Không thiếu tác giả gọi các khuynh hướng phụng vụ khác nhau, nhất là các quan điểm trái ngược nhau về phụng vụ là cuộc chiến phụng vụ (liturgy war). Một trong những tác giả này là Paul Baumann, người, ngày 27 tháng 7 vừa qua, trên tạp chí Công Giáo cấp tiến Commonweal, viết bài The Liturgy Wars, Why They Won’t Go Away? (Các Cuộc Chiến Tranh Phụng Vụ, Tại Sao Chúng Không Biến Mất?)
Tác giả này thú nhận ngay ở đầu bài báo là ông có đến hai tâm tư về tông thư Traditionis Custodes của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một tông thư tái áp đặt các hạn chế đối với việc sử dụng thánh lễ cổ truyền bằng tiếng Latinh mà trước đây Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã loại bỏ. Vì một đàng, ông tin rằng tính đa nguyên phụng vụ thường là một điều tốt lành. Thực vậy, Giáo Hội Công Giáo từ lâu vốn thừa nhận tính hợp pháp của các nghi lễ Đông phương như Melkite, Maronite, Công Giáo Hylạp, và nhiều Giáo Hội khác hiệp thông với Rôma.
Và ông đặt câu hỏi: “Há lại không nên xét đoán thánh lễ cổ truyền bằng tiếng Latinh chỉ dưới khía cạnh liệu nó có xây dựng Giáo Hội không hay sao?”
Ông không trả lời câu hỏi đó ngay, nhưng trình bầy tâm tư thứ hai: “Mặt khác, tôi hiểu rằng việc có sự chia rẽ sắc nét trong nghi thức phụng vụ chính trong Giáo Hội Công Giáo đặt ra nhiều âu lo nghiêm trọng đối với việc hợp nhất Giáo Hội. Chắc chắn, một số, nếu không phần lớn, những người sùng mộ Thánh Lễ theo Công Đồng Trent có xu hướng tự coi họ như một giáo hội trong Giáo Hội, thậm chí có lẽ còn như số sót thánh thiện (holy remnant) nữa.
Mối quan tâm chính của Đức Giáo Hoàng là mối đe dọa mất hợp nhất gây ra bởi những vùng lọt vào giữa (enclaves) như vậy, ngày càng được dìu dắt bởi các linh mục trẻ hơn, tự cho mình là 'chính thống', những người, giống như nhiều giáo dân của họ, nghi vấn các cải cách của Công đồng Vatican II. Trong lá thư của mình, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng những người tham dự các các buổi phụng vụ theo nghi thức của Công Đồng Trent phải tuyên bố rõ ràng ‘tính hợp lệ và hợp pháp’ của các cải cách của Công đồng Vatican II. Ngài cũng cấm các nhóm sử dụng các giáo xứ khi cử hành nghi thức của Công Đồng Trent, đây rõ ràng là một nỗ lực nhằm ngăn cản sự hấp dẫn và tăng trưởng của các cộng đồng cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh”.
Nói thế rồi Baumann cho rằng phản ứng dữ dội của những người sùng mộ Thánh Lễ bằng tiếng Latinh càng làm tăng độ chính xác trong lo âu của Đức Phanxicô rằng những người này là nguyên nhân tạo chia rẽ trong Giáo Hội. Lo âu này thực ra không phải của riêng Đức Phanxicô mà của rộng rãi Giám Mục hoàn cầu được ngài tham khảo.
Sau đó, tác giả cho biết trong thập niên 1990, ông có tham dự một Thánh lễ theo hình thức ngoại thường, một thánh lễ có đủ mùi hương và tiếng chuông “nhưng tôi không bao giờ cảm thấy được bay bổng lên thực tại siêu việt. Dĩ nhiên, điều ấy có thể là một thất bại về phần tôi. Một thập niên hay hơn sau đó, tôi tham dự một phiên họp của những người sùng mộ thánh lễ Latinh với ý định sẽ viết về phiên họp này. Phiên họp bắt đầu và kết thúc với việc đọc kinh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, một lời kêu gọi gây chiến vũ trụ. Giữa những việc này, có khá nhiều phát biểu kiểu đạo giáo (cult) về Armageddon (chiến tranh tận diệt) và khá nhiều kết án Công đồng Vatican II. Tôi không bao giờ viết bài báo đó”.
Tóm lại, tác giả không ưa thánh lễ theo hình thức ngoại thường. Điều này do hồi còn học thần học, tác giả được học với nhà phụng vụ học nổi tiếng Aidan Kavanagh, OSB.
Ông kể: “Năm 1988, 25 năm sau khi du nhập các cải cách phụng vụ của Vatican II, Kavanagh đã viết một bài bình luận về một nghiên cứu gần đó về cách các cải cách đã được thực hiện và tiếp nhận ra sao. Phải nói ngay, ngài là một người ủng hộ mạnh mẽ các hành động của Công đồng. Như ngài cho biết trong bài báo của ngài, việc ngài nghiên cứu khi còn là nghiên cứu sinh ở Đức đã đóng một vai trò nho nhỏ trong việc thuyết phục các giám mục của Công đồng rằng phụng vụ cần được cải tổ.
“Kavanagh không có ảo tưởng về bất cứ nỗ lực nào để hồi sinh Thánh lễ Công Đồng Trent, một nỗ lực mà ngài coi như một ‘sai lầm lớn, thường có ý tốt nhưng vẫn lầm lẫn’. Ngài biết rõ việc thờ phượng là như thế nào trong 'thời kỳ vàng son' trước công đồng mà những người duy truyền thống luôn mong mỏi thiết tha. Ngài viết: ‘Đó là những ngày mà qui tắc phụng vụ chính là tính tối giản (minimalism), lòng đạo đức là một điều gì khác thế, và phụng vụ không có gì là thần học về nó ngoại trừ mô thức và chất thể cần thiết cho việc pha chế hợp lệ các bí tích. Đến thế kỷ 20, phụng vụ Công Đồng Trent là một phụng vụ chứa đầy những thứ phi luận lý (non sequitur). Nó hiếm khi được thực hiện tốt, nhưng chứa đủ các yếu tố cuối thời trung cổ và baroque … để gây tò mò cho những người có xu hướng tối tăm’”.
Baumann cho rằng hầu hết những người Công Giáo trung thực đối với Giáo Hội trước Công đồng Vatican II phải xác nhận lượng định của Kavanagh.
Theo ông, vì chúng ta biết nhiều hơn về Giáo hội sơ khai và việc thờ phượng của nó hơn Công đồng Trent, nên theo quan điểm của Kavanagh, nghi thức cải cách “phong phú hơn một cách không thể nào so sánh được”, Công Giáo hơn và thậm chí còn truyền thống hơn nghi thức Trent.
Nhưng điều nghịch lý, theo Baumann, là Kavanagh cũng “không có ảo tưởng nào về việc cải cách đã được thực hiện ra sao. Ngài lập luận rằng những cải cách này là những điều chưa từng có cả về phạm vi và tốc độ chúng được chấp hành. Ấy thế nhưng, các tác phong nghi lễ không đơn giản dễ thao túng như thế. Ngài không nghi vấn về động cơ hay đức tin của các giáo sĩ và giáo dân thực hiện các cải cách, nhưng ngài nghi vấn về phán đoán và kiến thức của họ về điều gì làm cho các thực hành nghi lễ có hiệu quả. Ngài viết: ‘Không hẳn phải chịu quá ít thay đổi, phụng vụ Rôma hiện nay, nếu có, phải chịu tính dị thường của quá nhiều thay đổi được thực hiện quá nhanh. Nếu duy trì quá lâu như thế, sự hồ đồ sẽ dẫn đến mất tinh thần, thiếu tự tin và cuối cùng là nhẫn nhục, một trống rỗng. Đủ mọi thứ dồn dập kéo đến để lấp đầy khoảng trống này’”.
Nói tóm lại, theo Kavanagh, hình thức ngoại thường không phục vụ phần rỗi từ bản chất, còn hình thức bình thường cũng không phục vụ phần rỗi vì bị thực thi sai.
Thành thử đối với Baumann, “điều đó dường như là một mô tả thích đáng về cuộc khủng hoảng phụng vụ đang diễn ra, một cuộc khủng hoảng đã chứng kiến những người Công Giáo bỏ Thánh lễ Chúa nhật hàng loạt và tất cả đều làm ngơ những Ngày Lễ Buộc. Kavanagh tin rằng quá nhiều kỳ vọng của tầng lớp trung lưu đương thời đã đổ xô tới để lấp đầy khoảng trống mới, buộc các chiều kích ‘hàng dọc’ của phụng vụ phải tùng phục ‘hàng ngang’. Quá nhiều thánh lễ đã trở thành một cử hành cộng đồng và hội chúng, và không đủ việc tôn thờ Thiên Chúa của Ápraham, Isaác, Giacóp và Chúa Giêsu Kitô. Ngài viết ‘Tôi thấy rất ít điều phản văn hóa trong các buổi phụng vụ của giáo xứ được báo cáo trong cuộc nghiên cứu’. Một lý do dường như là việc giảm nhấn mạnh tới sự thánh thiện siêu việt của Thiên Chúa, và do đó là sự thiếu phẩm chất này nơi những người thờ phượng’".
Theo Baumann, Kavanagh lập luận rằng Giáo hội tự hiểu mình “như một đối trọng (counterpoise) đặc biệt đối với thế giới,” và phụng vụ phải nuôi dưỡng “một tinh thần thờ phượng trong việc hướng đời sống về phía Thiên Chúa”. Nếu không, người Công Giáo sẽ bắt đầu tìm kiếm một thay thế cho tinh thần đó ở nơi khác. Theo quan điểm của Kavanagh, những niềm phấn khích và sự sùng kính hời hợt đang thấm nhiễm nền văn hóa đại chúng là chỗ nhiều người đang hướng đến.
Theo Baumann, phải thừa nhận rằng Kavanagh có xu hướng vẽ những nét tổng quát, nhưng việc suy giảm nhanh chóng trong niềm tin vào Sự hiện diện Thực sự và vào tư cách thành viên của Giáo hội kể từ năm 1988 dường như xác nhận nhiều nỗi sợ hãi của ngài. Ngài biết chủ nghĩa tồn cổ tối tăm của Thánh lễ Latinh không phải là câu trả lời. Nhưng khẳng định “tính hợp lệ và hợp pháp của cuộc cải cách phụng vụ” mà thôi cũng không đủ. Thánh lễ không nên chỉ để an ủi các tín hữu; như Kavanagh đã viết, nó phải làm chúng ta khó chịu trong khi nó an ủi chúng ta. Những người bảo vệ cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng không nên tự mãn về những vấn đề trong việc thực hiện nó. Bao lâu những vấn đề đó còn kéo dài, thì sự cám dỗ muốn tìm kiếm nơi khác cũng sẽ kéo dài như vậy.
Quả hiếm thấy một tác giả cấp tiến lại có quan điểm trung thực và quân bình như trên về cuộc chiến phụng vụ. Thiển nghĩ, Kavanagh suy tư không khác gì Đức Phanxicô trong Traditionis Custodes và nhất là trong thư gửi các Giám Mục hoàn cầu.
Tiếc rằng người của ngài tại Washington D.C. là Hồng Y Gregory dường như lại không nghĩ như thế. Mà chỉ biết nhắm vào một phía: phía Thánh lễ ngoại thường. Nên Cha De Souza, trong bài “Pope Francis’ Motu Proprio Places New Burden on Bishops, Particularly on Cardinal Gregory” mong rằng người của Đức Phanxicô ở thủ đô Hoa Kỳ khi tuân hành chỉ thị của xếp lớn ở Rôma ngăn cấm Thánh Lễ Ngoại Thường dự trù cử hành tại Vương cung Thánh đường Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm vào ngày 14 tháng 8 này, do Đức Tổng Giám Mục Thomas Gullickson, cựu sứ thần Toà thánh, thì cũng có can đảm tuân hành chỉ thị của xếp lớn ở Rôma mà làm vế kia của phương trình nghĩa là “mỗi lần ngài nâng búa lên bắt chấp hành Traditionis Custodes, thì tín hữu của ngài tự hỏi liệu búa có tương tự được giáng xuống các lạm dụng phụng vụ trong ‘hình thức bình thường’ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng kết án trong Traditionis Custodes” hay không.
Nếu không, theo Cha de Souza, “chính tinh thần chia rẽ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô than thở sẽ gia tăng tại Washington”.