Dưới áp lực của luật pháp Trung Quốc, một công ty Kinh thánh kỹ thuật số đã xóa ứng dụng của mình khỏi các dịch vụ trên cửa hàng ứng dụng của Apple tại Trung Quốc trong khi bản thân Apple cũng xóa ứng dụng Kinh Qur'an khỏi cửa hàng Trung Quốc theo yêu cầu của các quan chức Trung Quốc.
Công ty nói với BBC News: “Trong tiến trình tái xét của Apple Store, Olive Tree Bible Software đã bị buộc phải cung cấp giấy phép chứng minh quyền phân phối một ứng dụng có nội dung từ sách hoặc tạp chí ở Trung Quốc đại lục”.
“Vì chúng tôi không có giấy phép và chúng tôi cần phải làm sao để bản cập nhật ứng dụng của mình được phê duyệt và cung cấp cho khách hàng, nên chúng tôi đành chấp nhận giải pháp xóa ứng dụng Kinh thánh khỏi Apple Store ở Trung Quốc”.
Công việc của Olive Tree Bible Software trên các phiên bản kỹ thuật số của Kinh thánh đã có từ nhiều thập kỷ trước. Người sáng lập Drew Haninger đã phát triển các chương trình Kinh thánh cho Palm Pilot và các thiết bị di động đầu tiên khác vào cuối những năm 1990. Nó cũng cung cấp nhiều bản dịch Kinh thánh. Trang web của công ty có trụ sở tại Spokane liệt kê một số ấn bản Công Giáo bằng tiếng Anh của Kinh thánh, mặc dù công ty nói thêm là một số phiên bản vẫn chưa hoàn tất.
Những khó khăn tương tự cũng đã ảnh hưởng đến một công ty sản xuất phiên bản kỹ thuật số của Kinh Qur'an.
Quran Majeed, do Pakistan Data Management Services sản xuất, có hơn 35 triệu người dùng và 1 triệu người dùng ở Trung Quốc. Công ty cho biết theo Apple, ứng dụng đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc của Apple “vì nó bao gồm các nội dung đòi hỏi các giấy phép bổ sung từ các cơ quan chức năng Trung Quốc”. Công ty cho biết họ đang làm việc để liên hệ với Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và các quan chức Trung Quốc có liên quan để giải quyết vấn đề.
Apple từ chối bình luận với BBC, lưu ý rằng: “Chúng tôi buộc phải tuân thủ luật pháp địa phương và đôi khi có những vấn đề phức tạp mà chúng tôi có thể không đồng ý với các chính phủ nhưng vẫn phải chấp nhận.”
Audible, một dịch vụ sách nói và podcast do Amazon sở hữu cũng vấp phải vấn đề tương tự. Audible đã xóa ứng dụng của mình khỏi cửa hàng Apple ở Trung Quốc đại lục vào tháng 9.
Microsoft gần đây đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa mạng xã hội tập trung vào nghề nghiệp LinkedIn ở Trung Quốc vì những thách đố trong việc tuân thủ các quy tắc của Trung Quốc. LinkedIn bị chỉ trích vì chặn hồ sơ của một số nhà báo.
BBC News đưa tin rằng: các ứng dụng bị cấm ở Trung Quốc bao gồm các ứng dụng liên quan đến các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, phong trào tôn giáo Pháp Luân Công, Đức Đạt Lai Lạt Ma và các hoạt động đòi độc lập cho Tây Tạng và Đài Loan.
Source:Catholic News Agency