô ở Pakistan phải đối mặt với sự ngược đãi nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực cuộc sống của họ”.
Trong số những người hiện đang chờ xét xử vì tội báng bổ cũng có những người theo chủ nghĩa nhân văn, Ahmadis, những người Hồi Giáo Sunnis và Shiite.
Vào tháng 10 năm 2021, các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc đã chỉ trích cách đối xử với Stephen Masih, một tín hữu Công Giáo ở quận Sialkot, thuộc tỉnh Punjab. Anh bị bắt vào năm 2019 sau một vụ tranh chấp với một người hàng xóm. Ba tháng sau khi bị bắt, anh ta được thông báo rằng anh ta đã bị buộc tội báng bổ.
Tòa án ở Sialkot đã từ chối yêu cầu tại ngoại của Masih vào tháng 8 năm 2021.
Các chuyên gia cho biết: “Thật đáng báo động khi chỉ vì một bất đồng giữa những người hàng xóm với nhau có thể dẫn đến hành vi lạm dụng tư pháp đối với một cá nhân, vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng khác của họ, và lạm dụng các luật chống báng bổ để dẫn đến án tử hình”.
Source:Catholic News Agency
3. Sự ra đi của tổng thư ký CDF khởi đầu cho sự thay đổi rung chuyển bộ này
Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm quan chức cấp thứ hai tại Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, về một giáo phận nhỏ của Ý. Đây là diễn biến đầu tiên trong một loạt các động thái dự kiến sẽ cải tổ hàng lãnh đạo của cơ quan hàng đầu phụ trách về đức tin của Giáo Hội.
Ngày 10 tháng Giêng, Tòa Thánh thông báo rằng Đức Tổng Giám Mục Giacomo Morandi đã được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm lãnh đạo Giáo phận Reggio Emilia-Guastalla của Ý, thay thế Giám mục Massimo Camisasca, người vừa tròn 75 tuổi vào tháng 11.
Việc bổ nhiệm một quan chức thuộc hàng thứ hai của Vatican cho một giáo phận nhỏ của Ý không có khả năng tạo ra các tiêu đề trên báo chí. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với bộ phận cũ của Đức Cha Morandi nói với The Pillar rằng đây là diễn biến đầu tiên trong một loạt các động thái thay đổi nhân sự đã được mong đợi kể từ cuối năm ngoái, 2021.
“Kể từ khi vị Giám Mục đến gặp Đức Giáo Hoàng vào tháng 12, người ta đã hiểu rằng ngài sẽ ra đi,” một nguồn tin cấp cao của Vatican thân cận với Bộ Giáo lý Đức tin nói với The Pillar vào sáng thứ Hai.
Trong khi tin đồn đã râm ran trong nhiều tuần, tin tức về việc Đức Cha Morandi đang chờ được tái bổ nhiệm bắt đầu bị rò rỉ trên một số blog của Ý vào cuối tuần qua. Một số người đã ghi nhận động thái phản đối được cho là của Đức Tổng Giám Mục đối với Tự Sắc Traditionis Custodes, là chủ trương của Đức Phanxicô về việc hạn chế Hình thức Ngoại thường của Thánh lễ.
Đức Giáo Hoàng đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Morandi vào ngày 18 tháng 12, cùng ngày mà Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã đưa ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi khác nhau về việc thực hiện Tự Sắc này. Những phản hồi đó đã gây ra tranh cãi đáng kể và đặt ra những câu hỏi liên quan đến khía cạnh pháp lý của những phản hồi đó.
Một số blog theo chủ nghĩa truyền thống đã suy đoán rằng thời gian diễn ra cuộc họp của Đức Giáo Hoàng với Đức Tổng Giám Mục Morandi gắn liền với sự phản đối các phản ứng của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, gọi tắt là CDW, và dẫn đến sự ra đi của ngài. Nhưng một số nguồn tin thân cận với CDF nói với The Pillar rằng thời gian tiếp kiến của ngài không liên quan đến việc phát hành phản hồi của CDW, và theo sau một cuộc tiếp kiến khác dành cho cấp trên của ngài, là Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, tổng trưởng CDF, và người kế nhiệm ngài trong vai trò tổng thư ký, là Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, trong những tuần trước.
Một nguồn tin mô tả việc bổ nhiệm Đức Cha Morandi là một cách để “tạo chỗ” tại CDF cho Đức Tổng Giám Mục Scicluna, Tổng giám mục hiện tại của Malta, có thể trở lại toàn thời gian với tư cách tổng thư ký của bộ. Đức Tổng Giám Mục Scicluna đã giữ chức vụ phụ tá tổng thư ký của bộ kể từ năm 2018.
Cũng nguồn tin này đã dự đoán một thông báo về sự trở lại của Đức Tổng Giám Mục Scicluna trước phiên họp toàn thể hai năm một lần của Bộ Giáo Lý Đức Tin, bắt đầu vào tuần tới.
Source:Pillar Catholic