Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI đã phát biểu lo ngại về việc thiếu đức tin trong các định chế Giáo hội ở Đức.
Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, vị giáo hoàng hưu trí đã đưa ra những bình luận trên trong một cuộc trò chuyện bằng văn bản trong số tháng 8 của tạp chí Đức Herder Korrespondenz, đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày ngài được truyền chức linh mục.
Ngài nói: “Trong các định chế của Giáo hội – các bệnh viện, trường học, Caritas - nhiều người tham gia vào các chức vụ quyết định nhưng không chia sẻ sứ mệnh nội bộ của Giáo hội và do đó, trong nhiều trường hợp, đã che khuất chứng tá của các định chế này”.
Trong cuộc trao đổi với Tobias Winstel, vị Giáo Hoàng 94 tuổi này đã suy tư về khái niệm “Amtskirche”, một thuật ngữ tiếng Đức có thể được dịch là “Giáo Hội định chế” và được sử dụng để chỉ một số lượng lớn các cơ cấu và định chế được tài trợ bởi thuế Nhà thờ ở Đức.
Ngài viết: “Hạn từ ‘Amtskirche’ được đặt ra để phát biểu sự tương phản giữa những gì được yêu cầu chính thức và những gì được tin tưởng một cách bản vị. Từ ‘Amtskirche’ ám chỉ sự mâu thuẫn bên trong giữa những gì đức tin thực sự đòi hỏi và biểu thị và sự phi bản vị hóa nó”.
Ngài gợi ý rằng nhiều bản văn do Giáo hội Đức ban hành được soạn thảo bởi những người mà đức tin chủ yếu chỉ có tính định chế.
Ngài nhận xét “Theo nghĩa này, tôi phải thừa nhận rằng đối với phần lớn các bản văn của Giáo hội định chế ở Đức, hạn từ ‘Amtskirche’ thực sự đã được áp dụng”.
Ngài tiếp tục: “Chừng nào trong các bản văn của Giáo hội định chế chỉ có văn phòng, chứ không có trái tim và tinh thần, thì cuộc xuất hành ra khỏi thế giới đức tin sẽ còn tiếp diễn”.
Đức Bênêđíctô, người từng là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican trước khi được bầu làm giáo hoàng, nói: “Đó là lý do tại sao đối với tôi lúc đó, cũng như bây giờ, điều quan trọng là đưa người ta ra khỏi vỏ bọc của chức vụ và mong chờ một chứng tá đức tin thực sự bản thân từ các người phát ngôn của Giáo hội”.
Trong cuộc trò chuyện, Đức Bênêđíctô cũng thảo luận về một vấn đề mà ngài đã nhấn mạnh vào năm 2011, trong chuyến tông du cuối cùng của ngài tới Đức trước khi từ chức Giáo hoàng vào năm 2013.
Trong một bài diễn văn ở Freiburg, một thị trấn đại học ở tây nam nước Đức, ngài đã ngầm chỉ trích một số khía cạnh của Giáo hội Đức, đề cập đến xu hướng dành “sức nặng cho việc tổ chức và định chế hóa” hơn là “ơn gọi hướng tới việc cởi mở đối với Thiên Chúa” của Giáo hội.
Trong bài phát biểu, Đức Bênêđíctô kêu gọi một "Giáo hội tách rời khỏi tinh thần thế gian", sử dụng cụm từ tiếng Đức "entweltlichte Kirche."
Cựu giáo hoàng nói với Herder Korrespondenz rằng giờ đây ngài cảm thấy thuật ngữ này không thỏa đáng.
Ngài viết, “Từ‘ Entweltlichung ’[‘tách khỏi tinh thần thế gian’] chỉ phần tiêu cực của phong trào mà tôi quan tâm. Qua nó, sự tích cực không được thể hiện đầy đủ".
Ngài nói, thay vào đó, đây là việc bước ra khỏi các ràng buộc của một thời điểm đặc thù “để bước vào tự do của đức tin”.
Trong cuộc trao đổi bằng văn bản, Đức Bênêđíctô cũng cảnh báo người Công Giáo chống lại nguy cơ tìm cách “trốn chạy vào tín lý thuần túy”.
Đức Bênêđíctô, người đứng đầu ngành tín lý của Vatican từ năm 1982 đến năm 2005, nói rằng việc ráng trốn như thế là “hoàn toàn không thực tiễn”.
Ngài nói: “Một tín lý nếu chỉ hiện hữu như một điều tự nhiên được bảo tồn tách biệt khỏi thế giới hàng ngày của đức tin và các nhu cầu của nó thì cùng một lúc sẽ là chính sự từ bỏ đức tin”.
Trong cuộc đàm luận, Đức Bênêđíctô cũng được hỏi liệu ngài có phải là một mục tử tốt khi ngài phục vụ tại nhà thờ Máu Thánh ở quận Bogenhausen của Munich sau khi thụ phong vào ngày 29 tháng 6 năm 1951 hay không.
“Tôi có là một linh mục và mục tử tốt hay không, tôi không dám đánh giá,” ngài trả lời và nói thêm rằng ngài đã cố gắng “sống theo những yêu cầu của thừa tác vụ và việc thụ phong của tôi”.